medium_107.jpg

Tòa nhà Quốc Hội tiểu bang Georgia miền Ðông Nam Hoa Kỳ

medium_112.jpg

“Stone Mountain Park” thắng cảnh độc đáo của Atlanta

medium_605.jpg

Một ngôi nhà cổ ở Atlanta

medium_8591.jpg

Ngôi nhà của dân tị nạn người Việt ỏ Cumming phía Bắc Atlanta

medium_8608.jpg

Thương xá Ðại Hàn khang trang có những tiệm Phở Việt Nam


Ðến Atlanta trong màu xanh cây cỏ du khách sẽ thấy lại những bãi chiến trường xưa trong cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) và thấp thoáng đâu đây những cảnh chia ly, loạn lạc trong cuốn phim “Cuốn Theo Chiều Gió” nhắc nhớ chúng ta đến hoàn cảnh bi thương của đất nước Việt Nam trong cuộc chiến tranh vừa qua. Thành phố Atlanta nằm trong dãy núi đồi vùng Tây Bắc của tiểu bang Georgia thuộc miền Ðông Nam Hoa Kỳ với dân số 420,000 người. Sau thế vận hội mùa Hè 1996 Atlanta phát triển nhanh và dân số kể cả vùng phụ cận ngoại ô Atlanta đã tăng đến 4 triệu 100 ngàn người. Trong cuộc nội chiến Nam Bắc (Civil War) Atlanta là căn cứ của quân đội miền Nam (Confederate) đã thua trận trước quân miền Bắc và thành phố này là bãi chiến trường cuối cùng. Atlanta còn là nơi khai sinh ra tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” (Gone With The Wind) tiểu thuyết đầu tay của Margaret Mitchell một phụ nữ cư ngụ nơi đây và Atlanta cũng là nơi khai sinh điều chế ra Coca Cola một thức uống đặc trưng Hoa Kỳ mà ngày nay phổ biến trên khắp thế giới.

Tôi đã qua Atlanta nhiều lần không phải thuần túy du lịch mà đi thăm con và một đàn cháu nội 4 đứa vì con trai lớn nhất của tôi sau khi học xong ở trường Emory Medical School tại Atlanta đã chọn nơi đây làm “đất lành chim đậu” và hiện làm gây mê (Anestheology) ở Atlanta. Nghề gây mê của nó chỉ làm khi có ca giải phẫu (khi không phải mổ thì không ai muốn mê man làm chi... trừ Micheal Jackson). Vào nhà thương để trực không có việc thường nó ngủ và khi bị đánh thức dậy thì nó lại làm cho người khác... ngủ và không được ngủ tiếp mà phải đứng để theo dõi nhịp tim, huyết áp bịnh nhân và những máy móc hầm bà lằng rắc rối khác. Hồi nó mới qua học thì mướn apartment ở ngay phía Bắc thành phố Atlanta cho gần trường và khu chung cư này lại cũng gần khu thương mại VN. Lúc đó qua thăm nó rất thích vì mỗi sáng tôi thức sớm ra hồ bơi của chung cư bơi lội rất là thoải mái. Mùa Hè nắng lên ấm áp, không khí lại mát dịu, mưa nhiều nên cây cối rậm rạp xanh tươi lá hoa sặc sỡ, trên đất Mỹ mà có cảm giác như đang ở Á Châu. Sau đó thằng con ra trường cưới vợ và mua nhà ở Roswell thành phố phía Bắc cách Atlanta 15 miles và bây giờ lại dọn xa hơn nữa ở Cumming cách Roswell thêm 15 miles nữa.

Phi trường Hartsfield Jackson

Không biết vì không còn vé hay muốn tiết kiệm tiền bạc mà thằng con mua vé máy bay cho hai vợ chồng chúng tôi là vé bay đêm cất cánh từ Orange County lúc 11 giờ khuya nhưng được là bay thẳng không ghé đổi máy bay ở giữa đường. Giữa đêm phi cơ cất cánh nhìn xuống quận Cam trông như hội hoa đăng muôn vạn ánh đèn màu chỉ có phía biển Newport Beach là thảm đèn chấm dứt và từ đó là biển đêm kéo dài vô tận. Tôi có tật là ngồi trên máy bay chân không thẳng là không ngủ được (muốn thẳng chân là phải mua vé hạng nhất mà hạng này thì rất là... hao tiền). Nhiều người bày cho tôi cứ uống một viên Tylenol PM là sẽ ngủ ngay nhưng tôi chưa thấy cần phải thử. Ðêm nay có lẽ vì ban ngày cắt cỏ làm vườn rồi lại xuống Bolsa mua vài món ăn Việt Nam đem sang, nên ngồi máy bay tôi thiu thỉu chợp mắt được hai tiếng đồng hồ. Thức dậy nhìn ra khung cửa phi cơ thấy trời gần sáng, nhìn đồng hồ kim chỉ 2 giờ sáng giờ Cali nhưng miền Ðông Hoa Kỳ đã là 5 giờ sáng. Sáu giờ rưỡi sáng máy bay hạ cánh xuống phi trường Atlanta có tên là Hartsfield Jackson International Airport. Phi trường rất lớn và nhộn nhịp có 2 terminal Bắc Nam nhưng cùng trong một tòa nhà và mỗi terminal có nơi nhận hành lý ở phía ngoài gần cửa ra nơi các xe taxi đậu. Chúng tôi gặp thằng con đón nơi lấy hành lý và cùng nhau đi bộ ra bãi đậu xe.

Hartsfield Jackson International Airport cách trung tâm thành phố Atlanta 10 miles về hướng Nam, mỗi năm có 75 triệu hành khách bay những đường bay quốc nội và 5 triệu hành khách có chuyến bay quốc tế. Hiện nay vì lý do kiểm soát an ninh trước sự đe dọa của quân khủng bố, hành khách bay những chuyến bay ra quốc ngoại phải có mặt ở phi trường ít nhất 2 tiếng đồng hồ để gởi và kiểm soát hành lý, trình sổ thông hành (passport), lấy dấu tay và chụp hình để lưu trong hệ thống điện toán của sở di trú. Công việc làm tất cả đều bằng vi tính rất nhanh chóng nhưng vì hành khách đông phải sắp hàng nên hơi mất thời giờ. Trong tương lai phi trường Atlanta sẽ được trùng tu và mở rộng hơn nữa như nối dài thêm phi đạo (Runway) số 5, xây dựng thêm một nhà ga hành khách là Terminal số 3, cải tiến đường sá trong phi trường và nới rộng các bãi đậu xe hiện có là 30,000 chỗ xe đậu.

Thành phố Atlanta

Chúng tôi dùng xa lộ 85 đi về hướng Bắc ngang qua khu trung tâm Atlanta để về nhà con ở thành phố Cumming. Atlanta có hệ thống xa lộ khá hữu hiệu từ trung tâm thành phố lan tỏa ra như cánh hoa nở đi về 7 hướng khác nhau là các xa lộ 20 đi hướng Tây, 75 Tây Bắc, 19 Bắc, 85 Ðông Bắc, 20 Ðông, 75 Ðông Nam và 85 Tây Nam. Nối liền 7 xa lộ đó với nhau là xa lộ vòng đai 285 hình tròn chạy vòng bên ngoài thành phố tạo thành hình giống như mạng nhện giăng. Khu trung tâm có nhiều tòa cao ốc cũ có mới có chen lẫn với nhau, được một cái là Atlanta không có động đất nên hiện nay đang xây rất nhiều tòa nhà building mới kiểu cách Âu Châu rất đẹp, cửa kính xanh, mái chóp nhọn. Những tòa nhà cao ngất ngưởng được xây cất rải rác khắp mọi nơi nhưng nhiều nhất là ở Midtown, Buckhead là khu thượng lưu nhà cửa mắc tiền của Atlanta. Tòa nhà lập pháp tiểu bang (State Capitol) ở ngay giao điểm giữa hai xa lộ 20 và 75 có lối kiến trúc cũng giống như tòa nhà lập pháp liên bang ở Washington DC nhưng mái vòm bên trên được vát bằng vàng đào được ngay trong tiểu bang. Hiện nay tòa nhà lập pháp tiểu bang còn là viện bảo tàng khoa học và kỹ nghệ.

Trong khu trung tâm thành phố còn có các địa điểm nổi tiếng như Underground Of Atlanta (thời chiến tranh Nam Bắc là bịnh viện tiền phương nay là khu thương mại), World Of Coca Cola Pavilion (viện bảo tàng của hãng Coca Cola), Martin Luther King Jr. National Historical Site (nơi sinh quán của mục sư Luther King Jr.), vườn bách thảo Atlanta Botanical Gardens và tổng hành dinh của hãng tin CNN. Từ khu trung tâm theo đường Peachtree Road là con đường huyết mạch lên phía Bắc 5 miles là Atlanta Historical Society một khu rừng đầy cây cối rộng 22 mẫu, trang trại thời nô lệ khoảng thập niên 1840 được tái tạo để du khách thăm viếng. Ði về hướng Ðông 15 miles là Stone Mountain Park một cảnh trí thiên nhiên đặc biệt: một ngọn núi chỉ có một hòn đá khổng lồ và trên đó người ta đã điêu khắc hình những anh hùng của quân đội miền Nam thời nội chiến đang cỡi ngựa là Robert Lee, Stonewall Jackson và Jefferson Davis.

Atlanta còn có ban hợp xướng Atlanta Symphony Orchestra và đoàn nhạc kịch Alliance Theater Company luân phiên trình diễn ở hí viện Robert W. Woodruff Art Center. Rạp hát này được xây để tưởng nhớ 122 nghệ sĩ Atlanta đã tử nạn trong tai nạn phi cơ ở Pháp năm 1962. Tòa nhà thư viện 10 tầng Atlanta Public Library xây năm 1980 chiếm trọn một block đường ở khu trung tâm. Cầu trường Atlanta-Fulton County Stadium là sân nhà của đội banh football Falcons và đội baseball Braves là những đội đã thắng giải National League 1991. Những đội thể thao chuyên nghiệp khác là đội bóng rổ Hawks và đội túc cầu Attack. Ngoài ra còn có những cầu trường, sân thi đấu khác xây vào đầu thập niên 1990 để chuẩn bị cho Atlanta đăng cai thế vận hội mùa Hè 1996 là Olympic Stadium, Georgia Dome và những cơ sở thể thao rất hiện đại được xây trong khu Ðại Học Georgia Tech.

Về cơ sở giáo dục Atlanta có tất cả 29 trường đại học vừa cộng đồng vừa cao học. Emory University nổi tiếng về y khoa và luật khoa, Georgia Institute Of Technology vang danh về khoa học kỹ thuật, Atlanta University Center có những trường chuyên chú trọng đào tạo sinh viên da đen và Georgia State University ở ngay tại trung tâm thành phố. Ðặc biệt Atlanta được liên bang chọn là nơi đặt tổng hành dinh để nghiên cứu về thuốc men và bịnh tật, cơ quan National Centers For Desease Control được đặt trong Fernbank Science Center.

Về kinh tế Atlanta dẫn đầu và là trung tâm thương mại của miền Ðông Nam Hoa Kỳ nhờ vào hệ thống chuyển vận tân tiến và hữu hiệu nhất là đường hỏa xa và hàng không. Trong 50 hãng chuyên chở hàng hóa thì 42 hãng đã có cơ sở chi nhánh ở Atlanta. Phi trường quốc tế Atlanta có mạng đường bay nối liền tất cả những thành phố lớn trên thế giới. Từ ngày xưa Atlanta đã nổi tiếng về sản xuất bông vải, đậu phọng, trái cây vì khí hậu mưa nhiều lại không quá lạnh về mùa Ðông. Mỗi mùa Ðông tuyết chỉ rơi mỏng một vài lần. Khí hậu trung bình là 61 độ F (16 độ C) và ít khi nào nóng hơn 90 độ F (32 độ C). Atlanta còn nổi tiếng về vải vóc, quần áo, thời trang có nguyên một khu Atlanta Apparel Mart mở cửa năm 1979 quy tụ hơn 1000 gian hàng trưng bày quần áo và những ngành liên hệ đến thời trang.

Ðôi dòng lịch sử

Thành phố được thành lập năm 1837 vào thời điểm mà tuyến đường sắt của hãng xe lửa Western And Atlantic Railroad hoàn thành nối liền các tiểu bang Ðông Bắc xuống hướng Nam và trạm cuối cùng là tại Atlanta. Vì vậy tên đầu tiên của thành phố khi mới thành lập là Terminus. Ít lâu sau đó lại được đổi thành Marthaville lấy theo tên Martha con gái của thống đốc tiểu bang Goergia. Năm 1847 thành phố đổi tên là Atlanta dạng “giống cái” (feminine) của danh từ Atlantic (Ðại Tây Dương).

Trong chiến tranh Bắc Nam mà nguyên nhân gây ra cuộc chiến là những tiểu bang nông nghiệp miền Nam không chấp nhận việc bãi bỏ chế độ nô lệ vì họ cần người gốc Phi Châu để làm việc trong các nông trại trồng cây bông vải. Atlanta là căn cứ của chính quyền miền Nam Confederate, là nơi chế tạo và tàng trữ vũ khí súng ống, đạn dược cung cấp cho chiến trường chống lại với quân đội của liên bang miền Bắc. Năm 1864 Tướng William Tecumseh Sherman tư lịnh quân đội miền Bắc đánh tới cứ địa Atlanta và bao vây thành phố trong 117 ngày. Sau khi Atlanta đầu hàng, ông ra lịnh cho dân chúng toàn thành phố di tản và binh lính dưới quyền ông phóng hỏa đốt thành phố có lẽ sợ binh sĩ miền Nam còn ẩn núp kháng cự. Hơn 4,500 dinh thự, cơ sở, nhà cửa bị thiêu rụi và sau cơn bão lửa Atlanta chỉ còn lại không đầy 400 ngôi nhà!

Thành phố hồi sinh lại vào cuối thế kỷ 19 sau khi Hội Chợ Quốc Tế Bông Vải được tổ chức tại Atlanta năm 1881 và 1895 kế tiếp là sáng chế ra thức uống Coca Cola đầu tiên được bán trong một tiệm thuốc Tây trên đường Peachtree vào năm 1886. Sau thế vận hội 1996, kinh tế và thương mại Atlanta lại phát triển hơn nữa, đợt này là những nhà đầu tư Á Châu sau khi qua tham dự thế vận hội thấy nơi đây thời tiết tốt không quá lạnh, nhà cửa đất đai còn rẻ nên đã chuyển tiền qua mua bất động sản và lập những công ty trao đổi hàng hóa mậu dịch giữa Atlanta và các nước Á Châu như Ðại Hàn, Trung Quốc, Hồng Kông và Ðài Loan. Hiện nay tại Atlanta có hơn 1,000 hãng ngoại quốc và hơn 50 quốc gia có lãnh sự, văn phòng thương mại và trao đổi mậu dịch. Cộng đồng người Hoa tại Atlanta đã hơn 50 ngàn người và một China Town phồn thịnh ở hai thành phố Chamblee và Doraville miền ngoại ô hướng Ðông Bắc của trung tâm Atlanta.

Ðặc biệt người Ðại Hàn từ nước họ di dân đến đây rất đông, họ không xây dựng cơ sở thương mại trong khu phố Tàu cũ kỹ, chật chội mà lại xây những hãng xưởng (thường làm về sản phẩm cơ khí, tiện các bộ phận máy móc), chợ búa, thương xá mới rộng lớn ở các vùng ngoại ô phía Bắc. Có thể nói cộng đồng người Ðại Hàn lớn nhất nước Mỹ là ở Atlanta chứ không còn ở Garden Grove, California nữa.

Ðất lành chim đậu, những chợ búa, cơ sở thương mại của người Việt ta cũng chen lẫn trong khu phố Tàu trên đường Buford Highway thành phố Doraville. Ngày nay các tiệm phở, tiệm Nail cũng theo nhau vào các khu thương mại Ðại Hàn và nhắm vào khách Á Châu, người Mỹ nhiều hơn là khách đồng hương người Việt. Người Việt ở Georgia phần đông là từ các tiểu bang khác dọn sang trong thời kỳ kinh tế suy thoái, thất nghiệp như từ California, Texas vì nơi đây có nhiều việc làm, giá nhà lại rẻ. Hiện nay cộng đồng người Việt ở Atlanta hơn 30,000 người và có vài tờ tuần báo lớn như tờ Rạng Ðông, Sài Gòn Nhỏ, Chính Nghĩa v.v... phát hành mỗi tuần 6,000 ấn bản. Nhiều đại nhạc hội thu hình phát hành DVD ca nhạc của những trung tâm như Thúy Nga Paris (84), Vân Sơn (43) cũng tổ chức nơi đây và khán giả người Việt vào xem trẻ trung ăn mặc đẹp đẽ lịch sự có phần hơn thủ đô tỵ nạn Little Saigon ở miền Nam Cali nổi tiếng quanh năm nắng ấm, tình nồng. Ða số khán giả làm về nghề tóc và trang điểm nên ăn mặc đẹp là phải.

Trong những ngày tới, thằng con sẽ đưa đi thăm thú những thắng cảnh của Atlanta để khoe khoang “show-off” nơi định cư của nó và dĩ nhiên tôi sẽ không quên len lỏi vào các khu thương mại Việt Nam để thăm dân cho biết sự... đời (Sự đời như chiếc lá... Thu). Không kêu nó cũng sẽ đưa mẹ nó vào chợ Việt Nam để mua đồ, nấu cho nó những món nó thường ăn lúc nhỏ vì “không có món nào ngon bằng món mẹ nấu ở nhà”.

Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét