Tòa Thị Chính Toronto Tòa Thị Chính cũ nay là Tòa Án Tỉnh Bang Ontario Ngã tư Yonge và Dundas Những cửa hiệu trên phố Queen St. Xe điện trên đường Queen St. Phố Graffiti trên đường Queen gần Spadina |
Toronto là thành phố tài chính, kinh tế lớn nhất Canada, một quốc gia có chính sách rộng mở đối với người di dân nên ngày nay cứ một trong hai người dân Toronto là có một người sinh trưởng ở nước khác. Nét đa chủng tộc tạo cho Toronto có bộ mặt màu sắc nhiều nền văn hóa khác nhau: nào là khu chợ Tàu, chợ Do Thái, phố Ấn Ðộ. Riêng khu trung tâm thành phố gần công trường Yonge và Dundas là khu mua sắm, giải trí nơi đây quy tụ rất nhiều nhà hàng của nhiều nước trên thế giới.
Ðậu xe ở chợ Tàu Cũ gần ngã tư đường Spadina và
Tòa thị chính mới và cũ
Thương xá Eaton Centre
Phía Ðông của Tòa Thị Chính cũ dọc theo con đường thương mại nhộn nhịp Yonge St. là thương xá to lớn Eaton Centre với 5 tầng lầu là nơi quy tụ những hiệu buôn sang trọng đắt tiền. Thương xá Eaton là địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Toronto, hàng tuần có tới một triệu khách hàng đến viếng thăm mua sắm. Thương xá Eaton ở địa chỉ 220 Yonge St. Toronto chủ nhân là công ty Cadillac Fairview rộng tất cả 160,000 m2 (1,722,000 sq.ft.) mở cửa vào năm 1977 là thương xá lớn nhất ở miền Ðông Canada và lớn thứ ba toàn quốc. Thương xá được nối liền với khách sạn sang trọng Marriott Hotel cao 17 tầng và cửa hàng mua sắm cũng hạng sang The Bay là hệ thống Department Store lớn có nhiều chi nhánh ở Canada. Tên Ebay mạng mua sắm, đấu giá cũng lấy từ chữ The Bay này mà ra và cựu Tổng Giám Ðốc của mạng đấu giá này là một phụ nữ thành công cư ngụ ở Orange County, California, hiện bà đang tranh cử chức Thống Ðốc California.
Về nguồn gốc thương xá Eaton Centre lấy tên từ ông Timothy Eaton (1834-1907) gốc người Ireland, xưa kia ông này có một cửa tiệm buôn bán đồ khô trên đường Yonge St. vào những năm 1800. Nhờ làm ăn cần cù, tiệm ông phát triển thành hệ thống nhiều cửa hàng ở Canada, vào đầu 1900 công ty ông là chủ đất ở khu trung tâm giới hạn bởi các con đường Yonge, Queen, Bay và Dundas nhưng không là chủ của Tòa Thị Chính cũ cũng như nhà thờ Holy Trinity (Thánh Ba Ngôi). Ðể phát triển thương mại, kinh tế cho thành phố vào giữa thập niên 1960 công ty Eaton tuyên bố kế hoạch xây thương xá lớn bao gồm cả Tòa Thị Chính cũ và nhà thờ Thánh Ba Ngôi nên hai kiến trúc này phải bán cho công ty Eaton và sẽ bị san bằng để lấy đất xây thương xá. Dư luận phản đối nên dự án của Eaton phải sửa đổi và thu hẹp lại, chừa nguyên Tòa Thị Chính cũ và ngôi nhà thờ cũng như không được xây thương xá cao che mất ánh mặt trời rọi vào nhà thờ bên cạnh. Khi xây dựng khu thương xá, công ty Eaton kết hợp với công ty xây cất Cadillac Fairview và ngân hàng Toronto-Dominion Bank để tài