Những khu nhà mới vẫn được xây ở Atlanta. Khu thương xá êm đềm ở Duluth phía Bắc Atlanta. Asian Square khu thương mại VN trên đường Buford Hwy. Thương xá “China Town” ở thành phố Chamblee. |
Atlanta nằm trong dãy núi đồi trên cao độ 1,050 feet (320 mét) vùng Tây Bắc của tiểu bang Georgia thuộc miền Ðông Nam Hoa Kỳ, với dân số 420,000 người. Sau thế vận hội mùa Hè 1996 thành phố phát triển nhanh và dân số gồm luôn vùng phụ cận ngoại ô Atlanta đã tăng đến 4 triệu 100 ngàn người. Trong cuộc nội chiến Nam Bắc (Civil War) Atlanta là căn cứ và là bộ chỉ huy của quân đội miền Nam (Confederate) và Atlanta là chiến trường cuối cùng trước khi thua trận với quân miền Bắc. Atlanta còn là nơi khai sinh ra tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” (Gone With The Wind) của bà Margaret Mitchell và cũng là nơi đầu tiên phát minh ra Coca Cola một thức uống ngày nay phổ biến khắp thế giới.
Sau khi đón hai chúng tôi nơi quày lấy hành lý ở phi trường Atlanta, chúng tôi lên xe của con trai lớn để về nhà của gia đình nó ở thành phố Cumming về phía Bắc và cách Atlanta khoảng 30 miles. Xe vào xa lộ 85, chạy 10 miles tới khu trung tâm thành phố Atlanta là thủ đô của tiểu bang Goergia với những tòa nhà cao kiến trúc khá mới, còn những tòa nhà cũ như các cơ quan chính quyền như Goergia State Capitol thì xây thấp hơn.
Lưu thông trên xa lộ cũng khá nhiều xe nhưng không kẹt và trì chậm như vùng Los Angeles hay quanh khu Little Saigon ở Nam California. Thằng con trai ở đây từ năm 1997 nói rằng ngày nó mới qua học, lưu thông thoải mái hiếm khi kẹt xe, xe cộ bắt đầu nhiều và giá nhà cũng tăng từ mấy năm gần đây.
Phong cảnh dọc theo xa lộ cây cối rất nhiều và xanh tươi vì nhờ mưa nhiều, hầu như tất cả những loại thảo mộc ở Nam Cali ở đây đều có chỉ thiếu vắng những cây cọ thuộc giống Palm mà ở Nam Cali đi đâu cũng thấy. Nhà cửa ở đây to lớn hơn ở Cali, kiểu cách như bên Anh với tiền diện bằng gạch đỏ, nhà nào cũng có tầng hầm basement và mái nhọn dốc đứng để tuyết không bám được và đặc biệt nhà nào cũng sân rất rộng, nhà này cách xa nhà kia, không có hàng rào mà toàn là sân cỏ.
Giá nhà nơi đây hãy còn rẻ một trời một vực so với Orange County, theo Data Quick giá nhà trung bình vào Tháng Bảy, 2009 ở Orange County là $490,000, Los Angeles County $319,000 trong khi Atlanta chỉ có $109,000. Nói chung cũng như những thành phố lớn khác ở Hoa Kỳ, ngay trung tâm thành phố nhà cửa thường cũ kỹ và giá rẻ. Những vùng ngoại ô xa trung tâm chừng vài ba chục miles giá nhà cao hơn vì nơi đó tất cả đều mới, những tiện ích công cộng như công viên, trường học, thương xá đều mới xây phù hợp với nếp sống hiện tại.
Nhà cửa kiểu cách sáng sủa, rộng rãi và vật liệu xây dựng được cải tiến làm cho nhà ấm hơn, ống nước, ống ga, đường dây điện bền và an toàn hơn. Vùng thượng lưu của Atlanta là Buckhead được mệnh danh là Beverly Hill của Atlanta cũng nằm trên đường chính là Peachtree Road cách trung tâm thành phố chừng 6 miles về hướng Bắc gần khu Atlanta Historical Society. Nơi đây như một khu rừng, địa thế dốc thấp dốc cao và nhà cửa to lớn như những dinh thự lâu đài (mansion). Thằng con hứa ngày mai sẽ đưa chúng tôi ngao du thăm viếng vùng này để biết giới thượng lưu giàu có Atlanta sinh sống ra sao?
