Sau một buổi sáng dạo chơi khu lịch sử Underground ngày xưa là bãi chiến trường trong chiến tranh Nam Bắc, nay là khu thương xá nhộn nhịp du khách. Rồi qua nhà bảo tàng Coca Cola (World Of Coca Cola) một địa điểm cũng hấp dẫn, thỏa mãn óc tò mò của du khách muốn biết Coca Cola làm bằng hương liệu gì và do ai sáng chế để ngày nay trở thành một thức uống được khắp thế giới ưa chuộng. Sau đó thằng con trai chúng tôi (có gia đình và làm việc ở Atlanta) đưa chúng tôi đến một địa điểm kế tiếp là vườn bách thảo Atlanta Botanical Gardens ở cuối đường 14 và Piedmont Avenue thuộc trung tâm thành phố bên cạnh những công thự đồ sộ khang trang.
Atlanta Botanical Gardens
Với vị trí ở vào khu thương mại trung tâm, đất đai mắc mỏ nhưng vườn bách thảo cũng rộng đến 30 mẫu và trong khuôn viên vườn các tòa nhà và cây cối, vườn cảnh được chăm sóc rất tươm tất cẩn thận. Vị trí đắt tiền của vườn bách thảo cho thấy chánh quyền thành phố rất quan tâm đến yếu tố thiên nhiên, không bán đất đi để xây buyn đinh mà vẫn giữ lại một vườn hoa đẹp giữa thành phố để làm nơi thư giãn vui chơi cho công chúng. Vườn bách thảo ở địa chỉ
Khu thượng lưu Buckhead
Chúng tôi “cỡi ngựa xem hoa” lướt đi qua khắp mọi nơi ở khu vườn cũng mất hơn một tiếng đồng hồ rồi cũng phải rời vườn bách thảo để tiếp tục hành trình đi thăm nơi khác. Xe chúng tôi chạy lên hướng Bắc để đến một một khu vườn khác tên là Atlanta History Center ở vùng Buckhead là khu thượng lưu của những người giàu có ở Atlanta.
Ngày xưa vùng Buckhead có tên là Irbyville lấy tên gia đình Irby là dòng họ sở hữu hầu hết đất đai trong vùng và đồng thời là chủ nhân tiệm rượu và tạp hóa tọa lạc ở góc đường Roswell Road và West Paces Ferry vào năm 1839. Thời gian sau đó có người treo đầu một con dê đực trên ngọn cây bên ngoài tiệm rượu mà ông ta bắn được và đầu dê này được người ta nhắc mãi trở thành địa danh. Nhiều lần đã họp bàn để đổi tên nhưng cũng không đi đến đâu vì mọi người đã quen với tên Buckhead. Buckhead là một trong những vùng đắt giá nhất ở về phía Bắc trung tâm thành phố Atlanta có nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại, rất hạn chế chung cư nên chỉ có 10% nhà condominiums.
Vùng này địa thế thiên nhiên nhiều núi đồi, có nhiều cây cối to lớn trông như một khu rừng. Mỗi nhà được xây trên những lô đất rất rộng thường là một mẫu trồng cỏ xanh tươi và từ cổng sắt đi vào nhà là con đường tư nhân trải nhựa chiều dài cũng vài trăm thước. Kiến trúc nhà nơi đây mô phỏng theo kiểu Anh Quốc, tường đá xám và bên trên là mái nhà nhọn để chống tuyết bám đọng. Trong khu này có những ngôi nhà nổi tiếng như tòa nhà Swan House là một ngôi nhà cổ tiêu biểu cho kiểu xây cất Georgia nay thuộc khuôn viên của Atlanta History Center và những ngôi nhà xây vào thập niên 1950, 60 với những đường nét hoa văn trang trí kỳ thú. Ngoài ra còn có nhà của thống đốc Georgia thường được gọi là Governor's Mansion. Người ta thường gọi Buckhead là Beverly Hills của miền Ðông.
Buckhead còn là một trung tâm thương mại, giải trí của Atlanta. “Chưa biết Buckhead là chưa biết Atlanta!” Nơi đây có hàng trăm khách sạn, nhà hàng, hộp đêm sang trọng, những cao ốc văn phòng, thương xá mà du khách đến đây giải trí, mua sắm đều cảm thấy an toàn và thoải mái và là thiên đường mơ ước để sinh sống và làm việc của giới trẻ trí thức có nghề nghiệp chuyên môn. Họ có thể đi bộ hay đạp xe tới sở làm, buổi tối có thể đi ăn, giải trí không xa và con cái có trường học tốt. Buckhead lại rất thuận tiện trong việc giao thông vì gần xa lộ GA 400 Toll Gates và có nhiều ga xe điện thuộc hãng Marta nối liền trung tâm Atlanta và những nơi khác. Ngày nay nơi đây có thị trường địa ốc nóng bỏng với nhiều công ty địa ốc lớn nhất nước đều có chi nhánh ở Buckhead.
Atlanta History Center
Từ ngã tư Roswell Road và West Paces Ferry nơi ngày xưa người ta treo đầu dê (nhưng chắc không có bán thịt chó) đi vào đường West Paces Ferry một quãng về hướng Tây là sẽ gặp Atlanta History Center bên tay trái. Ðịa chỉ là 130 W Paces Ferry Road NW Atlanta GA 30305 và điện thoại 404-814-4000. Ðoạn đường này như một khu rừng, cây cao bóng mát, lùm bụi um tùm nhưng không ngổn ngang gò đống mà được săn sóc cẩn thận. Hôm nay Mùa Thu nắng vàng nhàn nhạt nhưng cây cối và mặt đất còn sũng ướt nước vì những cơn mưa ngày hôm trước, những màn sương mù bốc lên từ mặt đất vẫn còn lãng đãng trên những đồi cây thấp thoáng những tòa nhà ngói đỏ. Khu rừng Atlanta History Center rộng 33 mẫu ở Buckhead có nhiều tòa nhà nằm rải rác khắp nơi gồm nhà bảo tàng lịch sử của tiểu bang Georgia, hai ngôi nhà cổ là Swan House và trang trại Tullie Smith, khu vườn cảnh, nhà bảo tàng Thế Vận Hội 1996 (Centennial Olympic Games Museum) và Trung Tâm Nghiên Cứu Kenan (Kenan Research Center). Sau khi đậu xe, vào cổng mua vé vào cửa (người lớn 15$, cao niên 12$, trẻ em 10$) chúng tôi đi bộ đến xem trang trại Tullie Smith trước.
Trang trại Tullie Smith
Tullie Smith Farm là một khu đất rộng có nhiều vườn tuột xung quanh trồng rau cải mướp đậu và giữa vườn có một căn nhà gỗ. Ngôi nhà này là của gia đình Robert Smith cất khoảng năm 1840 nguyên thủy ở ngoại ô phía Ðông Atlanta và may mắn thoát khỏi trận hỏa thiêu của Tướng William Sherman năm 1864 trước khi kết thúc chiến tranh Nam Bắc. Ngôi nhà trong trang trại của Robert Smith được bứng dời về Atlanta History Center năm 1969 để làm một ngôi nhà mẫu điển hình cho đời sống nông dân ngày xưa mà hiện nay mất dần trong vùng ngoại ô Atlanta và hiện là di sản lịch sử cấp quốc gia (National Register of Historic Places).
Căn nhà chỉ lớn hơn một căn chòi được dựng lên bằng gỗ có căn bếp bên cạnh và lò rèn để làm nông cụ và đóng móng ngựa. Ngoài ra còn có lẫm chứa lúa mì, ngô bắp, chuồng bò lấy sữa, mọi thứ đều thô sơ cũ kỹ không khác dụng cụ nhà nông ở Việt Nam bao nhiêu. Gần ngôi nhà gia đình Robert Smith là những căn nhà nhỏ cabin có những chiếc giường chồng là nơi ngủ của những người nô lệ da đen. Ngày xưa gia đình Smith có 11 người nô lệ để canh tác 200 mẫu bông vải. Cạnh ngôi nhà là khu vườn nhỏ trồng cà chua, đậu bắp, vài loại gia vị, rau thơm và vài loại hoa làm cảnh. Có vài cây sung (Fig) nho nhỏ nhưng rất nhiều trái chín, trái sung bên này khác với Việt Nam, dài dài vỏ màu xanh, bên trong ruột đỏ hồng rất ngọt.
Swan House
Ðiểm đến kế tiếp có lẽ là di tích nhiều người xem nhất trong Atlanta History Center nằm gần cổng vào là ngôi nhà cổ Thiên Nga (Swan House) êm đềm ẩn mình dưới tàn lá trong rừng cây xanh. Ngôi biệt thự được xây bằng xi măng tường trắng với những cột tròn ở phía trước. Có lẽ nơi đây mưa nhiều ẩm ướt nên tường trắng nhiều chỗ loang lổ những vết rong xanh trông có vẻ cũ kỹ u buồn. Bên trong trang trí nhiều nơi bằng hình tượng con thiên nga nên tòa nhà có tên là Swan House. Tòa nhà được xây vào năm 1928 cho cặp vợ chồng Edward và Emily Inman rất giàu có nhờ thừa hưởng gia sản tổ tiên với nghề trồng bông vải. Swan House được thiết kế và trang trí bởi kiến trúc sư nổi tiếng ở Atlanta thời đó là Philip Trammell Shutze, ông ta dùng kiểu Anh và Ý thời xưa phối hợp để trang trí cho ngôi nhà vào thế kỷ 20.
Năm 1966 hội Atlanta Historical Society mua ngôi nhà Swan House và những món trang trí bên trong có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 và ngôi nhà được mở cửa cho công chúng xem năm 1967. Hội sử học cũng mua lại những món đồ cổ trong bộ sưu tập của kiến trúc sư Shutze trước khi ông chết vào năm 1982 để trưng bày thường trực nơi tầng chính của ngôi nhà Swan House gồm có những món như đồ sành sứ Trung Hoa và Âu Châu, các món bằng bạc, tranh vẽ, thảm trải sàn.
Ngôi nhà mới trùng tu lại tốn hơn 5 triệu đồng và công việc kéo dài trong 5 năm nhằm đem trở lại dáng vẻ nguyên thủy của nó vào thời điểm 1928. Ngôi nhà không lớn lắm có 2 tầng và tầng hầm, chúng tôi theo một nhóm du khách có người hướng dẫn đi qua các phòng như phòng ngủ cho khách vãng lai, phòng ngủ của mấy đứa con, phòng giặt, phòng điện thoại, nhà bếp với những món đồ xưa cũ có kiểu cách to lớn, nặng nề, thô kệch khiến tôi có cảm tưởng như viếng dinh thự của Vua Bảo Ðại ở Ðà Lạt năm nào. Những món đồ đó vào năm 1928 là cực kỳ tiện nghi, xa hoa chỉ những đại gia giàu có mới thủ đắc được, ngày nay gần 80 năm sau trông thật ngô nghê tức cười như tủ lạnh, lò sưởi chạy bằng dầu lửa, bàn ủi quần áo bỏ than, quạt máy chạy điện, máy hát dĩa quay tay, radio lớn như tủ rượu!
Ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong là những món đồ cổ trưng bày với tính cách bảo tàng không còn phù hợp với nhãn quan thẩm mỹ ngày nay. Khu vườn bên ngoài cũng cổ nhưng vẫn đẹp cho ta thấy rằng cây cối hoa lá thiên nhiên có nét đẹp bất biến theo thời gian trong khi những gì do con người làm ra rất dễ lỗi thời. Nhìn ra khu vườn cây cối xanh tươi nổi bật trên nền trời xanh lục, hàng tường chắn đất bằng những viên đá tảng phủ rêu xanh khiến du khách có cảm giác bình yên thanh tịnh. Những đóa hoa hồng non nớt rực rỡ trong những chậu cổ xanh rêu làm rộn rã những niềm vui, những cảm giác yêu đời. Khu vườn phía trước ngôi nhà Thiên Nga không nhiều các loại hoa mà người thiết kế chú trọng nhiều vào cây cối, tường đá, chậu bình và những tượng đá xanh rêu. Thiết kế vườn cảnh vẫn là nhà kiến trúc Philip Shutze, ông tạo nét vườn cảnh kiểu Ý Ðại Lợi phối hợp với kiểu Ăng Lê đầu thế kỷ 18 của Lord Burlington. Sân trước trên bãi cỏ xanh là một hồ nước tĩnh lặng phản chiếu bầu trời với hai phông tên phun cao ngọn nước và xung quanh bãi cỏ là những chậu hoa hồng và tường đá thấp chận đất, bìa của một rừng nhiều cây Boxwood hoa nở vào đầu Xuân. Vườn rất đơn giản nhưng thanh tịnh u buồn khiến người xem cảm thấy tâm hồn bình yên lắng đọng quên đi những xôn xao của đời thường, những trăn trở trong cuộc sống tất bật xô bồ khiến liên tưởng đến giọng hát trẻ trung thanh thản Trần Thu Hà:
“Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên.”
(Nhạc phẩm “Bình Yên” của Quốc Bảo)
Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm
0 nhận xét
Đăng nhận xét