Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia (National Gallery of Art) ở Washington DC là một trong những viện bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới, mở cửa cho công chúng vào xem miễn phí quanh năm (chỉ đóng cửa 2 ngày lễ lớn là Giáng Sinh và ngày đầu năm). Nhà triển lãm thuộc chính quyền Hoa Kỳ nhưng không trực thuộc Viện Smithsonian như hầu hết nhà bảo tàng ở Washington DC, tọa lạc ở National Mall và cơ sở có hai tòa nhà nằm cạnh nhau: tòa nhà cũ ở hướng Tây trưng bày những họa phẩm từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18 và tòa nhà mới ở hướng Ðông tàng trữ và triển lãm nghệ thuật đương đại.
Tòa nhà mới phía Ðông của Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia.
Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật là viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia được thành lập năm 1937 với ngân quỹ xây cất và các tác phẩm nghệ thuật trưng bày ban đầu do ông Andrew W. Mellon hiến tặng. Sau đó những bộ sưu tầm khác do nhiều người lần lượt bổ sung tặng cho nhà nước được trưng bày ở đây gồm có các họa phẩm, bản vẽ, ấn phẩm, ảnh chụp, tượng điêu khắc, huy chương và những món trang trí nghệ thuật bắt nguồn từ nền nghệ thuật Tây Âu từ thời Trung Cổ cho đến ngày nay trong đó có một tác phẩm hội họa của nhà danh họa Leonardo da Vinci duy nhất trên lục địa Mỹ Châu.
Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia ở
Lịch sử thành lập nhà triển lãm nghệ thuật
Nhà tài chánh và ngoại giao Andrew W. Mellon từ Ðệ Nhất Thế Chiến đã sưu tầm tìm mua nhiều họa phẩm và tượng điêu khắc để làm của riêng cho mình nhưng vào cuối thập niên 1920, ông âm thầm dự định muốn chuyển bộ sưu tầm nghệ thuật của mình trở thành viện trưng bày nghệ thuật của quốc gia Hoa Kỳ. Kế hoạch của ông lại rõ hơn khi người ta thấy vào năm 1930 ông cho thành lập Quỹ Từ Thiện Giáo Dục mang tên ông và quỹ này trở thành chủ nhân hợp pháp của viện trưng bày nghệ thuật mà ông đang thực hiện. Năm sau quỹ từ thiện này lần đầu tiên đã tiếp nhận 21 bức tranh từ Viện Bảo Tàng Hermitage ở St. Petersburg (Nga) kể cả tác phẩm “Alba Madonna” của danh họa Raphael và “The Annunciation” của Jan van Eyck. Trước đó ít lâu ông Mellon có tiếp xúc với vị tổng thư ký mới nhậm chức của Viện Smithsonian là Charles Greeley Abbot và năm 1931 ông Mellon được đề cử làm một thành viên trong hội đồng quản trị Viện Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia thuộc Viện Smithsonian.
Khu trưng bày điêu khắc trong nhà triển lãm nghệ thuật
Khi giám đốc viện này về hưu, ông Mellon muốn ông Abbot đừng bổ nhiệm giám đốc mới vì ông dự định sẽ tặng viện nghệ thuật này một cơ sở mới với kinh phí mở rộng thêm bộ sưu tập để Viện Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia có một bộ mặt mới. Tuy nhiên vì vụ án thuế má của ông liên quan đến việc mua các bức họa từ Bảo Tàng Hermitage khiến kế hoạnh phải thay đổi và năm 1935 trên báo Washington Star ông tuyên bố thành lập nhà trưng bày mới tách ra khỏi Viện Smithsonian. Tháng 1, 1937, Quốc Hội ban hành đạo luật chuẩn thuận đề nghị của ông và cho xây nhà bảo tàng mới trên National Mall. Nhà bảo tàng nghệ thuật mới này tự điều hành, không thuộc Viện Smithsonian nhưng mang tên cũ của nhà bảo tàng nghệ thuật của Smithsonian là “National Gallery of Art” và nhà bảo tàng của Smithsonian đổi tên thành “National Collection of Fine Art” (hiện giờ là Smithsonian American Art Museum cũng tọa lạc gần đó về phía Tây).