Khu thương mại Á Châu
Ðã gần 9 giờ sáng từ Cali bay suốt đêm qua đây nên trên đường về nhà, tôi kêu nó ghé qua khu thương mại VN để kiếm chút gì lót dạ vì thức đêm mau đói bụng. Từ xa lộ 85 theo hướng Ðông Bắc ra exit số 94 quẹo trái về hướng Tây gặp đường Buford rẽ vào tay mặt theo hướng Ðông Bắc.
Nơi đây thuộc thành phố nhỏ Chamblee, trên đoạn đường hơn 2 miles này rất nhiều khu thương mại Á Châu kéo dài tới thành phố Doraville nơi xa lộ vành đai 285 chạy ngang qua. Khu thương mại này bắt đầu thành hình từ khoảng 1992 và càng ngày càng xây cất thêm nhiều khu chợ. Những cửa hàng ở đây gồm có nhiều sắc tộc Á Châu chen chúc lẫn lộn với nhau như Tàu, Ðại Hàn, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản. Ngoài những chợ Tàu và Ðại Hàn trong khu thương xá của họ, trước đây từ 1992 đã có những chợ VN mở rải rác trên đường Buford này như Hong Kong (nay đổi tên là Atlanta Supermarket), An Ðông, Khánh Tâm v.v...
Ðến năm 1998 một khu thương mại VN là Asia Square do công ty 99 Ranch Market từ California qua đầu tư khiến khu VN tại đây càng thêm có nhiều cửa hàng và chợ 99 mở ra phục vụ khách y như ở Little Saigon. Thí dụ như trước đây nơi quày cá các chợ không có đánh vảy làm cá nhưng từ khi chợ 99 có sự phục vụ này, các chợ khác vì cạnh tranh cũng phải làm theo. Một cây chả lụa sản xuất từ Nam California trước đây bán đến hơn 5$ bây giờ giá chỉ còn 3$ không đắt hơn so với Little Saigon.
Chúng tôi vào tiệm phở Bắc để xem phở nơi đây khác với Cali như thế nào? Bên trong thật là đông khách hàng, ồn ào náo nhiệt như một nhà hàng Tàu. Hương vị tô phở cũng khá, rau giá lá quế, ngò gai vẫn tươi như ở Cali và giá cả cũng vậy. Trên con đường này còn có nhiều tiệm phở và nhà hàng VN khác như Phở 79, Phở Tân Tân, Biên Thùy, Sông Hương Bella Restaurant, Thiên Thanh Restaurant, Song Long, Vietnam Cuisine, Com Vietnamese Grill, Bò Bảy Món, tiệm sách thấy có Lê Phan còn những cửa hàng dịch vụ khác cũng đầy đủ hết như bác sĩ, nha sĩ, tiệm kính mắt, luật sư , bán vé máy bay, tiệm hoa, chụp hình đám cưới, tiệm video phim bộ, tiệm cà phê, karaoke và có cả vũ trường. Trên những tường quảng cáo cũng dán những tờ bướm bướm đêm ca nhạc với những ca sĩ nổi tiếng từ Cali qua hát.
Khu thương mại China Town Atlanta tọa lạc nơi góc đường New Peachtree Road và Chamblee Dunwoody Road được xây dựng từ 1988 đến năm 2000 sau khi thay đổi chủ, đã tân trang khu thương xá và mở rộng thêm. Khu này có ngôi chợ Dinho và khoảng 25 cửa hàng như nhà hàng ăn, BBQ, quán cà phê, tiệm bánh, thuốc Bắc, video, bán đồ điện tử và máy móc gia dụng, trường thẩm mỹ...
Theo chủ nhân khu China Town thì quận hạt Dekalb và thành phố Chamblee đã có dự án thành lập một làng Á Châu lấy tên là International Village rộng 375 acres ngay tại khu này. Khu thương xá này cũng như khu thương mại người Việt rất tiện đường giao thông gần 2 xa lộ 285 và 85. Hành khách từ trung tâm Atlanta đáp xe điện Doraville của hệ thống xe điện và buýt Marta (Metropolitan Atlanta Rapid Transit Authority) có thể xuống ga Chamblee Station NE9.
Người Việt ở Atlanta
Theo ông Lê Ngọc Ðiệp đồng hương Trà Vinh cũng là chủ bán nguyệt san Rạng Ðông một tờ báo rất lâu đời của cộng đồng người Việt tại đây cho biết Atlanta và vùng phụ cận hiện có khoảng 30 ngàn người Việt sinh sống và toàn tiểu bang có đến 85 ngàn người VN. Ða số người Việt ở Georgia là từ các tiểu bang khác di chuyển về đây và đông nhất là từ California vì nhà cửa quá đắt và Texas vì kinh tế trì trệ những năm đầu 1990 khiến một số người thất nghiệp.
Công việc nhiều, cơ hội làm ăn dễ dàng, giá nhà rẻ, khí hậu ôn hòa khiến người VN kể cả người Mỹ và các sắc dân khác về đây ngày càng đông nhất là sau Thế Vận Hội 1996 người ta biết nhiều về thành phố Atlanta.
Trước đây giá nhà vùng Atlanta khá rẻ, mấy năm gần đây người ta dọn về nhiều và những sắc dân Á Châu di dân qua đầu tư làm ăn ngày càng đông cộng thêm làn sóng giá nhà tăng trên toàn quốc khiến giá nhà Atlanta tăng lên nhanh nhưng so với California hãy còn quá rẻ. Thành phố Chamblee và Doraville là nơi có đông cơ sở thương mại VN cũng như khu phố Tàu, giá nhà trung bình hiện nay chỉ có 140 ngàn đồng so với 490 ngàn cho giá nhà trung bình ở Orange County và 319 ngàn đồng ở quận Los Angeles.
Những năm trước như 2004 đến 2006 khi giá nhà ở Orange County lên tới mức 665 ngàn, nhiều người bán nhà ở Orange County dọn sang đây mua nhà bằng tiền mặt, lại còn dư tiền để sang một cơ sở thương mại như một tiệm Nail hay một nhà hàng nhỏ bán cho khách Mỹ và Ðại Hàn để cả gia đình sinh sống. Tìm hiểu về 2 thành phố Chamblee và Doraville mà khu thương mại Á Châu trong đó có khu VN đang phát triển cũng có nhiều điều thú vị.
Thành phố Chamblee rộng 2,000 acres (3.5 dặm vuông) dân số chỉ có 9,552 người trong đó 56% gốc người Latino đến từ Nam Mỹ mà ta thường gọi chung chung là người Mễ, 24% Mỹ da trắng và 14% người Á Châu chỉ có 2% da đen mặc dù Atlanta là quê hương của người da đen. Georgia chuyên về sản xuất bông vải và trồng đậu phọng nên ngày xưa vào đầu những năm 1800 người nô lệ từ Phi Châu được đưa sang rất đông để trồng trọt. Nay thì họ làm tất cả các ngành nghề nhưng đông nhất là các thương xá, nhà hàng. Ðâu cũng thấy người da đen nhưng họ rất vui vẻ, ân cần tử tế có lẽ vì đây là đất nhà, họ là chủ, mình là khách. Doraville cũng tương tự, thành lập năm 1871 rộng 3.6 dặm vuông, dân số 9,862 người và tỷ lệ chia theo sắc dân cũng tương tự như Chamblee.
Người Việt tại đây sinh sống như thế nào? Khi vào trong khu chợ 99 Ranch Market tôi hỏi một bà VN thì bà cho biết, “Phụ nữ cũng như một số nam giới đi làm Nail và còn lại họ đi làm trong các hãng xưởng đủ mọi ngành nghề.” Tôi hỏi bà người VN ở đây có mở những shop may quần áo hay may ăn tiền công từng cái hay không? Bà có vẻ lấy làm lạ về nghề may quần áo này mặc dù rất thịnh hành trong cộng đồng người Việt ở Nam California. Bà thấy tôi cứ hỏi lòng vòng, nhìn bộ vó “Hai Lúa” tưởng tôi ở VN mới qua du lịch hay tham quan thị trường gì đó nên nói, “Ở đây người ta chỉ mua áo may sẵn mà bận thôi chớ không có đặt đồ may trong các tiệm may như ở VN! Quần áo may sẵn rẻ lắm, người nào cũng cả chục cái, bận chưa rách là đã bỏ rồi!”
Khu thương mại VN ở Atlanta lớn nhất trong vùng Ðông Nam Hoa Kỳ gồm các tiểu bang như Mississippi, Alabama, Florida, South Crolina, North Carolina, Tennessee và Kentucky nên không những người VN trong tiểu bang Georgia về đây ăn uống mua sắm mà các tiểu bang khác cũng thường về đây chơi trong những dịp cuối tuần hay lễ Tết. Họ chỉ cần lái xe đi một vài tiếng đồng hồ là tới. Mỗi lần về đây họ có cảm tưởng tìm lại không khí, văn hóa Việt Nam cũng như du khách các tiểu bang xa về thăm Little Sài Gòn. Ðồng hương đông đảo nên các trung tâm âm nhạc như Thúy Nga Paris và Vân Sơn thường tổ chức đại nhạc hội thu hình tại các hí viện ở trung tâm Atlanta như chương trình số 84 của Thúy Nga và số 43 của trung tâm Vân Sơn.
Rời khu thương mại chợ búa VN sau khi mua một mớ thịt thà rau cải tôm tép để vợ tôi sẽ nấu một số món ăn VN mà vợ chồng thằng con trai thường ưa thích như bánh cuốn, chả giò, gỏi cuốn, cơm tấm bì sườn, hủ tiếu v.v... Vợ nó tên Christine là người Mỹ cũng quê California, cùng trường khi chúng nó học ở Loma Linda University trong 4 năm đầu đại học cũng rất thích món ăn VN biết ăn nước mắm, chấm mắm nêm một cách nhuần nhuyễn.
Mỗi lần chúng nó về Nam California thăm nhà đều đi ăn bò bảy món. Có lần đi ăn bò bảy món về, tôi hỏi có ngon không? Thằng con tôi nói cũng OK nhưng bị tính tiền không như trong Menu đã in. Tôi hỏi nó “thế có nghĩa là thế... lào”? Nó nói trong Menu ghi mỗi phần giá 14$, người thứ hai giá 3$ làm nó tưởng 2 phần ăn là 17$. Nó đi 2 vợ chồng và 2 đứa con nên kêu 4 phần ăn, tưởng là 34$ cộng thuế nhưng không ngờ khi tính tiền người ta vẫn tính 4 phần ăn là 56$ (14$ nhơn cho 4). Tôi mới giải thích với nó là người thứ hai thêm 3$ có nghĩa là chỉ thêm rau, bánh tráng, mắm nêm thôi chứ làm gì có... thịt bò! Nghèo mà ham, ăn mày còn đòi... xôi gấc! Nó thì cứ nghĩ như JC Penny mua một món, lấy thêm cái thứ hai cùng loại chỉ tính 1$! Ăn uống ở Little Sài Gòn cũng có nhiều điều khó hiểu? Như nhiều người đã từng uống ly cà phê đến... 15 đồng! Ra đến xe cay đắng ca bài “Môi cười mà lệ tuôn rơi! Môi cười mà lệ tuôn rơi!”
0 nhận xét
Đăng nhận xét