trợ thêm vốn. Vào thời trước đó các khu thương mại ngay trung tâm thành phố đều vắng khách vì không có chỗ đậu xe, các thương xá đều di chuyển ra ngoại ô để có bãi đậu xe rộng rãi. Eaton tiền phong trong lãnh vực xây thương xá mua sắm ngay giữa trung tâm thành phố vốn chật hẹp mà vẫn thành công thu hút rất nhiều khách hàng mua sắm. Việc xây dựng chia làm nhiều đợt, đợt đầu thương xá với cửa hàng Eaton 9 tầng lầu rộng 1 triệu feet vuông (100,000 m2) khai trương năm 1977. Tiệm cũ của ông Eaton ở góc đường Yonge và Queen phá bỏ để xây thêm đợt thứ hai của thương xá vào năm 1979. Cũng trong năm này ở phía cực Bắc của thương xá cũng hoàn thành rạp hát Cineplex là rạp chiếu phim lớn nhất thế giới thời đó với 18 màn ảnh bên trong. Thương xá Eaton hiện nay có 230 cửa tiệm và nhà hàng ăn uống với hai khu ẩm thực và nhà đậu xe. Về giao thông công cộng có hai nhà ga xe điện ngầm Queen và Dundas ở phía Nam và Bắc của thương xá. Ông Timothy Eaton mất vào ngày 31 Tháng Giêng, 1907 là một doanh gia thành công nhất ở Canada và con trai ông nối nghiệp. Tượng của ông khổ như người thật ngồi trên ghế trước được dựng ở cổng vào thương xá Eaton đường Dundas, bị người ta ra vào sờ lấy hên làm mòn đôi giày nên nay được dời vào nhà bảo tàng Royal Ontario Museum.
Yonge Street
Con đường phía trước thương xá Eaton có tên là Yonge St. (đọc như Young) tuy không là một đại lộ rộng lớn nhưng là con đường huyết mạch của Toronto. Nó có tên là Ðường Số 1 (Route 1) của Canada và từng được Guinness Book of Records xếp hạng là con đường dài nhất thế giới với chiều dài 1,896 km. Bắt đầu từ hồ Ontario trong thành phố Toronto chạy lên hướng Bắc nhập vào quốc lộ 11 chuyển sang hướng Ðông chạy qua khắp vùng Trung và Bắc của tỉnh Ontario tới tận biên giới tiểu bang Minnesota của nước Mỹ. Trong lịch sử Canada đây là con đường chiến lược nối Toronto với những thành phố nằm gần 3 biển hồ miền Bắc còn lại trong trường hợp Toronto bị tấn công từ phía hồ Ontario. Nguyên do là vào năm 1793 xảy ra chiến tranh giữa Anh và Pháp, Phó Thủ Hiến của Upper Canada (lúc đó là thuộc địa của Anh quốc) là John Graves Simcoe lo lắng Hoa Kỳ sẽ tấn công Canada để hỗ trợ cho đồng minh Pháp chống lại quân Anh đóng ở Canada nên ông cho dời thủ đô từ Newark (bây giờ là thành phố Niagara-on-the-Lake) gần biên giới Mỹ vào sâu trong nội địa là Toronto để dễ phòng thủ và nơi đây có bến tàu nối với Montréal, Quebec và Anh quốc. Ông còn ra lịnh phải xây dựng cho nhanh con đường từ Toronto lên hướng Bắc để tiếp tế cho nhanh trong trường hợp Toronto bị quân Mỹ tấn công. Thế là con đường chiến lược khởi công năm 1795 lấy tên Sir George Yonge, bộ trưởng Chiến Tranh của Anh, công việc mở đường kéo dài làm nhiều đợt suốt hơn 200 năm để trở thành con đường thiên lý dài nhất thế giới như ngày nay.
