medium_DSC1001.jpg

Nhà thờ Notre Dame de Bonsecours (Ðức Bà Hằng Cứu Giúp)

medium_DSC1002.jpg

Bonsecours Market bên cạnh nhà thờ

medium_DSC1003.jpg

Cổng vào Chợ Tàu Montréal

medium_DSC1004.jpg

Một quán cà phê màu sắc trong Gay Village

medium_DSC1005.jpg

Những căn nhà yên tĩnh ở Montréal



Chúng tôi lang thang trong phố cổ Montréal nơi đây vẫn còn nhiều dinh thự, nhà thờ, phố xá, bến sông, cầu tàu... theo kiến trúc Pháp một thời nguy nga, người qua nhộn nhịp nay chỉ là di tích lịch sử, tường xám mái ngói rong rêu bên những con đường lát đá quanh co nhỏ hẹp. Montréal có phong cách Âu Châu trên từng góc phố, quán cà phê, những cỗ xe ngựa lọc cọc trên đường và những cô thiếu nữ nhỏ nhắn, vui tươi, phảng phất nét đằm thắm dịu hiền của người Á Ðông.

Nhà Thờ Notre Dame de Bonsecours

Phía Bắc của bến cảng có nhà thờ Notre Dame de Bonsecours, nhà thờ không lớn nhưng rất cổ xưa được xây từ năm 1771 trên nền một nhà nguyện bị thiêu rụi. Ðây là một trong những nhà thờ được xây đầu tiên ở Montréal khi người Pháp sang truyền đạo, đem nền văn minh Âu Châu khai phá các bộ lạc sơ khai ở miền Tân Thế Giới. Nhà nguyện bằng đá đầu tiên do bà Marguerite Bourgeoys là một bà giáo người Pháp vận động với chính quyền Pháp xây dựng vào năm 1655. Năm 1673 nhân chuyến trở về Pháp bà Bourgeoys mang sang một tượng Ðức Mẹ bằng gỗ tên là “Our Lady of Good Help” để đặt trong nhà nguyện. “Our Lady of Good Help” (tiếng Pháp “Notre Dame de Bon Secours”). Người Trung Hoa khi sang đất mới thường xây chùa để thờ Bà Thiên Hậu thì người Pháp cũng vậy, xây nhà nguyện thờ Ðức Bà Hằng Cứu Giúp là bà thánh giúp họ trong những lúc gian nan hiểm nghèo như những chuyến vượt biển. Nhà nguyện bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1754 nhưng rất may bức tượng gỗ Ðức Bà Hằng Cứu Giúp được mang ra kịp.

Sau khi người Anh chiếm Montréal từ tay người Pháp trong cuộc chiến giành thuộc địa giữa Anh và Pháp (1754-1763), trên nền nhà nguyện bị cháy hoang tàn là nơi những người lính Iris và Scottland theo Công Giáo đến dự lễ những ngày Chủ Nhật. Trong thời gian này họ vận động ngân quỹ để xây nhà thờ mới Saint Patrick là giáo xứ đầu tiên ở Montréal và năm 1771 nhà thờ Notre Dame de Bon Secours được xây lại. Vào thế kỷ 19 nhà thờ trở nên đông đảo khách hành hương cầu nguyện trước tượng Ðức Bà Hằng Cứu Giúp nhất là những thủy thủ sau khi đến bến Montréal cầu xin được trở về bình an. Năm 1849 Tòa Giám Mục Montréal trao tặng nhà thờ tượng Ðức Mẹ Ðồng Trinh Như Ngôi Sao Biển để đặt trên tháp chuông nhìn ra hải cảng từ đó nhà thờ được dân chúng gọi là “Nhà thờ của dân đi biển.” Hiện nay nhà thờ cũng là nhà bảo tàng của nữ thánh Marguerite Bourgeoys vì dưới hầm mộ nhà thờ là nơi an táng bà giáo người Pháp cũng như những di tích về nhà nguyện đổ nát trước đó. Ðịa chỉ nhà thờ là 400 Saint Paul Street East nơi góc Bonsecours St. và không xa nhà ga Métro Champ de Mars.

Bonsecours Market

Ngay cạnh phía Nam nhà thờ Bonsecours là một tòa dinh thự hai tầng to lớn với mái vòm hình bán cầu như điện Capitol tòa nhà lập pháp bên Mỹ. Bên ngoài hoành tráng bề thế như vậy nhưng tòa nhà lại là một... ngôi chợ. Ðó là Bonsecours Market bên trong rất nhiều cửa hàng buôn bán đồ cổ, quà kỷ niệm, vật dụng trang trí, tranh nghệ thuật, quán cà phê, nhà hàng v.v... Thật ra tòa nhà chợ được khánh thành vào năm 1847 đầu tiên là tòa nhà Lập Pháp của Canada vì lúc đó Montréal là thủ đô, sau đó trở thành Tòa Thị Chính thành phố Montréal (1852 đến 1878). Những năm đầu 1900 tòa nhà đã trở thành chợ với những gian hàng buôn bán bên trong và tràn cả ra phía ngoài như công trường Champ de Mars. Chợ đã bị hỏa hoạn nhiều lần như các năm 1891, 1948 và 1954. Trong trận cháy 1948 mái vòm không còn nữa nhưng vẫn hoạt động thương mại cho đến năm 1963 thì đóng cửa hẳn vì ngôi chợ mới khác được xây ở về phía Bắc thành phố. Năm 1964 nhằm trùng tu lại khu phố cổ, chợ Bonsecours được tô điểm lại mặt tiền, xây lại vòm mái bên trên bằng kim loại theo đúng kiểu ngày xưa và tăng cường vững chắc bên trong bằng bê tông cốt sắt. Tòa nhà được ngăn ra thành nhiều văn phòng công sở. Năm 1976 mái vòm lại bị cháy thêm một lần nữa và được xây lại năm 1978. Năm 1990 các công sở nhà nước rời khỏi tòa nhà trả lại ngôi chợ để dùng vào tiện ích công cộng và từ 1996 việc buôn bán được tái lập, tầng dưới là các gian hàng bán tranh, sản phẩm nghệ thuật và các món đồ thủ công, tầng trên là những gian phòng đa dụng rộng lớn. Năm 2001 đến 2004 ngôi chợ được chỉnh trang toàn bộ, một lần nữa trở thành một thương xá lớn. Chợ Bonsecours là một trong những địa điểm được du khách viếng thăm, ăn uống nhiều nhất ở Montréal.

Chợ Tàu đường Saint Laurent

Từ chợ Bonsecours chúng tôi đi về hướng Nam và rẽ phải vào đường Boulevard Saint Laurent, qua khỏi xa lộ 720 thì đụng phải cổng chào theo kiểu Trung Hoa là lối vô khu chợ Tàu. Phố xá hai bên đường Saint Laurent là những dãy phố lầu cất sát nhau, có những căn đến 4, 5 tầng nhưng trông có vẻ cũ kỹ với tường gạch đỏ. Vì thời tiết thường lạnh nên các cửa hàng trong khu phố Tàu này đều đóng kín cửa, người mua cứ tự nhiên đẩy cửa bước vào trong để mua sắm hay ăn uống. Ðầu tiên về phía thương mại của người Việt thấy có tiệm thuốc Tây của nữ dược sĩ Tu Quan Tu bên phải và Phở Việt Nam bên trái, kế đến là Phở Cali, Phở Bằng New York, Phở Bắc, tiệm thuốc Bắc Quốc Tế, tạp hóa Kiên Vinh, Thuận Phát, Tân Nam. Gần cổng chào phía Bắc là Phở Saigon, Hoàng Oanh Sandwich và tiệm băng nhạc Hải Âu. Xen kẽ là những nhà hàng, tiệm thuốc Bắc, tạp hóa của người Hoa cũng là những căn phố 1, 2 căn như các tiệm người Việt, không thấy những chợ thực phẩm lớn như ở Toronto hoặc California. Giữa khu chợ Tàu có con đường nhỏ xuyên ngang Rue de la Gauchetière không cho xe cộ lưu thông mà chỉ dành cho người đi bộ, thấy du khách mua sắm, dạo chơi rất đông cũng như có nhiều nhà hàng Tàu trên con phố nhỏ đó.

Chúng tôi ăn trưa trong tiệm Phở Bắc vì thấy tiệm này rộng rãi hơn các tiệm phở khác. Bảng hiệu bên ngoài tiệm đề bằng tiếng Pháp “Specialite Soupe Tonkinoise” (Súp đặc biệt Bắc Phần). Phở ở đây nấu theo khẩu vị của người Hoa không có gia vị trái hồi, giá mỗi tô 7.50 đô la Canada, cũng có dĩa giá sống và rau húng quế kèm theo. Ăn phở xong theo đại lộ Boulevard Saint Laurent chúng tôi đi về hướng Bắc, qua khỏi cổng chào ở ngã tư Blvd. St. Laurent và Blvd. René Lévesque là hết khu Phố Tàu và bắt đầu vào phố Tây. Theo cháu tôi ở Montréal cho biết con đường St. Laurent ngày xưa là con đường huyết mạch và người dân Montréal gọi là Main Street như trong các thành phố bên Mỹ. Trên đường này rất nhiều nhà hàng, hộp đêm và những tiệm tạp hóa bán thức ăn các nước Ðông Âu như các loại phó mát, xúc xích, gia vị ớt cay của Hungary và nhiều nước khác nữa. Ðường St. Laurent nằm hơi xiên nhưng tạm gọi là nằm theo hướng Bắc Nam, chia thành phố ra làm hai vùng: vùng phía Tây nói tiếng Anh và vùng bên Ðông nói tiếng Pháp. Càng đi về hướng Bắc phố xá có vẻ khang trang, mới mẻ hơn cũng là nơi quy tụ dân tứ xứ về đây lập nghiệp hơn 100 năm về trước như cộng đồng người Do Thái, Trung Hoa và Ý, sau đó là người Bồ Ðào Nha, Hy Lạp, Á Rập, Haiti v.v... Trên đường có những khu như Little Italy (giữa St. Zotique và Jean Talon Street), Little Portugal quy tụ gần Duluth và Rachel Street, khu quán ba và hộp đêm (giữa Sherbrooke và Duluth St.). Ngoài ra còn có khu “đèn đỏ” xưa nay các cô gái kinh doanh bằng vốn... tự có ở góc đường St. Laurent và St. Catherine và trong những năm qua (2007-2008) thành phố đã chi ra ngân khoản 167 triệu đồng để thay đổi bộ mặt khu này với tên mới là “Quartier des Spectacles” có nghĩa là “khu cảnh quan đẹp mắt”! Không biết có đẹp thật hay không?

Ðường Saint Catherine

Nhân đi ngang đường St. Catherine, cần nói thêm đây cũng là con đường thương mại chính của thành phố, kéo dài từ Tây sang Ðông, bắt đầu từ thành phố Westmount nơi góc đường Claremont và De Maisonnauve, con đường đi xuyên ngang quận Ville Marie và chấm dứt ở đường Notre Dame East. Ðường Saint Catherine chạy song song với khu phố lớn nhất của Underground City nơi phía dưới của những cao ốc văn phòng ăn thông với khu phố buôn bán xây trong lòng đất, rất tiện lợi cho dân chúng mua sắm trong mùa Ðông nhất là dịp Noel. Nên nhớ mùa Ðông Montréal còn lạnh hơn Moscow và St. Peterburg nên mỗi khi viếng Montréal vào mùa Ðông, du khách nên trang bị đồ ấm giống như đi... trượt tuyết. Ðường Saint Catherine cũng là thiên đường của quý phụ nữ thích mua sắm hay chỉ mua sắm bằng mắt qua tủ kính vì hai bên đường là những thương xá lộng lẫy như Eaton's, Hudson's Bay, Simpson's, Dupuis Freres v.v...

Saint Catherine còn là con đường văn hóa nghệ thuật với nhiều rạp hát, thính đường hòa nhạc và rạp chiếu phim quy tụ gần khu phố Quartier des Spectacles xưa kia là khu giải trí về đêm hay còn được gọi là “khu đèn đỏ.” Ngày nay các hoạt động chợ tình đã giảm, chỉ còn những hộp đêm thoát y (strip clubs) như Supersexe, Le Vieux Four, La Calèche du Sexe. Ðặc biệt hơn là con đường đi ngang qua làng... Gay (Gay Village) ở về cuối phía Ðông của khu downtown, đoạn giữa Saint Hubert và Panineau. Với nhà ga xe điện ngầm Beaudry có mặt tiền trang trí bằng cầu vòng (rainbow) ngũ sắc, du khách tới khu này rất thuận tiện bằng đường xe điện màu xanh “Green Line.” Mùa Hè từ giữa Tháng Năm cho tới giữa Tháng Chín, con đường Saint Catherine ở khu Làng Gay này đóng lại không cho lưu thông mà chỉ dành cho khách bộ hành để các cửa hàng bày ra buôn bán trên vỉa hè và các quán ăn kê bàn ra tận ngoài đường. Mùa Hè nơi đây cũng có nhiều lễ hội, diễn hành của cộng đồng đồng tính. Ngoài các khu thương mại, giải trí, đường Saint Catherine còn là con đường đại học với nhiều trường nổi tiếng như Concordia University, McGill University, Université du Québec à Montréal, Dawson College và La Salle College.

Sau một ngày rong ruổi thăm viếng khu Phố Cổ, Phố Tàu, Phố Trong Lòng Ðất (Underground City) toàn là cuốc bộ và đi Métro, chúng tôi cũng đã mệt đừ nhưng rất vui vì khám phá một thành phố Pháp trên lục địa Bắc Mỹ với nhiều di tích lịch sử, thời người Âu sang truyền đạo trên những vùng đất mới xa xôi, nhận thấy có những điểm tương đồng với lịch sử Việt Nam chúng ta. Chúng tôi trở về khách sạn Quality Inn trên đường Crésent. Chiều xuống khu phố đường Crésent rất đông vui, tấp nập du khách thường từ bên Mỹ sang vì Montréal chỉ cách New York khoảng 385 miles (619 km) không mấy xa xôi, lái xe 7 tiếng là tới. Ðầu con đường hướng Bắc nơi giao nhau với đại lộ Sherbrooke là ngôi nhà thờ Erskine bằng đá cổ kính bên cạnh phía trái là nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật (Musée des Beaux Arts). Xuống hướng Nam rất nhiều nhà hàng ăn uống, các quán rượu, hộp đêm đông nghẹt du khách như Troika Restaurant & Bar, Restaurant L'Autre Saison. Café Testarossa, Light Ultra Club, nhà hàng Lebanese Boustan, Hard Rock Café, Café Via Crésent, Restaurant Casa Pino, ngang khách sạn Quality Inn có Hurley Irish Pub. Restaurant Shehrazad, Bistro Le Thé Au Logis v.v...

Buổi tối chúng tôi la cà dạo phố trên con đường đông vui du khách Crésent này và ăn chiều chia tay với mấy đứa cháu ở Montréal trong nhà hàng Havana với các món ăn Cuba. Sau đó trở về khách sạn lấy xe đưa hai đứa cháu về nhà ở gần ga Métro Jean Talon phía Bắc Mount Royal. Con đường không xa khoảng 7 km nhưng qua các khu phố nhiều đèn xanh đèn đỏ, lưu thông không được mau nhưng là dịp quan sát phố xá, khu dân cư Montréal. Downtown không có nhà riêng biệt thự với sân trước vườn sau như ở Cali mà là những căn phố chung cư cất liền nhau chung vách, mặt tiền nhà quay ra đường. Không có ga ra đậu xe ở mặt tiền như bên Mỹ (nếu có xe thì đậu dọc theo hai bên đường, đường nhỏ nên thường một chiều). Ở đây nhà nào cũng có lầu và cầu thang lên lầu xây phía trước nhà (vì là một apartment riêng) nên trông rất lạ. Nhiều nơi phía dưới là một căn phố buôn bán đóng kín cửa, phía trên có cầu thang lên là nhà ở.

Ở ngã tư Jean Talon và Saint Denis là nhà ga Métro Jean Talon, một điều thật ngạc nhiên là trên đường Saint Denis rất nhiều cửa hàng thương mại của người Việt Nam, có tiệm bách hóa như chợ nhỏ, nhà hàng ăn uống, tiệm phở, quán cà phê, phòng mạch bác sĩ. Khu thương mại Việt Nam ở đây không tập trung một chỗ mà nằm rải rác xen lẫn với các tiệm của các cộng đồng thiểu số khác. Theo cháu tôi cho biết có khoảng 100 cơ sở thương mại Việt Nam rải rác trong vùng Jean Talon và St. Denis này, gia đình cháu tôi cũng thường mua thực phẩm Việt Nam ở đây chứ không xuống chợ Tàu St. Laurent ở phố cổ Ville Marie.

Sáng mai chúng tôi giã từ Montréal, thành phố Pháp trên lục địa Mỹ Châu để đi New Haven (thuộc Connecticut) gần New York là nơi hai đứa cháu tôi định cư. Tháng Ba năm 1979 từ trại tỵ nạn Songkhla gia đình tôi cùng hai đứa cháu này tất cả là 7 người sang định cư ở New Haven do phi hành gia Trịnh Hữu Châu bảo lãnh. Sau 3 tháng đi làm ở đây vì thời tiết lạnh, tôi dọn về Cali và hai cháu này ở lại cho đến ngày nay. Vì vậy chuyến trở lại New Haven có trường đại học Yale nổi tiếng lần này như trở về chốn cũ 30 năm trước, tôi sẽ thăm lại căn nhà năm xưa nơi ghi lại nhiều kỷ niệm những ngày tháng đầu tiên trôi nổi trên xứ người:

“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải

Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái

Ở đó có những lũ sên bò quanh

Những vết nứt rêu tường xanh

Có giếng nước soi trời trong

Ở đó có lá cuốn rơi ngoài sông

Có gió mát đêm bình yên

Có những tiếng chuông gần lắm

Pha hòa tiếng cầu kinh...”

(Căn Nhà Xưa - Nguyễn Ðình Toàn)

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét