medium_DSC2202.jpg

Mặt phía Ðông điện Capitol tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ.

medium_DSC2203.jpg

Rotunda mái vòm trong tòa nhà Quốc Hội.

medium_DSC2204.jpg

Phòng trưng bày các tượng Tổng Thống Hoa Kỳ.

medium_DSC2205.jpg

Bên trong tòa nhà Thomas Jefferson Library of Congress.

medium_DSC2207.jpg

Tòa nhà Thư Viện Quốc Hội bên cạnh tòa Quốc Hội Hoa Kỳ.


Ðiện Capitol là tòa nhà Quốc Hội Liên Bang của Hoa Kỳ, tọa lạc trên đồi Capitol cuối phía Ðông của dãy cỏ xanh National Mall ở thủ đô Washington, DC. Quốc Hội theo quy chế lưỡng viện nên tòa nhà có hai viện: Thượng Nghị Viện (Senate) chiếm cánh phía Bắc và Hạ Nghị Viện (House of Representatives) ở cánh hướng Nam. Ðiện Capitol xây bằng cẩm thạch trắng bên trên có mái vòm lớn là địa điểm thu hút khách du lịch và tòa nhà được chọn làm tiêu điểm để chia Ðặc Khu Columbia làm 4 khu vực, các phần tư của thành phố Washington, DC bắt đầu từ nơi đây.

Hạ Nghị Viện có 435 dân biểu, mỗi dân biểu đại diện cho một hạt bầu cử theo tỷ lệ dân số, có nhiệm kỳ 2 năm. Người đứng đầu Hạ Nghị Viện (gọi là Speaker) hiện nay (2010) là bà Nancy Pelosi (California đơn vị 8), là người đứng thứ 2 thay thế Tổng Thống sau Phó Tổng Thống (đồng thời cũng là Chủ Tịch Thượng Nghị Viện). Các dân biểu đại diện trong các vùng đông người Việt thuộc Orange County (California) là các ông bà Ed Royce (đơn vị 40), Joe Baca (43), Dana Rohnabacher (46), Loretta Sanchez (47), v.v... Người Việt duy nhất lọt được vào Hạ Nghị Viện là Josepth Cao ở đơn vị 2 Louisiana. Ở California cũng như Texas dù đông người Việt nhưng chưa có ai là dân biểu liên bang. Về Thượng Nghị Viện mỗi tiểu bang có 2 thượng nghị sĩ đại diện và không tính theo tỷ lệ dân số nên 50 tiểu bang có tổng cộng là 100 thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm. Hai thượng nghị sĩ của tiểu bang California là 2 phụ nữ đều thuộc đảng Dân Chủ là Barbara Boxer và Dianne Feinstein. Thành viên của 2 viện đều do dân chúng bầu cử trực tiếp, tuy nhiên tại một số tiểu bang thống đốc có quyền bổ nhiệm thượng nghị sĩ tạm thời khi có chỗ khuyết giữa nhiệm kỳ.

Lịch sử Ðiện Capitol

Ðiện Capitol hiện nay là cơ sở kiến trúc thứ tư được Quốc Hội Hoa Kỳ sử dụng, trước đó là Tòa Nghị Viện Maryland ở Annapolis, Maryland (1783-1784), kế đến là Federal Hall tại New York (1789-1790) và Independence Hall hay Congress Hall tại Philadelphia, Pennsylvania (1790-1800).

Ðiện Capitol đầu tiên nhỏ hơn kiến trúc hiện nay được bắt đầu xây dựng vào năm 1793. Chính Tổng Thống George Washington là người chọn địa điểm cũng như đặt viên đá góc và việc xây dựng được giao cho kiến trúc sư William Thornton người trúng giải thiết kế đồ án với giải thưởng thời đó là 500$. Cánh Thượng Nghị Viện (phía Bắc) được xây xong vào năm 1800 và phiên họp Quốc Hội đầu tiên được diễn ra tại đây vào ngày 17 tháng 11, 1800. Ðến năm 1811 mới hoàn tất phần cánh Hạ Nghị Viện, ngày nay lá quốc kỳ Mỹ được treo trên nóc cánh Hạ Nghị Viện phía Nam này. Tối Cao Pháp Viện cũng cùng sử dụng chung tòa nhà này cho đến khi xây xong tòa nhà riêng năm 1935 mới dời sang tòa nhà Tối Cao Pháp Viện hiện nay ở bên cạnh về hướng Ðông. Mới vừa xây xong xảy ra trận chiến với nước Anh năm 1812-1814, quân Anh tấn công thành phố Washington và đốt cháy nhiều tòa nhà trong đó có điện Capitol. Ðiện Capitol được tái thiết từ năm 1815 và kết thúc khoảng 1830.

