Người Mỹ có cách làm du lịch rất lạ, là họ không làm gì cả, không cần bỏ tiền ra để đầu tư cho các dự án khu du lịch sinh thái mà chỉ cần giữ gìn những gì đã có do thiên nhiên ban tặng. Đó chính là du lịch sinh thái.

rung

Rừng Muir

Cách thành phố San Francisco khoảng 20km về phía bắc, bên kia cầu Golden Gate có một khu rừng mà du khách Việt Nam gọi là rừng Gỗ Đỏ, còn các tài liệu của người Mỹ thì gọi là rừng Muir, tên một kỹ sư người châu Âu có công bảo vệ các di sản thiên nhiên trên đất Mỹ. Thành phố San Francisco có 800.000 dân, mỗi năm tiếp đón 16 triệu du khách thì trong đó hơn 10 triệu người đến với rừng Muir.

Tên tuổi của một dòng họ

Không có nhà hàng, khách sạn, cũng không có khu vui chơi giải trí, chỉ duy nhất một cửa tiệm nước giải khát và quà lưu niệm trước cổng, còn lại là một con đường nhỏ len lỏi giữa rừng. Một khu rừng thông đỏ hàng trăm hecta với những cây thông đã 3.000 năm tuổi, chu vi có thể ba người ôm với chiều cao mà đứng dưới gốc, phải ưỡn người ra mới thấy được ngọn của chúng.

Chị Lan Hương - một người Việt sống ở San Francisco, lái xe đưa chúng tôi vào khu rừng này - cho biết, rừng Muir được xem là di sản quốc gia của Mỹ do Tổng thống Theodore Roosevelt - tổng thống thứ 26 của nước Mỹ - công bố quyết định thành lập năm 1908, nghĩa là cách nay hơn trăm năm. Trước đó ba năm, tức năm 1905, vợ chồng hạ nghị sĩ William Kent và bà Elizabeth Thacher Kent vì muốn bảo vệ tài nguyên quốc gia nên đã mua lại khu rừng 559 mẫu Anh này với giá 45.000 USD để tặng cho chính phủ. Khi ký quyết định thành lập di sản quốc gia, Tổng thống Theodore Roosevelt đặt tên cho khu rừng này là rừng Kent để ghi công người trao tặng, nhưng ông bà Kent kiên quyết từ chối.

Trong một bức thư gởi cho Tổng thống Theodore Roosevelt, ông Kent viết: "Tôi có năm người con trai vạm vỡ, nếu chúng nó không giữ được tên của dòng họ Kent thì tôi sẵn lòng cho nó được quên đi". Tổng thống Theodore Roosevelt đã viết thư phúc đáp: "Tốt cho bạn và cho năm người con trai sẽ giữ cho tên của Kent sống mãi, tôi có bốn người con và tôi hy vọng sẽ làm được điều tương tự cho bảng tên Roosevelt". Cuối cùng, cả hai nhất trí đặt tên là rừng Muir để bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ đối với John Muir, một nhà bảo tồn học, nhà thám hiểm, nhà văn đã có nhiều công lao trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên trên đất Mỹ. Chính John Muir đã cùng Tổng thống Theodore Roosevelt đi thám hiểm vùng Yosemite vào năm 1903 và đóng vai trò quan trọng cho một dự luật tại Quốc hội Mỹ để biến vùng Yosemite thành công viên quốc gia.

Đầu năm 1945, rừng Muir đã chứng kiến một sự kiện lịch sử của nước Mỹ: hàng trăm đại biểu của 50 quốc gia họp tại San Francisco để thảo luận và ký kết hiến chương Liên hiệp quốc. Không may, trước giờ khai mạc hội nghị thì ông Franklin Delano Roosevelt - tổng thống thứ 32 của nước Mỹ đột ngột qua đời, các đại biểu của hội nghị đã long trọng làm lễ tưởng niệm ông tại rừng Muir, ghi thêm một dấu ấn lịch sử cho khu rừng độc nhất vô nhị này.

Khi chúng tôi đến hẻm núi lớn Grand Canyon - mà người Việt quen gọi là Đại vực - thuộc tiểu bang Arizona thì được biết thêm rằng, đây cũng là nơi Tổng thống Theodore Roosevelt đề xuất với Quốc hội Mỹ thành lập công viên quốc gia Grand Canyon - một trong những công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ - sau khi ông đơn phương ký quyết định công nhận rừng Muir thành di sản quốc gia. Ở đây cũng xin nói thêm rằng, theo Hiến pháp nước Mỹ thì để công nhận một công viên quốc gia phải thông qua quốc hội biểu quyết, còn di sản quốc gia thì thuộc quyền hạn của tổng thống, và đương nhiên, công viên quốc gia được ưu đãi hơn về ngân sách bảo tồn.

Tổng thống cao bồi

tong thong cao boi, Du lịch mỹ,  du lich my, du lich hoa ky, dulichmy, dulichhoaky, du lịch hoa kỳ

"Tổng thống cao bồi" Theodore Roosevelt rất thích phi ngựa. Ảnh: tư liệu

Vì sao rừng Muir, công viên Yosemite và Đại vực - những khu du lịch nổi tiếng thế giới này lại có một lịch sử gắn liền với tên tuổi Tổng thống Theodore Roosevelt? Con người này có một tính cách rất đặc biệt. Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở thì Theodore Roosevelt là nhà sử học, nhà tự nhiên học, nhà phát minh, tác gia và quân nhân.

Roosevelt còn nổi tiếng bởi tính cách của mình: nghị lực, những mối quan tâm và thành tựu rộng lớn của ông, mẫu người đầy nam tính và rất "cao bồi". Đúng vậy, theo tiểu sử thì ông xuất thân là một chàng chăn bò, một võ sĩ quyền Anh ở Dakota và cũng là một nhà thám hiểm, một thợ săn dã thú nổi tiếng. Người ta kể rằng lúc còn đương nhiệm tổng thống, ông từng đấu quyền Anh với một sĩ quan, và viên sĩ quan này đã thoi vào mắt trái của ông làm đứt nhiều mạch máu đến không chữa được, nhưng ông đã giấu kín mọi người.

Mặc dù ông được nhận giải Nobel Hoà bình năm 1906 vì đã có công trong Hiệp ước Portsmouth chấm dứt chiến tranh Nga - Nhật năm 1905, nhưng trong sự ngưỡng mộ của công chúng Mỹ, ông vẫn là một nhà bảo tồn thiên nhiên vĩ đại.

Năm 1903, trong một chuyến đi săn báo và sư tử ở Grand Canyon, Tổng thống Theodore Roosevelt đã phải bàng hoàng: "Thung lũng khiến tôi vô cùng cảm phục, khó có thể so sánh và hình dung trên thế gian rộng lớn này lại hiện diện nơi có một không hai này". Theo đề xuất của ông, Quốc hội Mỹ đã thành lập khu bảo vệ quốc gia Colorado và tách đoạn sâu nhất của thung lũng Colorado thành công viên quốc gia Grand Canyon với chiều dài 170km, chiều rộng từ 0,4 - 24 km, diện tích khoảng 4.900km2.

Người ta gọi nó là Đại vực bởi Grand Canyon có chiều sâu đến 1.600m, như một vết nứt khổng lồ của trái đất được hình thành cách đây hàng tỉ năm. Chưa có nhà khoa học nào - dù đã có nhiều công trình nghiên cứu - giải thích được vì sao những mảng đá ở đây luôn đổi màu theo sự di chuyển của mặt trời, khi thì chuyển từ đỏ tươi sang đỏ sẫm, lúc lại hoá nâu, khi thì đen bóng...

Chúng tôi thuê trực thăng bay vòng vèo trong Đại vực rồi sau đó xuống thuyền đi ngược dòng Colorado để nhìn đá, nhìn sông, nhìn những cây xương rồng cao, to chưa từng thấy và nghe một người phụ nữ da đỏ hát bài Dòng sông mẹ. Chị hát say sưa bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, chúng tôi không hiểu được lời nhưng nhìn ánh mắt của chị, những giai điệu trầm buồn như những âm vang huyền thoại về một dòng sông...

bài và ảnh: Võ Đắc Danh

0 nhận xét