Câu chuyện như một chuyến "lỡ bước sang ngang" của thời buổi bây giờ. Không phải chuyện tình duyên nữa mà là chuyện lỡ bước... định cư.

Mỗi người mỗi cảnh, nhưng khi sang sống ở nước ngoài khi đã có tuổi là rất khó khăn. Từ chuyện mưu sinh cho đến chuyện hội nhập lẫn khác biệt về ngôn ngữ là những trở ngại lớn với những ai đã sang tuổi 60 như người phụ nữ viết câu chuyện này. Tuy nhiên, niềm vui được đoàn tụ gần con cháu có thể sẽ là nguồn động viên lớn để tác giả - cũng như bao người đồng cảnh ngộ - sẽ có thể vượt qua. Y.T

***

loi tu tinh mong manh_01
Trong một quán ăn ở thương xá Phước Lộc Thọ, quận Cam, California (Mỹ). Ảnh: Nam Quang

Máy bay chạy từ từ trên phi đạo, tôi vẫn còn huyên thuyên nói chuyện với người ngồi bên cạnh. Tiếng động cơ bắt đầu lớn dần... lớn dần... máy bay tăng tốc... Nhìn ra ngoài cửa sổ bỗng nước mắt vụt tràn, dòng xúc cảm trào dâng khi hình ảnh ngoài cửa sổ mờ dần... mờ dần.

Tôi đã rời VN thật sự, và có lẽ lần này lâu lắm, không biết đến chừng nào tôi mới có thể trở lại VN. Từ trên cao nhìn xuống, đám mây trắng bồng bềnh đã che kín hẳn lối về. Một nỗi buồn man mác len nhẹ vào hồn tôi. Tôi không biết phải nên tiếp tục cho nước mắt trào ra hay phải làm cho nó dừng lại.

Thôi! Cứ để mặc những suy nghĩ bâng quơ làm xoá đi... xoá đi, nhưng cái cay cay trong mắt vẫn còn làm đau đau những người xa xứ.

Nay tôi đã thật sự định cư tại Mỹ, cầm trên tay nào là thẻ xanh, và thẻ an sinh xã hội, tôi vẫn chưa biết trong lòng mình đang cảm nhận điều gì. Chỉ biết rằng mình đang rời Việt Nam và hiện giờ mình đang sống trên đất Mỹ.

Tôi, với tuổi đời trên sáu mươi mà mắt đã mờ, tai đã lãng, trình độ tiếng Anh thì nửa nạc nửa mỡ lắp ba lắp bắp, ấm ớ hội tề. Tôi không biết mình sẽ làm gì và sẽ được hưởng những gì trên đất nước này?

Ở cái cảnh sanh sau đẻ muộn, cái cảnh mà thân phận nhỏ nhoi thấp kém. Tôi chỉ biết rằng niềm vui hiện nay là được gần con nâng cháu, một niềm vui mà không có bút viết nào tả hết. Nhưng cái cám cảnh của cuộc đời mà mình đã gặp đang hiện lần ra trước mắt...

"Chị Kim ơi xếp rau ra dĩa đi!".

"Cô Kim, cắt chanh sao nhỏ vậy?".

"Bà Kim sao bà buồn thế?".

Thôi thôi... đủ cách để gọi, nào chị, nào cô, nào bà, nào thím... Tôi, không còn là tôi nữa.

Tiếng cô Thu thân thương êm ái đã biến mất hẳn sau chuyến đi này. Tôi đã rời xa những đứa học trò nhỏ bé thân thương, tôi đã bỏ đi những lớp học những ngôi trường đầy bụi phấn và hoa phượng đỏ... tôi thật sự không còn là tôi nữa! Tôi đã hoá thân trở thành một người khác.

"Vâng, chị có nhiều kinh nghiệm làm phụ bếp trong các quán ăn nhà hàng ở Việt Nam, mỗi tiệm, mỗi quán có cách sắp xếp thức ăn khác nhau, chị nghĩ rằng chị sẽ làm em vừa lòng...".

Thế là tôi đã hoá trang khoảng năm mươi sáu tuổi và nhập vai thật sự thành một người phụ bếp, trong một nhà hàng bán đủ các loại thức ăn... nào phở, bánh cuốn, cơm tấm, và nào chả giò, nem nướng.

Với quy định ba ngày thử việc, suốt mười hai tiếng đồng hồ tôi không hề rảnh tay một chút để ngồi được xuống ghế, hai đầu ngón tay bị cháy bỏng vì phải bóc rời những lớp bánh cuốn mỏng cho vào dĩa, loay hoay với mấy đầu tôm bị gai đâm sâu vào da đau nhuốt, gắp lên tuột xuống mấy cuốn chả giò trong chảo dầu sôi làm dầu văng lên tung toé...

Ngày đầu tiên học việc, tôi ráng chăm chút để nhớ, cắt chanh xắt ớt, xếp rau, cách để thức ăn vào dĩa, xà lách, dưa leo, cà chua đặt ở đâu và trang trí như thế nào. Cơm ém vào chén rồi úm ngược vào dĩa làm lòng bàn tay cháy phỏng... Chả, bì, nem, thịt để ở vị trí nào? Cơm tấm to go phải để thêm gì? Vậy mà vẫn quên trước nhớ sau, lọng cọng, lạng quạng để thừa bỏ thiếu.

Sang qua ngày thứ hai, cô bếp trưởng vẫn còn kềm kẹp cho tôi thêm nào bún mắm, bánh mì bò kho... vậy mà mỗi lần đưa dĩa thức ăn ra cửa sổ vẫn còn... vẫn còn... "Sao thím quên rắc hành phi hoài vậy?". Tôi lắp ba lắp bắp "xin lỗi sẽ không quên nữa".

Chỉ còn một ngày thử việc tôi không sao ngủ được, trong đầu lúc nào cũng nhớ lại bì thịt để đâu, rau củ xếp như thế nào, tôi phác hoạ dĩa bày trí thức ăn lên trên giấy để không quên.

Sáng ngày thứ ba đã đến, cô bếp trưởng off hai ngày, tôi được đóng vai chính trong việc lên thức ăn, tôi cố gắng tập trung để không bỏ sót một chi tiết nào, suốt gần sáu tiếng đồng hồ không kịp uống một ngụm nước...

Đến giữa trưa, ông chủ nhà hàng vào, một người đàn ông ở độ tuổi trung niên, tay to thịt chắc, mặt đầy rỗ chằng, và miệng sặc đầy rượu thuốc. Anh ta đi ngay đến chỗ tôi dừng lại hỏi: "Chị Kim làm được mấy ngày rồi?". Tôi vội trả lời: "Dạ thưa hôm nay là ngày thứ ba". Chủ tiệm gật đầu rồi bước nhanh, tôi mừng thầm, chắc có lẽ mình được giữ lại làm.

Nhưng không, chỉ mười phút sau anh ta tay cầm một bao thư đến cạnh tôi. "Cảm ơn chị Kim, chị có thể nghỉ ngay bây giờ, chừng nào đắt khách tôi sẽ gọi mời chị đến".

Tôi ngẩn người ra không nói được một lời, khoảng một lúc lâu tôi đưa tay cầm lấy bao thư và lên tiếng: "Cảm ơn chú nhiều, với hai ngày thử việc chú cho tôi học được một nghề mà lại được trả lương". Chủ tiệm trừng mắt ngó vào tôi không nói một tiếng mà quay lưng bước, tôi vội vã vào kho lấy đồ cá nhân và bước nhanh ra khỏi cửa, sau những tiếng chào các em làm trong bếp, các em len lén nhìn tôi với ánh mắt đầy thương hại.

"Má đã bị cho thôi việc, con đi rước má nha". Tôi đi lần đến chỗ hẹn trong bụng không biết vui hay buồn, vậy mà nước mắt cứ lưng tròng. Thế là tôi cũng không bỏ cuộc, mặc dù con cái khuyên can nhiều lần.

Tôi bước vào một tiệm chuyên về phở, đóng tiếp vai bóc thịt vào tô, tái, nạm, gân, gầu... tôi bóc lộn tùng phèo... đã vậy tô xe lửa suýt mấy lần rơi xuống đất. Tôi xin được chuyển sang khâu khác, viện cớ là hôm nay không có đeo kính nên không nhìn rõ trong "tờ order" loại thịt gì?

Chủ tiệm là một sinh viên đã học đại học kinh tế năm thứ hai tại Việt nam, sang Mỹ tiếp tục sự nghiệp kinh doanh của gia đình, nhỏ nhẹ nói với tôi: "Thôi được rồi cô Kim sang công đoạn cho nước phở vào tô". Tôi cảm ơn rối rít, cái giá múc nước phở dài gần nửa thước, với cái môi bằng inox to cỡ tô medium (trung bình, cỡ vừa. BT), tôi phải bấu chặt năm đầu ngón tay để không tuột, khoả đều lớp mỡ nổi ở trên rồi thọc sâu xuống đáy nồi để lấy... thùng nước phở ăn tại chỗ và thùng nước phở to go khác, vậy mà tôi lạng quạng múc lộn hoài.

"Không sao đâu rồi cô sẽ quen".