Khi chúng tôi đến đây, đông vui, tưng bừng, nhộn nhịp nhất là nơi ngã tư Yonge và Dundas phía trước thương xá Eaton Centre: nghệ sĩ đường phố như họa sĩ, ảo thuật, ca nhạc thi nhau trổ tài, trước mua vui cho du khách, sau kiếm chút... cháo sống qua ngày. Inh ỏi, réo rắt nhất là ban trống đồng (metal drums) của người Puerto Rico thuộc vùng Caribbean, âm thanh vui tươi, tưng bừng sống động thu hút đám đông đứng xem. Xiệc và ảo thuật gồm có đi xe đạp một bánh, thọc dao vào sâu trong cổ họng, nuốt dao bào cạo râu và nhiều trò khác vừa vui vừa rợn người! Con đường Yonge này cung ứng cho du khách mua sắm, giải trí, ăn uống, dịch vụ và thể hiện tính chất quốc tế, đa sắc tộc, không kỳ thị màu da. Mua sắm từ tiệm “Dollar” hay “99 Cents” cho tới Eaton sang trọng, ăn uống từ Sushi Nhật, Pad Thái cho tới New York Steak and Main Lobster. Giải trí có rạp chiếu phim và nhà hát Canon Theater thường trình diễm những vở kịch Opera nổi tiếng của Broadway New York như “Phantom of the Opera”, “Miss Saigon” v.v... Công trường Yonge-Dundas Square tưng bừng các cửa tiệm, nhộn nhịp với du khách có thể so sánh không thua gì Times Square của New York, Shibuya của Tokyo và Piccadilly Circus của London nhất là về đêm. Những người ham thú đọc sách hoặc nghiên cứu muốn xa lánh cảnh ồn ào “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao” (Nguyễn Khuyến) có thể vào thư viện Toronto Reference Library ở góc đường Yonge và Bloor với sách của hàng chục ngôn ngữ khác nhau kể cả tiếng Việt.
Tới góc đường Yonge và Queen thì đây là khu Toronto về đêm, nhất là trên con đường Queen về hướng Tây. Hai bên đường là dãy phố lầu với những nhà hàng, hộp đêm, quán rượu và những cửa hàng thời trang, giày bóp, dĩa nhạc, điện tử, cửa tiệm không lớn nhưng bày trí lịch sự, bắt mắt có dáng vẻ Âu Châu nhiều hơn. Giữa đường Queen có xe điện Tram màu đỏ với hai toa tàu chạy bằng cách móc dây điện lên đường dây trên cao. Thỉnh thoảng lại gặp những chiếc xe kéo hai bánh sơn xanh hoặc đỏ mà phu xe là những anh chàng trai trẻ người Canadian. Những con hẻm dọc theo đường Queen đoạn từ Spadina cho đến Portland St. có những quán ăn, tiệm buôn mà trên tường rất nhiều hình vẽ Graffiti. Chính quyền Toronto cho vẽ tự do trên tường trong khu phố này, các tay vẽ xem đây là bộ môn nghệ thuật nên nắn nót vẽ những dòng chữ màu sắc rực rỡ và người ta gọi nơi này là “Phố Graffiti”.
Khi nắng vàng đã tắt, hoàng hôn vừa buông xuống, đậu dọc hai bên đường toàn là xe đắt tiền, nước sơn bóng loáng, thoang thoảng xa đưa mùi nước hoa sang trọng của những “trà hoa nữ” hay những mệnh phụ cô đơn. Trên đường Queen gần Spadina rất nhiều quán rượu, hộp đêm mở cửa đến 3 giờ sáng. Ánh đèn mờ ảo, tiếng nhạc bập bùng, càng về khuya khu phố càng trở nên lung linh huyền ảo, vài cô gái thẩn thơ trên hè phố vắng không biết:
“Ðêm nay ai đưa em về
Ðường khuya sao trời lấp lánh
Ðêm nay ai đưa em về
Mắt em sao chiếu long lanh.”
(Ai Ðưa Em Về - Nguyễn Ánh 9)
0 nhận xét
Đăng nhận xét