SJ 1.jpg

SJ 2.jpg

SJ 3.jpg


Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

(Ðộng Hoa Vàng - Phạm Thiên Thư)

Ngày xưa có kẻ chán cảnh phồn hoa đô hội đầy mánh lới bon chen nên lên non tìm động hoa vàng ngủ say. Hôm nay tôi tìm lên Thung Lũng Hoa Vàng San Jose không phải để ngủ mà để thăm thú đó đây nhân dịp nhóm đồng hương Trà Vinh trên đó tổ chức họp mặt Picnic Mùa Hè.

Trên chuyến xe đò Hoàng

Chúng tôi có tất cả 10 người trong Hội Ái Hữu Ðồng Hương Trà Vinh rời bãi đậu xe chợ ABC trên đường Bolsa lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu 9 Tháng Bảy 2004. Ðây là lần đầu tiên tôi đi xe đò Hoàng vì muốn tìm hiểu và ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về một dịch vụ hãy còn mới mẻ đối với cộng đồng Việt Nam lại liên quan đến du lịch là lãnh vực mà tôi yêu thích.

Ðầu tiên là về chỗ ngồi, hiện nay vé của xe đò Hoàng chưa có số ghế nên áp dụng theo lối... Mỹ là “first come first serve” ai tới trước ngồi trước, ai tới sau ngồi sau, do đó những ai muốn ngồi những ghế mình thích phải đến sớm... giành chỗ. Chúng tôi đi theo nhóm đông người đã đặt chỗ trước nên được chủ nhân là anh Hoàng cột dây dành cho 10 ghế gần nhau từ phía trước ra sau. Tuy nhiên xe đò Hoàng sử dụng những xe buýt mới hiện đại nên ngồi trước hay sau cũng đều “đồng nghĩa như nhau”, nghĩa là vẫn êm ái như ngồi xa lông ở nhà.

Ði xe đò ở Việt Nam hay có nạn “cơm tù” nghĩa là xe dừng lại giữa đường, tất cả hành khách trên xe đều được lùa vào một quán cơm đã hợp đồng ăn chia giữa chủ xe và chủ quán với sự làm ngơ của công an địa phương. Mọi người phải ăn cơm với một giá trên trời dưới đất, ai không chịu ăn mà “phản ảnh linh tinh” chống lại sự bắt chẹt thì bị bọn “sai nha” đánh đập:

Hàn huyên chưa kịp dãi dề

Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao,

Người nách thước, kẻ tay dao

Ðầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Ði xe đò Hoàng thì không có nạn đó vì mỗi người được phát cho một ổ bánh mì dài hay một gói xôi, một bánh sương sa và chai nước, ai cần thêm nước uống thì cứ lấy. So với đi máy bay bên Mỹ thì xe đò Hoàng phục vụ tốt hơn về ăn uống vì trên chuyến bay thường chỉ cho ăn đậu phọng còn thức ăn thì phải trả tiền.

Nghĩ rằng hành khách trên xe đò chắc là những vị cao niên lớn tuổi nhưng trên xe cũng đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần từ những bà đi thăm cháu nói chuyện râm ran về thay đổi tổ hợp Medical cho đến những cô gái sinh viên hay đã ra trường xì xồ với nhau tiếng Mỹ.

