Khi tôi nhờ ông Sam Hershberger cho thêm một khúc gỗ vào lò củi đang cháy để quay một đoạn phim, ông đồng ý với điều kiện chỉ quay cận cảnh bàn tay và khúc gỗ chớ không được quay khuôn mặt. Ông là một người Amish.

Từ chối nền văn minh

nguoi Amish

Người Amish luôn hát thánh ca trước bữa ăn. Ảnh: Phương Mai

Người Amish không tự phô bày trước ống kính, vì làm như vậy khác nào so sánh người này đẹp hơn người kia, trong khi cái đẹp của họ là những gì ẩn chứa bên trong tâm hồn và nhân cách.

Gia đình ông Sam Hershberger thuộc trường phái cựu trật tự, nghĩa là ông từ chối tất cả những gì thuộc về văn minh, chẳng hạn dù lưới điện quốc gia kéo ngang qua nhà nhưng ông không dùng mà chỉ đốt đèn dầu, dùng củi nấu bếp, ngay cả nước sinh hoạt ông cũng bơm bằng quạt gió. Nhà ông không có tivi, không tủ lạnh, không internet, và thức ăn đều tự chế bằng phương pháp thủ công. Gia đình ông Sam có một trang trại nhỏ khoảng vài chục mẫu Anh, dùng để trồng lúa mạch, bắp, trồng cỏ để nuôi bò và ngựa, ngoài ra, ông còn có một xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ và các mặt hàng lưu niệm bằng gỗ.

Tôi nhìn ra đồng thấy đứa bé hơn mười tuổi đang điều khiển bốn con ngựa kéo cày, Sam bảo đó là con trai thứ hai của ông, nó đã biết làm ruộng từ khi còn rất bé, năm nay 14 tuổi, nó đã thành thạo việc dùng ngựa để làm mọi việc đồng áng như cày, bừa, tỉa hạt, thu hoạch lúa mạch, hái bắp và cắt cỏ. Hỏi chuyện học hành của trẻ, Sam Hershberger nói trẻ con Amish chỉ học đến lớp tám là nghỉ để quán xuyến ruộng đồng. Các thế hệ người Amish đều nối tiếp nhau như thế.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Aaron Coblenteg, thuộc phái tân trật tự. Hỏi tân trật tự và cựu trật tự khác nhau thế nào, Aaron cho biết, từ năm 1969, do nhu cầu truyền đạo cho trẻ con và nhu cầu giao lưu, một số họ đạo quyết định cải tiến mức sống, gọi là tân trật tự. Tuy nhiên, việc cải tiến mức sống như thế nào, đến đâu phải do mục sư quản xứ đặt ra và được giáo dân bỏ phiếu tán thành. Như vậy, so với phái cựu trật tự thì phái tân trật tự có vài điểm khác biệt như trẻ con được học giáo lý ngay từ nhỏ chớ không phải chờ đến tuổi rửa tội - tức 18 tuổi - và được ứng dụng một phần kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: gắn thêm một động cơ hỗ trợ cho ngựa trong việc cày bừa, được thắp sáng bằng gas hoặc ắcquy, được dùng máy phát điện để vắt sữa bò, được quyền thuê ôtô đi lại hoặc thuê ôtô chở ngựa đi đóng móng - tất nhiên là không được quyền sở hữu ôtô!

Khi xem ông Aaron vắt sữa bò bằng nguồn điện từ máy phát, tôi hỏi ông rằng như thế thì ông cũng xài điện, vậy sao không kéo điện công cộng vào xài cho tiện, ông nói người Amish không chống lại năng lượng nhưng không lấy nguồn năng lượng từ xã hội bên ngoài, dùng máy phát vắt sữa bò xong thì tắt máy đi, còn dùng điện công cộng thì sẽ có hàng loạt phương tiện văn minh khác kéo theo như tivi, tủ lạnh, máy giặt, internet... mà nếu không kềm chế được những thứ đó thì người Amish sẽ không còn nghĩ đến Chúa, không còn nghĩ đến nhau, cuối cùng không còn là người Amish nữa.

