medium_DL Rhodes501[1].JPG

Trên đường khám phá phía Nam đảo Rhodes

medium_DL Rhodes502[1].JPG

Ngôi nhà thờ ở làng núi Siana phía Tây của đảo Rhodes

medium_DL Rhodes503[1].JPG

Hàng quán bán mật ong ở Siana

medium_DL Rhodes504[1].JPG

Cung thánh nhà thờ cổ St. Nectarius

medium_DL Rhodes505[1].JPG

Khu nhà tắm Kalithea

medium_DL Rhodes506[1].JPG

Những quán cà phê trong khu nhà tắm Kalithea

medium_DL Rhodes507[1].JPG

Ðóa hoa làm bằng rau quả trong khách sạn


Rời Lindos là địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhì ở đảo Rhodes có thành cổ trên núi, chúng tôi lái xe theo hướng Tây đến làng Lardos cách chừng 5 km ở phía bên kia hai ngọn núi thấp (ngọn cao nhất 454 m). Lardos nằm bên một dòng sông cạn nước cách bờ biển vài cây số, có 1,200 dân nhưng ở đây là một làng hiện đại khác với Lindos là làng cổ. Ở trong phố Lardos có phòng mạch bác sĩ giải phẫu, nha sĩ, tiệm thuốc tây, quán cà phê Internet, nhà hàng, khách sạn, đường sá rộng rãi khác với Lindos là làng xưa, phố xá là những con hẻm toàn đi bộ.

Cũng không mua sắm hay ăn uống gì ở đây nên sau khi loanh quanh vài con đường, chúng tôi lái xe ra bờ biển nơi có nhiều khách sạn nghỉ dưỡng (resort hotel) rồi tiếp tục con đường xuống hướng Nam. Càng xuống Nam đường sá càng vắng vẻ, làng mạc thưa thớt, hai bên toàn là núi đá với cỏ khô và cây dại, đi mấy cây số không gặp một ngôi nhà nào! Trên tay lái có ông Gunther là người Ðức và bà vợ là Kathy ngồi bên cạnh, ông bà này ở Berlin quen với chúng tôi trong khách sạn. Băng sau vợ chồng em gái tôi định cư ở Ðức có nhiệm vụ quay phim và chụp hình, còn tôi quan sát phong cảnh và xem bản đồ. Chạy theo con đường ven biển qua hai làng nữa là Kiotari và Gennadi thấy cũng không có gì hấp dẫn nên không dừng lại mà chạy thẳng xuống hướng Nam định đi tới phần đất cuối cùng của đảo Rhodes, nơi đây nghe nói rất nhiều gió với hai vùng biển khác nhau: bờ biển phía Tây sóng to trái lại bên bờ phía Ðông lặng sóng.

Làng Kattavia và Prasonisi cuối đảo Rhodes

Cuối cùng chúng tôi đến làng Kattavia, đây là thị trấn cuối cùng ở miền Nam đảo Rhodes nhưng cũng nằm trong nội địa chứ không giáp mặt với biển. Muốn ra phần đất cuối cùng là đảo Prasonisi phải đi trên con đường nhỏ 8 cây số nữa. Kattavia là một làng nhỏ chỉ có khoảng 200 người thực sự sinh sống ở đây nhưng trên giấy tờ dân số đến 600 người và những tháng Hè số người đến còn đông hơn. Họ là những người Hy Lạp hải ngoại (Greek Diaspora) sang định cư ở các nước khác như Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi, thường về thăm làng cũ trong những tháng Hè. Kattavia phát triển vào thời nước Ý cai trị trước Thế Chiến Thứ Hai, hiện giờ vẫn còn nhiều nông trại chăn nuôi dê cừu của người Ý và họ trồng trọt một số hoa mầu như cà chua, ngô khoai, rau cải. Xe chạy vào trong làng chỉ duy nhất có một quảng trường nhỏ đếm được 2 tiệm tạp hóa và 5 quán Tavern bán thức ăn và cà phê. Dân số ít oi là vì đất đai khô cằn và nhiều gió bão nhất là lũ quét (flash flood) lại thêm động đất như trận động đất 6.7 năm 2008 vừa qua nơi đây là tâm điểm địa chấn. Thêm vào đó chính quyền địa phương muốn giữ nét cổ nên rất khó khăn để được giấy phép xây cất những ngôi nhà mới. Nơi các quán cà phê giữa làng đa số là thanh niên dừng lại ăn uống nghỉ ngơi trên đường đến Prasonisi cuối đảo Rhodes để chơi trượt sóng. Prasonisi là thiên đường của dân trượt sóng, nhiều người mê trượt sóng, vừa xuống tới phi trường là họ mướn xe chạy thẳng một mạch về đây để trượt sóng.

