Từ khu phố thương mại Việt ở Chamblee và Doraville, thằng con chở hai vợ chồng chúng tôi về nhà nó ở thành phố Cumming nằm gần xa lộ 19 và cách trung tâm Atlanta khoảng 30 miles về hướng Bắc. Vợ chồng chúng nó dọn về đây trước lễ Giáng Sinh 2004 và đây là lần đầu tôi tới nhà này, lần thăm chúng nó kỳ trước thì nhà hãy còn ở Roswell, nửa đường Cumming đi Atlanta. Hai vợ chồng chúng nó có 3 trai và một gái nhỏ nhất, tuổi từ 10 trở xuống. Những cháu nội trai hay về chơi Orange County California nên gặp ông nội là cười giỡn ngay còn con bé gái 1 tuổi thì hơi lạ, tôi đưa tay bồng thì sợ mắt đỏ còn miệng thì mếu nhưng vài phút sau có vẻ quen nên len lén nhìn nhưng còn e dè, sợ sệt. Con trai hỏi chúng tôi suốt đêm ngồi máy bay có mệt thì nghỉ ngơi, chiều nó sẽ đưa đi một vòng thành phố Cumming và đi ăn tối bên ngoài. Ðêm qua trên phi cơ tôi chỉ ngủ 2 tiếng nhưng cũng không thấy mệt nên đi vòng xung quanh xem nhà, xem cảnh Cumming nhà cửa xây như thế nào, sân vườn trồng những loại cây gì?
Trong khu hàng xóm nhà nào nhà nấy to lớn như lâu đài bên Anh Quốc nhưng không thấy một bóng người. Nhà nào tường bên ngoài đều xây bằng gạch đỏ hay vàng nâu, nóc nhọn lợp ngói. Mỗi nhà sân cỏ rộng nửa mẫu không có rào hay tường ngăn nhưng thằng con nói nó sẽ làm sau cho có vẻ privacy như ở
Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi lấy xe dạo quanh Cumming, đường sá ở đây quanh co uốn khúc nên rất khó định hướng cho người ở xa tới, khác với miền Nam Cali đường sá thẳng băng đi theo hai hướng Nam Bắc và Ðông Tây, hướng Bắc thì có dãy núi cao tên thiên thần San Gabriel (mới cháy đầu Tháng Chín 2009) Mùa Ðông đôi khi tuyết phủ ngọn, lấy núi làm hướng chuẩn nên khó lạc đường. Cumming là một thành phố miền quê thành lập từ 1834, theo thống kê năm 2005 chỉ có 5,802 cư dân nhưng là thủ phủ của Forsyth County là quận hạt mà thuế bất động sản thấp nhất vùng chỉ bằng phân nửa các quận kế cận như North Fulton và Gwinnett. Cumming lấy từ tên William Cumming người quê Augusta (Georgia) là một trong những vị tướng chỉ huy cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ với Anh Quốc năm 1812. Cumming ở gần hồ Lanier nằm phía Ðông là một hồ rất lớn do những con suối từ vùng núi Chattahoochee National Forest nằm phía Bắc tiểu bang Goergia chảy xuống. Hồ Lanier là địa điểm hấp dẫn những người ham chuộng những môn thể thao dưới nước như chơi thuyền, trượt nước. Mùa Hè dân từ Atlanta lên nghỉ ngơi, cắm trại, chơi thuyền. Cumming đang xây nhiều khu nhà mới vì nhiều người đang dọn về đây do nền giáo dục tại địa phương rất tốt. Những trường ở Forsyth County luôn giữ số điểm cao trên toàn tiểu bang về mọi lãnh vực. Dạo quanh Cumming vẫn thấy là một làng quê êm đềm với những cửa tiệm còn nét cổ kính như tiệm tạp hóa, hớt tóc, nhà in, phòng mạch, lò rèn (blacksmith), xưởng cưa cây, nhà máy xay lúa. Dân địa phương là những người chủ đất đã ở đây không biết bao nhiêu đời, tổ tiên của họ từ Carolina và Virginia qua đây từ đầu những năm 1800 sinh sống với nghề gỗ, trồng thuốc lá và nuôi gia cầm. Họ rất bảo thủ muốn Cumming bao giờ cũng êm ả là một vùng quê như hàng trăm năm qua, nay họ bán đất cho những nhà xây cất, chấp nhận sống chung với những người mới tới nhưng với một mức độ nào đó và với điều kiện là phải xây nhà rộng giá cao. Vì là thủ phủ của quận hạt nên hàng năm Cumming phải tổ chức hội chợ cho Forsyth County, những món hàng thủ công nghệ như đan len, thêu tay, đồ gốm đều mang nặng di sản văn hóa địa phương. Thằng con đưa vào thăm hồ Lanier vì cuối Thu lạnh nên vắng du khách và sau đó đi ăn tối ở một nhà hàng đồng quê chuyên về thịt nướng.
Khu thương mại Underground Atlanta
Sáng hôm sau đợi hết giờ lưu thông cao điểm chúng tôi xuống khu trung tâm Atlanta, khu này không có nhà dân cư mà là những văn phòng thương mại, dịch vụ với những căn nhà xưa gạch đỏ bên cạnh những tòa nhà lớn hiện đại mới xây. Chúng tôi đậu xe ở khu Underground Atlanta là một địa điểm du lịch nhộn nhịp như là một cái Mall thương mại ngoài trời có hơn 100 cửa hàng bán đồ kỷ niệm, tranh vẽ, sách báo, dĩa nhạc, dụng cụ ảo thuật, xem bói và nhiều nhất là những tiệm ăn, quán cà phê sinh tố và những bar rượu mở cửa đến 4 giờ sáng.
Chúng tôi bắt đầu đi từ ga xe lửa (Railroad Depot), sở dĩ có tên Underground (dưới mặt đất) là vì khu thương mại này có hai tầng, ngày xưa nơi đây là ga xe lửa chính. Atlanta thế kỷ 19 phát triển cũng là nhờ đường xe lửa và đây là trạm cuối từ miền Ðông Bắc xuống. Ngày đó nơi đây còn nhà ga đồ sộ được xây năm 1869 với nhiều tầng lầu và được xem là tòa nhà cao nhất Atlanta. Sau trận hỏa hoạn năm 1935 tòa nhà ga chỉ còn lại một tầng. Việc xây nhà ga thời đó cũng không tiến hành được suôn sẻ, ngay từ đầu thợ đã đình công không chịu đào đất, John Thrasher nhà thầu làm nền móng phải mướn người nô lệ da đen từ một hãng cung cấp phu lao động. Chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên đến ga này vào ngày trước lễ Giáng Sinh 1842 có tên là “Florida” lại không chạy trên đường rây mà được đặt trên một wagon kéo bằng 16 con lừa! Năm 1848 thành phố được thành lập với dân số chỉ có... 21 người, tại ga xe lửa người ta cắm trụ mốc số 0 thì thành phố kéo dài mỗi bên là 1 mile! Khi trận nội chiến Bắc Nam bùng phát năm 1861, dân số được 10 ngàn, thành phố kéo dài từ nhà ga mỗi bên được 2 miles và là nơi cung cấp binh sĩ và quân trang của quân miền Nam cho các chiến trường. Một năm sau cuộc nội chiến dân số Atlanta có 10 ngàn người da trắng và 9 ngàn người da đen.
Chúng tôi đi ngang qua những hàng quán, ki ốt thương mại để vào đường Alabama Street và đọc thấy đây là một địa điểm lịch sử, nó là một trong 7 con đường đầu tiên được trải nhựa. Những hàng quán nơi đây có một chiều dài lịch sử khá xa xưa, năm 1830 nơi đây là khoảng đất trống, những người sơn đông mãi võ bán thuốc dạo mà người Mỹ thường gọi là “Snake Oil Saleman” tập trung nơi đây khá đông tạo không khí hội chợ tưng bừng náo nhiệt với các màn gấu nhảy đầm, bài ba lá, đố bài ăn tiền, họa sĩ hè phố vẽ chân dung nhanh và cả những diễn văn chính trị. Nơi góc đường Alabama và Pryor Street ngày xưa là nhà giam hay “Calaboose” chỉ là một cabin bằng gỗ, nền đất và cửa có ống khóa thường giam những bợm nhậu say rượu ăn quịt không trả tiền. Tuy nhiên vì không có ai canh gác nên bạn bè của tội nhân thường đến giải thoát cho họ bằng cách nạy những thanh gỗ để tội nhân có thể bò ra ngoài.
Rẽ trái vào con đường Pryor Street và đi thẳng tới chợ Planters Hotel. Ngày 22 Tháng Bảy năm 1864, quân đội cả hai phía Bắc Nam giao chiến đẫm máu trong trận đánh Atlanta và Planters Hotel trở thành quân y viện không những cho quân đội miền Nam mà cả quân miền Bắc. Thương bịnh binh có cả hai quân phục xanh lục và xám của hai phía nằm bên nhau để chờ giải phẫu.
Trước khi theo thang cuốn (escalator) để lên tầng trên Upper Alabama Street hãy nghe một câu chuyện về cây cột đèn đốt bằng gas ở trước mặt. Cây đèn này là một trong số 50 cây được dựng lên bởi Atlanta Gas Light Company và năm 1856. Nó đã bị đạn pháo kích của pháo binh quân đội Union miền Bắc trước khi mặt trận Atlanta mở màn. Lúc ấy Solomon (Sam) Luckie là một trong 40 nô lệ da đen đã được tự do đang dựa cột đèn nói chuyện với một nhóm thương gia da trắng. Ðạn đại bác làm anh ta bị thương và nhóm người da trắng đã đưa anh ta tới bác sĩ giải phẫu và Sam Luckie chết vì vết thương. Sam lúc đó làm chủ tiệm hớt tóc và nhà tắm có tên là “Barber and Bath Salon” gần Atlanta Hotel. Con đường Luckie Street được đặt tên để tưởng nhớ ông ta và hàng đèn đốt bằng gas được thắp sáng trở lại năm 1939 để chào mừng quyển tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió” đoạt giải Pulitzer Prize 1937.
Năm 1910 dân số Atlanta tăng lên 200,000 người, để giải quyết vấn đề lưu thông người ta nâng những con đường chạy ngang qua ga xe lửa và làm những cây cầu sắt bắt ngang phía trên đường xe lửa. Năm 1929 kiến trúc sư Harold Bleckley thay thế những cầu sắt bằng cầu bê tông và nâng mặt đường lên thêm 1 tầng rưỡi nữa cũng như dời các cửa hàng buôn bán lên tầng hai. Từ đây mới có tên là Underground là một địa điểm chứng kiến biết bao nhiêu biến cố lịch sử từ một ga xe lửa bán buôn nhộn nhịp đến bãi chiến trường trong cuộc chiến Nam Bắc và là một quân y viện. Nhà ga bị tướng Sherman tư lệnh quân đội Union miền Bắc nổi lửa đốt sau khi thắng chiến trường Atlanta và kéo quân ra phía thành phố biển Savannah để kết thúc cuộc chiến. Nhà ga với mái tròn cũng được bà Margaret Mitchell nhiều lần làm bối cảnh cho tác phẩm tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió” làm mê say lòng người, là một kiệt tác trong nền văn học Hoa Kỳ.
Underground Atlanta cũng gắn liền với những hoạt động tranh đấu cho bình đẳng nhân quyền của người da đen. Cách Underground một khu phố về hướng Tây là Atlanta Hotel nơi Solomon Luckie sinh sống với nghề hớt tóc, ông ta là một trong số ít người nô lệ da đen được tự do vào năm 1860. Ði thêm một vuông đường nữa là khu thương mại Five Points nơi Mục Sư Martin Luther King, Jr. đem thuyết tranh đấu bất bạo động đến người da trắng và sau khi ông bị ám sát, đám tang của ông đưa quan tài ông qua cầu khu Underground trên đường đến nhà thờ Ebenezer Baptist Church.
Khu thương xá Underground Atlanta tái khai trương năm 1969 với tên mới chính thức này. Du khách đến thăm Atlanta đều viếng Underground để thăm một địa điểm lịch sử, ngày xưa là bãi chiến trường gió tanh mưa máu, hôm nay là khu thương xá tưng bừng nhộn nhịp. Nói lên sự phục hồi và tái thiết nhanh chóng của thành phố Atlanta. Hôm nay đến đây được chứng kiến tại chỗ bãi chiến trường xưa trong cuộc chiến Nam Bắc, trong tâm tư sâu thẳm gợi lại cuộc chiến tương tàn ở đất nước mình mà hệ quả đưa đẩy tôi có mặt nơi đây ngày hôm nay. Nghe đâu đây văng vẳng tiếng nhạc đệm phim “Cuốn Theo Chiều Gió” âm thanh giông tố vũ bão dồn dập nhưng chắc không bằng phong ba giông tố của biển cả muốn nhận chìm những con thuyền vượt biên mong manh của chúng tôi ngày nào!
0 nhận xét
Đăng nhận xét