Tòa nhà lập pháp tiểu bang New York ở Albany.
Dòng sông Hudson cặp theo xa lộ 87 gần Glens Falls.
Thính đường hòa nhạc The Egg hình quả trứng ở Albany.
Công viên New Haven Green ở trung tâm thành phố New Haven.
Trường Ðại Học Yale cổ kính thành lập từ năm 1718 ở New Haven.
|
|
Buổi sáng tinh sương trời còn thật lạnh, cậu cháu chúng tôi giã từ Montréal vào xa lộ 15, vượt cầu bắc ngang sông Saint Lawrence, rồi xuôi Nam đi về hướng thành phố New York. Theo bản đồ từ Montréal đi New York là 385 miles (619 km) đi mất khoảng 7 tiếng đồng hồ. Nhưng chúng tôi chưa thăm New York mà theo hai đứa cháu gọi tôi bằng cậu về nhà chúng ở New Haven thuộc tiểu bang Connecticut cách New York 73 miles về hướng Ðông. New Haven cũng là nơi gia đình chúng tôi và hai cháu định cư đầu tiên khi tới nước Mỹ. Ði làm ở đây được 3 tháng với lương lao động, thời tiết lại rất lạnh, nghe lời bạn bè đang ở Cali réo gọi nên gia đình chúng tôi bay về Cali nhưng hai đứa cháu ở lại sinh sống và bén rễ ở đó cho đến ngày nay. Sau khi giã từ vùng ngoại ô Montréal, con đường xuôi Nam toàn là đồng ruộng, trời bây giờ cuối Thu tuyết sắp rơi nên ruộng đồng được nghỉ ngơi, phơi một màu đất đỏ. Nửa giờ sau chúng tôi tới biên giới nước Mỹ, thủ tục cũng bình thường: xem thông hành (passport) và hỏi có mang gì vào Mỹ không? Qua khỏi trạm biên giới chúng tôi vào tiểu bang New York, xa lộ 15 Canada đổi thành xa lộ 87 Hoa Kỳ nhiều làn lưu thông và rộng rãi an toàn hơn nhất là không còn những bảng hiệu tiếng Pháp. Hết đồng bằng chúng tôi bắt đầu vào vùng núi non rất ít làng mạc nhà dân, nhiều đoạn đường quang cảnh thông xanh núi đồi hai bên rất đẹp.
Albany thủ đô tiểu bang New York
Bốn tiếng đồng hồ sau chúng tôi đến thành phố Albany, thủ đô của tiểu bang New York. Trong tiểu bang 18 triệu dân này có thành phố New York nổi tiếng là một trong những thành phố lớn nhất thế giới nhưng New York là đô thị lớn chứ không phải là thủ đô của tiểu bang. Thủ đô Albany có khoảng 94,000 dân nằm bên bờ sông Hudson, đây là thủy trình quan trọng nối từ New York ở hướng Nam lên đến Glens Falls vào kinh Champlain Canal để lên Montréal ở hướng Bắc và đổ vào sông St. Lawrence. Với con sông Hudson tàu thuyền có thể lưu thông từ New York lên các thành phố lớn Canada và theo sông St. Lawrence có thể ra biển Ðại Tây Dương. Thành phố Albany nằm bên bờ sông thật êm đềm, có tòa nhà Lập Pháp Tiểu Bang (State Capitol) New York to lớn cổ xưa như một lâu đài, bắt đầu xây năm 1872 và hoàn thành năm 1899 với kinh phí 25 triệu, là tòa công thự xây đắt nhất thời đó. Albany được người Hòa Lan khám phá vào đầu những năm 1600 và họ thành lập hai địa điểm trao đổi mua bán hàng hóa là thành Nassau (lập năm 1614) và thành Orange (1623). Năm 1664 quân Anh chiếm thành phố New Amsterdam (tức New York ngày nay) và cả vùng đất New Netherlands từ tay người Hòa Lan và sau khi chiến thắng người Anh đặt tên Albany để vinh danh hoàng đế nước Anh thời đó là James II có tước hiệu là Duke of Albany.
