Sau khi viếng qua phố Tàu xem Hồng Kông trên đất Mỹ, tháp Coit ngạo nghễ trên đồi cao, đường Lombart dốc đứng, ra bến tàu Pier 39 ăn uống và xuống tàu ngoạn cảnh hải đảo ngục tù Alcatraz, thời gian còn lại chúng tôi đi về hướng Tây lên đỉnh ngắm sao trời Twin Peaks và ra vùng cầu Golden Gate mây bay gió lộng thả hồn theo những cánh buồm trắng ra khơi.
Rời khu bến tàu bỏ lại sau lưng tiếng kêu “en ét” của bầy hải cẩu, chúng tôi cho xe chạy về hướng Ðông, hướng có chiếc cầu dài Bay Bridges. Con đường dọc theo bờ biển bên trái là những cầu tàu, nhà kho xưa cũ nay được sơn vàng mới mẻ, bên phải chen chúc nhà cửa và buyn đinh của khu thương mại ngân hàng. Xe đến ngọn tháp đồng hồ cổ kính của Ferry Building, khoảng đường này trồng nhiều cây chà-là (Majestic Palm) rất đẹp, rẽ phải vào đường Market. Ðây là con đường chính của thành phố ngang qua khu downtown cao ngất những nhà chọc trời mà ta có cảm tưởng như lạc vào vùng Manhattan của New York. Rồi qua khu Civic Center có toà thị chính và những toà nhà của chính quyền tiểu bang và liên bang nơi góc đường Van Ness. Vùng này còn có nhiều viện bảo tàng và nhà hát cho những buổi hòa nhạc. Ði thêm hơn một mile nữa du khách đến khu Castro với những quán bar là địa đàng của dân đồng tính sẽ thấy hai ngọn đồi nhà cửa chen nhau trên đó. Ðó là Twin Peaks, hai đỉnh vu sơn nằm về phía Tây Nam của thành phố.
ÐỈNH SONG SINH TWIN PEAKS
Muốn lên đỉnh Twin Peaks cứ tiếp tục con đường Market, khi lên dốc rẽ phải vào đường Twin Peaks Drive, lối rẽ vào hơi khó thấy vì nhà cửa cao che án. Con đường lên đỉnh ngoằn nghèo quanh co uốn khúc nhưng dễ đi vì vắng xe, nhà cửa hai bên cất khít nhau không sân trống hay vườn tượt lớn, người ta tận dụng từng feet vuông đất vì “bao nhiêu tất đất, tất vàng bấy nhiêu!” Một căn condo 2 phòng ngủ giá 600 đến 800 ngàn và được xây từ thập niên 50, 60. Trên đỉnh là đất nhà nước, không có nhà cửa mà chỉ màu xanh của cỏ dại và lùm cây thấp. Ðỉnh của hai ngọn cao 904 feet và 922 feet, bãi đậu xe và điểm ngắm cảnh ở ngọn Nam thấp hơn, còn ngọn Bắc tuy có cao hơn nhưng chỉ là quanh co một lối nhỏ đi vào một vùng “dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Du khách dừng chân ở đồi Nam để ngoạn cảnh, nơi đây có một ngôi nhà và những ngọn tháp của các đài truyền hình. vị trí này cao nhất để thấy khắp hết thành phố nhưng đẹp nhất là nhìn về downtown hướng Ðông Bắc với những cao ốc chọc trời và con đường Market chạy thẳng từ chân đồi ngang qua khu downtown và ra tận bến tàu có tháp đồng hồ Ferry Building. Nhìn lên hướng Bắc thấy một vùng cây xanh của công viên Golden Gate.
Lên đây vào ban đêm cùng với người bạn tâm tình, dưới chân mình chi chít những ánh đèn, khu trung tâm cao ốc rực rỡ một góc trời, phố hoa lễ hội và trên đầu lung linh muôn ngàn tinh tú. Thầm thì tự hỏi “Bồng lai tiên cảnh chắc gì đẹp hơn?”
San Francisco nhìn từ Twin Peaks
GOLDEN GATE PARK
Rời đỉnh song sinh xe xuống núi chúng tôi đi lên hướng Bắc để đến Golden Gate Park cách đây chỉ một mile. Golden Gate Park là công viên lớn nhất trên đất Hoa Kỳ ở giữa lòng đô thị, rộng hơn công viên Central Park ở New York. Cả hai công viên là nơi…tươi mát, thư giãn cho dân đô thị sau những giờ làm việc mệt mõi mà không phải tốn kém gì, người ta có thể đưa trẻ con ra chơi đùa, đi bộ hay hóng gió, ngắm hoa. Công viên là nơi giải trí cho mọi lứa tuổi, thành phố nào có nhiều công viên là những thành phố tốt, nhà có giá rất cao, Fountain Valley gần Little Saigon với Square Mile Park là một thí dụ điển hình.
Nhưng dường như không phải ai cũng thích công viên? Tôi quen biết một người, anh ta đẹp trai, hiền lành, không tham gia một môn nào trong bộ sậu “tứ đỗ tường”. Suốt tuần đi làm, cuối tuần đưa check cho vợ cất và vào thư viện đọc sách nhưng không hiểu sao đùng một cái vợ anh lại ly dị. Anh về VN cưới một cô vợ khác, trở qua Mỹ cũng suốt tuần đi làm nhưng cuối tuần anh thay đổi cách “thư giãn” không vào thư viện nữa mà dẫn cô vợ vào chơi công viên. Rốt cục cô vợ mới cũng đòi ly dị ! Công viên, thư viện là những nơi bổ ích lại không tốn tiền, nhưng không hiểu sao các cô lại không thích? Ôi các cô là… những gì mà “nhân gian không thể hiểu”!
Trở về với đề tài du lịch, công viên Golden Gate Park dài 3 miles theo hướng Ðông Tây và rộng nửa mile bao phủ diện tích là 1,013 mẫu, có khoãng một triệu cây, 9 ao hồ trong đó Stow Lake rộng hơn hết đuợc hoàn tất năm 1893. Công viên được thiết kế, đo đạc bởi William Hammond Hall vào năm 1870 sau đó được John McLaren tiếp tục công việc năm 1887. Ông này là một nhà thiết kế vườn cảnh ở Scotland đã bỏ ra 50 năm kế tiếp để trùng tu làm đẹp công viên. Công việc làm quản đốc công viên của ông có lẽ sẽ tiếp tục mãi nếu như ông không bị ép buộc về hưu năm 70 tuổi vì làm vườn, trồng hoa là công việc thích thú không bao giờ kết thúc. Nhớ lại hai mươi năm về trước sống ở Fontana, cũng miền Nam California, hàng xóm bên cạnh tôi là cặp vợ chồng gốc Ý, chồng tên Micheal, bà vợ là Trish. Bà Trish rất thích làm vườn, trồng đủ mọi thứ cây cối, bông hoa. Bà mua cây về bắt ông chồng đào lỗ trồng xuống. Cây lớn, rễ to nhưng ông Micheal đào lỗ rất cạn, tôi thấy ông bỏ cây xuống, lấp đất sơ sài nhiều khi còn lòi rễ lên cả đống! Sợ cây chết tôi chỉ cho ông thấy và Micheal nói với tôi: “Ðào sâu làm chi cho mệt! Ðể mày xem, nay mai là bả sẽ kêu tao dời đi trồng nơi khác!”
Nguyên tắc của ông John McLaren, công viên phải là nơi mọi người tự do vui đùa mà không sợ làm hư hại cỏ cây, không có nơi nào trong công viên của ông có bảng “Cấm đi trên cỏ”. Vì vậy ông trồng cây rất nhiều, mọi giống cây ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ông xây một ngôi nhà theo kiểu Moorish Gothic để làm văn phòng quản lý công viên vừa làm nhà ở cho nhân viên và khách vãng lai phương xa, những người yêu vườn cảnh lui tới. Ông làm việc và cư ngụ trong ngôi nhà này cho đến khi qua đời năm 1943 thọ 96 tuổi.
Golden Gate Park nổi tiếng với khu vườn Nhật Bản có tên Japanese Tea Garden. Japanese Tea Garden đầu tiên được thành lập như khu làng Nhật Bản trong hội chợ thế giới 1894 được tổ chức ngay trong Golden Gate Park tại nơi mà ngày nay là Music Concourse. Khu vườn Nhật Bản trong Golden Gate Park là khu vườn Nhật công cộng đầu tiên thành lập trên đất Mỹ. Nhà thiết kế vườn cảnh giàu có người Nhật tên Makoto Hagiwara đưa ý kiến với giám đốc công viên là John McLaren muốn biến khu vườn Nhật Bản trong hội chợ thành một khu vườn vĩnh viễn. Ông Hagiwara mở rộng khu vườn Nhật lên đến 5 mẫu trồng thêm nhiều cây mà vườn Nhật không thể thiếu như thông đen Nhật lá vươn lên từng cụm, Japanese maple quanh năm lá đỏ thắm, cây anh đào hoa rực rỡ đầu xuân.
Ông xây ngôi nhà trà đạo nằm bên ao cá Koi với chiếc cầu cong cạnh khóm trúc vàng. Ông gởi qua Nhật mua về ngói men xanh để xây đền, những tượng Phật bằng đồng, đèn trong vườn bằng đá đẻo. Một góc vườn ông xây nhà để gia đình ở vừa vui hưởng thú cây cảnh thanh tao vừa chăm sóc khu vườn và trà thất. Ông ở đây từ năm 1895 cho đến 1942, thế chiến thứ hai lan rộng, Mỹ tham chiến sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii. Gia đình ông cũng như những người Mỹ gốc Nhật khác bị tập trung vào trại. Japanese Tea Garden bị đổi tên thành Oriental Tea Garden, trà thất bị đập phá, tượng đồng bị đánh cắp và cây cảnh bị đào xới, dời đi nơi khác hay chết rụi vì không ai săn sóc.
Ngày nay mặc dù những trang trí nguyên thủy bị hủy hoại hay thay đổi, khu vườn Nhật Bản ở đây vẫn còn nhiều thứ để du khách thưởng lãm và tên cũ Japanese Tea Garden đã được phục hồi từ năm 1952. Chiếc đèn hoà bình (Lantern of Peace) nặng 9 ngàn pounds do trẻ em Nhật mua tặng đã đặt trong vườn từ năm 1953 và ngôi chùa đã xây lại để thay thế ngôi đền cũ của ông Hagiwara. Ngoài ra trong vườn Nhật còn có Zen Garden là loại “vườn khô” không có cây đuợc sắp xếp bằng những hòn đá đặt trên sân cát cào phẳng phiu trông như những ngọn núi nằm giữa biển khơi.
Trong Golden Gate Park có nhiều con đường chúng tôi đậu xe bên lề và đi bộ đến ngôi nhà kính dùng làm nơi ương cây và trưng bày hoa kiểng (Conservatory of Flowers). Vừa tới nơi thì đã 4 giờ chiều nên nơi này đóng cửa. Phía trước là một vùng cỏ xanh có nhiều luống hoa màu sắc được sắp đặt hài hòa, sặc sỡ dưới ánh nắng chiều trông rất đẹp.
Tea House
PALACE OF FINE ART
Chúng tôi lái xe lên hướng Bắc về phía bờ biển để viếng Palace Of Fine Art nằm cạnh con đường 101 lên cầu Golden Gate. Ðường 101 từ Los Angeles lên San Francisco đã đứt đoạn ở khu Civic Center nay tiếp tục trở lại ở vùng bờ biển gần Russian Hill để đi tiếp lên miền Bắc.
Palace Of Fine Art là một quần thể kiến trúc La Mã và trang trí Hy Lạp do kiến trúc sư Bernard R. Maybeck xây dựng cho hội chợ Panama Pacific được tổ chức tại San Francisco vào tháng 2 năm 1915 để chào mừng việc hoàn thành kinh đào Panama nối liền Thái Bình Dương và Ðại Tây Dương. Sở dĩ chọn địa điểm tại đây để làm khu hội chợ là vì trong thành phố không còn chỗ. Vùng này còn trống trải vì nhiều đầm lầy lau sậy ăn thông ra biển nên chưa ai chiếm cứ. Ngày nay đến đây ngắm cảnh đền đài La Mã vẫn còn thấy những ao hồ với vài con thiên nga nhởn nhơ bơi lội. Những rặng cây tùng Monterey cypress trăm năm thân cong queo vì chịu nhiều tác động của gió biển.
Ðến với Palace Of Fine Art chụp những bức hình nếu không giải thích người xem tưởng chừng như bên Ý Ðại Lơi hay Hy Lạp xa xôi với thủ đô Athena đang tổ chức thế vận hội. Những ngày cuối tuần các cặp uyên ương đám cưới thường đến đây để chụp hình. Những thợ ảnh chụp đám cưới chuyên nghiệp ở vùng San Francisco đã quá quen thuộc với khung cảnh nơi đây, họ biết đứng vị trí nào chụp đẹp, ánh sáng lúc mấy giờ phải chọn vận tốc đóng mở ống kính là bao nhiêu. Họ chụp rất nhanh nhưng hình rất đẹp trong khi du khách phương xa mới đến như tôi “chụp rất nhiều nhưng không…đẹp đươc bao nhiêu”! Một cuồn phim chỉ được một vài tấm, do đó bây giờ tôi sắm máy hình kỹ thuật số (digital camera) cho đỡ khỏi phải tốn phim, tốn tiền. Chụp một lần cả trăm tấm ít ra cũng còn vài tấm coi được! Cũng như nhạc sĩ Vũ Thành An đã than thở “Triệu người quen có mấy người thân! Khi lìa đời có mấy người đưa?”
Palace Of Fine Art
0 nhận xét
Đăng nhận xét