Thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania còn có tên "Philly", hay theo nghĩa của tiếng Hy Lạp là "Thành phố của tình huynh đệ". Với nhiều địa danh lịch sử, thành phố này đã trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục và thương mại lớn từ thời còn là thuộc địa của Anh, chỉ sau Thủ đô London.

Từ 1790 - 1800, Philadelphia là thủ đô của Hoa Kỳ, khi Washington DC đang được xây dựng. Ngày nay, Philly còn là một trong những trung tâm nghệ thuật lớn của nước Mỹ và được mệnh danh là "thủ đô tranh bích họa đương đại" của thế giới.

Philadelphia-1

Rảo bộ trên đường số 13 tại Philly, đến ngã tư Pine Street, du khách sẽ ngạc nhiên và thích thú khi hiện ra trước mắt họ là nam danh ca Frank Sinatra (1915 - 1998) đang "tán gẫu" với thần tượng nhạc rock Frank Zappa (1940 - 1993), bên cạnh còn có Franklin D Roosevelt, Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ trong bốn nhiệm kỳ 1933 - 1945, và Aretha Franklin, nữ hoàng nhạc Soul, từng hát trong buổi nhậm chức của Tổng thống Obama. Trên đây chỉ là một trong số hơn 3.000 tranh bích họa được vẽ theo chương trình Nghệ thuật Tranh tường (MAP), một kế hoạch do Thị trưởng Wilson Goole đưa ra vào năm 1984, nhắm chống lại phong trào phun sơn (graffiti) bôi bẩn các bức tường trong thành phố do các băng nhóm thanh thiếu niên khởi xướng. Nữ họa sĩ bích họa Jane Golden được mời xây dựng chương trình, hướng những người trẻ có năng lực, thích vẽ "graffiti" sang nghệ thuật, lôi kéo họ ra khỏi thế giới đen tối của ma túy, phá phách và tội phạm. Kết quả, chương trình từ cộng đồng nhỏ này đã lan rộng thành một phong trào nghệ thuật trong công chúng.

Đi qua những con đường ngoẳn ngoèo, nhỏ hẹp nằm giữa hai hàng cây trong trung tâm thành phố, qua khu phố nhộn nhịp là đến những khu vực lịch sử của Philly: Tòa nhà Độc lập, nơi bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ được ký thành văn kiện chính thức ngày 4/7/1776 (nay là Di sản Văn hóa Thế giới), và gần đó Liberty Bell Pavillion, bơi đặt chiếc chuông bị nứt mang tên Tự Do, một biểu tượng cho nền độc lập của nước Mỹ, là điểm thu hút nhiều khách đến viếng thăm nhất thành phố. Khi đến vùng tập trung nhiều tác phẩm bích họa nhất, du khách sẽ tha hồ ngắm các bức vẽ đa dạng: vài bức mang tính cường điệu, những bức khác mang vẽ suy tư, trầm lắng hoặc châm biếm. Một số tranh diện tích không quá một bức tường nhỏ, nhưng nhiều bức lại có độ cao bằng tòa nhà 10 - 11 tầng. Vì chương trình này dựa vào công đồng, nên các bức hình có xu hướng phản ánh tính dân tộc trong khu phố lân cận, như trong khu phố người Hoa, các bức tranh có chủ đề châu Á.

Jane Golden cho biết :Nhờ có nghệ thuật mà mọi người trong công đồng được nối kết với nhau". Bằng chứng là Bức tường Hòa bình do chính cô và Peter Pagast vẽ tại một khu dân cư nghèo ở phía nam thành phố, nơi đã từng xảy ra nhiều cuộc xung đột sắc tộc, thậm chí bắn giết nhau bằng súng. Khi đến thăm bức họa này, nhìn khu dân cư vắng vẻ xung quanh, du khách thấy các nghệ sĩ quả là dũng cảm khi mang thông điệp hòa bình tới đây. Một cụ già da đen đi qua nói: "Mọi thứ đã thay đổi từ khi có bức tranh này. Mọi người sống hòa thuận hơn, tôn trọng nhau và không còn xung đột nữa". Thế nhưng, ấn tượng xúc cảm nhất là bức Tribute to the flag của Saligman, được vẽ năm 2002: một lá cờ Mỹ khổng lồ rộng 2.281 feet vuông (684 m2 trên bờ tường một tòa nhà, tưởng nhớ 2.281 nạn nhân ngày 11/09.

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG cùng Công ty Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp thực hiện
Theo DNSG

0 nhận xét