Bước ra khỏi thế giới văn minh để đắm mình vào khu Vườn Ðịa Ðàng xanh mướt nơi đó khí hậu được điều hòa khiến cây cối đâm chồi nảy lộc như trong cõi thiên nhiên mà chúng đã sống. Ðó là Vườn Bách Thảo Quốc Gia Hoa Kỳ (United States Botanic Garden) nằm trên dãy đất xanh National Mall ở Washington DC. Từ giữa những năm 1800 hàng vạn mẫu cây cối đa dạng nhiều chủng loại đã được đưa về đây để nghiên cứu và bảo tồn cũng như triển lãm cho mọi người thưởng ngoạn từ những hoa lan rực rỡ cho đến những cây nhiệt đới lạ lùng hiếm có đã khiến Vườn Bách Thảo Quốc Gia trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn du khách nhiều nhất mỗi khi ghé thăm thủ đô Washington DC.
Nhà kính bảo tồn cây cối “United States Botanic Garden” ở Washington DC
Vườn Bách Thảo (hay Thực Vật) nằm cạnh tòa nhà Capitol trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ nên sau khi rời Thư viện Quốc Hội chúng tôi đi bộ về phía Tây để sang Vườn Bách Thảo là nơi sưu tầm, bảo tồn nhiều loại cây cối, hoa thơm cỏ lạ mọc khắp mọi nơi trên thế giới. Vườn Thực Vật trực thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ nên nằm trong phần đất điện Capitol là vườn cây xưa nhất ở Hoa Kỳ được liên tục điều hành từ khi thành lập năm 1816 cho đến nay. Tòa nhà chính của vườn bách thảo là những nhà kiếng (kính) với sườn nhà bằng sắt to lớn có mái vòm cong lợp bằng kính để bảo vệ cây trồng bên trong khỏi chết trong những tháng mùa Ðông băng giá. Bên ngoài còn có những vườn hoa, ao hồ, nhà mát để du khách đến viếng thăm sinh hoạt trong những tháng Hè ấm áp.
Cũng như các nhà bảo tàng ở thủ đô Washington DC, vào cửa vườn bách thảo hoàn toàn miễn phí và nơi đây mở cửa quanh năm kể cả cuối tuần và những ngày lễ, giờ mở cửa từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bãi đậu xe rất giới hạn và phải trả tiền trong những đồng hồ nên du khách được khuyên nên dùng những phương tiện giao thông công cộng để đến đây. Nếu mang theo điện thoại cầm tay du khách nhấn số 202-730-9303 vừa thăm thú trong vườn vừa nghe thuyết minh rất hữu ích nhưng coi chừng phải trả chi phí điện thoại cao nếu điện thoại được mở từ nơi khác mang về đây sử dụng, điều đó người viết không chịu trách nhiệm đâu nhé! Muốn biết thêm chi tiết độc giả có thể vào trang mạng www.usbg.gov hoặc gọi số 202-225-8333 có thể hỏi thăm về những cuộc triển lãm đặc biệt, giữ chỗ cho Tour đông người hay là lỡ bỏ quên quần áo, bóp ví sau khi thăm viếng vì mải mê ngắm hoa thơm cỏ lạ, ong bướm lả lơi chập chờn.
Lối vào Vườn Bách Thảo Quốc Gia.
Vườn Bách Thảo Quốc Gia chia ra làm 3 khu vực: khu nhà kính là khu trưng bày và bảo tồn các giống cây (Conservatory), phía sau bên ngoài nhà kính là công viên Bartholdi với vườn hoa, ao súng, bồn phun nước, các món trang trí vườn cảnh và khu ươm cây, tái tạo giống với những dãy nhà thấp mái lợp nhựa trong (green house). Chắc độc giả còn nhớ ông Frédéric Bartholdi người Pháp là tác giả của bức tượng Nữ Thần Tự Do ở New York. Trong công viên Bartholdi đối diện với Vườn Bách Thảo có tượng đồng của ông.
