San Francisco thành phố thanh lịch có khu phố Tàu nhộn nhịp, có chiếc cầu treo Golden Gate hoành tráng soi mình trên Thái Bình Dương và còn nhiều danh lam thắng cảnh khác nữa, du khách càng tìm đến càng thích thú, càng khám phá càng thêm nhiều bí ẩn.

Rời phố Tàu dốc thấp dốc cao chúng ta tản bộ lên hướng Bắc theo con đường Stockton Street (hay đường Grant Avenue) để ra bờ biển. Con đường dài một mile vừa lang thang ngắm phố phường vừa tận hưởng những làn gió mát từ biển thổi vào. Nửa đường sẽ gặp Lombart Street cắt ngang, nơi đây chia ra “hai ngã đường tình” nhưng “con đường tình ta đi” đường nào cũng đẹp, cũng hoa giăng ngập lối, cũng thảm cỏ êm đềm. Rẽ phải sẽ gặp Telegraph Hill Park có tháp Coit Memorial Tower sừng sững trên ngọn. Tháp cao 210 feet do bà Lillie Hitchcock Coit dùng tiền của mình xây dựng năm 1933 để tưởng niệm những người lính cứu hỏa tình nguyện đã bỏ mình trong trận động đất và hỏa hoạn năm 1906. Nhìn hình dáng ngọn tháp người ta liên tuởng đến phần đầu vòi nước (nozzle) chữa lửa, không biết đó là trùng hợp ngẫu nhiên hay là cố ý của nhà kiến trúc. Ngày nay du khách trèo lên ngọn tháp để phóng tầm mắt ra Vịnh Cựu Kim Sơn xuôi ngược những chiếc phà trên vùng biển xanh điểm những cánh buồm trắng. Nhìn về Nam dãy cầu hai chiếc Bay Bridges hùng vĩ như con rồng nằm uốn khúc trên mặt biển:
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh
Thâm u một dãy hoàng thành
Ðình suông con én không đành bay đi.
(Vài Nét Huế - Nguyễn Bính)

SAN FRANCISCO – OAKLAND BAY BRIDGES

Chữ Bridges viết số nhiều vì không phải chỉ một mà tới hai cây cầu mới đủ dài đề bắt ngang Vịnh Cựu Kim Sơn. Chiếc cầu thứ nhất bắt từ bờ San Francisco tới đảo Yerba Buena nằm cạnh Treasure Island um tùm cây cối, ngày xưa là nơi bọn cướp biển cất giấu những báu vật mà chúng đánh cướp được. Ðây là chiếc cầu treo có hai tầng, mỗi tầng là một chiều lưu thông với 4 làn xe. Tầng phía dưới là chiều từ San Francisco đi sang Oakland và tầng trên ngược lại từ Oakland đi vào San Francisco. Khi xe chạy ở tầng trên, khách ngồi trên xe sẽ có dịp mục kích một khung cảnh thành phố nhìn từ trên cao với nhiều cao ốc nằm cạnh bờ biển rất huy hoàng, tráng lệ nhất là vào buổi hoàng hôn khi thành phố vừa lên đèn. Xe ngang qua đảo Yerba Buena, đoạn này là một đường hầm đào trong núi với đường kính 58 feet. Rồi xe sẽ sang chiếc cầu thứ nhì là một cầu thép có một tầng rộng như một xa lộ. Cầu được nâng đỡ bằng những cột xi măng cốt sắt xây xuống đáy biển.

Chiều dài hai cầu và đường hầm ở giữa là 8.5 miles (13.7 cây số) xe chạy mất khoãng 10 phút, vào thời xây cầu năm 1933 là cầu treo dài nhất thế giới. Cầu mở cho xe cộ lưu thông vào tháng 11 năm 1936 với kinh phí xây dựng là 79.5 triệu mỹ kim (gấp đôi cầu Golden Gate là 35 triệu được hoàn thành vào mùa hè năm sau đó tức năm 1934). Kỹ sư trưởng toàn bộ công trình là Charles H. Purcell (1885-1951). Cây cầu Bay Bridges nối liền hai bờ của Vịnh San Francisco đã mở một kỷ nguyên mới cho vùng Vịnh, giao thông vận chuyển được dễ dàng, giúp kinh tế trong vùng phát triển. Cầu có thâu lệ phí 3$ nếu từ Oakland đi vào San Francisco và trạm thu nằm bên đầu cầu phía Oakland.

