medium_DSC2101.jpg

Tiền diện phía Bắc của Tòa Bạch Ốc.

medium_DSC2102.jpg

Sân cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc.

medium_DSC2103.jpg

Tượng Tổng Thống thứ 7 Hoa Kỳ Andrew Jackson trong công viên Lafayette phía Bắc Bạch Cung.

medium_DSC2104.jpg

Dưới trạm xe điện ngầm ở Washington, DC.

medium_DSC2105.jpg

Một ngôi nhà ở Arlington, ngoại ô thủ đô Washington DC.


Tòa Bạch Cung hay còn gọi là Bạch Ốc (Nhà Trắng) là nơi cư ngụ và làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ. Tọa lạc ở số 1600 Pennsylvania Avenue NW ở Washington, DC, Tòa Bạch Cung được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ái Nhĩ Lan (Ireland) tên James Hoban, được xây từ năm 1792 đến 1800 theo kiểu Georgian và được sơn trắng. John Adams là tổng thống đầu tiên vào cư ngụ trong Bạch Cung từ ngày 1 tháng 11, 1800.

Ði xe điện Amtrak từ New York về đến nhà ga Union Station của thủ đô Washington, DC, chúng tôi được người bạn thân thời còn trung học ra đón và lái xe đưa về nhà ở phía bên kia sông Potomac thuộc thành phố Arlington, Virginia. Nhà bạn ở gần trạm xe điện ngầm Clarendon trên một con đường vắng ăn thông ra đại lộ Wilson Boulevard là con đường huyết mạch nối thủ đô Washington, DC với khu thương mại Việt Nam Eden thuộc thành phố kế cận là Falls Church.

Tắm táp qua loa xong, bạn tôi rủ ra nhà hàng anh ta gần nhà để ăn tối. Nhà hàng chỉ một căn nhưng ấm cúng lịch sự, buổi tối toàn là khách người Mỹ. Anh ta có trí nhớ rất dai, gặp một người nhớ tên, nhớ mặt, đôi khi nhớ cả ngày sinh nhựt. Khách Mỹ đến một lần, lần thứ hai trở lại là anh gọi đúng tên. Khách đến tổ chức tiệc sinh nhật, anh ta ghi sổ năm sau gởi thiệp mừng sinh nhật đến nhà khách, khách nào mà không trở lại? Ăn tối tiệc sinh nhật đông người, nhà hàng tặng bánh sinh nhật, xâm banh, đèn cầy, khách người Mỹ rất lấy làm cảm động, lần sau đưa thêm bạn bè cùng tới! Anh ta cho biết khách Mỹ dễ dãi và rộng rãi, thí dụ khách gọi món gỏi cuốn, đưa ra nhầm món bì cuốn, khách không phàn nàn (chắc không phân biệt được hai món khác nhau) lại để “tip” rất hậu hĩ. Tiếp khách Mỹ cần phải khá tiếng Anh, nhà hàng một cô mặc áo dài đón khách, đưa vào bàn và ghi những món khách đặt (order), cô ngồi thu tiền cũng áo dài lịch sự còn bạn tôi thắt cà vạt chuyên đi lòng vòng tiếp khách và điều động nhân viên. Ngoài tiếp đón thân mật niềm nở, một chuyện quan trọng khác là nhà vệ sinh phải thật sạch vì khách nghĩ rằng nhà vệ sinh sạch là bếp núc, thức ăn đều sạch mặc dù hai thứ sau khách ít khi vào xem. Ðó là những bí quyết thành công trong nghề làm nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của anh ta.

Sáng hôm sau cũng ra tiệm ăn của bạn làm một tô hủ tiếu “Lam Vang” và nhấm nháp một ly cà phê sữa. Hồi xưa độc thân hai chúng tôi sống chung với nhau ở Sài Gòn, biết tính tôi thích cà phê đậm, bạn tôi pha cho một tách cà phê thật đen, ít sữa đặc và không đường, đúng gu cà phê sữa ở bến Ninh Kiều ngày trước, khác với cà phê “xây bạt xĩu” là ly sữa bỏ chút cà phê. Xong xuôi đâu đó hai vợ chồng tôi sẽ sang bên Washington, DC rong chơi một vài nơi đến chiều mới về. Chỗ ngủ có nhà bạn, ăn uống thì ghé nhà hàng của bạn, cứ theo thực đơn mà kêu, còn đi chơi thì dùng xe điện ngầm.

Hệ thống xe điện ngầm ở Washington, DC

Hệ thống xe điện ngầm ở Washington, DC hoạt động từ 1976, hiện nay (2010) có 5 tuyến đường tỏa ra đi khắp 9 hướng với 86 trạm xe và tổng chiều dài đường rây 106.3 mile (171.1 km). Ðây là hệ thống xe điện ngầm lớn thứ nhì trên nước Mỹ chỉ sau New York, trong năm 2008 có đến 215.3 triệu người sử dụng hệ thống giao thông này, tính trung bình mỗi ngày có 727,684 lượt người đi. Hệ thống xe điện ngầm ngoài phục vụ hữu hiệu trong vùng trung tâm thủ đô lại còn kéo dài sang các quận lân cận của 2 tiểu bang Virginia và Maryland với 5 tuyến đường màu Ðỏ, Lục, Cam, Vàng, Xanh, hiện đang xây tuyến màu Bạc (Silver Line) sẽ hoàn tất năm 2013 với 11 trạm mới được thêm vào hệ thống hiện có. Hệ thống có 50 miles (80 km) đường ngầm dưới mặt đất trong những vùng trung tâm thủ đô đông đúc nhà cửa với 47 trạm xe ngầm, số còn lại ở vùng ngoại ô, đường xe điện và nhà ga đều ở trên mặt đất. Trạm chính ở trung tâm thủ đô là trạm Metro Center nơi có 3 đường xe Ðỏ, Cam và Lục gặp nhau là trạm bận rộn nhất. Những nơi người Việt chúng ta hay lui tới như Thương Xá Eden ở Falls Church, Chợ Tàu và những địa điểm du lịch ở khu trung tâm đều có đường xe điện ngầm đi qua rất thuận tiện, vừa nhanh chóng, vừa rẻ tiền hơn là đi Taxi.

Từ nhà hàng ở Arlington, chúng tôi xuống trạm Clarendon nằm trên tuyến xe màu Cam chạy theo hướng Ðông Tây và cũng có đi ngang qua trạm xe chính Metro Center. Chúng tôi mua vé đi nguyên ngày cho rẻ tiền, muốn đi đâu trong 5 tuyến xe đều được. Ngày thường xe điện hoạt động từ 5 giờ sáng cho đến nửa đêm (riêng đêm Thứ Sáu và Thứ Bảy đến 3 giờ sáng) và Thứ Bảy, Chủ Nhật xe chạy từ 7 giờ sáng (muốn biết thêm chi tiết có thể vào www.wmata.com). Ðịa điểm đầu tiên chúng tôi tới là Tòa Bạch Cung, sau khi qua 3 trạm xe chúng tôi ra ở trạm Farragut West gần ngã tư I Street NW và 17th Street NW cách Tòa Bạch Ốc 2 block đường về hướng Bắc. Nơi đây rất đông du khách mặc dù hiện nay không được vào thăm viếng Tòa Bạch Ốc theo từng đoàn như những năm trước biến cố 11 tháng 9, 2001 nhưng du khách có thể vào chơi các công viên xanh tươi ở phía Bắc và Nam Tòa Bạch Ốc, nơi đây có những xe bán thức ăn và giải khát cũng như có hình tổng thống bằng giấy cứng để du khách đứng cạnh chụp hình.

Tòa Bạch Ốc

Tòa Bạch Ốc được xây dựng sau khi Quốc Hội quyết định thành lập Ðặc khu Columbia và chọn nơi đây làm thủ đô Hoa Kỳ ngày 16 tháng 7, 1790. Tổng thống đầu tiên George Washington cùng với kỹ sư Pierre L'Enfant, người trách nhiệm thiết kế thành phố Washington đã chọn địa điểm này. Người vẽ đồ án tòa nhà là James Hoban người đảo Ái Nhĩ Lan (kế Anh Quốc) nên ông lấy kiểu dinh thự của một công tước ở Dubin, Ái Nhĩ Lan là tòa nhà Leinster (nay là tòa nhà Quốc Hội Ái Nhĩ Lan) để vẽ kiểu Tòa Bạch Ốc. Công việc xây dựng tiến hành chậm chạp mất 8 năm vì lúc đầu định tuyển mộ nhân công từ Âu Châu sang nhưng ít ai chịu đi sang một vùng đất mới hoang vu nên phải quay trở lại tìm nhân công địa phương là những người Mỹ gốc Phi Châu là những người nô lệ vì 2 tiểu bang nhượng đất thành lập Ðặc khu Columbia là Virginia và Maryland vẫn còn chủ trương duy trì nô lệ. Phí tổn xây Tòa Bạch Ốc tốn $232,371.83 thời ấy tương đương với $2.4 triệu ngày nay. Lúc ban đầu tòa nhà đơn giản, phần tiền diện ở phía Bắc nhìn ra đường Pennsylvania, cổng sau nhìn ra đường Constitution như ta thấy ngày nay chỉ được xây thêm vào năm 1825 cũng như chưa có hai dãy nhà ở cánh Ðông và Tây như hiện nay.

Năm 1814 trong cuộc chiến tranh với người Anh, quân Anh tấn công Washington và thiêu rụi nhiều tòa nhà chính quyền trong đó có Tòa Bạch Ốc. Binh lính Anh đốt cháy tòa nhà chỉ còn trơ trọi những bức tường đen đúa và lấy đi nhiều tài sản quý giá, sau này người ta tìm lại được 2 món là bức tranh chân dung George Washington được Ðệ Nhất Phu Nhân Dolley Madison mang ra ngoài và một hộp nữ trang của gia đình Tổng Thống Franklin Roosevelt do một người Canada hoàn trả năm 1939. Người này nói ông nội của ông đã lấy hộp này từ Washington nay trả lại cho Washington. Sau khi đốt phá thành phố, binh linh Anh rút về Halifax (trên đảo Nova Scotia phía Ðông Canada) và đoàn tàu đã bị bão tố đánh chìm ngoài khơi Prospect nên những tài sản cướp được cũng chìm dưới đáy biển đến nay vẫn chưa biết vị trí để thu hồi lại.

