medium_DL florida3[1]ab.jpg

Miami nhìn từ trên tầng 9 của du thuyền Carnival Destiny. Tác giả đã chụp 3 hình liên tiếp, sau đó dùng phối hợp để ghép lại.

medium_DL 7854[1]a.jpg

Những chiếc du thuyền vĩ đại đang cặp bến Miami

medium_DL 7860[1]a.jpg

Những khách sạn và nhà hàng ở South Beach Miami

medium_DL 7874[1]a.jpg

South Beach Miami - biển xanh cát trắng

medium_DL 7900[1]a.jpg

Những vườn dừa xanh mát ở South Beach


Nếu bạn muốn nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc mệt nhọc; nếu bạn muốn mừng sinh nhật của người tình hay kỷ niệm ngày cưới; nếu bạn muốn tổ chức họp bạn để ngắm nhìn những thiếu nữ xinh như mộng trên bãi biển trong một ngày nắng ấm; hay đơn giản hơn là bạn chỉ muốn có những ngày vui chơi thong thả, quên hết chuyện đời thì không gì bằng hãy tham gia một chuyến hải hành trên du thuyền trong vùng Caribbean. Tôi đã tham gia một chuyến đi đầy tuyệt vời trên du thuyền Carnival Destiny. Nay xin kể lại để bạn đọc cho vui. Ngoài ra cũng mong bạn tìm ra đâu đó trong bài viết vài kinh nghiệm hữu ích cho những ngày du lịch hoàn hảo mà lại ít tốn kém khi tham gia những chuyến đi tương tự. Bây giờ xin bắt đầu từ chuyện mua vé.

Ði theo tiếng gọi của trùng dương

Chuyến hải hành mà chúng tôi chọn đi sẽ khởi hành từ Miami-Florida và kéo dài 5 ngày qua các đảo gần đó thuộc vùng Bahamas ở phía Ðông Caribbean. Thời điểm đi là vào cuối Tháng Năm. Tôi chọn đi vào lúc này vì nếu đi sớm hơn thì lạnh, mà đi trễ hơn thì sợ mưa bão. Ði du lịch ngoài vấn đề sức khỏe, tiền bạc... thì yếu tố thời tiết rất quan trọng. Ở Caribbean hay có mưa bão nên ta tránh đi vào mùa bão là tốt nhứt. Nếu không chú ý mà mua vé vào mùa mưa thì đi chơi sẽ kém vui. Mùa bão tố ở Caribbean bắt đầu từ Tháng Sáu tới Tháng Mười Một, nhưng mạnh nhứt là hai Tháng Tám và Chín. Do đó, ta không nên mua vé đi cruise Caribbean vào thời gian này.

Ðể mua vé tôi thường theo dõi website www.carnival.com để coi giá. Tôi thấy đi theo hãng này có một điều lợi cho mình. Ðó là nếu mình mua vé sớm chừng vài tháng thì giá vé sẽ rẻ hơn rất nhiều so với giá bình thường hay khi mua gấp. Nhiều người đi chơi nhiều, có kinh nghiệm, lại cho biết giá cruise cũng thay đổi thường xuyên, nếu mình chịu khó theo dõi thì có khi sẽ có được giá rất hạ.

Ðầu Tháng Giêng năm 2009, thấy giá cruise đang “hạ giá”: chỉ dưới năm trăm đô la một chuyến, tôi mua liền trên Internet. Nếu bạn không biết sử dụng Internet thì cứ hỏi các văn phòng du lịch của mình. Văn phòng nào cũng đều biết bán vé đi cruise hết. Bạn cứ dặn trước với họ, khi nào vé xuống thì gọi bạn tới mua.

Theo lời hướng dẫn của con gái tôi và của mấy người bạn đã tham gia một chuyến cruise tương tự vào năm trước, chúng tôi chỉ cần mua vé hạng bình dân chớ không cần sang trọng mà cũng không cần có cửa sổ. Theo chương trình, thường ban ngày thì mình xuống đảo chơi. Ban đêm về tàu thì tối rồi, nên không cần có cửa sổ để ngắm bên ngoài. Tôi tiết kiệm như vậy. Nếu bạn có tiền thì cũng nên mua vé hạng sang một chút. Lúc đó phòng sẽ rộng hơn và có cửa sổ để ngắm bên ngoài. Tuy nhiên đừng nên mua vé rẻ quá. Lúc đó phòng sẽ chật lắm, mình phải ngủ giường có hai tầng thì mất công leo lên.

Về vé máy bay từ Los Angeles qua Miami thì tôi mua trên Internet của hãng www.expedia.com. Tôi sẽ đi trước một ngày và mướn khách sạn để ngủ một đêm ở Miami. Như vậy vừa chắc chắn là sẽ không bị trễ tàu mà lại có dịp du hí ở Miami để “thăm dân cho biết sự tình.” Giá hai vé máy bay và một đêm khách sạn ở South Beach-Miami cũng gần 1,000 đô. Còn cộng cả vé tàu thì hai người tốn gần 2,000 đô la cho một chuyến du lịch 7 ngày. Tính ra cũng bằng giá vé đi Trung Quốc. Ðó là chưa kể tiền típ cho nhân viên phục vụ trên tàu và ăn uống chút đỉnh dọc đường.

Mua vé xong, tôi email rủ rê anh chị, bạn bè khắp nơi coi có ai rảnh thì cùng đi một chuyến cho vui nhưng hình như không có ai tha thiết với chuyến đi này. Lúc này kinh tế đang khó khăn. Ai cũng lo canh cánh vì sợ mất việc thì khổ. Tôi hơi nản và sợ khi lên tàu không có ai là bạn thì sẽ buồn lắm. Ðiều này đúng hay sai từ từ sẽ rõ.

Vài lo lắng trước ngày khởi hành

Trước ngày khởi hành chừng 3 tuần, một tin không vui và làm chúng tôi khá lo lắng: đó là người ta phát hiện ở Mexico có một loại bịnh cúm do một siêu vi trùng mới xuất hiện trên thế giới gọi là cúm heo (đúng ra gọi là cúm A H1N1). Loại cúm này có thể gây chết người và có thể lan truyền từ người nọ sang người kia. Tổ Chức Y Tế Thế Giới là WHO đã nâng mức báo động về bịnh cúm này trên toàn thế giới lên tới gần mức cao nhứt. Nhiều nước đã có những biện pháp phòng ngừa... quá mức như Hồng Kông đã “giam giữ” hơn 300 du khách trong một khách sạn khi chỉ có một người Mexico bị bịnh. Ở Mỹ cũng có bịnh cúm này nhưng chánh phủ Mỹ không đóng biên giới với Mexico mà chỉ đóng cửa các trường học nơi có học sinh bị bịnh mà thôi. Chúng tôi lo rằng nếu xảy ra đại dịch thì phi trường sẽ đóng cửa, chúng tôi không bay qua Florida được thì kể như chuyến đi sẽ thất bại. Không biết sẽ bị mất tiền hay không vì đã đóng hết tiền vé, tiền khách sạn, tiền cruise...

May sao, dịch cúm kỳ này coi bộ cũng yếu nên các hãng hàng không và du lịch đều làm việc bình thường. Họ chỉ khuyến cáo du khách nên cẩn thận rửa tay và giữ gìn vệ sinh thông thường. Chuyến đi của chúng tôi nhờ đó cũng thuận buồm xuôi gió.

Miami - biển xanh cát trắng

Ngày đi đã tới. Chúng tôi lên đường thật sớm lúc 4:30 sáng để đi chuyến bay lúc 6:30. Sở dĩ phải đi sớm như vậy là để có thể tới Miami lúc 2:30 trưa và còn nhiều thời giờ để vui chơi vào đêm Chủ Nhựt. Vốn tánh tiết kiệm, chúng tôi đem theo thức ăn sáng và trưa để ăn cho vừa miệng mà khỏi tốn tiền mua sandwich trên máy bay. Ngày nay, các hãng máy bay Mỹ chỉ cho uống nước chớ không bao ăn như hồi xưa. Ai muốn ăn sáng thì họ bán với giá từ 8-10 đô la một phần.

Chuyến bay từ Los Angeles qua Miami sáng nay thật êm ả nên chúng tôi tới nơi đúng giờ.

Ra khỏi máy bay, chúng tôi phải đi bộ một đoạn khá xa mới tới trạm taxi. Trên đường ra chúng tôi thấy rất đông hành khách đi lại. Ðiều này hơi trái ngược với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Nếu kinh tế Mỹ èo uột tại sao người ta đi máy bay nhiều quá. Tôi tự hỏi như vậy và tự tìm câu trả lời là có thể phi trường Miami là một trong những phi trường chính tiếp nhận hành khách từ Châu Âu và Mỹ La Tinh nên hành khách mới nhiều như vậy!

Chiếc taxi đưa chúng tôi về khách sạn ở South Beach do một người da đen lái. Chúng tôi không thấy đồng hồ tính tiền nên cứ lo lắng trong bụng không biết mình có bị tính quá nhiều tiền khi tới nơi hay không. Nhưng thôi, tới nơi hãy hay, bây giờ hãy nhìn xem thành phố Miami từ trên xa lộ như thế nào.

Miami là một thành phố lớn ở miền Nam của tiểu bang Florida. Thành phố này và vùng phụ cận có hơn 5 triệu cư dân nhưng mỗi năm có tới 10 triệu du khách tới thăm do khí hậu ấm áp và là nơi xuất phát của nhiều chuyến du thuyền vào vùng Caribbean. Theo dòng lịch sử, Miami có đường xe lửa đầu tiên năm 1896, lúc đó ở đây chỉ có 300 cư dân. Vậy mà trong Thế Chiến Thứ Hai, vì Miami là nơi có nhiều khách sạn được chuyển đổi thành trại lính, dân số ở đây tăng nhanh. Sau thế chiến đã có một triệu cư dân.

Khi Fidel Castro lên cầm quyền ở Cuba năm 1959, một làn sóng di dân từ Cuba qua Mỹ đã tràn tới Miami. Do đó ngày nay nơi đây có hơn phân nửa dân số Miami là người thuộc Cuba hay từ các nước châu Mỹ La Tinh.

Từ những năm 1970, Miami trở nên một trung tâm thương mại và ngân hàng. Nhiều nhà cao tầng được xây cất làm cho nơi đây trở thành một nơi rất hiện đại.

Bão tố là trở ngại lớn nhứt cho cuộc sống ở Florida nói chung và Miami nói riêng. Năm 1992, trận bão Andrew tàn phá Miami gây ra thiệt hại hơn 20 tỉ, nhưng từ đầu thế kỷ 21, thành phố đã hồi phục và trở nên một nơi đến lý tưởng cho nhiều du khách.

Lúc tôi nói sẽ đi chơi ở Miami, bạn bè trong sở cho biết hiện giờ giá nhà đất ở Miami xuống rất thấp. Ðây là cơ hội để chúng ta đầu tư. Nhưng khi thấy nhà cửa ở Miami hôm nay tôi không mấy hào hứng bao nhiêu vì từ xa lộ nhìn xuống nhà cửa ở đây có vẻ không đẹp đẽ gì cho lắm. Nhiều nhà còn có những song sắt bao bọc cửa sổ và cửa chánh. Ðiều này cho thấy an ninh ở Miami còn có vấn đề chưa ổn. Thành phố lớn mà. Nơi nào cũng vậy. Ðiều làm tôi thích thú nhứt là nhìn thấy những cây phượng đỏ đang nở hoa. Bây giờ đã sắp vào Hè rồi. Những hoa phượng đỏ đã làm cho tôi nhớ lại những ngày còn niên thiếu ở quê nhà. Phượng nở báo hiệu một mùa Hè, mùa chia tay tuy rất nhiều quyến luyến mà lại háo hức vì ta sắp có những ngày nghỉ ngơi vui chơi sắp tới.

Nghĩ ngợi lan man thì xe đã vào con đường Mac Arthur Causeway là một đại lộ nối liền đất liền và bán đảo South Beach. Từ đây phong cảnh hai bên đường rất đẹp. Một bên là những chiếc du thuyền vĩ đại đang cặp bến. Ðó là bến tàu Miami nơi chúng tôi sẽ khởi hành du ngoạn vào ngày mai. Xa xa phía sau là những tòa nhà chọc trời cao vút của khu downtown trông thật hiện đại. Phía tay trái là vịnh Biscayne Bay nơi đó có những hòn đảo và những chiếc cầu bắc qua. Trong vịnh, du thuyền nho nhỏ đi lại rất nhiều. Chúng tôi được biết ở đây có một hòn đảo nhỏ có tên là Star Island. Ðảo này là nơi những người nổi tiếng như các minh tinh màn bạc hay các chủ ngân hàng cư ngụ. Bạn biết một căn nhà ở đây giá trung bình bao nhiêu không ? Chỉ sơ sơ có... 12 triệu mà thôi. Nội nhìn thấy mấy chiếc du thuyền to lớn và xinh đẹp đậu bên bờ phía trước nhà thì đã “lé” mắt rồi. Ước gì mình có một căn nhà như vậy để dưỡng già!!! Ôi chẳng qua đó là một mơ ước quá viễn vông!!!

Anh chàng tài xế da đen vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại với ai đó, hình như là bồ của anh ta. Anh ta nói tiếng Pháp. Sau này tôi thấy dân Miami nói đủ thứ tiếng, đa số nói tiếng Tây Ban Nha nhưng có nhiều người biết nói tiếng Pháp như anh chàng tài xế nầy. Anh ta cũng giỏi và đưa chúng tôi tới đúng ngay trước của khách sạn Carlton là nơi chúng tôi cư ngụ tối nay. Anh ta nói tiền xe là 32 đô la. Vậy là đúng giá. Họ đã biết là từ phi trường về South Beach giá bao nhiêu rồi nên không cần có đồng hồ tính tiền. Còn chúng tôi thì nãy giờ cứ lo hão không biết tay tài xế này có “ma giáo” hay không!

Carlton là một khách sạn nằm trên đường Collin Ave. Song song với bờ biển South Beach. Ðây là một khách sạn nhỏ tiêu chuẩn cỡ 3 sao là cùng. Thế mà chúng tôi đã phải mướn với giá 180 đô la một đêm. Khách sạn ở Miami mắc quá, nếu mướn nơi sang hơn một chút thì phải trả từ 250-300 đô la một đêm. Ở Carlton có một điều rất tiện là khách sạn rất gần bờ biển. Từ đây ra biển chỉ đi chừng 100 mét. Ngoài ra, tối nay có ra chơi ở khu Art Deco thì cũng chỉ xa chừng 1 km và dễ dàng đi bộ là tới.

Nhận phòng xong, chúng tôi thay đồ và nằm nghỉ một chút cho khỏe, sau đó là ra biển tắm ngay. Trùng dương đang réo gọi ngoài kia. Ðã tới đây thì phải tắm biển ngay tức thì.

Vui chơi trên bãi biển South Beach-Miami

Thời tiết hôm nay thật lý tưởng. Lúc này là vào khoảng 4 giờ chiều nhưng trời còn nắng, nhiệt độ khoảng 85 độ F hay 30 độ C. Lúc mới ra khỏi khách sạn thì ta có cảm giác hơi nóng, nhưng chỉ đi về phía biển chừng vài chục mét khi vào một công viên trồng toàn dừa thì gió thổi mát rượi. Bờ biển ở về phía Ðông. Sau khu vườn dừa là một khu đồi cát còn hoang dã rồi mới tới một bãi cát trắng rất rộng. Xa hơn nữa mới tới bãi tắm. Do đó từ khách sạn ra tới bãi tắm khoảng chừng hơn 100 mét. Dọc đường ra biển đã thấy có nhiều thiếu nữ mặc đồ tắm đi ra đi vô. Trông họ thật vui vẻ yêu đời. Còn ở khu vườn dừa, nhiều cặp tình nhân nằm ôm nhau một cách tự nhiên không cần chú ý thiên hạ chung quanh. Họ đang quấn quít bên nhau trong những ngày nghỉ và không cần để ý đến người khác. Ðó là cách sống của người Mỹ trong những ngày Hè!

Chiều nay có khá đông người trên bãi biển dài mấy cây số này. Ngoài người da trắng, còn có rất nhiều người da đen hay nâu (khoảng 40%). Còn dân Á Châu rất ít chỉ khoảng 5-10%. Nước biển Miami có màu xanh ngọc thạch rất đẹp. Sóng ở đây cũng khá lớn, chiều cao đợt sóng cũng khoảng gần 1 mét chớ không ít. Ðáy biển toàn cát mịn và hơi lài nên ra xa cũng không sợ lắm. Hôm nay chưa nóng lắm nên lúc mới xuống biển tôi có cảm giác là nước hơi lạnh. Tuy nhiên chừng 10 phút sau thì mới cảm thấy rằng nước biển lại ấm hơn khi ta ở ngoài trời. Tắm biển Miami cũng khá thú vị tuy hơi mệt vì có sóng lớn. Chúng tôi có phao mà lại bỏ quên trên khách sạn mất rồi.

Dọc bờ biển có rất nhiều trạm để canh gác về an toàn cho du khách. Lạ một điều là người Mỹ thích xuống bãi biển để nằm phơi nắng hơn là tắm biển. Tôi không thấy họ chơi các trò thể thao ở biển như thuyền buồm, bay dù lượn hay đi ca nô hoặc jet ski ở Miami. Ðược một điều là những thiếu nữ ra biển với quần áo “thiếu vải” nên trông rất hấp dẫn. Nhưng cũng có những ông, bà thật... bự, nằm chình ình trên bãi biển cho thấy họ hơi dư ký, khác xa với đàn ông ở Việt Nam khi ra biển thì chỉ thấy... da bọc xương.

Mùa này tới 8 giờ trời mới tối nhưng chúng tôi chỉ vui chơi trên biển tới hơn 6 giờ thì trở lại khách sạn. Lúc về thấy ở đó có một hồ bơi, chúng tôi bèn tiếp tục xuống hồ tắm thêm một giờ nữa mới lên để thay đồ chuẩn bị đi ăn tối.

Bài và ảnh: Minh Tâm

0 nhận xét