Trận động đất năm 1989 làm hư hại môt phần cầu Bay Bridges và người ta đang nghiên cứu kế hoạch xây lại cầu thứ nhì phía bên Oakland. Dự án có thể là cầu treo với cáp thẳng như cầu Mỹ Thuận ở VN hay cáp treo như cầu thứ nhất và cầu Golden Gate. Bản vẽ vẫn còn nằm trên bàn giấy chưa biết bao giờ mới xây lại.


Cầu Bay Bridge

LOMBART, CON ÐƯỜNG KHÚC KHUỶU

Vũ điệu Lambada các vũ công y trang Nam Mỹ bông hoa rực rỡ thân mình uốn lượn, nối nhau nhịp bước cũng uốn lượn ngoằn nghèo thì con đường Lombart cũng quanh co uốn lượn không khác vũ điệu Lambada. Từ Coit Tower xuống đồi đi lên hướng Bắc sẽ gặp Lombart và quẹo trái, đi về hướng Tây 7 blocks đường sẽ tới con đuờng khúc khuỷu Lombart. Con đường được xây năm 1920 có dốc nghiêng đến 40 độ, dài một block đường nhưng phải lên một con dốc cao nên đuờng phải đi theo dạng chữ chi trong tiếng Hán và chữ Z trong tiếng Anh. Hai bên đường trồng hoa nhiều màu rất xinh đẹp và hai bên là lối đi cho người đi bộ được tráng xi măng nhưng dốc rất cao và nhiều nơi có tay vịn. Khi lên con dốc này, đi một đoạn là dừng chân nghỉ mệt, nhìn ngắm những bông hoa và nhà cửa dọc theo hai bên đường. Có những nhà xe lối ra xe đâm ra ngay con đường dốc nhưng giá nhà vẫn đắt hơn mấy triệu bạc và người ta rất thích thú được ở khu này. Phía trên dốc là ngả tư Lombart và Hyde Street, đứng nơi đây nhìn xuống con đường khúc khuỷu hoa trồng hai bên và phiá xa cuối đường Lombart là bờ biển.

FISHERMAN’S WHARF
Theo con đường lớn Hyde Street đi về hướng biển tức hướng Bắc 2 blocks đường sẽ ngang qua công viên Russian Hill Park bên tay trái và đi thêm 3 blocks nữa sẽ ra tới bờ biển. Khu bến tàu này có tên là Fishman’s Wharf có nghĩa là cầu tàu của dân đánh cá. Quang cảnh ở đây rất nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng. Tản bộ dọc theo đường Jefferson là con đường dọc theo bến tàu giữa đường Hyde và Jones, du khách sẽ mục kích những hoạt đông của dân chài người Mỹ. Họ đẩy cá lên bờ, cân bán cho các lái buôn hay các nhà hàng và quanh đó là những hàng quán nho nhỏ như chợ trời bày bán đồ kỷ niệm, tranh ảnh và nhiều nhất là các quán bán đồ ăn, không khí xô bồ náo nhiệt vì tiếng rao hàng, tiếng nhạc từ các cửa hàng dĩa nhạc. Fisherman’s Wharf nổi tiếng những nhà hàng hải sản của người Ý có bàn ngồi ăn nhìn ra biển, những quán bán hải sản nấu chín như cua biển hấp, cá chiên, seafood cocktails ăn lạnh và đặc biệt nổi tiếng với quán của gia đình Boudin mở từ năm 1849 với món bánh mì tròn bột chua (sourdough), lấy ruột ra rồi đổ vào đó súp nghêu (clam chowder) còn bốc khói. Ngày nay các hàng quán ở đây còn chế thêm nhiều món tương tự cũng bánh mì nhưng bột không chua và seafood salad đổ vào ổ bánh mì. Quang cảnh nơi đây ngườI đi tấp nập, ăn uống ngoài đường thoải mái tự nhiên và hàng quán mở cửa đến khuya. Vì là địa điểm du lịch nên giá cả các món ăn khá đắt tuy nhiên bên kia đường cũng có một tiệm Mac Donald vẫn giữ giá như Mac Donald ở những nơi khác.

Giải trí có tính cách gia đình ở đây có Wax Museum, Ripley’s Believe It Or Not và Medieval Dungeon và chiếc tàu ngầm từ thời thế chiến thứ hai, chiến hạm USS Pampanito đậu ở cầu tàu 45 (Pier 45).


Hải cẩu bên bờ cảng

PIER 39
Từ Fisherman’s Wharf đi về hướng Ðông một đoạn ngắn sẽ gặp cầu tàu 39 rất đông du khách tập trung ở đây vì bên kia đường có một nhà đậu xe nhiều tầng rất lớn. Cầu tàu 39 là một khu hàng quán xây bằng gỗ theo kiểu Anh có hai tầng, một nửa nằm trên bờ biển, nửa kia xây trên mặt nước. Ðặc biệt ở đây người ta neo những phao nổi bằng gỗ ghép lại trôi bập bềnh trên sóng nước để cho loài hải cẩu nghỉ chân, nằm phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Mỗi ngày hàng trăm hải cẩu tập trung nơi đây kêu lên những tiếng “en ét” hòa lẫn tiếng sóng biển rì rào, tiếng hải âu “chim chíp” giành mồi. Trên một tấm gỗ vuông lớn, một con hải cẩu đen bóng to lớn dềnh dàng nằm cạnh những con nhỏ hơn, chắc là “hầu thiếp”. Khi những con hải cẩu khác mon men bơi đến định trèo lên miếng gỗ thì con to lớn kia nhe răng hét lên những tiếng “en ét” đe dọa. Chúng phải bơi đi tìm những miếng gỗ khác!

Ở đây cũng buôn bán tấp nập, hàng quán đồ ăn, gift shop, áo thun, tranh ảnh tạp nhạp và phẩm chất không bảo đảm. Là chốn đông vui nên phải cẩn thận coi chừng bị móc túi. Có rất nhiều “nghệ sĩ đường phố” biểu diễn tài nghệ để kiếm tiền ở đây. Có ngày có ban nhạc chơi “steel drums” của vùng biển Caribbean của những đảo như Puerto Rico, Jamaica tưng bừng, rộn rã. Có nghệ sĩ cặp mắt lim dim, oằn vai thổi kèn saxophone day dứt, áo nảo. Có những anh chàng Mỹ đen xịt sơn bạc lên quần áo, mặt mày, đứng trên thùng cao giả làm người máy, lúc thì cử động giựt giựt như robot, lúc thì bước đi uyển chuyển, thoăn thoắt nhẹ nhàng như Micheal Jackson. Khi thoáng thấy những cô gái Nhật Bản ngây thơ đi tới, anh ta ngồi bất động, cặp mắt đứng tròng. Các cô gái Nhật phân vân không biết người thật hay tượng chì, đưa tay xăm soi, rờ mó. Lúc bất ngờ, anh ta cử động làm các cô giật mình rú lên và sau đó vui cười ngặt nghẽo. Các cô chụp hình lưu niệm cho chuyến Mỹ du và không quên bỏ tiền vào thùng giấy cho “người máy” mua hamburger.


Robot bên bến tàu

ÐẢO NGỤC TÙ ALCATRAZ
Từ cầu tàu 41 có nhiều tuyến hải trình ngoạn cảnh bằng tàu chạy đến cầu Golden Gate rồi trở lại. Trên du thuyền hành khách có dịp thưỏng ngoạn phong cảnh của thành phố nhìn từ ngoài khơi rất đẹp. Những nhà cao tầng nhiều màu, nhiều kiểu thẳng tấp vượt lên trời xanh, tháp Coit cô độc trên đỉnh đồi um tùm cây cối rất tương phản với những ngôi nhà trắng lúp xúp chen nhau phía dưới và hải đảo Alcatraz có tháp hải đăng và những dãy nhà lầu cũ kỹ.
Khi du thuyền đến gần cầu Golden Gate có 2 trụ cột màu đỏ treo những dây để đỡ chiếc cầu, cảnh lại càng trở nên hùng tráng huy hoàng hơn nữa.

Hải trình du ngoạn hòn đảo Alcatraz được nhiều du khách ưa chuộng hơn hết. Alcatraz tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là chim chàng bè hay còn được gọi là bồ nông (Pelican), một loại chim biển có chân vịt và mõ thật dài, dưới cổ có túi lủng lẳng để chứa thức ăn. Ngày xưa trên đảo toàn là giống chim này. Thời kỳ chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha trong thập niên 1850, đảo Alcatraz là một đồn quân vì có địa hình dễ phòng thủ và cũng là một trại giam nhốt tù binh. Năm 1934 đảo là trại giam kiên cố, an ninh nghiêm nhặt để giam những tội phạm băng đảng Mafia và những tử tội khét tiếng dữ dằn. Những thân chủ nổi tiếng được đưa ra “nghỉ mát” dài hạn tại đảo gồm có “Machine Gun” Kelly can tôi cướp ngân hàng, Al Capone trùm băng đảng và Robert “Birdman” Stroud sát nhân. Ðảo cách bờ chỉ có một mile nhưng không ai vượt thoát được vì nước biển quá lạnh. Nhà tù trên đảo là nhà tù duy nhất của liên bang cho tù nhân tắm toàn nước nóng, không có nước lạnh, một tiện nghi sang trọng khiến tù nhân có thói quen không chịu được nước lạnh, thoát được xuống nước cũng vội vàng lội trở lại! Nổi khổ tâm dày vò tù nhân bị giam ở đây là thèm khát đời sống tự do bên ngoài, hàng đêm nhìn đèn màu rực rỡ trong bờ và đôi lúc thuận gió còn nghe được tiếng nhạc, tiếng cười la từ các dạ vũ, tiệc tùng. Hải đảo ngục tù Alcatraz là đề tài cho nhiều cuốn phim vượt ngục sôi động và nghẹt thở trong đó có phim “Birdman of Alcatraz’ do Burt Lancaster đóng kể lại cuộc sống của tù nhân Robert Stroud trong nhà tù. Anh can tôi giết một người pha rượu vào năm 1909 vì người này không trả tiền cho một cô gái giang hồ. Trong tù anh nổi tiếng cứng đầu, bất trị, buôn ma túy, đâm người. Vẻ trí thức hiền hoà, anh hay đọc sách y học và nuôi khoãng 300 con chim bằng đồ ăn nhà tù phát cho mình. Anh ta nói rằng nghiên cứu thuốc trị bịnh chim và xin nhà tù cung cấp cho anh những dụng cụ như bếp ga, bình cất để chế thuốc nhưng sau này khám phá ra rằng… anh chàng cất rượu để uống! Một phim khác kể lại chuyện vượt ngục của một nhóm tù Alcatraz là phịm “The Rock” phát hành năm 1996 do các tài tử chuyên đóng phim vượt ngục là Nicolas Cage, Sean Connery…

Nhà tù đuợc đóng cửa năm 1963 và trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách đến từ mọi nơi. Tiểu đảo rộng 12 mẫu này là một phần của Golden Gate National Recreation Area và chỉ có tuyến tàu Blue & Gold Fleet phục vụ du khách mỗi ngày từ cầu tàu 41 tạI Fisherman’s Wharf.

Từ năm 1969 đến 1971 một nhóm người Mỹ gốc da đỏ đã lên chiếm đảo để biểu tình chống lại cơ quan Bureau Of Indian Affairs. Hầu hết trang bị cho phòng ốc nhà cửa trên đảo bị phá hư nhưng ngọn hải đăng và hai ngôi nhà lớn thì không hư hại.

Ðảo ngục Alcatraz là địa điểm khi đến San Francisco du khách nên đi xem cho biết nhà tù Mỹ ngày trước như thế nào và đời sống tù nhân ra sao? Du khách sẽ thấy những căn phòng hẹp dày đặc song sắt với chiếc giường sắt mà khi tù nhân vượt ngục, để đánh lừa giám thị đề lao, y để lại một hình nộm cũng an phận nằm ngủ trên giường. Xem người lại nghĩ đến ta. Các bà đêm đêm thấy chồng mình đấp mền nằm trên giường chớ có vôi tin mà hãy tới xăm soi, nên xem cho rõ tận tường ra sao?

Có hai cách để viếng Alcatraz, một là mua vé nơi cầu tàu và ra đảo tự do tham quan. Hai là đặt Tour du lịch từ khách sạn, họ sẽ đưa xe đến đón. Du khách chuẩn bị giày thể thao vì phải đi bộ và leo thang sắt trong các nhà tù cũng như có áo ấm và máy ảnh trong tư thế sẳn sàng. Pin đã charge đầy đủ, chứ có máy hình nòng zoom vươn dài cực mạnh mà…hết pin thì cũng như không!


Alcatraz , đảo ngục tù

TRỊNH HẢO TÂM

0 nhận xét