Không phải là quả bom hydrogen rất đáng sợ mà là "quả bom harvard" như nhiều người Mỹ quen nói. Sinh viên nào cầm tấm bằng tốt nghiệp trường đại học uy tín nhất thế giới này xem như chắc chắn sẽ có sự nghiệp thăng hoa, cuộc đời lên hương.

Bằng chứng mới nhất là tổng thống Mỹ vừa đắc cử Barack Obama. Không chỉ là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu chọn làm tổng thống thứ 44 trong lịch sử nước Mỹ, ông Obama vào năm 1990 còn là sinh viên da đen đầu tiên được các đồng môn khoa luật bầu làm Chủ tịch Tạp chí Luật của đại học Harvard. Khi ấy cả đến The New York Times, nhật báo có uy tín nhất ở Mỹ cũng đăng tin này. Vì đó là một sự kiện lớn, một hiện tượng lạ của nước Mỹ thời còn nhiều rào cản vô hình ngăn cách về sắc tộc, màu da.

Nhưng Barack Obama không chỉ là tổng thống Mỹ đầu tiên từng tốt nghiệp đại học Harvard. Trước ông đã có 7 cựu sinh viên khác được bầu chọn làm nhà lãnh đạo tối cao của ngành hành pháp Liên bang Mỹ. Đó là các ông John Adams, Theodore Roosevelt, Franklin D.Roosevelt, John F.Kennedy, George Walker Bush (tức Bush cha).

boston
Trường ĐH Harvard

Ngoài ra còn phải tính đến cựu phó tổng thống Al Gore, 43 cựu sinh viên Harvard từng nhận các giải Nobel và 17 cựu sinh viên khác đã trở thành tổng thống ở quốc gia họ, như cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, đương kim tổng thống Colombia Uribe; đương kim tổng thống Mexico Calderone...Rất nhiều triết gia, nhà văn (Henry David thoreau, Ralph Waldo Emerson, Dos Passos, Morman Mailer), nhà thơ (Wallace Stevens, T.S Eliot, E.E. Cummings), nghệ sĩ tên tuổi (Jack Lemmon, Tommy Lee Jones, Nathalie Portman, Matt Damon), doanh nhân tài ba (David Rockefeller, Steve Balmer của tập đoàn Microsoft)...cũng tốt nghiệp từ trường này.

Cho đến nay chưa có đại học nào trên thế giới đạt được thành tích đáng nể như đại học Harvard. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng gọi Harvard là "đế chế của tư duy").

Không chỉ là trường đại học cổ xưa nhất nước Mỹ, Harvard còn là đại học rộng lớn tổng diện tích 1,5 km2 ở Cambridge, bang Massachusetts), thu hút nhiều sinh viên nhất (20.000 sinh viên/năm) và cũng là đại học giàu nhất thế giới với tổng số tiền tài trợ của các mạnh thường quân, hiệp hội, tổ chức, tập đoàn lên đến 36,9 tỷ USD, tức hơn cả tổng sản phẩm nội địa của nước Tunisie.

Số tiền khổng lồ này được quản lý đầu tư (vào thị trường chứng khoán ở Mỹ, dầu hỏa ở Brazil, công nghệ thông tin ở Ấn Độ, khai thác gỗ..) bởi Harvard Management Company, Đại học Harvard còn được xem là một công ty kinh doanh tầm cỡ của Mỹ quốc.

Chính "vầng hào quang" sáng chói này đã khiến năm nào Đại học Harvard cũng thu hút đông đảo du khách Mỹ và quốc tế. Họ đến thăm nhà trường, tìm hiểu cơ hội học tập tại đây cho chính mình hoặc cho con cái họ. Và ai ai cũng không quên vuốt bàn chân trái bức tượng John Harvard. Ông là mục sư Thanh giáo trẻ tuổi. Ngày 13/3/1638 ông đã hiến tặng 400 cuốn sách quý trong bộ sưu tập của riêng mình và 779 bảng Anh (bằng giá trị nửa tài sản đất của ông) để đặt bước khởi đầu cho hành trình lịch sử biến một trường học bình thường trở thành một đại học lừng danh thế giới.

Tiền thân của đại học Harvard mang tên New College, được hình thành vào ngày 8/9/1636 bởi quyết định của hội đồng các nhà lập luật Massachusetts với mục tiêu chính là đào tạo các mục sư giảng đạo Tin Lành. Mãi đến năm 1780, trường mới được ghi nhận là một đại học trong bộ hiến pháp mới của bang Massachusetts.

harvard
Tượng John Harvard

Du khách tin rằng ai vuốt bàn chân tượng John Harvard sẽ được may mắn, toại nguyện trên bước đường công danh. Còn nhiều thế hệ sinh viên Harvard có thói quen tề tựu quanh bức tượng để kết thân, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm và giải trí nhẹ nhàng vào mỗi chiều thứ Bảy.

Nhưng không phải cứ muốn làm sinh viên Harvard là được như ý. Tâm điểm của trường nằm giữa những tòa nhà cổ rải rác trong thành phố Cambridge, là campus được các sinh viên gọi là "yard". Đây là nơi tập trung sinh viên năm thứ nhất. Mỗi năm có khoảng 23.000 đơn xin nhập học nhưng trường chỉ có khả năng nhận 2.100 sinh viên.

Được bao bọc bởi những bức tường cao, rào sắt, khuôn viên "yard" là một thảm cỏ, đầy cây xanh phủ bóng mát, còn có thư viện khổng lồ Widerner, nơi cất giữ hơn 15 triệu cuốn sách. Đây là một kho tàng vô giá giúp thư viện trường Harvard được xếp hạng 4 trong tốp 5 thư viện có nhiều sách nhất thế giới (dưới Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Hoàng gia Anh và thư viện Quốc gia Pháp nhưng trên Thư viện công cộng New York). Trước mặt thư viện là ngôi giáo đường Tin Lành với tháp chuông sơn màu trắng như để nhắc nhở sinh viên đủ mọi màu da rằng đại học này được lập ra bởi những mục sư Thanh giáo.

boston2
Thư viện

Có lẽ vì thế mà cuộc sống của sinh viên ở Harvard khá hiền hòa, bình yên khi so với campus ở một số đại học khác ở Mỹ. Đừng mong được nhiều dịp hưởng những party linh đình ăn nhậu và quậy phá thâu đêm hoặc trãi nghiệm các cuộc tình nóng bỏng khi học ở đây. Vì theo kết quả cuộc điều tra năm 2007 công bố trên nhật báo của trường, tờ Harvard Crimson, 30 % sinh viên tốt nghiệp tâm sự rằng họ đã không hề nếm mùi yêu đương trong suốt 4 năm học.

Ngược lại, đến đây là để học, học đâu ra đó, học đến nơi đến chốn ở một trong số 9 khoa chính là nghệ thuật, khoa học, luật, y, thần học, doanh thương, quản trị, thiết kế, giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Thậm chí các bộ môn thể thao ở nhà trường này cũng được chơi nghiêm túc như một môn học bắt buộc. Không như nhiều đại học khác ở Mỹ, chỉ có những tài năng trí tuệ mới được tuyển vào học. Harvard không cần đến những sinh viên "nhẹ óc, nặng cơ bắp".

Mỗi khoa trấn thủ một khu vực, với "yard" là trung tâm chính. Cách nay không lâu, khoa Doanh thương mới kỷ niệm 100 năm thành lập. Nằm bên bờ sông Charles, đây là khoa "khá giả" nhất-bước vào đại sảnh, bạn tưởng mình lạc vào hành lang của một khách sạn 5 sao- của Đại học Harvard vì các cựu sinh viên thành đạt đã đóng góp cho khoa hơn 2,5 tỷ USD (trong đó có số tiền tài trợ của tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg nay là thị trưởng thành phố new York), tức bằng 30 lần kinh phí thường niên của HEC, một trong những trường đại học nổi tiếng nhất của nền giáo dục Pháp. Thế nhưng số sinh viên của Harvard Business School chỉ bằng một nửa số sinh viên của trường doanh thương HEC.

Và mỗi năm khoa này cấp bằng kinh tế cho không dưới 900 sinh viên tốt nghiệp thuộc 70 quốc tịch khác nhau. Để có mảnh bằng master sau 2 năm học tập, họ phải đầu tư khoảng 100.000 USD, chưa tính đến các khoản chi phí tiêu xài cá nhân. Tuy nhiên, theo nhật báo tài chính rất có uy tính Financial Times (Anh) thì đây là những đồng vốn đầu tư chắc chăn sinh lãi cao. Sau khi tốt nghiệp Harvard, một cử nhân kinh tế có thể kiếm được 116.000 USD ngay trong năm đầu tiên đi làm rồi tăng lên 170.000 USD vào năm thứ 3.

Khoa Hành chính Quản trị trường Kennedy School of Government, nằm trong các căn nhà dáng vẻ khiêm tốn hơn khoa Doanh thương nhưng đừng lầm. Nó được xem là phòng đệm của giới quyền bính thế giới trong tương lai không xa nên thu hút khá nhiều sinh viên ‘độc đáo" đến từ rất nhiều nước và vùng lãnh thổ. Đó có thể là một doanh nhân thành đạt trong ngành công nghiệp dầu hỏa ở Kazakhstan; là một cựu cố vấn Nhà Trắng; là phụ tá của vị bộ trưởng văn hóa của một quốc gia nọ; là một giám đốc công ty luật ở Cape Town, Nam Phi; là cố vấn của vị bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ; là cựu nữ giám đốc của một ngân hàng lớn ở Hongkong...

"Bất cứ ai có hiểu biết và quyền lực đều ấp ủ có ngày được ở đại học này". Đó là nhận định của giáo sư lịch sử Alex Keysaar ở Kennedy School of Government. Mà đúng thế thật, tỷ phú Bill Gates, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu tổng thống Iran Khatami, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro...đều đã có lần đến trường này để đọc diễn văn, trò chuyện với sinh viên, trình bày quan điểm của mình.

Tất cả những ai từng đến Harvard để sống đời sinh viên đều nhiều lần đọc và thuộc nằm lòng hàng chữ được khắc ghi từ thế trước: “Vào đây để trau dồi khôn ngoan và rời khỏi đây để về phục vụ tốt hơn nhân loại, đất nước”. Chắc chắn tân tổng thống Mỹ Barack Obama không quên câu này. Vì ký ức về những năm học tập ở Harvard đã được ông kể lại trong cuốn Những ước mơ của cha tôi.

Theo Doanh nhân Sài gòn

0 nhận xét