hông thường cứ vào khoảng đầu năm sau Tết Nguyên Đán là Hội Xuân Bắc Ninh lại được Hội Thân hữu Đồng Hương Bắc Ninh tại bang California (Hoa Kỳ) đứng ra tổ chức, làm sống lại một sinh hoạt truyền thống văn hóa phong phú của dân tộc Việt.


Riêng năm nay là lần thứ 5, Hội Xuân Bắc Ninh diễn ra tại nhà hàng Seafood Palace, Westminster, bang California vào ngày 20-2-2011 vừa qua. Cũng giống như 4 lần trước, lần nào Hội Xuân Bắc Ninh cũng thu hút trên 500 đồng hương tại California nói riêng và khắp nước Mỹ nói chung tham dự. Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, đương kim Hội trưởng nhận xét: "Đây là niềm khích lệ anh em trong ban tổ chức chúng tôi vì đây không chỉ là tấm thịnh tình do các anh chị em đồng hương và thân hữu Bắc Ninh đã dành cho Hội, mà còn nói lên nhu cầu thưởng lãm văn hóa của cộng đồng người Việt ở hải ngoại".

hoi xuan bac ninh tren dat my_01

Tiết mục văn nghệ trong Hội Xuân Bắc Ninh tại California

Đáng chú ý, Hội Xuân Bắc Ninh là một trong những sinh hoạt khá đặc thù trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở vùng Nam California. Lần đầu tiên vào năm 2007, qua sự khởi xướng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Kỳ đã được Viện Việt Học tại California đồng ý hỗ trợ cùng đứng ra tổ chức. Ngày Hội Xuân Bắc Ninh năm ấy đã quy tụ được trên 300 người đến tham dự khiến Viện Việt Học không còn chỗ ngồi, nên sau đó các đồng hương Bắc Ninh đã quyết định thành lập Hội Thân hữu Đồng Hương Bắc Ninh để hàng năm những người dân quê quán tỉnh Bắc Ninh cùng thân hữu gần xa có dịp làm sống lại một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đã ăn sâu trong tiềm thức người dân xứ sở Kinh Bắc và nhiều vùng khác tại Việt Nam.

Cũng trong Hội Xuân lần này, ngoài những nghi thức cổ truyền tế lễ, phần chính của lễ hội là làm sống lại những nét văn hóa đặc thù trong sinh hoạt truyền thống của người dân Bắc Ninh, nơi mà những nhà khảo cứu văn học, nghệ thuật trong nước thường xem đó là "cái nôi" của nền văn hóa Việt Nam. Dĩ nhiên, khi nói về Bắc Ninh là phải nói đến hát Quan họ. Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ thì hai chữ Quan họ vốn có nhiều giải thích, nhưng giải thích là lối hát trong nhà quan do một vị quan hưu trí chủ xướng đã được nhiều người công nhận. Theo đó, Quan họ xuất phát từ làng Ó (Xuân Ổ) làng Lim trong huyện Tiên Du và phát triển nhanh đến các vùng xung quanh thị xã Bắc Ninh. Hàng năm làng Lim thường mở hội lớn vào dịp đầu Xuân quy tụ được mấy chục "làng quan họ". Những buổi hát quan họ thường diễn ra tại đình làng, trong sân chùa, trong nhà hay trên những ngọn đồi giữa cảnh sắc thiên nhiên. Dân ca Quan họ là loại văn chương bình dân lấy từ ca dao, tục ngữ, truyện cổ và cả Truyện Kiều nữa nên rất phong phú và súc tích. Nội dung thường nghiêng về mặt giãi bầy tình cảm trai gái một cách êm ái nhẹ nhàng, ý nhị... Những điệu hát Quan Họ, thông qua 5 lần tổ chức tại hải ngoại, cứ mỗi lần lại có thêm những câu hò, điệu hát mới được bổ sung vào chương trình từ những đóng góp của người dân Bắc Ninh cũng như thân hữu Bắc Ninh sưu tầm được. Do vậy phần văn nghệ trình diễn năm nay có rất ít tân nhạc mà tập trung chủ yếu vào các điệu hát Quan họ. Bên cạnh đó là phần trình diễn thời trang. Nói là thời trang nhưng thật sự là thời trang của Quan họ Bắc Ninh mà trải qua bao nhiêu thế hệ, những mẫu thời trang ấy vẫn không có sự thay đổi. Vẫn là mái tóc vấn trần với cái đuôi gà lửng lơ trong gió. Vẫn chiếc yếm đào ẩn hiện sau tà áo tứ thân với thắt lưng điều bỏ giọt. Vẫn là sợi xà tích bạc lủng lẳng bên sườn chiếc váy đen hay chiếc quần lãnh tía. Vẫn là chiếc áo the thâm của các chàng trai quan họ đi bắt tình làm quen. Vẫn là những chiếc ô đen che đủ nắng gió cho anh đưa nàng về dinh. Thời trang ấy không chỉ là vạt áo nếp, quần vốn vô tình dù có gió xuân đùa giỡn mà còn thêm cả những ánh mắt đưa tình, những nụ cười duyên nửa miệng, những cái nguýt dài nhớ thương và cả những miếng trầu cau cho duyên thêm thắm, cho tình thêm sâu đậm...

Vẫn theo lời Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ thì từ ngày Hội được thành lập, những người cao tuổi trong Hội đã rất quan tâm đến việc "làm thế nào để thu hút được các thế hệ nối tiếp tham gia vào sinh hoạt thực tế của Hội tại nơi quê hương mới này". Vì thế mà trong Hội hiện nay số các bạn trẻ tham gia cũng khá đông. Ông cho biết thêm: "Tuy chúng tôi không đủ khả năng tài chính để mời những tiếng hát chuyên nghiệp nhưng qua 5 kỳ tổ chức, những tiếng hát, điệu hò của người gốc dân Bắc Ninh và thân hữu hải ngoại đã thu hút được lòng người không kém gì chuyên nghiệp".

Nguyễn Sinh (Đại Đoàn kết)

Theo Quê Hương Online (Đời Sống ) - Ngày 23/02/2011

0 nhận xét