Không chỉ ráo riết chạy đua giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic 2012, thành phố New York còn tiến hành nộp đơn xin được chính thức trở thành “Ngôi nhà thứ hai của thế giới”.

Thị trưởng Michael Bloomberg (tỉ phú sáng lập viên công ty truyền tải thông tin kinh tế tài chính cấp thời Bloomberg) là một trong những người đang ấp ủ giấc mộng đẹp này. Ông muốn New York phải được biết đến như là ngôi nhà êm ấm thứ hai trên thế giới - vì nơi đây không chỉ là thành phố không ngủ mà còn là nơi có đại diện của các sắc dân, các màu da và các ngôn ngữ.

Trái táo hấp dẫn

New York từ lâu được gọi là “trái táo lớn” vì hấp dẫn mọi người và có phần cho những ai nỗ lực ắt thành công. Trước khi mang biệt danh này, New York còn được gọi là “củ hành lớn”. Từ lâu, lữ khách toàn cầu cho rằng chỉ cần dạo bộ ở quảng trường Thời đại (Times Square đã có hơn 100 năm tuổi đời) hay ngồi sưởi nắng trong công viên Trung tâm (Central Park, xây dựng từ năm 1859) thì có thể nghe người qua lại nói chuyện với nhau bằng đủ các thứ tiếng của nhân loại.

Và cũng không đô thị nào có đủ loại nhà hàng chuyên về ẩm thực của từng sắc đân địa cầu bằng ở New York. Ngoài ra đây cũng là thành phố đã được dùng làm bối cảnh cho rất nhiều phim nổi tiếng. Sở thú Bronx Zoo cũng là vườn bách thú rộng lớn nhất (khánh thành năm 1899, hiện nuôi hơn 6.000 con thú) ở Mỹ. Vì thế, nhiều người gọi New York là “thủ đô của thế giới”.

Ngôi nhà của thế giới

New York chẳng hề đùa trong cuộc chơi mới này. Tòa thị chính đã chính thức nộp hồ sơ cho Văn phòng bằng sáng chế và thương hiệu Mỹ xin được bảo vệ khẩu ngữ The world’s second home gắn phía sau New York City như là “nhãn hiệu đã cầu chứng tại tòa”, nữ luật sư Katherine Winningham chuyên về luật thương mại và thương hiệu cho biết. Nhưng phải chờ hai năm nữa mới được như ý.

Tổng số hơn 8 triệu cư dân của New York có ba năm để quyết định thành phố của họ có nên mang nhãn hiệu “căn nhà thứ hai của thế giới” hay không. “Họ sẽ được độc quyền áp dụng thương hiệu này khi tiến hành các chiến dịch quảng cáo cho việc thu hút đầu tư, du lịch, thể thao, phim ảnh... hoặc đính nó vào tất cả những sản phẩm và dịch vụ có xuất xứ từ thành phố”, bà Winningham kể.

Tuy nhiên, ngay bây giờ New York đã sử dụng thương hiệu này trong cuộc đua giành quyền tổ chức Thế vận hội 2012. Các đối thủ của New YorkParis, London, MadridMoscow. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ có quyết định cuối cùng vào tháng 7.2005. Cuối tháng 2, IOC sẽ cử ủy ban thẩm định đến xem xét các khả năng tổ chức của thành phố này. Giới chuyên ngành cho biết Paris hiện là ứng cử viên số một (trong 20 năm qua đã 3 lần nộp đơn xin tổ chức Olympic) và New York là ứng viên số hai.

10 điểm phải tham quan khi đến New York

1. Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ (American Museum of natural history), nơi có các bộ xương khủng long và Topaz, viên kim cương lớn nhất thế giới: 21.005 carat.

2. Công viên trung tâm (Central Park), xây dựng năm 1859, là ốc đảo lớn giữa "cánh rừng" nhà cao tầng bê tông cốt sắt.

3. Tòa nhà Empire State với không gian quan sát xa đến 80 dặm.

4. Bảo tàng Frick, xây dựng năm 1914 chứa đựng nhiều tuyệt tác nghệ thuật châu Âu cổ.

5. Trung tâm Lincoln với 8 nhà hát, khánh thành năm 1962, là cái nôi của nghệ thuật biểu diễn New York.

6. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan rộng lớn nhất và đẹp nhất Bắc bán cầu.

7. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại (Museum of Modern art), xây dựng năm 1929, nơi lưu trữ nhiều nghệ phẩm giá trị của các nghệ nhân tài hoa từ thế kỷ 19 đến hiện đại.

8. Trung tâm Rockefeller, xây dựng năm 1930.

9. Tượng nữ thần Tự do trên đảo Ellis, biểu tượng của nước Mỹ.

10. Quảng trường Thời đại (Times Square) bừng sáng hàng đêm với muôn vàn ánh đèn.

Ngoài ra, đã đến New York nên đi bộ theo một trong những lộ trình khám phá lịch sử cổ của thành phố mang tên Big Onion walking tours; thăm vườn bách thú Bronx; vườn bách thảo Brooklyn; cầu Brooklyn (cây cầu treo này được xem như kỳ công thứ tám của nhân loại); nhà ga trung tâm (Grand central terminal); khu phố Harlem và dự một trận bóng chày trong sân Yankee Stadium.

(Theo Đoàn Hạnh - SGTT)

0 nhận xét