Bức tranh “Ginevra de' Benci” vẽ năm 1476 của Leonardo da Vinci trưng bày trong nhà triển lãm.
Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia được giao cho kiến trúc sư John Russell Pope (ông này cũng là tác giả của Ðài Tưởng Niệm Jefferson) xây dựng. Ngày 17 tháng 3, 1941, việc xây cất hoàn tất và Tổng Thống Franklin D. Roosevelt khánh thành nhưng cả hai ông Mellon và Pope không được chứng kiến vì đã chết trong tháng 8, 1937, hai người chết cách nhau không đầy 24 tiếng đồng hồ chỉ 2 tháng sau khi việc xây cất được khởi công. Nhà bảo tàng nghệ thuật này thời đó là kiến trúc lớn nhất bằng đá hoa cương tọa lạc trên nền cũ của nhà ga xe lửa Ðường Số 6 là nơi tổng thống thứ 20 của Mỹ là James Garfield bị ám sát năm 1881.
Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia sau khi mở cửa được nhiều người hưởng ứng và hiến tặng các tác phẩm nghệ thuật cũng như tài chánh với tính cách cá nhân như 2 người con ông Mellon là Paul Mellon và Ailsa Mellon Bruce, Samuel H. Kress, Rush H. Kress, Chester Dale, Joseph Widener, Lessing J. Rosenwald, Edgar William và Bernice Chrysler Garbisch.
Tòa nhà triển lãm phía Ðông được xây vào thập niên 1970 trên phần đất còn lại Quốc Hội đã cấp với sự tài trợ kinh phí của hai người con ông Mellon. Ðược xây bởi kiến trúc sư I.M. Pei, kiến trúc kiểu dáng tân thời này được Tổng Thống Jimmy Carter khánh thành ngày 1 tháng 6, 1978. Tòa nhà mới này dùng để trưng bày những tác phẩm đương đại bao gồm tranh ảnh, bản vẽ, tượng hình và ấn phẩm cũng như làm nơi nghiên cứu nghệ thuật và các văn phòng. Phần cuối cùng được thêm vào quần thể Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia là khu vườn tượng điêu khắc “National Gallery of Art Sculpture Garden” ở về phía Tây được mở năm 1999, đây là khu vườn ngoài trời có những bức tượng nghệ thuật theo phong thái mới, những cây cảnh bông hoa và một hồ nước mùa Ðông nơi đây làm sân chơi trượt tuyết.
Khu vườn trong nhà triển lãm nghệ thuật.
Chúng tôi đến thăm Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia vào buổi sáng sau khi ra khỏi trạm xe điện ngầm Smithsonian. Vào tòa nhà chính là West Building bằng phía dãy công viên cỏ xanh National Mall, tòa nhà hoàn thành năm 1941 bên ngoài cẩn đá hoa cương màu hồng lấy từ Tennessee với kiểu kiến trúc Tân Cổ Ðiển (Neoclassical) tiền diện là gian nhà theo kiểu Hy Lạp với 8 cột to chống mái nhà hình tam giác. Hai dãy nhà chạy dài cân đều hai bên và giữa là gian đại sảnh phía trên có mái vòm hình bán cầu theo kiểu đền Pantheon ở Rome. Bên trong tòa nhà phía Tây trưng bày những họa phẩm sơn dầu của Âu Châu từ thời Trung Cổ cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là những bức tranh của các