Nơi du khách thăm viếng nhiều nhất là khu nhà kính dùng triển lãm cũng như bảo tồn gọi là khu Conservatory. Mới bước vào gặp ngay phòng triển lãm đặc biệt thay đổi từng mùa như hoa cỏ mùa Xuân, phong lan từ Thái Lan đem sang, hoa cúc mùa Thu Nhật Bản v.v... Hôm chúng tôi đến là loại cây Bromeliads (thuộc họ Dứa, Pineapple) và những loại chùm gởi sống bám trên thân những cây già, chúng mọc không cần đất chỉ cần ít lá mục đọng lại trong hốc cây, vậy mà cũng cho hoa rất sặc sỡ và lâu dài. Cho nên nhiều khi hoa đẹp không cần phải bón phân đắt tiền mà chỉ cần môi trường và không khí thích hợp.
Một loại cây họ Dứa Bromeliads màu sắc tươi đẹp.
Gian nhà kính kế cận là những loại hoa lan, đang vào cuối Ðông, sang Xuân nên lan nơi đây đua nhau phô trương sắc thắm. Phong lan là loại sống nhờ gió treo trên cao cũng rất nhiều mà địa lan tức lan đất cũng không thiếu. Lan đất có nhiều loại mới như lan rũ, tuy là lan đất nhưng phải treo cao cho hoa rũ xuống. Lan đất cũng có loại xuất xứ từ Nhật Bản giò lan xinh xắn không lớn và hoa cũng nhỏ chi chít thành từng chùm. Lan đất có loại nhánh hoa mọc cao thẳng lên và hoa không khít nhau mà lưa thưa tơ liễu buông mành theo nhánh nghiêng dần xuống, dáng ẻo lả như những cánh bướm trông quý phái vô cùng. Lan đất cũng có loại mới từ Úc Châu với khí hậu khô khan của vùng sa mạc, lan mọc thành từng bụi hàng chục cây, thân lùn lá xanh đậm trông rất mạnh mẽ, hoa nho nhỏ có 2 màu trắng và tím hồng, chi chít như những đàn bướm nhỏ.
Sang khu mưa rừng nhiệt đới (Tropical Rain Forest) du khách có cảm tưởng như lạc vào khu vực sông Amazon của xứ Ba Tây (Brazil) âm u hoang dại nhiều cây cổ thụ cao ngất trời xanh với những dây leo chằng chịt như những chiếc võng đong đưa. Kế cận là khu thực vật vùng Hawaii cũng nhiệt đới nhiều dừa, nhiều hoa sứ, hoa dăm bục và cây đu đủ sai trái. Khu California với cây cối của vùng bán sa mạc như Mexican Palm, chà là và hoa giấy. Rồi đến khu thực vật vùng sa mạc với những loại xương rồng gai nhọn, những loại cây succulences thân chứa nhiều nước nhưng không cần mưa nhiều lại cho hoa vào mùa Xuân rất đẹp. Qua khu vực dược thảo là những cây cỏ hoa lá từ ngàn xưa thổ dân dùng làm thuốc, thấy có các loại rau húng, lá tía tô, gừng, sả, aloe vera (lô hội) v.v... Kế đến là bước sang khu vực những loại cây, hoa cỏ hiếm quý sắp có nguy cơ tuyệt chủng, nhờ xem nơi đây mới nhớ là sau nhà mình, cũng có vài loại cây này, bấy lâu không biết bỏ lăn lóc, không màng bón phân, tưới nước!
Lịch sử Vườn Thực Vật Quốc Gia
Ngay từ năm 1816, Viện Columbian cơ quan chuyên lo về việc phát huy nghệ thuật và khoa học ở Washington DC đã đề nghị thành lập Vườn Thực Vật Quốc Gia để nghiên cứu về các loại cây lương thực và dùng trong kỹ nghệ, dược phẩm v.v... Năm 1820 Quốc Hội Hoa Kỳ dành cho một miếng đất cạnh tòa nhà Quốc Hội ở về phía Tây kéo dài từ đường First Street cho đến đường Third Street giữa Pennsylvania và Maryland Avenue. Tuy nhiên việc xây dựng vườn bị đình trệ từ năm 1837 vì Viện Columbian ngưng các phiên họp. Ðến năm 1842 Vườn Thực Vật hoạt động trở lại khi công tác thám hiểm của ông Charles Wilkes ở những vùng biển Nam Bán Cầu mang về hàng ngàn mẫu thực vật, động vật, khoáng sản mà Viện Thực Vật cần phải nghiên cứu tìm hiểu.
Chuyến đi đo đạc, thám hiểm, lấy mẫu cây cối, đất đá của Charles Wilkes quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của đất nước Hoa Kỳ mới thành lập? Công tác thám sát vùng biển Thái Bình Dương từ Nam Mỹ xuống Nam Cực rồi trở lên Bắc Mỹ và Canada được dân chúng thời ấy gọi là vùng biển phía Nam do lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đảm trách từ năm 1838 đến 1842 được các nhà sử học gọi là Cuộc Viễn Chinh Khám Phá Hoa Kỳ (United States Exploring Expedition). Chuyến hành trình được Quốc Hội phê chuẩn chấp thuận vào năm 1836, đầu tiên giao trọng trách cho Thomas Catesby Jones cấp bậc Commodore (tương đương với trung tá bộ binh) nhưng sau đó người thay thế, đóng góp công sức nhiều nhất cho cuộc khám phá là Lieutenant Charles Wilkes (1798-1877) nên công tác được gọi bằng tên ông là “Chuyến Thám Hiểm của Wilkes” (the Wilkes Expedition).
Khu vườn nhiệt đới giữa vùng Bắc Mỹ giá băng.
Charles Wilkes sinh tại New York năm 1798 là cháu trai của Thị Trưởng Thành Phố London (Anh quốc) John Wilkes. Mẹ của ông mất vào năm 1802, lúc đó Charles mới lên 3 nên phải về ở với dì ruột là bà Elizabeth Ann Seton, một người cải đạo từ Anh Giáo sang Công Giáo La Mã, và được Vatican phong làm thánh nữ người Hoa Kỳ đầu tiên (ngôi nhà của bà còn trong khu Manhattan New York). Chồng bà là một thương gia giàu có ở New York nhưng bịnh mất sớm, bà phải ở góa nuôi nấng 5 người con. Charles được gởi đi học nội trú và sau đó theo học trường Ðại Học Columbia. Ông ta gia nhập Hải Quân năm 1818 với cấp bậc Midshipman là cấp bậc thấp nhất trong ngạch sĩ quan hải quân tương đương với chuẩn úy ngày nay và thăng lên Lieutenant năm 1826. Từ Midshipman lên Lieutenant phải qua 2 cấp bậc là Ensign (Thiếu Úy) và Sub-Lieutenant (Trung Úy) nên Lieutenant tương đương với Ðại Úy mặc dù chữ Lieutenant thường được dịch là Trung Úy.
Năm 1833, Charles Wilkes khi thực hiện đo đạc lập bản đồ ở Vịnh Narragansett ông được bổ nhiệm làm Giám Ðốc Nha Dụng Cụ và Ðồ Bản của Hải Quân (Navy's Department of Charts and Instruments) sau này trở thành Naval Observatory và Hydrographic Office là một trong những cơ quan khoa học xưa nhất của Hoa Kỳ có nhiệm vụ đo đạc xác định vị trí, lập bản đồ thủy đạo trong ngành hàng hải.
Chuyến thám hiểm các vùng biển phía Nam
Khởi hành ngày 18 tháng 8, 1838 (trùng hợp là ngày tốt theo tin tưởng của người Hoa như ngày khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh là 8 giờ sáng ngày 8 tháng 8, năm 2008) với sự tham dự của các chiến thuyền gỗ chạy bằng buồm USS Vincennes (780 tấn) và Peacock (650 tấn) và các tàu phụ thuộc. Ðoàn thám hiểm dừng lại ở đảo Madeira và thành phố Rio de Janeiro sau đó đến Chile và Peru rồi Samoa và New South Wales. Từ Sydney dong buồm xuống vùng biển Antartic (Nam Cực) vào tháng 12, 1839 nơi đây đoàn thám hiểm báo cáo tìm thấy lục địa băng đảo Nam Cực. Ghé thăm viếng Fiji và Hawaii năm 1840, rồi lên hướng Bắc khám phá vùng bờ biển miền Tây Hoa Kỳ như eo biển Juan de Fuca, Puget Sound, chạy sâu vào sông Columbia, vịnh San Francisco, sông Sacramento vào năm 1841. Trở về miền Ðông Hoa Kỳ bằng ngã qua Phi Luật Tân, Borneo, Singapore, Polynesia, vòng xuống Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) của Phi Châu và về tới New York vào ngày 10 Tháng 6, 1842. Chuyến thám hiểm đã đi vòng quanh thế giới bằng cách qua những vùng biển ở phía Nam bán cầu với hải trình dài 87,000 miles và đoàn thám hiểm thiệt mất 2 tàu cũng như 28 thủy thủ. Thành quả chuyến đi của Charles Wilkes là bộ ký sự gồm 5 quyển và bộ bản đồ được ấn hành vào năm 1844, ông đã hiệu đính lại 20 quyển báo cáo khoa học và 11 bộ bản đồ từ 1844 đến 1874. Bộ ký sự biên chép của ông là tài liệu hữu ích nói về phong tục, lối sống và những điều kiện về kinh tế, chính trị của những vùng đất mà Hoa Kỳ thời đó biết rất mù mờ. Ông cũng vẽ lại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ mà trước đây các nhà thám hiểm như John Charles Fremont và Kit Carson đã vẽ.
Bên ngoài khu nhà kính với điện Capitol gần đó.
Ông cũng đã thu thập đem về 60,000 mẫu cây cối, hạt giống, đất đá và những xác thú nhồi bông, tất cả được giao cho Viện Smithsonian để nghiên cứu triển lãm trong các nhà bảo tàng tại Washington DC. Ngoài ra còn 254 cây sống được trồng lại trong nhà kính mới xây vào năm 1850 trong khu vườn Bách Thảo. Tên tuổi của ông Charles Wilkes gắn liền với lịch sử Vườn Bách Thảo Thực Vật Quốc Gia, các chuyến mạo hiểm của ông đã đóng góp rất nhiều cho vốn liếng hiểu biết về địa dư thời đó mà ngày nay tổ chức Ðịa Dư Quốc Gia (National Geography) tiếp tục theo đuổi việc làm của ông.
Thời phong kiến các vua chúa thành lập vườn thượng uyển cạnh hoàng cung để vui thú cùng các cung tần mỹ nữ bằng âm nhạc réo rắt, vũ khúc nghê thường. Ngày nay Vườn Bách Thảo Hoa Kỳ ở Washington DC là nơi mở cửa quanh năm miễn phí để dân chúng vào ra thưởng ngoạn, tìm hiểu về bông hoa cây cảnh cũng là nơi nghiên cứu bảo tồn những loài hoa hiếm quý, những dược thảo thiên nhiên. Bằng những nhà kính với hệ thống điều hòa không khí kiểm soát bằng vi tính, Vườn Bách Thảo đã nuôi dưỡng tạo dựng nhiều giống cây khó trồng ở vùng khí hậu ôn đới Bắc Mỹ, cống hiến cho du khách và trẻ con một nơi vui chơi thích thú và hữu ích.
Trịnh Hảo Tâm
0 nhận xét
Đăng nhận xét