Lời nói của cậu chủ tiệm rất lễ phép nhưng ánh mắt hình như gay gắt, tôi luống cuống sượng sùng. Phải chi tôi trẻ lại mười tuổi, những công việc này đối với tôi không có gì là khó khăn cả. Vậy mà ở tuổi đời này, tôi phải để lại những dấu ấn mà với quãng đời còn lại không bao giờ quên. Thế là tôi xin qua khâu làm rau nhưng đã có nhiều người, thế là tôi phải rời tiệm phở chỉ sau một ngày vì nhận thấy mình không thể tiếp tục được.

Đứng suốt mười hai tiếng đồng hồ trong phòng đông của những công việc làm rau trong chợ Việt Nam, tôi vẫn còn thèm thuồng, nhưng suy đi nghĩ lại liệu sức mình không kham nổi... hay là xin đi giữ trẻ trong các gia đình mà họ bận bịu đi làm suốt ngày, trách nhiệm, lương tâm, sức khoẻ, phải đặt vai trò chủ yếu khi bước vào làm những công việc này, tính tới tính lui, tôi lại dẹp bỏ đi ý định...

Ngồi nhìn tuyết rơi mà trong lòng buồn rười rượi, nghĩ đến những cám cảnh cuộc đời mà ngao ngán làm sao! Vậy mà đầu óc luôn luôn vơ vẩn, không chịu để yên ngơi nghỉ...

Cuối cùng chỉ còn một công việc mà tôi có thể làm được, một công việc mà tôi vừa đi tập thể dục mà vừa kiếm được tiền, đó là việc đi lượm lon... Sáng đến ngày recycle tôi thức dậy thật sớm tôi lo bữa ăn sáng cho các cháu, rồi bước vội ra đường. Trời quá lạnh xiết cả mười đầu ngón tay ngón chân, mặc dù đã mang vớ mang găng dầy cả tấc. Tôi lại tiếp tục hoá thân đóng tiếp vai mà tôi đã từng thấy ở Việt Nam, ở các vỉa hè, lề đường góc phố, những đứa trẻ lang thang lếch thếch, những người cơ nhỡ nghèo khổ từ các nơi đổ về thành phố, bươi, móc, khều, lượm trong những đống rác tanh hôi dơ bẩn để tìm những vỏ chai bao nhựa, những tấm giấy tờ báo bán ve chai lông vịt, kiếm được một ít tiền đấp đổi qua ngày... Còn tôi, len lén, loay hoay, lỏn cỏn, lộp cộp, hối hả trong các thùng recycle (thùng rác tái chế có thể để dùng lại. BT) để lượm những lon bia, lon nước ngọt...

Thật! tôi không còn là tôi nữa, những giọt nước mắt xót xa vụt tràn nhưng cũng nhanh chóng khô nhanh vì hiện nay mình không ở tại Việt Nam, mình đang ở trên nước Mỹ. Thượng vàng hạ cám ở đâu đi nữa, nhưng ở đây nếu không có trình độ thì mọi người đều như nhau... tôi lại mỉm cười, một nụ cười chua chát! Những việc tôi đã làm để có được cái gì, dù là mục đích gì. Tôi không thể là tôi, một kẻ ăn không ngồi rồi, một người chỉ biết hưởng thụ, một người mẹ trước mắt cũng như sau này là gánh nặng cho con cái.

Tôi không phải là một người phi lao động, tôi thích làm, tôi say mê làm những việc mà tôi có thể làm được dù tôi ở tuổi đời nào, trình độ nào, tình trạng sức khoẻ nào... Nghĩ đến đây tôi mỉm cười sung sướng, vui sướng cho bản thân mình, vui sướng cho cả hạnh phúc gia đình mình...

...Hôm nay tuyết lại rơi nhiều, phủ trắng cả mặt đường, mui xe, nóc nhà và cũng đang lấp kín những suy nghĩ vớ vẫn của tôi nữa. Tôi đã hoá trang và nhập vai thật sự thành một người đang sống trên nước Mỹ, phải đối phó với mọi tình huống, mọi hoàn cảnh để mình thật sự là chính mình... cái mà tôi gọi là cám cảnh cuộc đời không phải chỉ riêng cho tôi mà là cái chung của những người Việt Nam rời quê hương đất tổ, của những người bắt đầu từ con số không mới có được cái hiện tại của ngày hôm nay, phải đánh đổi bằng sự nhẫn nhục, bằng ý chí quyết tâm, bằng sự cần cù chăm chỉ, trong đó chắc chắn phải có những dòng nước mắt.

Tuyết vẫn còn tiếp tục rơi, tôi vẫn còn tiếp tục nghĩ về Việt Nam, quê hương đất nước của mình với nỗi lòng của một người xa xứ.

Nguyễn Kim

Theo Lao Động (Người Việt xa xứ) - Ngày 10.4.2011

0 nhận xét