họa sĩ Mỹ. Tôi không rành mấy về nghệ thuật nhưng nghe người ta nói nơi đây giá trị nhất là những bức tranh Ý thời Phục Hưng (Italian Renaissance) nên vừa vào là lấy bản đồ tòa nhà và tìm xem các bức tranh thời Phục Hưng. Quả không sai khu triển lãm tranh thời Phục Hưng rất đông du khách và cũng không thiếu nhân viên an ninh. Tác phẩm lớn nhất là bức “Maest” khổ 84 x 156 inches (213 x 396cm) của Duccio di Buoninsegna vẽ trong năm 1308 đến 1311 là bức hoành phi để phía sau bàn thờ diễn tả Ðức Bà Mary ngồi bế Chúa Hài Ðồng chung quanh là các thánh. Chất liệu bức tranh là dầu sơn có đặc tính phản chiếu ánh sáng (pigment) trộn với lòng đỏ trứng và kim sa (vụn vàng), nhìn bức tranh rất óng ánh và thay đổi ánh sáng khi người xem di chuyển. Nguyên gốc bức tranh là từ thành phố Siena bên Ý Ðại Lợi. Tác phẩm khác là “Adoration of the Magi” là tranh tròn vào thế kỷ 15 của 2 họa sĩ Fra Angelico và Fhilippo Lippi diễn tả 3 nhà hiền triết đi viếng Chúa Hài Ðồng ở Bethlehem, màu sắc tươi thắm huy hoàng. “Magi” ở đây có nghĩa là nhà hiền triết. Cùng chủ đề này ở nhà bảo tàng cũng có tranh của Botticelli (1445-1510) cũng họa sĩ người Ý. Bức “Adoration of the Shepherds” của Giorgione (1477-1510) tả hai người chăn dê đi viếng Chúa Hài Ðồng, bức tranh “The Feast of the God” của Giovanni Bellini.
Người ta chú ý xem nhiều nhất là bức tranh của Leonardo da Vinci trưng bày nơi đây có tên là “Ginevra de' Benci” (1457-1520) vẽ năm 1476 khuôn mặt phụ nữ cùng tên thuộc dòng dõi quí tộc được người cùng thời ở Florence ngưỡng mộ sự thông minh của cô. Bức tranh khổ nhỏ (14 x 15 inches) này nhìn gần giống như bức “Mona Lisa” cùng tác giả đang trưng bày ở Viện Bảo Tàng Louvre Paris, với chất liệu bằng sơn dầu trên gỗ được Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật mua với giá 5 triệu USD từ Princely House ở tiểu quốc Liechtenstein (Âu Châu). Ðây là giá cao nhất cho một bức tranh thời đó được mua từ quỹ của Ailsa Mellon Bruce để lại và là bức tranh duy nhất của Leonardo da Vinci trên lục địa Mỹ Châu, hiện ông còn khoảng 17 bức trên thế giới. Nói về Ailsa Mellon Bruce (1901-1969) giống cha là Andrew W. Mellon bà cũng là người yêu nghệ thuật, vừa đẹp vừa giàu có. Bà kết hôn với một người sau trở thành đại sứ Mỹ ở Anh quốc nhưng sau đó ly dị. Khi bà qua đời năm 1969 để lại 153 bức tranh phần nhiều của các họa sĩ Pháp và bà cống hiến tất cả cho Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia do cha sáng lập.
Ở tòa nhà chính phía Tây còn có những họa phẩm của Jan Vermeer, Rembrandt van Rijn, Claude Monet, Vincent Van Gogh. Về tượng điêu khắc ở đây không nhiều như tranh, có các tác phẩm của 2 nghệ sĩ người Pháp là Auguste Rodin và Edgar Degas.
Tòa nhà mới phía Ðông triển lãm về nghệ thuật đương đại trong đó có hàng chục bức tranh lập thể của Pablo Picasso (1881-1973) sanh ở Tây Ban Nha nhưng chết ở Pháp và thọ 91 tuổi. Ông này trước cũng có vẽ những tranh cổ điển nhưng sau chuyển sang vẽ theo lối lập thể (Cubism) dùng hình khối để diễn tả con người và trừu tượng theo cái nhìn của ông. Ông sang Paris năm 1900 và giao thiệp với nhiều thi văn nghệ sĩ trong số đó có thi sĩ Max Jacob người giúp Picasso học văn chương, ngôn ngữ. Picasso ở chung phòng với Jacob vì phòng chật chỉ có một cái giường nên thi sĩ Jacob ngủ ban đêm, Picasso phải thức làm việc vẽ tranh. Vì nghèo không có tiền nên hầu hết các bức tranh của Picasso vẽ thời đó đều đốt để sưởi ấm căn phòng ! Ngoài Picasso còn có tác phẩm của Henri Matisse, Jackson Pollock, Andy Warhol, Roy Lichtenstein và Alexander Calder ông này là nhà điêu khắc tạo hình người Mỹ sáng chế ra nghệ thuật bằng những hình thể treo trên không (gọi là mobile). Tòa nhà phía Ðông chú trọng về nghệ thuật mới, trừu tượng nên thuộc loại cổ điển như tôi không thích mấy vì xem không hiểu gì! Cũng như có một bức họa của Picasso đề tựa nghe rất hấp dẫn là “Nude Woman” tìm tới xem thì như... một đống sắt vụn chẳng thấy người đâu! Không bằng 4 bức ảnh “Cung Ðàn Mạt Pháp” của Dân Huỳnh mới triển lãm ở Bolsa với cô người mẫu Việt da thịt đầy... ấn tượng!
Giữa hai tòa nhà nối nhau bằng một đường hầm rộng rãi nằm dưới đường số 4 (4th Street) gọi là “Concourse” trang trí rất đẹp với hàng ngàn ngọn đèn, có lối đi di động để du khách đỡ vất vả. Hành lang đường hầm có gian hàng bán đồ kỷ niệm, tiệm sách, quán cà phê “Cascade Café” phía dưới tòa nhà phía Ðông nhìn ra thác nước đổ xuống trên một bức tường. Quán có thức ăn nhẹ, giá cả không đắt, là nơi lý tưởng để nghỉ chân, thư giãn, nhìn thác để... “Ðêm thấy ta là thác đổ” (tên một bản nhạc của TCS).
Nhà hàng lớn nhất ở tầng dưới tòa nhà phía Tây có tên là “Garden Café” thực đơn thay đổi tùy theo mùa, hôm chúng tôi đến phục vụ thực đơn Pháp có rượu vang, Buffet với giá 19.75 USD có súp củ hành, xà lách, pa tê gan gà, thịt nguội “Jambon de Bayonne,” gà nấu rượu và nhiều thứ phó mát chánh gốc Pháp.
Viếng thăm nhà triển lãm nghệ thuật vài bà du khách Mỹ than phiền kiểm soát an ninh ở Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia quá khó khăn như trước khi vào cửa bị khám xét tất cả những món đồ mang theo, không được mang vào bóp xách hay món đồ lớn hơn kích thước 17 x 26 inches (43 x 66cm) (có thể gởi miễn phí ở phòng kiểm soát ngay các cửa vào). Học sinh không được mang túi sách (pack bag) trên lưng, em bé không được mang trước bụng hay nải sau lưng (có xe đẩy em bé miễn phí). Không được dùng điện thoại di động trong nhà triển lãm. Máy ảnh cá nhân thì được phép dùng trừ những nơi có bảng cấm nhưng không được dùng chân chống hoặc chân 3 càng. Không được ăn uống ngoài phạm vi các quán ăn, quán cà phê. Các bà than phiền rằng nhân viên an ninh thiếu thiện cảm nhưng cũng phải thông cảm vì bên trong nhà triển lãm chứa đựng hàng ngàn bức tranh quý giá như riêng bức “Ginevra de' Benci” của Leonardo da Vinci 40 năm trước còn phải mua với giá 5 triệu đô la!
Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia ở Washington DC tọa lạc ở đường số 4 và Constitution Avenue NW, Washington, DC 20565, có địa chỉ liên lạc thư từ là 2000B South Club Drive, Landover, MD 20785, số điện thoại (202) 737-4215 và trang nhà là www.nga.gov. Nhà triển lãm mở cửa 363 ngày một năm chỉ trừ ngày 25 tháng 12 và 1 tháng 1 Dương Lịch, 7 ngày một tuần từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, ngày Chủ Nhật từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Hoàn toàn miễn phí.
Là một trong những nhà bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới, Nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia là nơi du khách cần phải xem khi viếng thăm thủ đô
0 nhận xét
Đăng nhận xét