Hoa Kỳ là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tín ngưỡng. Cộng đồng người châu Á, châu Âu, châu Phi... di cư đến Mỹ mang theo truyền thống văn hóa của dân tộc mình và nhiều nền văn hóa đã bị hòa tan trong "nồi hầm nhừ" văn hóa Mỹ. Không giống các kiều dân nước ngoài, hơn 2,2 triệu người Việt tại Mỹ vẫn lưu giữ được những nét văn hóa cổ truyền.

Không tan trong "melting pot"

Trong một nghiên cứu so sánh giữa cộng đồng người Việt ở Orange County và Boston, Giáo sư Karin Aguilar-San Juan, tác giả cuốn sách "Little Saigons: Staying Vietnamese in America" cho hay đa phần các di dân nhập cư gốc Việt, tiếp tục giữ bản sắc dân tộc của họ dù không ít người đã gia nhập quốc tịch Mỹ từ lâu.

giu gin ban sac viet tai hoa ky_01

Quầy bán hàng Tết của người Việt ở San Jose, California. Ảnh: VnExpress

Nhiều người Việt không dễ dàng đánh mất đi bản sắc quê hương mình để đồng hóa với quê hương mới, trong khi họ vẫn sẵn sàng hòa nhập vào cộng đồng dân cư nước sở tại. Mặc dù nhiều người di dân gốc Việt ở những khu vực này đã hòa nhập với miền đất mới, đạt nhiều thành tựu về học vấn, được xếp vào giới trung lưu, nói lưu loát, rành rẽ tiếng Anh và không ít người còn tham gia chính trường, song họ vẫn luôn duy trì bản sắc Việt Nam của mình.

Bà Juan lý luận như sau: "Điều này phần lớn cũng do họ tạo dựng được khá nhiều địa điểm sinh hoạt riêng, chẳng hạn như khu Little Saigon ở Orange County và khu Fields Corner ở Boston. Cả hai nơi này rất đông những hàng quán, văn phòng dịch vụ, trang trí với bảng hiệu cùng quảng cáo bằng tiếng Việt, rồi đến hình ảnh lẫn âm nhạc và trong trao đổi chuyện trò, tất cả cho thấy đây là một thế giới thuần túy của dân tộc Việt Nam."

Tiếng Việt là cội rễ dân tộc, gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết với các cộng đồng người Việt trên thế giới và với quê hương. Các thế hệ người Việt Nam xa xứ luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt như một việc làm tất yếu để gìn giữ bản sắc văn hóa. Đặc biệt là thế hệ những người đã ngoài 50 tuổi, luôn mong muốn con em mình biết và hiểu tiếng Việt để tìm về với cội rễ, cha ông.

giu gin ban sac viet tai hoa ky_02

Chí Tài hạnh phúc khi được biểu diễn
và được khán giả quê hương đón nhận

Nhiều văn nghệ sỹ người Việt Nam ở nước ngoài cũng thường xuyên về nước biểu diễn nghệ thuật, trưng bày mỹ thuật, hoạt động nhân đạo từ thiện, tham gia công tác đào tạo nghệ thuật tại các trường học. Đặc biệt, mỗi dịp Tết nguyên đán, lượng nghệ sỹ hải ngoại về nước làm băng đĩa, biểu diễn tại các chương trình đón xuân rất đông. Ngoài hoạt động nghệ thuật, họ còn muốn tận hưởng văn hóa Tết Việt. Ca sỹ Ái Vân đã định cư ở Hoa Kỳ từ lâu nhưng liên tục về nước biểu diễn. Cô cho biết, các nghệ sỹ Việt Nam ở nước ngoài cũng mong ngóng ngày trở về biểu diễn trên quê hương. Các buổi biểu diễn là cơ hội để nghệ sỹ xa quê tiếp cận gần hơn với khán giả trong nước. Chí Tài là gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng tại hải ngoại. Trong trào lưu chung trở về nước hoạt động nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt Nam ở Mỹ, Chí Tài là một trong những nhân tố tích cực. Anh tâm sự, đó là niềm mơ ước của nhiều nghệ sỹ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và là niềm vinh dự, hạnh phúc của riêng anh.

Tết cổ truyền Việt Nam tại Mỹ

Ngày lễ Tết là dịp để các gia đình người Việt sum vầy, cùng tổ chức Tết để con em biết về truyền thống quê hương. Những người Việt ở Mỹ vẫn có lịch Việt Nam để biết ngày tháng Âm lịch và cố gắng thu xếp thời gian dù rất ít ỏi để cùng nhau đón Tết. Không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp từ cuối tháng Chạp Âm lịch. Các gia đình rủ nhau đi mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chào đón một năm mới sắp đến.

giu gin ban sac viet tai hoa ky_03

Người Việt ở Boston đón Tết nguyên đán 2011. Ảnh: VnExpress

Các khu thương xá của người Việt tại Mỹ tưng bừng, rộn rã không khí chuẩn bị Tết. Khắp nơi bày bán các thực phẩm và đồ trang trí ngày Tết như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, hoa lay ơn, hoa cúc vàng... Các gia đình thường đưa nhau đến chợ, ăn điểm tâm, đi lòng vòng nhìn ngắm các sạp hàng, mua đòn bánh tét, chiếc bánh chưng, gói mứt, chậu hoa hay cành hoa giấy (sản xuất ở Việt Nam) về trưng trên bàn thờ. Các bà trong những hội đoàn như Hội Cựu học sinh Trưng Vương, Gia Long, Đồng Khánh... thích rủ nhau làm các món ăn đem ra bán, đon đả, ân cần mời khách, giới thiệu món này ngon, món kia khéo. Người mua cũng cầm lên, ngắm nghía, hỏi han rồi mua một ít cho đẹp lòng người bán. Nhân dịp đó, các bà mẹ giải thích cho con gái mình cách nấu nướng, chế biến các món ăn vừa mua, kể lại cho con nghe những kỷ niệm khi cha mẹ còn ở nơi quê nhà, nhất là về những ngày Tết.

Trong gia đình, mỗi người được phân công một việc để chuẩn bị đón Tết. Đàn ông, con trai lau chùi bàn ghế, nhà cửa, đặc biệt là phải đánh bóng lư hương và chân đèn. Các bà, các cô cũng làm mứt, dưa món, củ kiệu... Có gia đình còn làm bánh tét, bánh chưng. Mục đích là để tìm lại không khí bận rộn nhưng ấm cúng của gia đình ngày xưa nơi quê nhà trong những ngày cuối năm. Các loại bánh mứt làm ra, các bà đem tặng nhau để rồi cũng nhận được những món quà Tết tương tự. Tuy vẫn phải đi làm bình thường, nhưng vào ngày 23 Âm lịch, bà con mình cũng cúng tiễn ông Táo về trời, ngày 30 Tết có lễ rước ông bà, lễ đón giao thừa...

giu gin ban sac viet tai hoa ky_04

Chợ hoa Tết ở Phước Lộc Thọ (Little Saigon) dịp Tết Tân Mão. Ảnh: VnExpress

Sáng mồng Một, người lớn tuổi ai cũng dậy thật sớm chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, lì xì mừng tuổi cho con cháu, sau đó mọi người vội vã lên xe đi làm hoặc đi học cho kịp giờ, chiều về lại lo nấu nướng cúng buổi tối. Mọi người tranh thủ thời gian để đến nhà người quen chúc Tết. Ai không có thời gian thì gọi điện chúc nhau những điều tốt lành và may mắn trong năm mới.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, tại Mỹ nói riêng, truyền thống văn hóa dân tộc luôn là điểm tựa tinh thần mỗi dịp Tết đến xuân về khi mọi người con xa quê đều mong muốn trở về đoàn viên trên đất mẹ. Họ luôn cố gắng lưu giữ và truyền cho các thế hệ đi sau những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt. Đó cũng là một cách thể hiện tấm lòng tri ân đối với mảnh đất nơi họ đã sinh ra và gắn bó một phần đời mình. Họ tự hào rằng truyền thống văn hóa Việt Nam không hề bị hòa tan trong "melting pot", nhiều bản sắc văn hóa Việt vẫn đang hiện diện trên đất Mỹ.

Nguyễn Phú

Theo Quê Hương Online (Đời Sống) - Ngày 09/02/2011

0 nhận xét