Tòa Bạch Ốc đã được tu sửa nhiều lần dưới nhiều đời tổng thống, vào đầu 1900 kiến trúc phụ ở Cánh Tây được xây thêm để làm văn phòng cho số lượng nhân viên ngày càng gia tăng. Nơi đây có văn phòng tổng thống gọi là Phòng Bầu Dục cũng như phòng họp nội các. Kế cận là tòa nhà Eisenhover sát phía đường bên ngoài vòng rào là ban nhân viên thuộc Phủ Tổng Thống làm việc. Ở dãy nhà Cánh Ðông hiện là văn phòng của Ðệ Nhất Phu Nhân cũng như ban nhân viên của bà được xây thêm vào năm 1942. Xây vào thời kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến đầu tiên với mục đích che giấu các công sự phòng thủ xây bên dưới để chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp. Tòa Bạch Ốc mới nhìn vào người ta tưởng nó chỉ có một hoặc hai tầng nhưng thật ra nó có đến 6 tầng tất cả. Ngôi nhà chính có tầng trệt và 3 tầng lầu bên trên cũng như 2 tầng hầm phía dưới với diện tích tổng cộng 5,100 m2 (55,000 sq ft). Có tất cả 132 phòng và 35 phòng tắm, 8 cầu thang, 3 thang máy, có sân quần vợt, rạp chiếu phim, hồ bơi, đường chạy bộ, sân chơi bowling v.v...

Ðến đời Tổng Thống Jefferson mở cửa cho công chúng vào xem tòa nhà theo từng đoàn và thông lệ này được duy trì cho đến những năm sau này. Sau ngày khủng bố tấn công New York, 11 tháng 9, 2001, Tòa Bạch Ốc đóng cửa không cho dân chúng vào xem nữa. Hiện nay muốn vào xem phải ghi danh trước ít nhất 6 tháng và sẽ được thông báo cho biết ngày giờ vào xem và cũng đi theo từng đoàn.

Chúng tôi còn đi nhiều nơi nữa trên những khu phố quanh Tòa Bạch Ốc cho đến chiều lên xe trở về nhà bạn. Nhà không có ai vì hai vợ chồng bạn ở ngoài nhà hàng. Nghỉ ngơi cho khỏe rồi chúng tôi kéo ra nhà hàng ngồi nói chuyện xưa và ăn tối. Cơm xong thấy anh ta bận rộn khách khứa, chúng tôi lang thang đi bộ vừa ngắm cảnh ngoại ô thủ đô vừa đi thể thao luôn thể. Con đường Wilson tuy gọi là “Boulevard” tiếng Việt thường dịch ra là “Ðại Lộ” nhưng đây không phải là con đường rộng lớn mà là con đường dài xuyên qua nhiều thành phố. Ðoạn đường ở đây gần nhà ga Metro Clarendon nên có rất nhiều tiệm ăn, quán cà phê có những nơi bày bàn ghế ra vỉa hè trông cũng có nét Âu Châu. Chiều tối nên khách bộ hành tan sở lên xuống ga cũng đông đảo, nếu không có tấm bảng đen đề chữ “Metro” khó biết bên dưới là nhà ga. Qua những khu nhà ở, trên những con đường nhỏ nhiều cây cối, thấy nhà nơi đây toàn nhà lầu 2 tầng và phía dưới bao giờ cũng có tầng hầm (basement). Tường bên ngoài nhà nào cũng xây bằng gạch nung đỏ và mái lợp ngói có độ dốc cao để chống tuyết. Ban đêm thấy những đóm sáng bay bay tôi tưởng mắt mình có triệu chứng hào quang hay đom đóm gì đó nhưng hỏi vợ tôi thì bà cũng thấy như vậy. Hóa ra đó là những con đom đóm thật, hơn 30 năm ở Mỹ sống trong vùng Nam Cali không thấy đom đóm bao giờ nên tôi tưởng xứ Mỹ không có những con đó và không biết trong tiếng Anh gọi là gì, lật tự điển ra mới biết tiếng Mỹ gọi là “fire-fly.” Ở Việt Nam đom đóm ngày xưa mang nhiều kỷ niệm tuổi học trò:

“Khi đêm sang đom dóm đong đưa,

giờ nàng đã ngủ chưa?

Ði lang thang khuya lắc khuya lơ,

đèn nhà ai tắt sớm.

Gom suy tư thao thức đêm khuya,

chàng bèn viết lá thư.

Hai hôm sau mới dám đưa thư,

nàng nhận nhưng làm thinh.”

(Nhạc phẩm “Gặp Nhau Làm Ngơ” của Trần Thiện Thanh)

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét