medium_DL DSC02211[1].JPG

Một ban nhạc đang trình diễn ở khu Art Deco.

medium_DL DSC02212[1].JPG

Một đám đông vui vẻ tụ tập trước nhà hàng.

medium_DL DSC02219[1].JPG

Hai cô “tiếp thị” xinh đẹp của một quán bar.

medium_DL DSC02230[1].JPG

Những món hải sản đang được quảng cáo.

medium_DL IMG_8145[1].JPG

Bánh ngọt đầy hấp dẫn trên du thuyền Carnival.

medium_DL IMG_8226[1].JPG

Du thuyền sang trọng Carnival Destiny.


Art Deco - Khu vui vẻ nhứt về đêm ở Miami

Nếu New York có khu Time Square thì Miami có khu Art Deco. Ðây là khu ăn chơi vui vẻ nhứt ở đây. Hai vợ chồng để giấy tờ và tiền bạc vào tủ sắt trong phòng, chỉ để lại chút ít tiền đủ xài tối nay rồi đi bộ tà tà từ khách sạn đi theo Ocean Dr. là con đường song song bờ biển để đi về phía Nam. Phía trái con đường là một công viên có trồng nhiều cây dừa. Phía tay phải liên tiếp là những nhà hàng, khách sạn, quán bar. Khách sạn ở khu này thường không lớn lắm, chỉ chừng 5-7 tầng là cùng. Kiến trúc hơi cũ chắc kiểu những năm 1970. Phía Bắc là những nhà hàng sang trọng, tình tứ và yên tĩnh dành cho những thực khách... già. Càng về phía Nam, không khí càng sôi động hẳn lên với các ban nhạc đang chơi xập xình tạo nên một nơi khung cảnh rất vui tươi, trẻ trung. Ðó là các quán bar mà bên trong có mấy cô gái ăn mặc “thiếu vải” đang nhảy múa trên sàn cho mấy cậu ở phía dưới vừa uống rượu vừa lúc lắc. Sinh hoạt ở đây hơi giống như ở các khu đèn đỏ ở Thái Lan, nhưng ở đây đèn không đỏ mà... mờ. Các nhà hàng đều để bàn ghế ra tới đường để thực khách vừa ăn, vừa hóng mát, vừa ngắm người qua lại. Giá cả theo thực đơn cũng không mắc lắm. Chỉ 15-20 đô la cho một phần ăn chính như thịt bò beefsteak hay hải sản nướng... Dĩa nào dĩa nấy thật to, trông thật hấp dẫn, nhưng với người ăn yếu như tôi thì ăn không hết. Có một quán bar kia có thật đông khách. Ða số là khách nam giới. Ở đó, tôi thấy cảnh sát gác cũng nhiều. Coi kỹ lại thì thấy trước bar có treo một lá cờ đủ màu sắc. Té ra, đây là nơi dân đồng tính luyến ái tụ họp gặp gỡ.

Bên kia đường là một công viên. Nhưng hôm nay công viên bị rào lại bằng lưới mắt cáo và che chắn kín mít. Phía trong thấy lờ mờ người ta đi lại rất đông. Bên trong thấy giống như những kios đánh bài, chơi game hay văn nghệ gì đó. Lại có 5-6 cái màn ảnh TV thật lớn đang chiếu những hình ảnh hay phim truyền hình. Thấy lạ, giống như một hội chợ vui vẻ nên chúng tôi qua đường tính vô coi. Tới cổng thì bị mấy ông bảo vệ... đuổi ra. Mấy ổng nói đây là khu vui chơi tư nhân. Chắc đây là hội chợ của một hội đoàn nào đó to lớn lắm.

Trở lại khu Art Deco, chúng tôi thấy mấy chục chiếc xe tua đang chở du khách tới đây vui chơi ăn uống. Ðường sá kẹt cứng vì quá nhiều xe. Bên kia đường, thiên hạ đi chơi thật đông đảo. Art Deco là nơi bạn phải đến nếu tới Miami, nhưng nhớ đi bộ vì lái xe vô đây là kẹt lâu lắm.

Sau khi đi chơi ở đây cho biết khu vui vẻ của Miami, chúng tôi ngược lại về phía Bắc. Ở đó có một khu ăn uống khác trên đường Washington Ave gọi là Historic Spanic Village. Nơi đây ta có thể ăn tối với giá rẻ hơn khu Art Deco đôi chút vì vắng vẻ hơn. Ðó là khu ở góc đường Washington Ave. và Lincoln Rd.

Trước khi về khách sạn, chúng tôi vào siêu thị mua một chai nước để uống vì thấy nước chai ở khách sạn không được miễn phí mà tính giá tới 5 đô la một chai. Tuy nhiên khách sạn lại cho coupon để uống hai ly rượu miễn phí. Chúng tôi không uống rượu nên lấy hai ly nước trái cây rồi lên phòng. Vừa thay đồ chuẩn bị đi ngủ thì nghe có tiếng pháo bông nổ đì đùng phía Art Deco. Lúc này là 10:30, nhìn ra cửa sổ thì thấy pháo bông nổ nhiều màu cũng đẹp. Ở các bãi biển lớn của Florida như Orlando hay Miami, vào cuối tuần hay có bắn pháo bông. Nếu tôi biết trước như vậy thì đã không về sớm như tối nay mà chắc còn la cà ngoài đó để vui chơi.

Sáng ngày Thứ Hai, 19 Tháng Năm, tôi dậy sớm khoảng 7 giờ rồi đi tà tà ra bãi biển. Mặt trời đã lên khá cao mà biển vắng tanh. Người Mỹ thích chơi đêm tới khuya. Buổi sáng họ còn ngủ rán. Ở đây khác hẳn với biển Nha Trang vào buổi sáng nơi đó có nhiều người ra tập thể dục chạy bộ... Trên bãi biển Miami sáng nay tôi thấy có mấy người ngủ ngoài trời. Họ là dân vô gia cư hay du khách muốn tìm cảm giác lạ khi ngủ dưới “khách sạn ngàn sao”?

Khoảng 9 giờ, chúng tôi xuống ăn sáng tại phòng khách của khách sạn. Ăn sáng miễn phí nhưng là loại continental nên dở lắm, chỉ có bánh mì sandwich và một ly cà phê hay nước trái cây. Thôi chỉ cần ăn cho đỡ đói. Trưa nay lên du thuyền thì tha hồ ăn... bù. Ðiểm tâm xong, chúng tôi tà tà dạo phố phía Bắc khách sạn để coi có gì lạ. Trên đó là khu hội họp, bảo tàng... Có một khách sạn thật sang trọng khác với những khách sạn ở Art Deco. Phía trước khách sạn có trồng nhiều cây dừa và hoa kiểng khá đẹp.

Dạo chơi một chút và chụp một số hình ảnh kỷ niệm chúng tôi trở về phòng thu dọn đồ đạc chuẩn bị trả phòng để lên du thuyền. Khoảng 11 giờ, chúng tôi đem hành lý xuống phòng khách để check out. Khách sạn tính thêm 10 đô la vào khoảng “sử dụng các dịch vụ resorts” như Internet, hồ bơi, khăn tắm... Có xài hay không thì cũng bị tính tiền. Thôi kệ, thấy không đáng, chỉ thêm có 10 đô nên tôi trả luôn cho rồi.

Anh lễ tân kêu cho chúng tôi một chiếc taxi để ra bến tàu - Port of Miami. Chắc họ có mối với nhau rồi nên chiếc taxi này cũng không có đồng hồ hay tên công ty gì cả. Chúng tôi lại lo không biết có bị lừa hay không đây. Té ra, khi xe đưa tới bến tàu thì họ chỉ đòi 20 đô la. Giá cũng phải chăng nên chúng tôi trả ngay không thắc mắc.

Nhìn qua phía Bắc, chiếc du thuyền Carnival vĩ đại đang đậu ở bến cảng để chờ đón chúng tôi đến tham gia du ngoạn trong 5 ngày. Trưa nay trời nắng ấm nhưng dự báo những ngày sắp tới Miami sẽ có mưa rải rác. Khi đó thì hơi đâu mà lo vì chúng tôi đã ở trên du thuyền rồi...

Khám phá du thuyền Carnival Destiny

Thủ tục lên tàu:

Theo chương trình du lịch, tàu sẽ khởi hành lúc 4 giờ chiều nay nên hành khách có thể lên tàu từ 12 giờ trưa. Chúng tôi đi taxi từ biển South Beach tới bến tàu Miami lúc 12 giờ thì đã thấy nhiều hành khách lên tàu rồi. Từ đây, chúng tôi đã nhìn thấy “căn nhà mới” của chúng tôi trong 5 ngày sắp tới. Ðó là du thuyền vĩ đại Carnival Destiny.

Nếu bạn chỉ nhìn hình chụp thì sẽ không thể nào tưởng tượng nổi sự to lớn của du thuyền nầy. Nó dài sơ sơ có 892 ft (tức là khoảng 300 mét) gấp ba lần một sân bóng đá. Dễ sợ chưa. Từ mặt nước trở lên có tất cả 12 tầng. Còn dưới mặt nước là phần ngầm chứa máy móc nhiên liệu là bao nhiêu thì tôi không biết. Tàu này thuộc loại lớn và mới. Trọng tải của tàu là 101,353 tấn, lớn hơn một chiếc hàng không mẫu hạm. Tàu có 1,321 phòng khách có thể chứa tổng cộng 2,642 hành khách. Trong số các phòng nầy có 802 phòng có ban công để ra ngoài ngắm cảnh. Những phòng còn lại là ở bên trong hay chỉ có cửa sổ mà không có ban công. Số nhân viên của tàu cũng nhiều là 1,050 người. Tàu đăng ký ở Bahamas và được điều khiển bởi một thuyền trưởng là người Ý. Tàu có thể chạy với vận tốc trung bình là 22.5 knots tức vào khoảng 40 km/giờ.

Việc check-in để lên tàu cũng giống như lên máy bay. Ai có hành lý nặng nề thì có thể gởi riêng cho nhân viên của tàu đưa lên giùm với điều kiện phải ghi rõ số phòng. Họ sẽ đưa hành lý mình lên tận phòng. Chúng tôi không cần gởi hành lý nên đi thẳng vào trong. Ở đây, người ta coi giấy tờ và phát thêm một tờ khai về sức khỏe để chúng tôi điền vào. Hiện giờ có dịch cúm heo nên mới có thêm vụ này. Thật ra, chỉ khai lấy lệ chớ không ai kiểm soát coi bạn có bị ho hen sổ mũi, hay có máy dò nhiệt độ gì cả. Hành lý phải đưa qua máy dò kim loại như ở phi trường. Nước trong chai thì phải uống hết hay bị bỏ lại. Chúng tôi có một chai nước nhỏ tính đem theo để uống mà cũng bị xét lấy mất. Sau khi qua hệ thống an ninh thì được hướng dẫn tới quầy làm thủ tục lên tàu. Ở đây sau khi coi passport và điền thêm một mẫu khai về ai là người cần liên lạc khi có chuyện khẩn cấp thì nhân viên mới yêu cầu mình đưa cho họ một thẻ tín dụng. Họ sẽ nối trương mục tín dụng của mình vào thẻ này. Sau đó họ phát cho mỗi người một thẻ nhựa khác gọi là Sail and Sign Card (S&S). Thẻ này có tên của khách và ghi rõ số bàn, số phòng để ăn tối. Thẻ này cũng để lên xuống tàu và cũng để thanh toán tất cả mọi mua sắm trên tàu. Họ sẽ từ thẻ này tính ngược vào một thẻ tín dụng của mình.

Cuối cùng chúng tôi lên lầu để qua một cầu thang bắc vào tầng ba của tàu. Tại cửa ra vào, người ta còn chụp hình hành khách và nối kết vào thẻ. Tới đây thủ tục lên tàu đã hoàn tất. Chúng tôi kéo hành lý theo thang máy xuống tầng 2 để vào phòng thì được nhân viên cho biết phòng... chưa chuẩn bị xong. Phải 1:30 mới có thể vào phòng. Nhân viên còn chỉ rằng chúng tôi có thể lên ăn trưa ở tầng 9 gọi là Lido deck.

Cũng đã trưa và đói nên chúng tôi đành kéo vali hành lý để đi ăn trưa. May là đồ đạc cũng ít và cũng có rất nhiều hành khách cũng làm như chúng tôi nên chúng tôi không bị “quê”.

Ðể lên lầu 9, du thuyền có 18 cái thang máy. Cái nào cũng chạy rất nhanh. Từ lầu 2 lên lầu 9 thang chỉ đi chừng 30 giây mà thôi.

Chuyện ăn uống trên du thuyền:

Tầng 9 có tất cả... bảy cái nhà hàng lớn nhỏ để cung cấp thức ăn cho hành khách. Khách muốn ăn bao nhiêu thì cứ tự tiện lấy dùng. Du khách hơi nhiều nên ta phải sắp hàng khá lâu. Ðồ ăn kiểu Mỹ có đủ loại từ hamburger đến hot dog, pizza... tới các thức ăn khác như cá hồi, thịt bò, thịt heo... Ngoài ra còn có bánh mì, khoai tây, rau cải, sữa tươi, yaourt... nữa. Cuối dãy là hàng bánh ngọt đủ loại. Bánh ngọt trên tàu này làm ngon lắm, không quá ngọt như bánh Mỹ. Trái cây thì có dưa gang, dưa vàng, dưa hấu, chuối, cam, táo... Thức ăn như vậy là quá đầy đủ năng lượng và quá ngon lành. Về đồ uống thì có nước trà, cà phê, đá chanh... Không có nước ngọt hay rượu. Ai muốn uống những thứ này thì phải mua thêm. Giá một ly rượu cocktail hay margarita thường là 7 đô la. Ta chỉ cần đưa thẻ S&S và ký vào biên nhận.

Nhà hàng rất rộng rãi. Bạn có thể ngồi trong phòng máy lạnh, sát cửa sổ để ngắm nhìn phòng cảnh từ trên cao. Bạn có thể ngồi ngoài sân để hưởng gió mát. Bạn cũng có thể ngồi gần hồ tắm để ngắm người đẹp... Toàn bộ 7 phòng của nhà hàng đủ sức phục vụ cho cả ngàn người, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Nhân viên phục vụ trên tàu đa số là người Á Châu như Ấn Ðộ, Phi Luật Tân. Họ rất vui vẻ, cởi mở, và chân tình.

Sẵn đói bụng và lần đầu ăn buffet nên chúng tôi ăn hơi mạnh vào trưa nay. Ăn rất ngon và thỏa mãn. (Nhưng tới ngày về thì đã ngán nên sức ăn chỉ còn có phân nửa mà thôi. Cái gì dư thừa quá cũng sẽ gây nhàm chán !!!)

Phòng ngủ của chúng tôi:

Ăn trưa xong thì cũng gần 2 giờ. Chúng tôi đã có thể vào phòng. Với tánh tiết kiệm, tôi mua vé phòng ở phía trong không có cửa sổ. Bạn có thể nói ông này hà tiện quá, sao không mua vé phòng có cửa sổ thì tốt hơn. Thật ra, hết phân nửa số hành khách trên tàu hôm nay đã không có cửa sổ để ngắm cảnh vì cấu trúc của chiếc tàu như vậy. Còn ngắm cảnh hay không thật ra cũng không cần thiết vì ta có thể lên tầng cao thì ngắm cảnh đẹp hơn nhiều. Hơn nữa, ban ngày thì ta đi xuống đảo chơi. Ban đêm lúc về phòng thì tàu chạy, bên ngoài chỉ thấy tối thui chớ không có phong cảnh gì. Ngoài ra, ở phía trong lại có ưu điểm là ít bị lắc hơn khi tàu vượt sóng. Bạn đừng cười nhé vì đây cũng là lý luận của hơn... 1.500 người mua vé tàu ở phía trong như chúng tôi.

Phòng trên tàu gọi là cabin. Phòng của chúng tôi phía giữa tàu gần thang máy. Trong phòng có một giường lớn, hai tủ lớn, một két sắt, nhiều hộc tủ đủ để quần áo và đồ dùng. Phòng có bàn viết nhỏ, trên có điện thoại để liên lạc. Phòng có một nhà vệ sinh riêng tuy nhỏ nhưng cũng xoay trở được. Xà bông, kem đánh răng cũng có sẵn nhưng ít. Chúng tôi không lo vấn đề này vì luôn luôn đem theo đủ dùng cho mọi chuyến du lịch. Trong phòng có máy sấy tóc và máy truyền hình nhưng không có tủ lạnh, microwave, bàn ủi. Nước uống thì có sẵn nhưng đụng tới thì hơi... phỏng tay. Giá một chai nước lạnh là 5 đô la, một lon nước ngọt là 2 đô la. Do đó muốn tiết kiệm thì ta nên có một chai không nho nhỏ để lấy nước uống từ nhà hàng ở lầu 9 (miễn phí). Nếu không thì uống nước... đá tan ra sẽ được cung cấp mỗi đêm. Khăn tắm, khăn mặt thì la liệt. Ngoài ra còn có hai khăn tắm màu xanh để dùng trên bãi biển. Nhìn chung, phòng ốc của chúng tôi trông rất sạch sẽ, ngăn nắp.

Bạn có thể hỏi phòng bít bùng thì sẽ ngộp lắm. Không đâu. Trên nóc phòng có một lỗ lớn xì hơi máy lạnh liên tục. Nhờ đó, trong phòng mát mẻ, không khí lưu thông.

Nếu bạn chịu trả giá gấp đôi thì có thể ở các phòng sang trọng trên các lầu cao. Các phòng này chắc rộng hơn và có ban công để ra ngoài chơi và hóng gió. Nhưng nên nhớ ở cao thì cũng bị lắc nhiều hơn so với ở giữa và gần khu trung tâm của tàu.

Hàng ngày, người ta vào làm vệ sinh, thay khăn giường, khăn mặt hai ba lần, trừ khi bạn treo giấy nói miễn. Mấy người nhân viên khi gặp khách thì chào hỏi rất lễ phép. Cách phục vụ của họ đã làm chúng tôi rất vừa ý. Những người làm trên tàu thường từ các nước nghèo tới làm. Họ phải làm liên tục sáu tháng rồi mới được nghỉ phép hai tháng. Họ lãnh lương ít lắm vì không bị ràng buộc bởi luật lao động của Mỹ. Chủ tàu trả lương nhân công rẻ nên mới bán vé rẻ được. Nhân viên trên tàu sống nhờ tiền típ của du khách. Do đó họ rất vui vẻ với mong muốn được thưởng nhiều khi khách rời tàu. Cũng có khi họ được huấn luyện như vậy rồi. Mình chỉ đoán mò mà thôi. Ngoài ra, nếu bạn làm biếng thì có thể nhờ nhân viên phục vụ đem đồ ăn sáng tới tận phòng cho bạn. Một khi đã lên tàu thì bạn là... thượng đế. Sướng như vậy đó.

Trên bàn làm việc trong phòng đã có để sẵn một tờ chương trình chiều tối hôm nay để du khách biết và tham gia. Chương trình vui chơi trên tàu rất phong phú và thay đổi mỗi ngày. Ta có thể đánh bài, mua sắm, chơi game, nghe nhạc, tham gia các trò chơi, học nhảy, đi đấm bóp, hát karaoke, chơi xổ số (bingo)... Từ từ, tôi sẽ nói thêm về các trò vui trên tàu trong phần sau.

Bài và ảnh: Minh Tâm

0 nhận xét