Sau khi dừng lại uống tách cà phê, 5 người chúng tôi tiếp tục hành trình đến Prasonisi là mũi đất cuối đảo bằng một con đường nhỏ tráng nhựa thỉnh thoảng dừng lại để chờ một đàn dê băng qua đường được chăn dắt bởi một bà đạo Hồi đội khăn. Prasonisi là tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đảo xanh”, mùa Ðông đây là đảo nhỏ, đến Hè thủy triều thấp, đảo nối với đất liền bằng một bãi cát. Những xe có 4 bánh vận hành (4 wheel drive) có thể chạy trên bãi cát mà ra đảo. Ðảo là một ngọn núi thấp toàn là cỏ tranh và xương rồng, có đường mòn đi đến ngọn hải đăng cực Nam cuối cùng của đảo Rhodes. Bãi cát vàng nối đảo với đất liền hôm nay cũng có vài chục người đến chơi trượt sóng, bãi phía Tây sóng to từng đợt sóng trắng xóa cuốn xô vào bờ với những cánh buồm gắn trên miếng ván trượt sóng (surfing board), trong khi bãi bên phía Ðông lặng sóng nên không thấy một cánh buồm nào trên mặt nước chỉ vài cô gái nằm im phơi nắng. Phía trong đất liền có 3 khách sạn lấy tên là Lighthouse I, II và Oasis Hotel cùng 2 tiệm tạp hóa và 3 nhà dài treo cờ xí cho mướn các dụng cụ trượt sóng. Môn chơi trượt sóng ở đây là “Windsurfing” chủ yếu nhờ sức gió đẩy vào nên kỹ thuật chơi là phải biết lèo lái cánh buồm đồng thời nương theo sóng mà đưa miếng ván vào bờ. Gió mạnh có những tay trượt sóng thiện nghệ đưa cánh buồm và người bay lên cao rồi lại hạ xuống mặt biển.

Chúng tôi trở lại làng Kattavia rồi theo con đường lên hướng Bắc bên bờ biển phía Tây đảo Rhodes để xem vùng này có gì lạ.

Nơi đây nhà cửa làng mạc càng thưa thớt, đất đai cỏ tranh và những loại cây chịu được nắng hạn. Biển phía Tây sóng rất to, từng ngọn bạc đầu đuổi nhau liên tiếp chạy vào bờ khiến những tay trượt sóng chuyên nghiệp còn phải chào thua không dám bén mảng.

Làng Siana bên bờ Tây đảo

Tiếp tục lên hướng Bắc chúng tôi tới làng Siana nằm êm đềm trên sườn núi Akramitis cao 825 m là ngọn núi cao thứ nhì trên đảo Rhodes. Vì nằm trên cao nguyên khí hậu mát mẻ nên cây cối xanh tươi và đất đai có vẻ mầu mỡ với nhiều loại cây ăn trái. Làng Siana là một làng miền núi xa biển, phố xá chỉ chừng trăm nóc nhà nằm dọc theo con phố chính của làng với các hàng quán bán những đặc sản là mật ong và rượu vang. Mật ong có màu vàng nhạt cho tới nâu sậm lấy từ những tổ ong trên núi, được người Hy Lạp xem là một loại dược phẩm chữa nhiều thứ bệnh. Mật ong nguyên chất để trong tủ lạnh không bao giờ đông đặc lại trong khi mật ong giả làm bằng đường thì đông lại thành màu trắng. Ðể đánh lừa người mua, người ta bỏ vào lọ mật ong giả những miếng sáp của tổ ong, sáp thật nhưng mật chỉ là... nước đường. Những loại rượu vang bán ở đây cho khách hàng nếm thử chứa trong những bình rượu bằng gỗ có vẻ cổ truyền như từ thời Trung Cổ còn sót lại. Thấy một ông già ngồi bán những chai nước gì để trên một cái bàn. Hỏi ông Gunther ông cho biết đây là loại rượu có tên là “Souma” cổ truyền của người Hy Lạp rất bổ dưỡng được dùng trong các dịp lễ lộc, cưới hỏi. “Souma” được làm bằng trái sung (Figs), người ta hái trái sung vào Tháng Tám và phơi khô trên nóc nhà. Sau đó gom lại bỏ trong thùng gỗ lớn chứa nước và men rượu rồi để cho chúng lên men. Cuối Tháng Mười sung lên men trong thùng được đem đi nấu cho bốc hơi trong những bình cất. Hơi rượu được dẫn trong những ống ny long và nhỏ giọt vào thùng chứa và để dùng bao lâu cũng được. “Souma” được bán trong làng Siana được nấu ở nhà có tính cách gia truyền chứ không được sản xuất nhiều trong các lò công nghệ, có lẽ vì trái sung không nhiều. Ông già bán rượu “Souma” rót một ly nhỏ mời tôi thử, hớp vào một ngụm hơi cay nồng bay lên tận... óc nhưng mùi thơm và vị đắng ngọt làm tê lưỡi. Uống xong ly nhỏ người thấy lâng lâng choáng váng vì độ rượu quá mạnh, nghe nói đến 45% cồn. Nghe ông Gunther khen rượu này nói là trị nhức mỏi, tăng cường sinh lực cho người già. Quả thật vậy vì thấy trên đảo này nhiều ông bà già trên 80 vẫn còn khỏe mạnh làm việc. Tôi nghĩ rượu làm bằng trái sung, chắc uống vào sẽ... sung sức lắm cũng như “cầu dừa đủ xài”, tôi tính chuyến này về lại Cali giải nghệ nghề in sách du lịch, mở lò nấu rượu sung “Souma”, quảng cáo trên TV, radio tưng bừng, chắc là sẽ đắt hàng lắm không thua gì sữa ong chúa, nấm linh chi, rêu hoàng hậu (không biết sao hoàng hậu bị đóng rêu?) và đông trùng hạ thảo. Tôi biết cách nấu rượu này rồi, còn trái sung bên Mễ thiếu gì, mọc hoang trái chín không cần hái, nằm chờ nó rụng hốt không hết. Phen này ai muốn làm giàu, hùn vốn với tôi (nhớ làm giấy... tay nghen), nói theo quảng cáo trên radio ở Bolsa là “vàng chất đầy tủ, tiền đếm không kịp... ngủ”! Làng Siana còn có món sữa chua (yoghurt) làm bằng sữa dê rất bổ dưỡng, lại chế thêm mật ong ngọt và rắc bên trên các loại hạt giã nhỏ. Trời nóng đi xa khát nước, lại thêm say rượu “Souma” ăn món này vào thấy chất bổ “chạy lên chạy xuống 100%” khắp các tứ chi!

Làng Siana có một ngôi nhà thờ đạo Chính Thống với hai tháp chuông cao, được nhiều du khách đến viếng. Vì không có chỗ đậu xe nên chúng tôi chỉ dừng lại chụp hình mà không vào bên trong. Trên đường về cách đó không xa là nhà thờ cổ St. Nectarius xây trên triền núi. Chúng tôi dừng lại và vào viếng, bên ở trong cung thánh có nhiều giàn đèn treo từ trên trần thả xuống, kiểu cách cổ xưa rất lạ. Quanh tường là những hình vẽ sự tích các thánh mạ vàng rất lộng lẫy. Gần nhà thờ là đường dẫn lên 7 con suối từ trên núi chảy xuống. Suối không lớn nhưng từ ngàn năm trước là mạch nước nuôi sống cả ngôi làng quanh nhà thờ. Làng rất nhỏ vài chục ngôi nhà, rất tiếc là quên ghi lại tên làng có nhà thờ cổ St. Nectarius.

Bãi biển Kalithea

Hôm sau xe mướn vẫn chưa trả và chúng tôi đi viếng khu nhà tắm ở Kalithea chỉ cách Faliraki chừng 8 km về hướng Bắc. Khu nhà tắm nằm cạnh bờ biển có nhiều động đá màu trắng và ngoài khơi nhiều hòn đá nhỏ. Nhà tắm ở đây được xây dưới thời Phát Xít Ý cai trị đảo Rhodes khoảng đầu thế kỷ 20 là một quần thể kiến trúc nhiều gian nhà có nhiều hồ tắm lấy nước từ trên suối đổ xuống. Gần khu nhà tắm là bãi biển nước xanh, cát trắng, dân địa phương ở Rhodes City thích đến đây mỗi buổi chiều trong những tháng Hè để tắm biển và bơi lặn ngắm san hô. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn với bãi biển nhỏ hơn nằm ngay khu nhà tắm là nơi những chiếc thuyền nhỏ từ Rhodes City đưa du khách xuống đây để ngắm nhìn những kiến trúc trong khu nhà tắm đang được trùng tu sửa chữa.

Muốn vào khu nhà tắm trên đường đi Rhodes City chúng tôi rẽ phải theo bảng chỉ dẫn vào con đường nhỏ hướng về vùng bờ biển có nhiều hàng cây tùng cao và những tảng đá lớn hình ống chỉ bị thủy triều ngày xưa xâm thực ăn mòn tạo thành những hang động phía dưới. Có những quán ăn chiếm ngay những động đá thiên nhiên này để làm nhà hàng dưới mái vòm là những tảng đá bên trên. Có những tảng đá nhô ra tận biển, những nhà bơi lặn dùng nó để phóng xuống nước để tới độ sâu cần thiết. Nên nhớ là vùng biển này rất sâu và người tắm phải là nhà bơi lặn giỏi.

Nhà tắm có cổng vào rất rộng nhưng chúng tôi phải đậu xe bên ngoài và mua vé vào cửa. Nhà tắm đang được tu sửa phục hồi, mỗi kiến trúc đều có hình cũ và hình sau khi được tái thiết, thường cùng kiểu cũ nhưng thêm thắt nhiều chi tiết cho đẹp hơn. Sau khi tái thiết nhà tắm sẽ là khu thư giãn, giải trí như các hồ tắm nước nóng Spa, tắm hơi, đấm bóp Thổ Nhĩ Kỳ, quán ăn, quán cà phê, ba rượu, hộp đêm, phòng chơi game v.v... Từ gian này sang gian khác đều sơn màu trắng, trên đường đi lót đá sỏi cũng hai màu đen trắng tạo thành những hoa văn dưới đất rất công phu. Thỉnh thoảng trên đường đi có nhiều tượng đá những vị thần hay các nhà hiền triết Hy Lạp và những phông-tên nước. Hiện nay công trình còn đang phục hồi với những người thợ đang làm, tuy nhiên phía bên ngoài kiến trúc nơi các hàng hiên (patio) là những quán cà phê thanh lịch với ghế mây, ghế nằm phơi nắng thư giãn rất văn nghệ tình tứ. Nhiều xe buýt to lớn chở từng đoàn du khách Âu Châu đến, không biết từ nước nào mà họ nói xì xồ toàn tiếng lạ hoắc, chắc Ðông hay Bắc Âu gì đó? Ðặc biệt là nơi đây rất nhiều mèo hoang đi rong khắp nơi và có luôn vài con chó nữa. Nói về mèo thì trong lớp ở Việt Nam, cô giáo ra đề luận văn “tả con mèo nhà em”. Một bé gái làm bài luận như sau: “Ba em có một con mèo, em không biết mặt nó, má em cũng không biết mặt nó, má em nói ba em giấu rất kỹ, má em mà tìm được sẽ... xé xác nó ra ngay!” Dễ sợ thật!

Một tuần trên đảo Rhodes cũng qua rất mau, hai đứa em tôi ở Ðức muốn nằm phơi nắng thư giãn để tâm hồn yên tịnh lắng đọng nhưng có thư giãn gì đâu! Sáng ra thức dậy là nắng đã lên cao, lo ăn mặc rồi xuống nhà hàng ăn sáng. Gặp mấy bà người Ðức quen trong khách sạn thì câu chuyện nổ như pháo Tết. Ngày hôm qua đi đâu, mua sắm, món nào đẹp, món nào rẻ, trả giá như thế nào? Rồi lại rời khách sạn đi viếng các di tích thắng cảnh, chiều tối mới về, tắm rửa sạch bụi đường rồi lại xuống phòng ăn.

Buổi tối nơi quầy rượu có những màn văn nghệ tạp lục như hài hước, ảo thuật, khiêu vũ, vũ cộng đồng, nuốt lửa v.v... cũng vui khiến thời gian qua rất mau. Tiếc là nơi đây gần đất Thổ Nhĩ Kỳ mà không có màn múa bụng. Muốn xem nghệ thuật múa bụng cổ truyền (từ cổ truyền xuống) phải đi xuống xóm Faliraki mới có nhưng tôi không dám đi vì ở đây tụi Ðức say xỉn hay quậy phá lung tung.

Ðảo Rhodes nằm trong biển Ðịa Trung Hải thuộc Hy Lạp nhưng rất gần Thổ Nhĩ Kỳ là vùng ranh giới giữa hai lục địa Âu Á, nơi xuất phát nền văn minh La Hy cái nôi của văn minh Âu Mỹ ngày nay. Ðảo Rhodes còn nhiều di tích khảo cổ, khí hậu ấm áp, dân tình hiền hòa, biển xanh cát trắng, ẩm thực chủ yếu là hải sản, dầu Olive với nhiều rau đậu tốt cho sức khỏe nên dân Âu Châu nhất là người Ðức rất thích tới đây. Không phải tới một lần rồi chẳng bao giờ trở lại mà có nhiều người tới hàng năm, chỉ để nằm trên bãi cát nghe sóng biển rì rào.

Bài: Trịnh Hảo Tâm

Ảnh: Phùng Khải Tuấn (Ðức Quốc)

0 nhận xét