Ðường còn xa, tuy vội vàng nhưng chúng tôi cũng ra xa lộ xuống khu trung tâm thành phố chụp vài tấm hình tòa nhà lập pháp, thính đường hòa nhạc The Egg có mái nhà như cái trứng gà. Chạy xe lòng vòng trong khu trung tâm thành phố tìm khu chợ Việt nhưng không thấy chỉ thấy trên đường Lark St. nhiều nhà hàng, quán cà phê ngoại quốc và vài nhà hàng Tàu nhưng không thấy tiệm phở nào? Tôi có vài độc giả thân thương thường gởi mua sách du lịch tôi viết, các cô làm nghề trang điểm móng tay ở thành phố Albany này cũng như hai nơi cạnh đó là thành phố Troy và Schenectady. Hôm nay ngang qua đây vội vàng nên không có dịp gọi điện thoại mời đi ăn phở hay uống tách cà phê gọi là “tha hương ngộ cố tri” mặc dù thường nhắn là “chú có dịp ngang qua Albany nhớ gọi cho cháu”! Không gặp đồng hương tri kỷ nên cậu cháu chúng tôi ghé quán Mc Donald's uống tách cà phê và ăn một chút gì cho buổi trưa. Ở Mc Donald's thích nhất là cà phê, ngon lại rẻ, bắt đầu là Senior Coffee (cà phê đen nóng) chỉ có 69 xu, uống hết lại châm thêm, sau đó là các loại cà phê “cao cấp” thơm ngon béo bổ hơn nhưng giá lại cũng rất nhẹ nhàng không quá 3 đồng. Nhiều lúc du lịch nơi xứ lạ quê người, món ăn thức uống xa lạ, vào nhà hàng không biết gọi món nào hợp khẩu vị, thấy quán Mc Donald's như tìm được hình ảnh thân quen và không còn sợ đói khát.
Thủ đô Hartford của Connecticut
Rời Albany chúng tôi lên xa lộ 90 chạy tiếp về hướng Ðông ngang tiểu bang Massachusetts tới Springfield đổi sang 91 đi về hướng Nam để vào tiểu bang Connecticut. Chúng tôi đi qua thành phố Hartford thủ đô của Connecticut, năm xưa nơi đây lúc 9 giờ tối ngày 30 Tháng Ba, 1979, gia đình tôi có ghé qua trong đêm đầu tiên tới định cư Mỹ quốc. Trước đó một ngày từ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngồi máy bay Air France sang Paris, từ Paris cũng Air France bay qua New York và từ New York bằng máy bay nhỏ 20 ghế tới Hartford. Ðêm đó mặc dù đã sang Xuân nhưng thời tiết rất lạnh, em bà con chú bác tôi là Trịnh Hữu Châu (Eugène Trinh, sau đó năm 1991 trở thành phi hành gia của NASA) ra đón ở sân bay Hartford và đưa gia đình chúng tôi về New Haven. Thời gian này Châu sau khi tốt nghiệp từ Ðại Học Yale với bằng tiến sĩ Vật Lý đang làm giáo sư phụ giảng tại đây. Hôm nay hơn 30 năm sau trở lại cũng đi trên xa lộ 91 từ Hartford về New Haven, tôi còn nhớ đêm năm xưa đó Châu chở chúng tôi trên chiếc xe van Volkswagen số tay, máy ở phía sau và hệ thống sưởi trên xe rất yếu khiến cả bọn chúng tôi lạnh run.
New Haven khung trời Ðại Học Yale
New Haven ở về phía Nam cạnh biển và cách Hartford 40 miles, đi khoảng 40 phút là tới. Trên đường về New Haven ngang qua North Haven có hãng kem Knudsen là nơi tôi làm chỉ sau một tuần tới nước Mỹ. Hãng kem ở bên trong nên trên xa lộ không nhìn thấy, hồi đó từ New Haven lên đây làm tôi phải đi hai chuyến xe buýt: chuyến đầu tiên từ nhà ra downtown và chuyến thứ nhì từ downtown lên North Haven. Trên xe buýt mỗi ngày đều là những bộ mặt quen thuộc, hôm đầu tiên thấy tôi dáo dác lên xe, cả xe buýt mười mấy người nhao nhao cất tiếng hỏi. Ða số là các bà Mỹ đen vui tánh đi làm trong các hãng xưởng ở North Haven, Hamden là vùng ngoại ô khu kỹ nghệ và nông nghiệp. Tôi nói hôm nay là ngày đầu tiên đi làm, tôi muốn xuống xe ở hãng kem Knudsen. Ông tài xế người Mỹ trắng trấn an rằng, “Ðừng lo, tới nơi tao sẽ cho mày hay.” Một bà lên tiếng, “Tôi cũng xuống đó, cứ theo tôi, tôi sẽ chỉ hãng Knudsen cho, hãng lớn lắm, rất dễ thấy không lạc đi đâu được!” Ba tháng đi làm ở North Haven, mỗi ngày ngồi xe buýt vừa đi vừa về gần 2 tiếng đồng hồ nghe các bà Mỹ đen nói chuyện với đủ mọi tin tức, đề tài là dịp tôi học tiếng Mỹ “đời thường” một cách thực tế với những tiếng lóng mà trong bộ sách “English For Today” ở Việt Nam không có ghi. Ngang qua chốn xưa nhìn lại cảnh cũ tuy đã đổi thay, hãng xưởng nhiều hơn nhưng tiệm rượu (liquor) kế bên là quán “hamburger, breakfast” trên đường Hartford Turnpike gần hãng cà rem vẫn không thay đổi. Tiệm liquor này, tôi còn nhớ mỗi chiều Thứ Sáu những anh chàng người Puerto Rico làm trong hãng tôi lái xe đến đây để đổi ngân phiếu lãnh lương ra tiền mặt và mua ngay những thùng bia chất lên xe mà miệng nói cười inh ỏi.
Mười lăm phút sau xe cậu cháu chúng tôi đi vào thành phố New Haven. Thành phố không lớn mấy chỉ độ 120 ngàn dân, nhà cửa xưa cũ vừa tường gạch đỏ chen lẫn với vách gỗ sơn trắng. Những con đường đồng quy về trung tâm thành phố nơi có bãi cỏ xanh New Haven Green bên hướng Tây là khu trường Ðại Học Yale nhiều cây cối, văn phòng, giảng đường cổ xưa như những tu viện, giáo đường. Cạnh phía Nam là khu thương xá có lầu, có những hình nộm (mannequin) quảng cáo quần áo, những tiệm TV, radio, máy cassette, những tiệm bán đồ chơi mà những cuối tuần nghỉ làm tôi hay dẫn vợ, ba đứa con 2, 4, 6 tuổi và hai đứa cháu đi lòng vòng, nhìn qua tấm kiếng tủ hàng ao ước thèm thuồng, định ngày nào đó làm lương khá hơn sẽ mua sắm. Ði chán trước khi về căn nhà mướn dẫn cả bọn vào quán Mc Donald's mua cho mỗi đứa một cái hamburger nhỏ nhất 50 xu chỉ một lát thịt bò mỏng với vài miếng dưa chua, chúng sung sướng ngồi ăn một cách ngon lành! Rồi hôm nay 30 năm sau tôi trở lại thành phố cũ, những kỷ niệm ngày mới định cư như vẫn còn lảng vảng đâu đây?
Lịch sử New Haven trước khi độc lập
New Haven ngày xưa là vùng của bộ lạc da đỏ Quinnipiac, họ sinh sống trong những làng dọc theo bờ biển với nghề bắt cá và trồng ngô bắp. Năm 1614 nhà thám hiểm Hòa Lan tên Adriaen Block có ghé qua và người Hòa Lan lập một trạm mua bán da con rái cá (beaver) trong một thời gian chứ không có cất nhà định cư tại đây. Tháng Tư 1638 một nhóm người Anh gồm 500 người theo đạo Puritans (một đạo chủ trương “nguyên thủy”, bất đồng với Anh giáo) đến đây từ Boston (thời đó là vùng Massachusetts Bay Colony) theo sự hướng dẫn của Mục Sư John Davenport và thương gia từ Luân Ðôn tên Theophilus Eaton đi thuyền vào hải cảng, họ muốn thành lập một cộng đồng cải cách theo triết lý tôn giáo của họ. Nhóm Puritans nàymuốn khai thác tiềm năng từ bến cảng mới vừa sâu vừa rộng hơn hải cảng ở Boston nên ngày 25 Tháng Tư năm 1638 họ đổi tên làng Quinnipiac thành New Haven có nghĩa là “tân hải cảng.” Người da đỏ Quinnipiac thường xuyên có tranh chấp và chiến tranh với bộ lạc láng giềng là Pequots nên bán đất, sang bờ biển cho nhóm Puritans vừa có tiền vừa được người da trắng bảo vệ.
Hai năm sau ở trung tâm thành phố được thiết kế thành 8 con đường trong một ô vuông diện tích là 9 mẫu (square miles) với một khu đất trống ở giữa như một công trường thành phố và ngày nay là công viên New Haven Green. Trung tâm New Haven là một trong những mẫu thiết kế đô thị điển hình đầu tiên của một thành phố trên nước Mỹ. New Haven trở thành thủ đô của thuộc địa New Haven Colony tách biệt với Connecticut Colony đặt ở Hartford. Sự ly khai với chủ trương khác biệt là New Haven Colony chỉ thuần một tôn giáo duy nhất trong khi Connecticut Colony chấp nhận cho các nhà thờ khác cùng sinh hoạt trong thuộc địa. Một biến cố quan trọng là vào năm 1646 New Haven gởi một thương thuyền đầy ấp hàng hóa thổ sản địa phương sang Anh quốc, chiếc thuyền ra đi nhưng không bao giờ tới bến. Biến cố này làm thất vọng nhà cầm quyền New Haven trong cuộc cạnh tranh thương mại với Boston và New Amsterdam. Năm 1661có 3 ông thẩm phán từ Anh trốn sang New Haven vì bị vua Anh là Charles II truy đuổi, nguyên nhân là trước đây 3 ông quan tòa này thuộc nhóm nghị viện đã kết án tử hình vua Charles I vì cho rằng ông này độc tài chuyên quyền, chống lại viện lập pháp Parliament nước Anh và Anh giáo, tự coi mình là đại diện Thiên Chúa, cưới vợ Pháp theo Thiên Chúa giáo La Mã và vua bị xử tử chém đầu năm 1649. Ðến năm 1660, thời cuộc thay đổi, con của vua Charles I là Charles II lên ngôi, trả thù cha nên 3 ông tòa phải vượt biển trốn sang đất Mỹ và tới New Haven được Mục Sư John Davenport che giấu ở đồi West Rock. Năm 1664 người Anh chiếm New Amsterdam từ người Hòa Lan và đổi tên thành New York và họ gây áp lực để New Haven sáp nhập vào Connecticut Colony. Có dư luận cho rằng để trừng phạt chính quyền New Haven đã che giấu 3 thẩm phán tội nhân trước đó nhưng thực ra là chính quyền Anh không mấy tin tưởng vào người Puritans ở New Haven.
Từ 1701Connecticut Colony duy trì hai thủ đô cho đến năm 1873. Vào năm 1716 trường Collegiate School là trường đại học chuyên đào tạo những trí thức ra làm quan dời về New Haven, đến năm 1718 đổi tên thành trường Yale College để ghi ơn thương gia người Boston là Elihu Yale cũng là thống đốc thuộc địa Ấn Ðộ đã tài trợ kinh phí thành lập trường. Trường Ðại Học Yale trở thành đại học đã đào tạo 5 tổng thống Hoa Kỳ và nhiều nhà chính trị nổi tiếng khác nữa.
Năm 1776 những thuộc địa miền Ðông Hoa Kỳ tuyên bố độc lập khỏi nước Anh và cuộc chiến tranh giành độc lập bắt đầu. New Haven bị người Anh tiến chiếm vào năm 1779 nhưng thành phố không bị thiệt hại nhiều. Năm 1781 tướng Anh là Cornwallis đầu hàng quân Cách Mạng Hoa Kỳ ở Yorktown, Virginia chấm dứt cuộc chiến tranh giành độc lập. New Haven được thành lập thành phố vào năm 1784 và thị trưởng đầu tiên là Roger Sherman là một trong những người đã ký 4 văn kiện lịch sử thành lập nước Mỹ là: the Artiles of Association, the Declaration of Independence, the Artiles of Confederation và the Constitution of the United States.
Trịnh Hảo Tâm
0 nhận xét
Đăng nhận xét