Một định nghĩa khác của hạnh phúc

Chúng tôi hỏi bà Aaron và hai cô con gái rằng, có bao giờ họ khát khao một cuộc sống đầy đủ những tiện nghi hiện đại không, họ bảo không, bởi đó là sự lựa chọn theo ý Chúa. Ông Aaron buồn rầu cho biết, thỉnh thoảng cũng có những thanh niên từ bỏ cộng đồng Amish để chạy theo đời sống văn minh; trước những trường hợp như thế, cả cộng đồng cảm thấy thất vọng vì những người ấy không còn cơ hội để sống tốt nữa.

Trang trại của ông Aaron rộng hơn 40 mẫu Anh cùng với 47 con bò sữa, ông cho biết thu hoạch hàng năm khoảng 75.000 USD. Ông chỉ về phía trang trại nuôi chó bên cạnh và nói rằng đó là trại nuôi chó của con trai ông đã ra riêng, mỗi năm nó bán khoảng 200 con chó kiểng, thu nhập trên 80.000 USD. Giáo sư Trần Hữu Dũng, người đưa chúng tôi đến thăm thị trấn này cho biết, với mức thu nhập như vậy và với mức sống giản dị như người Amish thì gia đình ông Aaron thuộc hạng giàu có.

Hôm ấy, gia đình ông Aaron mời chúng tôi dùng bữa ăn chiều, rất thịnh soạn: sandwich, hamburger, thịt bò băm, mì ống, xốt cà, đậu que, mứt... tất cả đều do vợ con ông tự chế. Trong bữa tiệc, vợ và hai cô con gái ông Aaron chỉ lo phục vụ, họ nói chiều nay họ đã hẹn đi ăn tiệc cưới. Và sau khi dọn dẹp xong, bà Aaron và hai cô con gái từ giã khách, mặc đồng phục nâu sẫm bước lên xe ngựa, thong dong theo con đường làng quanh co dưới chân đồi, tôi có cảm giác như mình đang xem một đoạn phim thời Trung cổ.

Chị Phương Mai, vợ của giáo sư Trần Hữu Dũng, cho biết, theo quyển sách Amish Society của học giả John A. Hostetler thì người Amish có nguồn gốc từ Đức và Thuỵ Sĩ, theo Thiên Chúa giáo. Những năm đầu thế kỷ 18, xã hội châu Âu có những cuộc cải tổ về tôn giáo dẫn đến bất hoà, xung đột. Người Amish thuộc giáo phái Anabaptists, họ kiên quyết chống lại việc làm lễ rửa tội cho trẻ con vì cho rằng chúng chưa có ý thức nên chưa có tội. Lập tức, họ bị xem là nổi loạn nên bị bắt bớ và tra tấn, phải di cư sang Mỹ và Canada. Cộng đồng Amish hiện có khoảng 300.000 người, riêng Ohio có khoảng 50.000, được xem là cộng đồng lớn nhất; họ đặt tên cho thị trấn này là thị trấn Berlin để tưởng nhớ nhóm người đầu tiên từ Berlin đến đây định cư.

Người Amish sống dung dị, hiền lành và đôn hậu. Chúng ta hãy hình dung cả một làng quê với 10.000 hộ gia đình, mỗi nhà hai ba chiếc xe ngựa, cả năm vạn người với một màu đồng phục, áo vải quần thô, hàng chục ngàn chiếc xe ngựa ngược xuôi trên các nẻo đường đến nhà thờ vào các ngày chủ nhật. Một bản sắc độc đáo chỉ có ở người Amish.

Nhìn họ, tôi tự nghĩ, giữa họ với ta chưa biết ai là người hạnh phúc, chưa biết ai có nhiều bi kịch hơn ai.

Võ Đắc Danh

0 nhận xét