San Francisco còn được gọi là Cựu Kim Sơn, một vùng thanh lịch có chiếc cầu treo Golden Gate soi mình trên biển Thái Bình Dương bao la xanh ngát và những ngôi nhà đắt tiền nằm dọc theo những con phố dốc cao. Ðược thiên nhiên ưu đãi vì nằm trên bán đảo, San Francisco có ba bề được biển bao quanh, khí hậu mát mẻ quanh năm và nền văn hóa pha trộn nhiều sắc dân rất là đặc biệt. Du khách đến nước Mỹ phải một lần đặt chân đến San Francisco để khỏi nuối tiếc vì không đi thăm một thành phố thanh lịch, cảnh trí tươi đẹp sẽ mang nhiều ấn tượng khó quên.

Buổi sáng tháng 7 năm 2004 bằng xe của người bạn, chúng tôi rời San Jose ra xa lộ 101 đi lên hướng Bắc để viếng thành phố San Francisco. Ðây là lần thứ 5 tôi tới San Francisco, càng đi càng thích, càng tìm hiểu càng phát hiện ra nhiều điều chưa khám phá. San Francisco cách San Jose 50 miles, đường đi phải mất một tiếng đồng hồ nhưng cảnh lạ qua nhiều địa danh nổi tiếng nên con đường dường như rất ngắn. Xe qua thành phố Palo Alto đất khai sinh ra Silicon Valley thung lũng điện tử nổi tiếng thế giới với trường đại học Stanford đào tạo nhiều nhân tài cho nước Mỹ. Con đường chạy sát vịnh San Francisco mặt nước êm đềm không gợn sóng rồi xe qua phi trường và đi vào thành phố nhà cửa xây cất trên những ngọn đồi cái cao cái thấp san sát bên nhau nhưng không cùng một kiểu và sơn nhiều màu tươi vui bắt mắt. Thành phố không rộng lớn lắm, diện tích 129 dặm vuông (334 cây số vuông) nhưng chỉ có 46 dặm vuông là đất liền, phần còn lại là eo biển và đầm lầy nước mặn. Dân số nội thành khoãng 725 ngàn người (so với Los Angeles là 3 triệu 3), mật độ dân cư là 16 ngàn người trong một dặm vuông (tức 6 ngàn người trong một cây số vuông) trong khi Los Angeles là 7,500 người trong một dặm vuông. Trong những ngày làm việc, dân cư của các thành phố lân cận di chuyển về San Francisco qua cầu Golden Gate và Bay Bridges để làm việc trong thành phố và dân số nội thành trong những ngày đó lên đến 1 triệu rưỡi người. Nếu bao gồm những thành phố lân cận như Oakland và San Jose, dân số vùng vịnh San Francisco hơn 6 triệu người và thành phố được sắp vào hạng lớn thứ tư của tiểu bang California sau Los Angeles, San Diego và San Jose.

ÐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Từ ngàn năm trước vùng Vịnh đã có người da đỏ trú ngụ, những thương thuyền Âu Châu qua viễn vọng kính đã nhìn thấy vùng đất này từ năm 1769 nhưng mãi đến năm 1775 họ mới đặt chân lên. Một chỉ huy trưởng đoàn quân Tây Ban Nha đi tìm thuộc địa đã ghi lại trong nhật ký khi đặt chân lên vùng San Francisco như sau: “Ở đây không chỉ có một hải cảng mà một vùng đầy nghẹt những hải cảng”. Năm sau 1776 đại úy Juan Bautista de Anza dẫn một đoàn quân 200 người Tây Ban Nha đến cất doanh trại và một trụ sở truyền giáo. Doanh trại và cơ sở truyền giáo Mission Dolores rộng 1,400 mẫu (567 héc ta) vẫn còn dùng được cho đến ngày nay là di tích đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của người Âu. Bảy mươi năm sau đó, ngày 9-7-1846 lá cờ Mỹ đầu tiên được treo trên nhà quan thuế sau khi Mễ Tây Cơ nhượng lại lãnh thổ California cho Hoa Kỳ theo hiệp ước kết thúc chiến tranh.

Hai năm sau phong trào đi tìm vàng ở California bộc phát khi có người vô tình khám phá ra vàng trên bãi con sông American River. Hàng vạn người từ miền Ðông đổ xô về San Francisco khiến cho thị trấn nhỏ bé mới vừa thành lập bị nạn nhân mãn. Tình trạng hỗn loạn, mất an ninh do làn sóng cao bồi băng đảng hoành hành nhất là vùng bến tàu ở bờ biển ngày càng trầm trọng cho đến vụ bạo đông, hôi của, giết người xảy ra năm 1851. Lúc đó dân chúng mới họp nhau thành lập một lực lượng dân quân, treo cổ vài tên cướp của giết người và đẩy một số đông bất hảo di chuyển đến vùng khác thì an ninh mới đuợc vãn hồi.

Từ năm 1849 mỗi tuần hai chuyến tàu chạy bằng hơi nước chạy từ bờ biển miền Ðông sang miền Tây Hoa Kỳ và ngược lại. Ðường bộ bằng xe ngựa được chạy trên con đường California Trail ở phía Bắc, còn miền Nam có Santa Fe Trail. Chuyên chở thư tín có hảng Pony Express hoạt động từ tháng 4 năm 1860 nối liền St. Josepth, Missouri tới Sacramento. Tháng 10 năm 1861 đường dây điện tín cuối cùng đã được thiết lập nối nhịp cầu thông tin liên lạc giữa hai bờ biển Ðại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ngân sách dùng làm đường xe lửa nối liền hai bờ biển được thông qua năm 1862 và tháng 5 năm 1869 đường sắt của hai miền đã nối nhau tại Utah. Trên đây là vài nét lịch sử ghi lại tiến trình giao thông giữa miền Ðông và miền Tây Hoa Kỳ mà trong đó thành phố San Francisco đã thụ hưởng một phần không nhỏ để thành phố ngày càng phát triển.

Năm giờ 12 phút sáng ngày 18-4-1906 một trận động đất kinh hoàng xảy ra tại San Francisco mà sau này khi thành lập thước đo Richter người ta ước lượng khoãng 8.3 độ. Vì bể ống dẫn hơi đốt nên hỏa hoạn xảy ra ngay sau động đất, trận hỏa thiêu lan rộng không kiểm soát được và trong ba ngày đã thiêu hủy nhà cửa trong diện tích rộng lớn là 4 dặm vuông bao gồm 514 blocks phố, 450 người mất tích bị chôn vùi trong tro tàn và đổ nát. Khu vực thương mại và kỹ nghệ ở trung tâm thành phố bị san thành bình địa và một số cao ốc, biệt thự ở các khu lân cận hư hại nặng nề không thể tu sửa được. Sau trận động đất này các quy luật xây cất được ràng buộc chặc chẽ hơn và sở cứu hỏa được tái phối trí nhằm hoạt động hữu hiệu hơn. 83 năm sau vào năm 1989 một trận động đất khác xảy ra trong giờ lưu thông cao điểm buổi chiều đi làm về. Cơn địa chấn này đo được 7.1 độ cắt đứt điện lực và nước dùng, phá xập một đoạn trên cầu Bay Bridge, hàng chục ngàn người đang lái xe bị kẹt trên cầu và xa lộ, hàng trăm người đang ngồi trên xe bị phần đường phiá trên của xa lộ xập đè. Nhờ cải tiến quy luật xây cất nên tất cả các nhà chọc trời đều đứng vững không hề hấn gì chỉ vài tòa nhà cũ từ 2 đến 4 tầng bị nứt và hư hại. Cả hai trận động đất lớn này đều xuất phát dọc theo lằn nứt có tên là San Andreas.

XE CÁP ÐIỆN

San Francisco là một thành phố núi đồi, đường xá dốc cao, dốc thấp trông rất ngoạn mục nhưng lái xe cũng khá nguy hiểm. Lưu thông công cộng thành phố có một loại xe đặc biệt là xe điện dây cáp (Cable Car) có móc sắt khiến xe an toàn không bị tuột dốc. Những toa xe điện này được sơn màu xanh đỏ, mạ kền bóng láng, tài xế mặc đồng phục đội mũ trông lịch sự và đẹp mắt, là một hình ảnh đặc biệt gây ấn tượng đẹp cho du khách sau một lần viếng qua thành phố. Xe dừng lại hầu như mỗi góc đường, muốn đi du khách chỉ bước lên và trả tiền cho tài xế, giá vé chỉ vài đồng nhưng tài xế sẽ không thối tiền lại vì tiền sẽ bỏ thẳng vào hộp. Hộp tiền này giống như những hộp tiền của các bà vợ chỉ “one way” có vào mà không ra! Muốn đổi tiền lẻ nhiều khi tôi đưa tờ giấy bạn lên cao phe phẩy, thế nào cũng có một vài người tốt bụng đổi cho
Xe cáp được sáng chế bởi Andrew Hallidie sau khi ông ta chứng kiến cảnh xe ngựa lật và tuột dốc kéo theo những con ngựa đáng thương phía sau. Xe đuợc đưa ra sử dụng ngày 2-8-1873 trên đường Clay Sreet lên Nob Hill rất thành công nên từ đó nhiều công ty bỏ tiền vào đầu tư. Trong thập niên 1890 có tất cả 8 hãng vận chuyển điều hành 600 xe điện chạy trên 21 tuyến đường dài tổng cộng 52.8 miles và là phuơng tiện chuyên chở hành khách chính yếu cho đến trận động đất năm 1906. Trận động đất và hỏa hoạn này đã thiêu rụi toàn bộ các toa xe và làm hư các đường rầy. Sau đó thành phố đã tái thiết lại nhưng chỉ những lộ trình chính yếu cho khách du lịch còn số đông hành khách là công nhân viên chức đi làm ngày nay đã có xe riêng hay đi xe buýt. Toàn bộ hệ thống xe điện cáp này đã ngưng hoạt động trong hai năm 1982 đến 1984 để tu bổ lại cho an toàn và thẩm mỹ hơn..


Xe cáp điện

ÐIẠ ÐÀNG DÂN “GAY”

Nhiều đồi núi và thung lũng nên rải rác trong thành phố người ta bắt gặp nhiều địa danh như Nob Hill là khu biệt thự sang trọng bởi tiếng Hindu “nabob” có nghĩa là người quan trọng và sang giàu. Telegraph Hill là tên ngọn đồi có đài phát tuyến Morse được xây dựng năm 1853 để đánh điện tín, một phương tiện thông tin được xem là vượt bực vào thời ấy. Russian Hill là nghĩa trang của nhóm người Nga đầu tiên sinh sống trong vùng, đa số là thủy thủ đi săn hải cẩu.

Khu Castro District lấy tên con đường chính chạy qua là nơi tập trung đông đảo giới đồng tính “Gay”. San Francisco là vùng đất mới quy tụ nhiều sắc dân có phong tục khác nhau nên dễ dàng chấp nhận những người có lối sống khác biệt nếu không ảnh hưởng đến trật tự và quyền lợi của họ. Thêm vào đó phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ khiến tính tình người dân rất vui tươi cởi mở, có tinh thần phóng khoáng “liberal” nên họ dễ dàng chấp nhận giới đồng tính trong khi ở những nơi khác giới này bị nhìn như thành phần tội lỗi. Ðến thế chiến thứ hai, những binh lính đồng tính bị buộc phải xuất ngũ và họ được chở đến San Francisco để xuống tàu, tống xuất về nguyên quán. Nhưng đến đây gặp những người cùng chung sở thích, họ nhận ra “thiên đường là đây”, thay vì xuống tàu hồi hương họ trở lên bờ chọn nơi này làm quê hương, thành hình một cộng đồng “gay”. Ðó là lý do khiến San Francisco nổi tiếng là giang sơn của giới đồng tính và mới đây tòa án thành phố đã làm hôn thú cho hàng ngàn cặp “vợ chồng” cùng giới tính khiến cho dư luận xôn xao, tiếng đời xua động, chống đối cũng nhiều mà binh vực cũng có. Hàng năm các hội đồng tính ở đây có tổ chức một cuộc diễn hành “Gay Pride Parade” trên đường Market vào cuối tháng 6 cũng rất đông người xem.

PHỐ TÀU SAN FRANCISCO

Xa lộ 101 bắt đầu đi từ Los Angeles đến đây là cuối đường, xe chúng tôi rẽ mặt vào đường Market đi về hướng biển. Cuối đường Market là bờ biển nơi đây có bến phà để đi qua vùng Oakland nằm bên kia Vịnh. Ngày xưa khi chưa có cầu Golden Gate và Bay Bridges nơi đây tấp nập hành khách xuống tàu đi về các nơi như Marin County ở phiá Bắc và các thành phố bên kia Vịnh như Berkeley và Oakland. Thuở ấy giao thông đi và đến đều nhờ phà nên bến phà rất quan trọng và người ta đã xây tòa nhà Ferry Building đến giờ vẫn còn để hành khách trú nắng, đục mưa chờ đợi chuyến phà. Một tháp đồng hồ cao 235 feet được xây năm 1896 là kiến trúc cao nhất của San Francisco vào thời ấy. Tháp đồng hồ đến nay vẫn còn nhưng không còn hiên ngang ngạo nghễ như xưa vì bị các cao ốc ngân hàng vượt khỏi và bị cầu xa lộ chắn ngang mặt tiền nếu đứng từ khu downtown nhìn ra bờ biển.

Gần cuối con đường Market xe rẽ trái vào đường Kearny đi 5 blocks đường là đến China Town, tại đây du khách sẽ bắt găp một nhà thờ công giáo có tên là Old St. Mary Church cổ kính nằm ở góc Kearny và California. Nhà thờ này do người Hoa xây năm 1854. Ði thêm 2 vuông đường nữa sẽ thấy nhà đậu xe kế công viên Portsmouth Square nằm dưới cao ốc kim tự tháp Transamerica Pyramid được xây năm 1972. Du khách nên đậu xe ở đây vì vào bên trong phố Tàu đường chật hẹp lại đông đúc rất khó đậu xe. Phố Tàu San Francisco được xem là phố Tàu lớn nhất ngoài Á Châu. Làn sóng người Tàu đến đây đông nhất vào thời kỳ xây dựng đường xe lửa nối liền hai bờ biển nước Mỹ. Họ từ giả quê hương nghèo khổ để tìm một chân trời mới, hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn, trong khi nhà thầu Mỹ thu dụng nhân công Trung Hoa vì trả lương rẻ. Năm 1865 có chừng 6 ngàn nhân công người Hoa làm đường xe lửa, đến năm 1869 tăng lên 15 ngàn người. Những thập niên đầu tiên phố Tàu là những căn nhà ọp ẹp cho thuê, chợ lề đường bán rau cải, thịt cá, vài quán ăn, quày rượu và tiệm hút á phiện dưới tầng hầm. Ngày nay phố Tàu San Francisco là địa điểm du lịch đứng hạng nhì trong vùng chỉ sau cầu Golden Gate mà thôi. Du khách đến San Francisco là phải đi thăm phố Tàu để thấy khung cảnh buôn bán nhộn nhịp của Hồng Kông ngay trên đất Mỹ. Ðường xá phố Tàu rất chật hẹp lại dốc cao, nhiều nơi cẩn đá xanh xưa cổ có điều lợi là giữ cho bánh xe ít bị trượt dốc. Khách sạn tại khu phố Tàu và downtown cũng như vùng bờ biển rất đắt đỏ, giá thường trên 150$ một đêm và phải giữ chỗ trước. Do đó du khách nên mướn khách sạn ở những thành phố bên kia Vịnh như Oakland, Fremont vừa giá rẻ lại tiện nghi hơn.

Với du khách từ xa đến, phố Tàu có khung cảnh khác lạ, họ thích đi thăm thú mua sắm ở các cửa hàng đồ cổ, những món đông phương trang trí trong nhà, cẫm thạch, các loại nữ trang đá quý, dược thảo, sơn hào hải vị như mật gấu, sừng nai, vi cá, bào ngư, hải yến…Một số người thích thưởng thức những món ăn Trung Hoa có hương vị đặc biệt như điễm sắm, mì, hoành thánh, những món xào, chiên, chưng, hầm…Giá cả những món ăn bằng tiếng Anh nhiều tiệm niêm yết ngoài cửa và nhiều khi rẻ không ngờ. Có một đêm ngang qua một tiệm ăn môt căn phố cũ, ánh đèn vàng vọt nhưng ấm áp lãng mạn, tôi thấy rất đông giới trẻ da trắng đứng sắp hàng trước cửa. Tò mò tôi đến xem tấm Menu dán trước cửa kính: cơm xá xíu, heo quay, gà hấp, mì nước, mì xào đều đồng giá 3.99$ mỗi món! Tôi có một người quen, anh ta là sĩ quan không quân VNCH, anh ta cho biết hồi xưa trước 1975 anh đi tu nghiệp ở San Francisco anh thường ghé ăn ở một tiệm mì. Khi đến phố Tàu với tôi, anh nhất định đòi kiếm tiệm mì ngày xưa. Lâu quá cảnh vật thay đổi, anh dẫn tôi đi loanh quanh, bụng đói, chân mõi nhưng anh cũng đi tới lui tìm cho được tiệm mì. Cuối cùng tiệm mì anh ăn ngày xưa vẫn ở chổ cũ, quán mì nằm khuất dưới tầng hầm mà phía trên là một tiệm buôn khác, từ ngoài đường phải dùng bậc thang xi măng xuống quán mì. Anh nói quán bày trí cũng vẫn vậy tuy bàn ghế hơi khác đi một chút. Mì ở đây khá ngon, sợi dai giòn, nước xúp ngọt và giá là 3.89$ lại cho trà hay đá lạnh khỏi trả tiền!

Hàng năm sau Tết Nguyên Ðán khoãng 2 tuần, Phòng Thương Mại khu phố Tàu có tổ chức xe hoa diễn hành “Chinese New Year Parade” màu sắc vui tươi, đông đảo người xem và có chiếu trên đài truyền hình International Channel số 18 vùng Nam California và mỗi năm đều có cuộc thi sắc đẹp bầu hoa hậu San Francisco China Town.

Các khu phố Tàu ở những thành phố khác trên nước Mỹ, người Việt gốc Hoa đều xâm nhập và có nơi còn tràn ngập lấn áp người Tàu cố cựu như phố Tàu Los Angeles, New York, Toronto. Vào những khu phố này ta có thể nói tiếng Việt thoải mái, mua một dĩa nhạc VN dễ dàng. Trái lại phố Tàu San Francisco vẫn là một thành trì kiên cố, bang hội người Hoa ở đây rất giàu có và mạnh về thế lực chính trị vì họ đã ở đây hơn 150 năm, vẫn muốn giữ China Town là của người Hoa gốc “ di dân làm đường xe lửa”, thêm vào đó giá thuê phố lại đắt nên dân VN ta cũng khó chen vào nhưng người ta vẫn tìm thấy ít nhất 2 tiệm Phở ở giữa phố Tàu. Khó chen chân vào phố Tàu, dân ta tìm nơi khác cũng gần đó cách 1 mile về hướng Tây Nam nơi góc đường Ellis và Larkin gần toà thị chính để xây dựng khu VN và Tết năm qua 2004 được thành phố San Francisco công nhận là khu “Little Vietnam” đúng theo truyền thống “Ta đi theo quê hương”.


Phố Tàu San Francisco

TRỊNH HẢO TÂM

0 nhận xét