Chủ nhân của của xe đò Hoàng là anh Nguyễn Hoàng Linh ở tuổi độ 40, người Sài Gòn. Xe đò Hoàng bắt đầu chạy từ năm 1998 thời ấy những xe được sử dụng là những chiếc xe Van hiệu Dodge 15 chỗ ngồi. Nay anh là chủ nhân 4 chiếc xe buýt 57 ghế đời mới 2003 có nhà vệ sinh, TV tiện nghi, không khác gì trên máy bay. Giá mỗi chiếc anh cho biết là 360 ngàn mỹ kim. Bốn xe vẫn chưa đủ, cuối tuần, Mùa Hè, lễ lộc, số lượng hành khách gia tăng, anh phải hợp đồng thuê thêm những xe buýt từ hãng Mỹ, những xe này tài xế là người Mỹ. Mặc dù trên thị trường tự do bị cạnh tranh ráo riết, hãng xe đò của anh ngày càng phát triển, số lượng khách đi ngày càng đông chứng tỏ họ đã tín nhiệm hãng xe anh. Ði xe anh hành khách cảm thấy an toàn vì tài xế lái cẩn thận, thoải mái vì chạy êm, chỗ ngồi rộng rãi, đi đến đúng giờ và cung cách phục vụ ân cần. Tuy bây giờ là chủ hãng, anh không còn phải lái xe nữa nhưng anh Hoàng vẫn có mặt tại bến mỗi khi xe khởi hành. Sau khi xe rời bến anh thường xuyên điện thoại thăm chừng, nhắc nhở các tài xế đang chạy trên các tuyến đường. Mỗi khi xe bị trục trặc như bể lốp nằm đường anh gọi mướn ngay xe khác để sang khách qua và anh cũng giúp giữ phòng khách sạn nếu hành khách yêu cầu. Hiện nay xe đò Hoàng chuyên chở đồng hương qua lại trên các tuyến đường Sacramento, Oakland, San Francisco, San Jose, Los Angeles, Westminster, San Diego và hiện tại đang chạy thử tuyến đường Phoenix (Arizona). Số điện thoại để giữ chỗ trước là 714-839-3500.

Xe rời bãi từ đường Bolsa vào xa lộ 405, chuyển qua 605, qua 60 hướng Tây, exit ra đường Rosemead và ngừng lại đón thêm khách ở chợ Viễn Ðông thành phố Rosemead. Nơi đây có cộng đồng người Việt gốc Hoa khá đông đảo vì gần China Town Los Angeles. Từ đó vào 10 West và qua 5 North trực chỉ Sacramento. Chiều Thứ Sáu nên xe cộ khá đông đảo nhưng khi đổ đèo xuống núi khỏi khu giải trí Six Flags Magic Mountain xe cộ thưa dần. Từ đó con đường thẳng tắp hai bên là cánh đồng trồng cà chua, đào mận của vùng thung lũng San Joaquin chạy đến rặng núi cuối chân trời.

Ðến 8 giờ đêm, vì là Mùa Hè, nên trời còn sáng tỏ, xe dừng lại ở bãi nghỉ (rest area) gần thị trấn Coalinga để mọi người xả hơi, “trút bầu tâm sự” nếu có nhu cầu. Bolsa Tháng Bảy trời đã vào hè nhưng vẫn mát còn ở đây trời về chiều, vầng thái dương đã lặn nhưng hơi nóng vẫn hừng hực theo từng cơn gió thổi vì ảnh hưởng khí hậu sa mạc từ Nevada. Xe dừng nơi đây cũng chẳng bao lâu rồi lại tiếp tục con đường thiên lý hai bên vẫn đồng không mông quạnh thỉnh thoảng chạy qua điểm nghỉ ngơi của những xe chở hàng có nhà trọ (motel), trạm xăng dầu, vài quán fast food bán hamburger.

Hơn một giờ sau là 9 giờ 15 xe bỏ xa lộ 5 để vào đường 152 ngang qua hồ chứa nước San Luis, nước mưa từ hồ này sẽ theo con kinh California Aqueduct dẫn về cung cấp cho vùng Los Angeles và tưới những cánh đồng vừa chạy qua. Ðường 152 là đường đèo quanh co uốn khúc có nhiều cảnh đẹp, mỗi bên hai làn xe nhưng trời đêm không thấy gì ngoài những ánh đèn xe phía trước. Có những quán bán trái cây dọc đường nhưng đã đóng cửa chỉ còn lấp lánh những hàng đèn trông như những bar rượu thời cao bồi miền viễn tây. Chạy 40 miles đổ dốc đèo, chi chít ánh đèn thành phố San Jose hiện ra trước mặt. Xe vào xa lộ 101 hướng Bắc từ đây tới khu Lion Plaza là khu thương mại Việt Nam còn 25 miles nữa và chạy mất 25 phút. Ai nấy trên xe móc điện thoại cầm tay gọi thân nhân ra đón. Một bà cụ nhờ tôi gọi giùm con trai ra đón thì người nhà nói rằng cậu ta đã đi rồi. Tôi gọi chị Liên ngày trước ở Trà Vinh là tiệm H.P. bán cà phê, rượu tây, bánh kẹo ngoại quốc kế bên nhà tôi, còn nhà tôi là tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi. Chúng tôi suýt soát tuổi nhau nên cũng chơi thân từ thuở nhỏ. Hè năm rồi chị có xuống nhà tôi để thăm Little Saigon và bây giờ tôi lên để “đáp lễ” cho “có qua có lại mới toại lòng nhau”!

Tới San Jose về nhà bạn

Xe ra khỏi xa lộ ở đường Tully Road thì đồng hồ đeo tay chỉ đúng 11 giờ đêm. Lion Plaza đã im lìm đóng cửa chỉ còn ánh đèn vàng hiu hắt đổ xuống bóng cây trong parking lot. Chiếc xe đò Hoàng to lớn đậu lại trên đường King Road bên hông tiệm Liquor trong khu phố có tiệm bánh mì Lee's Sandwiches. Hành khách xuống xe chờ lấy hành lý trong khoang hầm, thân nhân đi đón gọi nhau ơi ới. Tám người trong Hội Trà Vinh còn lại xe đò Hoàng sẽ đưa về khách sạn Western ở trên đường Tully Road gần đây. Chị Liên - người bạn hàng xóm, cũng đã tới, tôi chất hành lý lên cốp sau xe Lexus mới toanh của chị. Vừa mở cửa xe hai con chó nhỏ lùn lông xù ở trong xe nhe răng nhọn chồm ra sủa inh ỏi. Chị bạn tôi nói chúng không cắn đâu! Quả thật vậy, vợ chồng tôi lên xe thì chúng thôi sủa nhưng một con thỉnh thoảng cứ ho “khạch khạch” và chúng tôi ngồi xe với... chó về nhà chị. Trên đường về nhà chị kể lai lịch hai con chó của chị: Con bị ho đã 18 tuổi tức đã quá già, chị nuôi nó từ thuở nhỏ. Mấy tháng trước chị đi du lịch Trung Quốc ở nhà nó chun hàng rào đi “bụi đời” và bị Human Society bắt nhốt. Chị về lãnh ra thì nó mắc chứng bịnh ho kinh niên, chị đem đi bác sĩ thú y, bác sĩ nói rằng chuồng chó công cộng chứa nhiều vi trùng nên con nào sau thời gian bị nhốt đều mắc chứng bịnh ho. Chó còn trẻ, sức đề kháng tốt còn chữa hết còn con này đã già nên khó trị dứt và bác sĩ nói rằng nó không còn sống được bao lâu! Giọng buồn bã chị nói nó rất khôn, hiểu tất cả chỉ không nói được mà thôi. Nó biết được cảm xúc của chị và dường như chia sẻ với chị những lúc vui buồn. Còn con chó kia còn trẻ, sau khi chồng chị là một bác sĩ tâm lý người Mỹ qua đời ở tuổi 59 vì ung thư, chị buồn nên muốn nuôi thêm một con chó nữa. Chị thấy báo đăng và “adopt” nó về nuôi. Vẫn theo chị kể: Chủ trước của nó đánh đập “abuse” nó nên hàng xóm thấy vậy gọi cảnh sát và cảnh sát bắt chó đi không cho nuôi nữa và chị xin về nuôi. Trước kia chị làm Social Worker cho một hội nhà thờ và chị nói có thời gian phải làm 2 jobs. Bây giờ chị về hưu ở một ngôi nhà lớn hai tầng với hai con chó nhỏ, 3 đứa con đã lập gia đình ở riêng. Ban ngày đi chơi, đi ăn uống, tập thể thao, tối đi nhảy... đầm! Chị nói nhảy đầm cũng là một hình thức thể thao làm sụt cân, trị cao máu, tiểu đường. Tôi nghe vậy cũng muốn bắt chước, khi nào trở lại Bolsa chắc sẽ đi nhảy đầm! Nhưng Bolsa có đầm đâu mà nhảy!

Mải mê nói chuyện chó xe tới nhà chị lúc nào không hay. Nhà chị Liên ở phía Bắc của San Jose, từ xa lộ 101 exit đường Great America Parkway, con đường có trường Mission College, có Convention Center của thành phố Santa Clara, nơi đây là trung tâm của Silicon Valley quy tụ những công ty, hãng xưởng về điện tử, vi tính. Về đến nhà thì đã 12 giờ khuya, xóm nhà chị êm đềm thanh vắng, nhà cửa mới xây khang trang rộng rãi, vườn tược chăm nom tươm tất. Chị có mua bánh mì thịt, xôi để sẵn nhưng chúng tôi không thấy đói nên chỉ đi tắm cho sạch bụi đường xa và đi ngủ. Lạ nhà, lạ chỗ nên khó vào giấc ngủ mặc dù không khí êm đềm mát mẻ, tôi đứng lên đến dàn vi tính định check email nhưng không biết secret code nên vào Internet không được.

Buổi sáng San Jose

Vì còn đi làm nên tôi có thói quen thức sớm trước 6 giờ trong khi chị Liên gia chủ còn ngủ. Tôi xuống bếp định pha cà phê uống nhưng lục tìm mãi không thấy bất cứ một thứ cà phê nào. Nhà chị Liên trước kia là tiệm bán cà phê xay (không phải quán cà phê) nổi tiếng ở Trà Vinh nhưng chị lại không uống cà phê, trong khi tôi ở sát vách lại ghiền cà phê vì mỗi sáng sớm khoảng 5 giờ là nhà chị đã rang cà phê trong một trái cầu sắt lớn rồi lại bỏ vào đó nguyên một hộp bơ Bretel. Mùi thơm ngào ngạt, sau đó cà phê được xay nhuyễn ra bỏ vào keo lớn sẵn sàng bán cho khách hàng là những quán cà phê trong tỉnh. Mỗi sáng người nhà chị đem sang cho nhà tôi một ca nhôm lớn cà phê đen nóng. Tôi uống từ thời tiểu học nên đâm ra ghiền, sáng ra không có cà phê là cảm thấy thiếu sức sống, không muốn làm bất cứ việc gì như câu hát “Một ngày không có em (cà phê) là một ngày thành vô nghĩa và trời mây u ám, tình yêu sống âm thầm, âm thầm như nghĩa trang lạnh lùng...”

Nhà chị không có cà phê nhưng rất nhiều trà, đủ mọi thứ trà. Tôi pha trà uống đỡ và mang tách trà ra vườn sau của chị xem trồng thứ gì? Xem hoa là biết tính người, nhưng chị trồng rất ít có lẽ không thích mấy vườn tược mà chỉ thích giao tiếp với bạn bè. Chị có một cây Fuchsia chi chít những hoa nhỏ đỏ tím xanh như những đèn giấy Trung Hoa. Cây trồng xuống đất nhiều năm nên rất lớn, nhánh đầy hoa rũ xuống chấm đất. Buổi sáng Mùa Hè trời San Jose rất thanh khiết, nắng ban mai dịu dàng không chói chang như miền Nam Cali, vài con cưỡng Steller's Jay gọi nhau chíu chít trên cành.

Lion Plaza Khu Phố Việt

Chín giờ chúng tôi rời khỏi nhà, vào xa lộ 101 về hướng Nam và rẽ ra exit Tully Road đến khu phố Việt. Sáng nay có anh Bé cũng là đồng hương Trà Vinh gọi điện thoại hẹn gặp nhau ở nhà hàng Thanh Tâm. Nhà hàng Thanh Tâm chủ nhân cũng là người Trà Vinh, trước đây là chủ nhà sách Thanh Tâm nay sang đây mở nhà hàng. Ông đã mất nên nhà hàng giao lại cho vợ chồng người con trai tên Tuấn trông nom. Vợ chồng anh Bé cũng vừa đến, trước đây anh có tiệm buôn tạp hóa hiệu là Quảng Dũ Thành cùng dãy phố với chúng tôi. Anh biết rất nhiều về chuyện Trà Vinh trước 1975 mà thời ấy tôi ở Sài Gòn nên mù tịt. Anh nhớ rõ từng người ở dãy phố tôi nên câu chuyện anh kể rất vui nhắc nhở nhiều kỷ niệm. Nhà hàng Thanh Tâm dân Trà Vinh ở San Jose thích nhất là món mì thịt heo. Tôi gọi mì khô, sợi mì vừa dai vừa giòn, thịt heo, gan heo sắt nhỏ, thịt bầm. Chén nước súp ngọt ngào có hương vị giống như các quán hủ tiếu ở Trà Vinh.

Cách đó một block đường là chùa Ông Bổn của người Việt gốc Hoa góp công xây dựng. Chúng tôi đến thăm chùa, trong lúc chụp hình thì hai ông từ có nhiệm vụ trông coi chùa nhận ra chị Liên và anh Bé. Hóa ra hai ông này cũng là người Trà Vinh. Cũng như chùa ông Bổn ở Trà Vinh, chùa Ông Bổn ở San Jose cũng thờ Quan Công, con ngựa xích thố chỉ khác chùa ở Trà Vinh rêu phong cũ kỹ, bên trong âm u huyền bí, khói hương ngột ngạt và các pho tương to lớn, mặt mũi dữ dằn. Ở đây ngôi chùa mới, bên trong sáng sủa, trang trí đơn giản tân thời. Ðược biết chùa xây dựng cách nay mười mấy năm, lúc đó bang hội người Hoa mua miếng đất không đã 800 ngàn đồng. Hiện nay chùa còn là nơi sinh hoạt của người Việt gốc Hoa, có phòng chơi mạt chược và lớp Hoa ngữ tiếng phổ thông cho giới trẻ.

Rời chùa chúng tôi lên xe đến Lion Plaza cách đây 2 blocks đường, tọa lạc ở góc đường Tully và King Road. Bãi đậu xe cây cao bóng mát và phía bên trong giữa các dãy phố có lối đi tráng xi măng nhiều cây xanh và băng đá, các cụ cao niên đang tập họp rất đông đánh cờ. Ngày trước nhiều cụ ở đây đã từng tập họp dưới tay nhiều xe pháo, sĩ tượng để đánh những trận oanh liệt. Ngày nay trận chiến đã tàn, sau những năm tù đày các cụ sang đây, giờ đây điều binh, khiển tướng trên những bàn cờ. Ít ra ván cờ ngày nay nằm trong tầm tay các cụ.

Khác với Phước Lộc Thọ ở Westminster là một kiến trúc đồ sộ, thương xá Lion chỉ có một tầng lầu không cao, là những dãy phố shopping center nối liền nhau. Thương mại ở đây cũng đủ mọi ngành nghề buôn bán và dịch vụ như phòng mạch bác sĩ, văn phòng luật sư, du lịch bán vé máy bay, mắt kính, tiệm ăn, quán cà phê, tiệm băng nhạc video và một tiệm sách, đó là tiệm sách Tự Do có bày bán quyển “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam” tôi vừa xuất bản. Vì sáng Thứ Bảy nên thương xá rất đông vui, nhộn nhịp người đi và cũng hơi vất vả tìm chỗ đậu xe nhưng chờ vài phút thì cũng tìm được chỗ trống mà... “điền vào cho hợp nghĩa”. Nghe nói kinh tế, kỹ nghệ điện tử vùng Thung Lũng Hoa Vàng San Jose xuống dốc nhưng nơi đây thiên hạ vẫn ăn uống và dạo chơi mua sắm như ngày Tết. Nhạc vẫn mở vang rền và các cô, các bà vẫn rực rỡ trong những xiêm y đắt tiền:

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử, giai nhân

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

TRỊNH HẢO TÂM

0 nhận xét