>> Nhận xét của khách hàng đi tour Mỹ tại Hoàn Mỹ
>> Hình ảnh đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại Mỹ
>> Chương trình du lịch Mỹ tham khảo

Du lịch Mỹ - Điều gì khiến San Francisco được bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất nước Mỹ? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời khi đặt chân đến thành phố này.

 

Nằm trên dải đất cao nhất của bán đảo, giữa vịnh San Francisco và bờ biển Thái Bình Dương, nơi đây không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với đồi dốc trùng điệp, vịnh biển, khí hậu dễ chịu mà còn có kiến trúc đa dạng, danh lam thắng cảnh.

Hấp dẫn nhờ "vàng"

ghenoimenhdanhtinhyeu-01
Cầu Cổng Vàng không chỉ là biểu tượng của San Francisco mà còn được xem là một biểu tượng của nước Mỹ.

Ngày xưa San Francisco là đích đến của những người đi đào vàng. Cái tên "San Francisco" theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Thánh Phanxicô thành Assisi". Năm 1776, người Tây Ban Nha đã định cư ở mũi bán đảo San Francisco. Còn "Cựu Kim Sơn" - hay "núi vàng xưa" - là cách gọi của người Trung Hoa từ giữa thế kỷ 19, khi nhập cư vào Mỹ theo chiến dịch đi tìm vàng ở California, hoặc làm công nhân xây dựng đường ray xe lửa xuyên Mỹ.

Ngày nay, San Francisco lại nổi tiếng nhờ "vàng" khác: cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge. Cây cầu này không chỉ là biểu tượng của thành phố mà còn được xem là một biểu tượng của nước Mỹ. Cây cầu nối liền Cổng Vàng, cửa ngõ vào của vịnh San Francisco, với Thái Bình Dương. Vào năm 1937 khi hoàn thành, cầu Cổng Vàng là cầu treo dài nhất thế giới với chiều dài 2.737 m, rộng 27 m và cao 227 m.

Đứng dưới chân cầu, vẫn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh cây cầu, vẻ đẹp của nó và có những góc chụp hình đẹp. Nếu đi xe hơi qua cầu thì phải trả phí 6 đô la Mỹ một lượt. Và lái xe trả tiền qua mạng Internet, chứ không trả tiền tại chỗ, vì mỗi ngày có đến hơn 100.000 lượt xe qua lại trên cầu.

Cây cầu biểu tượng này còn nổi tiếng buồn thảm bởi lượng người đã chọn nơi này làm nơi kết thúc cuộc sống. Tính từ khi khánh thành cầu năm 1937 cho đến năm 2013, đã có hơn 1.600 người nhảy cầu tự tử. Cầu Cổng Vàng là cây cầu mà người ta hay chọn để tự tử nhiều hàng thứ hai thế giới, sau cây cầu bắc qua sông Dương Tử ở Nam Kinh, Trung Quốc. Để ngăn chặn không cho con số này tăng thêm, chính quyền Mỹ đã dựng rào chắn chống nhảy sông ở trên cầu.

Cạnh cầu Cổng Vàng là nhà tù Alcatraz, nằm trên hòn đảo cùng tên ở vịnh San Francisco cách đất liền khoảng 2,4 km. Cái tên Alcatraz xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là "Bồ nông". Nơi đây từng được biết đến là một ngọn hải đăng, sau đó trở thành căn cứ quân sự, cuối cùng được nâng cấp thành nhà tù liên bang. Alcatraz còn có biệt danh là The Rock (Đá tảng), ý chỉ sự kiên cố và lạnh lẽo.

Đảo ngục này từng là đề tài cho hàng chục bộ phim hành động kinh điển của Hollywood, trong đó có The Rock, X-Men: The Last Stand, The Book of Eli, hay Escape from Alcatraz. Không ít cảnh vượt ngục mạo hiểm giữa biển đã được quay tại đây. Đến năm 1963 thì Chính phủ Mỹ đã cho đóng cửa nhà tù này. Sau đó, Alcatraz trải qua nhiều thăng trầm và rồi trở thành một địa điểm du lịch.

ghenoimenhdanhtinhyeu-02
Nhìn từ cao, một con đường uốn lượn.

ghenoimenhdanhtinhyeu-03
Xe xưa giờ dành cho du khách.

Vẫn lãng mạn, thơ mộng

San Francisco còn nổi tiếng bởi vẻ đẹp lãng mạn và thơ mộng của mình. Đây là thành phố có giá nhà ở và chi phí sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ ở Mỹ nên nhà cửa khá nhỏ. Nhỏ có nghĩa giống nhà phố ở Việt Nam, nhưng bề ngang vẫn to hơn, cũng phải 7-8 m. Mỗi nhà đều cách nhau một khoảng trống. Tuy nhà nhỏ nhưng đẹp. Và nếu nhà nằm trên con đường hoa Lombard thì lại càng đẹp hơn nữa.

Con đường này dốc đứng 40 độ, hai bên trồng đầy hoa, được cho là con đường ngoằn ngoèo nhất nước Mỹ. Những khúc cua của nó được thiết kế để giảm độ dốc tự nhiên của ngọn đồi, giúp cho lưu thông xe cộ dễ dàng hơn. Trong mùa xuân và suốt mùa hè, đường Lombard trở nên sống động và đầy màu sắc khi hoa cúc và các loại hoa khác đua nhau khoe sắc.

Đoạn đường quanh co đẹp mắt này dài khoảng 400 m và được lát gạch đỏ. Lề đường rộng khoảng 4 m. Đường ở giữa bốn chiếc xe chạy được, mỗi bên hai chiếc không cần phải chen nhau. Đường dốc là thế nhưng vẫn có người đạp xe đạp lên dốc này. Những người này chắc muốn thử sức mới chạy xe đạp như thế vì đi bộ lên còn khó, huống chi là đạp xe.

San Francisco còn được gọi là thành phố sương mù. Khí hậu tại San Francisco ấm áp vào mùa đông và khô vào mùa hè. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những dòng hải lưu của vùng biển Thái Bình Dương nên ngay trong mùa hè thỉnh thoảng xuất hiện những trận sương mù kèm theo gió lạnh. Hình ảnh cầu Cổng Vàng chìm trong làn sương bồng bềnh có lẽ là một trong những cảnh lãng mạn và đáng nhớ nhất của San Francisco.

Thành phố hiện đại nên không thể thiếu xe buýt hay tàu điện ngầm. Tuy nhiên, San Francisco vẫn giữ lại tàu điện công cộng được sản xuất từ năm 1873 (chạy bằng hơi nước) để phục vụ việc đi lại trong thành phố. Tàu điện là hình ảnh quen thuộc ở các đô thị lớn từ hồi đầu thế kỷ 20, nhưng hiện nay không còn nhiều thành phố giữ lại phương tiện giao thông công cộng này.

Hà Nội trước đây cũng có loại tàu điện tương tự. Xe điện Hà Nội hoạt động ngót gần một thế kỷ (1900-1992) trước khi ngừng chạy. Tiếng kêu leng keng của những chuyến tàu điện chạy giữa thủ đô một thời gắn bó với bao người Hà Nội nay chỉ còn lại trong ký ức. Lâu nay cũng có dự án muốn khôi phục đường xe điện ở Hà Nội nhưng cũng chẳng tới đâu vì đường đông, xe cộ chen chúc ồn ào, làm sao có xe leng keng đó được nữa.

Điểm đến của người châu Á

ghenoimenhdanhtinhyeu-05
Đảo tù xưa Alcatraz ngày nay là một địa điểm du lịch.

San Francisco cũng là thành phố đa chủng tộc với dân cư gốc Á chiếm đến trên 30% dân số. Trong cộng đồng người châu Á thì đông nhất là người gốc Hoa. Các nhóm dân châu Á khác ở San Francisco gồm có người Philippines, Việt Nam, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan...

Người Hoa đổ đến San Francisco từ năm 1848 trong công cuộc tìm vàng. Khí hậu ôn hòa đã thúc đẩy họ đến đây định cư ngày càng nhiều, lập ra khu phố Hoa kiều tọa lạc ngay giữa thành phố, chiếm hết đại lộ Grant và đường Bush. Người dân San Francisco vẫn quen gọi Chinatown ở đây là "City within a City" (thành phố trong một thành phố). Đây cũng là khu phố Hoa Kiều lớn nhất trên thế giới.

Tuy đến sau, người Việt cũng đã xây dựng khu Little Saigon (chủ yếu ở dọc đường Larkin), dù không rộng lắm nhưng cũng có cổng chào mang kiến trúc truyền thống quê hương và các món ăn mang hương vị Việt như phở, bún thịt nướng, bánh cuốn... Ngoài khu phố của người Hoa, người Việt, San Francisco còn có cả khu phố của người Nhật, Hàn hay Ấn Độ. Điều này đã làm cho San Francisco trở thành một thành phố đa dạng về mặt văn hóa.

dlmymuahe_04
Đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại Cầu Cổng Vàng, San Francisco, Hoa Kỳ

Dù đang chìm đắm trong khung cảnh lãng mạn và yên bình của nơi đây, du khách cũng cần cẩn thận, phòng ngừa trộm cắp. Trên đường phố nhiều nơi phải treo biển "Do not leave valuables in your car. Attention!'', tức "Coi chừng, đừng để gì quý trong xe!". Kẻ trộm ở đây còn đập cả cửa kính xe hơi để lấy đồ.

San Francisco không tấp nập như New York hay hoa lệ như Las Vegas. Nhưng nơi đây lại được mệnh danh là "thành phố của tình yêu và hòa bình". Tên gọi này cũng một thời nổi tiếng với bài ca hippie If you're going to San Francisco của Scott McKenzie. "Nếu bạn đến San Francisco, đừng quên cài hoa lên mái tóc. Nếu bạn đến đây, bạn sẽ gặp những người lịch thiệp với hoa trên mái tóc...".

Theo báo Sài Gòn tiếp thị - Ngày 17/09/2015

0 nhận xét