Tòa Capitol được nới rộng thêm vào thập niên 1850 với kế hoạnh ban đầu là thuê mướn nhân công từ Âu Châu sang nhưng ít ai chịu sang Tân Thế Giới vì chuyện vượt biển thời ấy rất gian nan nguy hiểm nên cuối cùng phải dùng người gốc Phi Châu vừa nô lệ vừa nhân công tự do là lực lượng chính xây nên điện Capitol. Mái vòm đầu tiên nhỏ bé được xây năm 1818 bằng gỗ chỉ tương xứng với tòa nhà nhỏ lúc trước nay được chuẩn bị thay thế bằng mái vòm lớn hơn. Ông Thomas U. Walter trách nhiệm cho phần mở rộng và mái vòm mới bằng gang (iron) lớn gấp 3 cái cũ có đường kính 100 ft. (30m).

Ông phải sang Pháp vào năm 1838 để quan sát mái vòm của điện Les Invalides tại Paris để mô phỏng theo đó mà xây. Nhưng mái vòm mới của ông Walter là mái vòm đôi có những lỗ cửa kính lấy ánh sáng mặt trời. Ðến năm 1863 bức tượng khổng lồ có tên là tượng Tự Do được đặt trên chóp đỉnh mái vòm. Ðiện Capitol trước kia cổng chính quay về hướng Ðông sau khi gắn vòm mái mới đổi về hướng Tây nhìn ra dãy đất trống về hướng Tòa Bạch Ốc. Ban đầu tòa Quốc Hội định đặt tên là “Congress House” nhưng Thomas Jefferson đề nghị tên “Capitol” theo tiếng Latin có nghĩa là “thành phố trên đồi.”

Capitol Visitor Center

Buổi sáng chúng tôi cũng đi xe điện ngầm ra ở nhà ga Farragut West gần Bạch Cung rồi đi bộ ngang qua dãy cỏ xanh và hồ nước National Mall về hướng Ðông để đến điện Capitol tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Thăm viếng điện Capitol hoàn toàn miễn phí không cần vé và hiện nay mới vừa xây xong khu tiếp đón du khách tức Capitol Visitor Center nên mọi người muốn viếng điện Capitol đều phải qua ngã đó. Ðầu tiên du khách phải vào cổng sau tức phía Ðông, ở giữa sân có cầu thang dẫn xuống, đến trước được vào trước chứ không cần lấy hẹn nên đôi khi du khách đông phải sắp hàng dài ngoài sân cỏ ra tận đường 1st Street East. Trước khi xuống tòa nhà phải qua cổng xét an ninh. Tòa nhà tiếp đón du khách Capitol Visitor Center này được khởi công năm 2000 và hoàn tất vào cuối năm 2008 với kinh phí là 621 triệu USD gồm có 3 tầng ở dưới đất rộng đến 580,000 sf (54,000m2) rộng gấp đôi tòa Capitol. Tòa nhà mở cửa từ 8 giờ 30 sáng đến 4 giờ 30 chiều từ Thứ Hai đến Thứ Bảy trừ những ngày lễ lớn như Tạ Ơn, Giáng Sinh, Ðầu Năm và Lễ Tổng Thống Tuyên Thệ.

Muốn viếng thăm những nơi khác của điện Capitol ngoài Visitor Center, du khách phải giữ chỗ trước vì những tour khám phá lịch sử điện Capitol rất đông người tham dự và hết chỗ rất mau. Muốn tham dự các tour có người hướng dẫn này, có vài cách để giữ chỗ. Nếu là người cư ngụ trên nước Mỹ có thể liên lạc qua các văn phòng của Dân Biểu (Representative) đơn vị mình hay qua văn phòng của Thượng Nghị Sĩ (Senators) tiểu bang mình tại địa phương cư ngụ hoặc giữ chỗ trực tiếp qua Capitol Visitor Center (số điện thoại (202) 226-8000. Tất cả các nơi trên có thể vào trang Web www.visitthecapitol.gov/Visit/ để ghi danh giữ chỗ trên Online và lấy số xác nhận (Confirmation Number). Tour tìm hiểu lịch sử điện Capitol bắt đầu ở rạp chiếu phim với một đoạn phim 13 phút mang tựa đề “Out of Many, One” được dịch từ tiếng Latin “E Pluribus Unum“sẽ đưa du khách vào một cuộc hành trình xuyên qua lịch sử tranh đấu của dân tộc Hoa Kỳ để thiết lập một thể chế dân chủ thật sự được xếp vào hạng nhất trên thế giới cũng như giới thiệu công trình kiến trúc đồ sộ là tòa nhà Quốc Hội Mỹ hiện nay.

Vào Visitor Center đầu tiên là đến đại sảnh Emancipation Hall là nơi du khách tập trung chờ đợi nếu tham dự các Tour vào xem trong điện Capitol. Ở đây có nhiều tượng của những nhân vật trong lịch sử Hoa Kỳ như Philo Farnsworth là người phát minh ra máy truyền hình, vua Kamehameha của đảo Hawaii. Ở đây cũng có những khoảng trống lợp kính để nhìn lên bầu trời thấy vòm mái tròn của Capitol. Vì không có giữ chỗ trước nên chúng tôi không có tham dự vào Tour khám phá lịch sử điện Capitol nhưng vào xem đoạn Video 13 phút “Out of Many, One” rồi vào Phòng Triển Lãm (Exhibitation Hall) ở tầng dưới nơi đây trình bày hình ảnh tài liệu về lịch sử Quốc Hội và tiến trình xây cất tòa nhà Capitol cũng như mô hình cao 11 feet của vòm mái tòa nhà. Nơi đây có màn ảnh thu hình nếu 2 viện Quốc Hội có phiên họp để du khách xem. Sau đó trở xuống tầng dưới chúng tôi đi xuyên qua Emancipation Hall một lần nữa để vào nhà hàng nghỉ chân và uống ly cà phê, nơi đây có bán nhiều loại thức ăn với 530 ghế ngồi. Muốn mua quà kỷ niệm chuyến viếng thăm điện Capitol, ở tầng trên 2 bên cánh gần cửa vào là các gian hàng bán các loại sản phẩm này.

Năm 1988 lần đầu đến thăm thủ đô Washington, DC chúng tôi có viếng điện Capitol, thời ấy chưa xây Visitor Center, bên trong phòng tiếp đón cũ nhỏ hơn chỉ đủ chỗ cho chừng 1,500 người. Nhằm cuối tháng 3, mùa Hội Hoa Anh Ðào, thời tiết còn rất lạnh, du khách vào xem điện Capitol rất đông phải đứng sắp hàng ngoài trời khiến nhiều cụ già run cầm cập. Bên trong Capitol chỉ có 5 phòng vệ sinh nhỏ dành cho du khách và không có nhà hàng bán thức ăn, chỉ có một quầy cà phê nhỏ. Nay với Visitor Center rộng lớn có thể chứa một lúc 4,000 người với các tiện nghi hiện đại cộng với phòng trưng bày không thua gì nhà bảo tàng về lịch sử Quốc Hội Hoa Kỳ. Dù không tham dự tour vào xem các phòng ốc bên trong, tôi cũng không tiếc nuối vì lần trước cũng có xem qua rồi, nhớ là được dẫn đến dưới mái vòm Rotunda, rồi đứng bên trên xem 2 nghị trường của Thượng và Hạ Nghị Viện, không có nhà bảo tàng lịch sử trình bày lớp lang, chi tiết như bây giờ. Rời tòa nhà Quốc Hội Capitol chúng tôi sang viếng tòa nhà Thư Viện Quốc Hội (Library of Congress) xem bên đó có gì?

Thư Viện Quốc Hội

Ở tầng trên của Visitor Center gần các quày lấy hẹn (Appointment Desk) chúng tôi bước xuống đường hầm để sang Thư Viện Quốc Hội (Library of Congress) tọa lạc trong tòa nhà lịch sử Thomas Jefferson Building ở phía sau (phía Ðông) của điện Capitol. Tòa nhà có 3 tầng lầu ở giữa cũng có một mái vòm bị nhiều người chỉ trích là muốn “cạnh tranh” với mái vòm của tòa nhà Quốc Hội vì những tác phẩm nghệ thuật bên trong của nó. Thư Viện Quốc Hội phải mất tới 11 năm để xây cất và mở cửa cho công chúng vào ngày 1 tháng 11, 1897. Ngay sau khi hoàn thành đã được xem như là danh thắng quốc gia (national monument) vì tính cách đồ sộ và nguy nga của nó. Lý do phải xây thư viện này theo lời vị quản thủ thư viện lúc đó là Ainsworth Rand Spofford: cần phải có nơi rộng hơn để chứa văn kiện, sách vở, tài liệu sưu tầm, lưu trữ vì thư viện cũ nằm trong điện Capitol không đủ chỗ. Ông cho biết cần phải có một tòa nhà riêng biệt để làm Thư Viện Quốc Gia. Ðược biết là sau khi Quốc Hội ban hành luật bảo vệ bản quyền Copyright Law 1870 đòi hỏi người muốn xin phép đăng ký tác quyền phải nộp cho Thư Viện Quốc Hội 2 bản sao công trình sáng chế hay sáng tác của họ thành thử thư viện tràn ngập hàng đống sách vở, tài liệu kỹ thuật, bản vẽ, nhạc phẩm, hình ảnh, v.v... cần phải có nơi lưu trữ để thực thi đạo luật vừa ban hành.

Ngày trước tòa nhà chỉ đơn giản được gọi là Thư Viện Quốc Hội cho đến ngày 13 tháng 6, 1980, được đổi tên để vinh danh vị tổng thống Hoa Kỳ là Thomas Jefferson, ông là một trong những người vận động thành lập thư viện vào đầu những năm 1800. Sau khi quân Anh tấn công thủ đô Washington và đốt tòa nhà Capitol vào năm 1814, ông đã bán tượng trưng gần hết bộ sách sưu tầm cho Thư Viện Quốc Hội.

Phòng đọc sách chính của Thư Viện Quốc Hội với trần nhà cao rộng, bàn ghế toàn bằng gỗ quý cổ xưa, các gian đại sảnh như Great Hall trưng bày những bức tranh lớn vẽ trên tường, trên trần nhà rất nguy nga, lộng lẫy không thua gì viện bảo tàng Louvre ở Paris. Vào tòa nhà Thomas Jefferson Thư Viện Quốc Hội có cảm giác như lạc vào cung điện bên Âu Châu.

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét