Du lịch Mỹ - San Francisco được các nhà thám hiểm Tây
Ban Nha phát hiện năm 1769. Được mệnh danh là "thành phố yêu thích của
mọi người", là trọng điểm du lịch của nước Mỹ, năm 2011, San Francisco đón hơn 20 triệu du khách tới thăm.
San Francisco là thành phố lạ lùng. Ngay đỉnh điểm của đại suy thoái toàn thế giới 1929 - 1933, thành phố này vẫn đứng vững. Hơn thế, giữa điệp trùng khó khăn, thành phố còn xây dựng cùng lúc 3 công trình để đời: cầu qua vịnh San Francisco - Oakland (Bay Bridges), cầu Cổng Vàng (Golden Gate) và nhà tù trên đảo Alcatraz. Đây cũng là nơi có hộ gia đình đồng giới cao nhất nước Mỹ. Ước tính hơn 20% nam giới trên 15 tuổi là dân đồng tính, chưa kể số lưỡng tính. Dẫu thu nhập bình quân đầu người hơn 65.000 USD vào năm 2011, San Francisco là thành phố có tỷ lệ dân vô gia cư đứng đầu nước Mỹ. Chính quyền thành phố đang đau đầu vì những vụ bạo động và tội phạm ngày càng gia tăng.
Đến San Francisco, lựa chọn đầu tiên của tôi là "nghía" cầu. Trước tiên là Bay Brigdes - cầu nối San Francisco với Oakland. Chữ "Brigdes" số nhiều vì có 2 cầu. Cầu 1, tạm gọi như vậy, có 2 tầng, mỗi tầng chỉ lưu thông 1 chiều với 4 làn xe. Có thể đi vào buổi sáng, lúc hoàng hôn và buổi tối để ngắm nhìn thành phố với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Cầu 1 nối cầu 2 bằng đường hầm rộng 17,6m. Cả 2 cầu và đường hầm dài 13,7 km, khánh thành năm 1936 với chi phí 79,5 triệu USD, là niềm kiêu hãnh cho kỷ nguyên mới của thành phố. Dù chi phí chỉ 35 triệu USD, lại sinh sau Bay Brigdes nhưng cầu Cổng Vàng - còn gọi là Kim Môn (Golden Gate Brigdes) mới là đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc hiện đại của nước Mỹ và nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc tế của San Francisco. Hoàn thành năm 1937, cầu Cổng Vàng là cầu treo dài nhất và cao nhất thế giới lúc đó. Năm 2007 được Viện Kiến trúc Hoa Kỳ bình chọn là "một trong 5 kiến trúc được yêu thích nhất nước Mỹ". Hội Kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ bầu chọn đây là "một trong những kỳ quan hiện đại của thế giới". Tạp chí du lịch Frommer thì cho rằng "cầu Tháp ở London, cầu Cổng Vàng ở San Francisco là 2 chiếc cầu đẹp nhất và được chụp ảnh nhiều nhất thế giới".
Cầu sơn màu đỏ cam (orange vermilion)
nổi bật giữa biển xanh và đồi cỏ khô vàng, rực rỡ dưới ánh nắng ban
ngày, huy hoàng lộng lẫy dưới ánh đèn đêm. Mỗi thời khắc, cầu có màu sắc
riêng. Cầu có 6 làn xe, vòm cao 98m được kết nối bởi 2 sợi cáp khổng
lồ, đường kính gần cả mét. Mỗi dây cáp lớn được kết bởi 27.572 sợi cáp
nhỏ, tổng chiều dài của 2 sợi cáp chính là 129.000 km, gần bằng 6 lần
đường kính trái đất. Số đinh tán được sử dụng là hơn 1,2 triệu cây. Sau
72 năm thi gan cùng tuế nguyệt, lớp sơn nguyên thủy bị rỉ sét, phải cạo
bỏ và sơn lại. 38 thợ sơn chuyên nghiệp phải lao động cật lực suốt 30
năm (1965-1995) mới hoàn tất. Cầu Cổng Vàng xinh đẹp, độc đáo ngày càng
nổi tiếng bởi được xem là "bãi tự sát". Ngay sau ngày khánh thành
(27.5.1937) đã có vụ tự tử đầu tiên. Bình quân cứ gần 2 tuần có 1 người
chọn cầu Cổng Vàng để kết thúc cuộc sống. Cầu
cao 79m nên sau khi nhảy sẽ có vận tốc 142 km/giờ. Chỉ cần 4 giây là
chạm mặt nước và chẳng còn biết gì. Đi trên cầu, tôi cứ băn khoăn và ám
ảnh về chuyện đó. Chẳng lẽ thiên hạ chọn chiếc cầu định mệnh này để kết
thúc kiếp người cho... có hậu? Cổng Vàng cũng là tên nổi tiếng của công
viên rộng 410 ha, một bộ sưu tập khá đầy đủ về thực vật, có cảnh quan
rất đẹp, nhất là vườn trà Nhật Bản.
Tôi cũng thích được ngồi trong xe, chầm chậm qua đường hoa Lombard dích dắc, dốc ngược quanh co, uốn lượn. Ban đầu tôi cứ tưởng là đường Lambada - một vũ điệu nổi tiếng của Brazil. Có lẽ Lombard là con đường hình sin độc đáo nhất thế giới. Đường chỉ dài 400m nhưng có độ dốc 270, xây dựng từ năm 1922. Hai bên đường trồng toàn hoa, bốn mùa khoe sắc thắm. Có lối đi bộ cho khách "tập thể dục", vừa đi vừa thở theo kiểu "ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau". Xe chỉ được "bò" 5 km/giờ, chạy từ trên xuống dưới và chỉ dành cho xe dưới 16 chỗ. Còn Fisherman's Wharf - cầu tàu của dân đánh cá, nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng với các hoạt động mua bán hải sản. Fisherman's Wharf có nhiều quầy hàng lưu niệm và rất nhiều quán ăn đồ biển. Tôi đã ăn thử hải sản kiểu Mỹ nhưng thua xa Việt Nam vì thiếu "muối tiêu chanh", loại đồ chấm mà Yan Can Cook cho là số 1 thế giới. Món seafood cocktail lạnh lại càng khó nuốt.
Từ Fisherman's Wharf đi bộ một đoạn ngắn về hướng mặt trời mọc là cầu tàu 39, lúc nào cũng tấp nập khách xem hải cẩu đùa nghịch. Những con hải cẩu béo phục phịch, đủ loại lớn nhỏ, kêu eng éc. "Nhà" của chúng là những tấm phao gỗ lớn, bồng bềnh trên biển. Chúng nằm phơi nắng, giành ăn và cả giành "gái" loạn xạ. Trên trời, từng đàn hải âu phụ họa chiêm chiếp giành mồi. Ở đây, tôi đã bất ngờ suýt té xỉu vì những kiểu ăn xin "made in USA". Đang nhởn nhơ dạo chơi, liên tưởng đủ thứ, bỗng giật mình cái đùng vì một bóng ma đen sì, nhe hàm răng trắng nhởn, đội đất chui lên từ lùm cây. Nhìn những người chung quanh đứng cười, tôi hơi quê độ và hiểu ra đó là cách giúp khách giảm stress kiểu Mỹ. Anh chàng da đen tha đâu về lùm canh xanh cao chừng mét rưỡi, nấp trong đó, chờ khách đi qua hù chơi để kiếm tiền. Ai cũng giật bắn người - chợt hiểu ra - cười nắc nẻ rồi móc ví gửi lại mấy đồng lẻ. Ăn xin kiểu này ở Việt Nam đảm bảo đi cấp cứu ngay lần đầu ra trận! Ngoài ra còn nhiều cách kiếm tiền rất văn hóa của các "nghệ sĩ đường phố" đến từ khắp nước Mỹ và cả vùng Caribean, Jamaica, Puerto Rico... khá tưng bừng. Có cả những nhân tượng cho khách chụp hình rồi bất ngờ cựa quậy làm khách hú vía, rú lên cười ngặt nghẽo và móc ví thưởng cho... tượng.
Đảo Alcatraz - tiếng Tây Ban Nha là Chim Bồ Nông - còn gọi là Chàng Bè (Pelican), bởi trên đảo toàn loại chim này. Đảo chỉ rộng 12 ha, cách bờ hơn 1,6km, từng là nhà tù giam giữ nhiều tội phạm khét tiếng, chưa tù nhân nào vượt ngục thành công. Nhà tù - dĩ nhiên là chật hẹp - nhưng sang trọng kiểu Mỹ. Tù nhân được phục vụ toàn nước nóng, bị tra tấn một cách "nhẹ nhàng" bằng cách thưởng ngoạn cuộc sống tự do, sôi động, rực rỡ ánh đèn, tràn ngập âm thanh... qua song sắt chật chội. Hiện nay, mỗi năm lượng khách đến tham quan Alcatraz nhiều hơn hàng trăm ngàn lần tổng số tù nhân trong suốt 29 năm tồn tại của nhà tù, từ 1934 - 1963.
Tôi cũng đã đến China town, phố Tàu đặc trưng của cộng đồng người Hoa. Gắn liền với địa danh Cựu Kim Sơn, China town được hình thành rất sớm, từ những năm 1800. Vẫn màu đỏ - vàng chủ đạo với kiến trúc thể hiện tính cách của những người Hoa tha hương. Họ là cộng đồng đoàn kết, tương trợ, chịu khó và chăm chỉ. Họ ít nhắc tới quá khứ mà luôn nghĩ về tương lai nhiều hơn. Đến Little Saigon là cảm nhận ngay nỗi lòng của những người Việt xa quê. Cứ như một góc của chợ Bến Thành với nhiều hàng quán và cửa hàng thuần Việt. Đủ thứ món ngon dân dã khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Thực phẩm sạch, rau an toàn và chỗ ngồi thoáng hơn nhưng hương vị thì kém xa. Chủ yếu ăn cho đỡ nhớ. Tiếp xúc với người Việt ở nhiều nước, có lẽ người Việt ở Mỹ là hiếu khách và nặng lòng với quá khứ hơn cả. Mỗi khi tụ tập, họ hay kể lại những chuyến về quê, những món ngon, cảnh đẹp và cả những đổi thay đáng mừng của đất nước.
Nguyễn Văn Mỹ - Theo Thanh Niên - ngày 27/04/2012
Chương trình tour tham khảo:
0 nhận xét
Đăng nhận xét