medium_DSC0601.jpg

Thác Niagara hình móng ngựa cách Toronto 75 miles.

medium_DSC0602.jpg

Sông Niagara và thác Mỹ, phía xa là cây cầu biên giới Rainbow.

medium_DSC0603.jpg

Du thuyền “Maid of the Mist” đưa khách tận chân thác nước.

medium_DSC0604.jpg

Các khách sạn bên trong thành phố du lịch City of Niagara Falls.

medium_DSC0605.jpg

Ðập thủy điện của Mỹ nằm phía hạ lưu các thác nước.


Nằm giữa biên giới Canada và Hoa Kỳ và ở về hướng Nam cách Toronto 75 miles (120 km), thác Niagara là một thắng cảnh đẹp và là thác hùng vĩ nhất thế giới. Thác Niagara chắn ngang sông Niagara là con sông dẫn nước từ hồ Erie ở phía Nam vào hồ Ontario ở hướng Bắc là 2 trong 5 hồ nước ngọt do tuyết băng tan gọi là Ngũ Ðại Hồ. Từ hồ Ontario dòng nước theo sông St. Lawrence đổ ra biển Ðại Tây Dương ở giữa biên giới Canada và Hoa Kỳ.

Buổi sáng từ thành phố Mississauga ngoại ô của Toronto bằng 2 xe 12 người chúng tôi là anh em, cậu cháu lên đường đi thác Niagara Falls. Lên xa lộ 403 đi về hướng Tây Nam ngang qua thành phố Hamilton, đây cũng là một thành phố lớn không thua gì Mississauga nhưng chúng tôi chỉ đi trên xa lộ bên ngoài dọc theo bờ hồ Ontario nên không biết bên trong thành phố có gì đặc biệt? Xa lộ xây trên một con đê dài hơn 5 km có một đập nước đóng mở ngăn dòng nước trong cảng Hamilton với biển hồ Ontario nằm ở phía Ðông bên ngoài. Rồi từ đó con đường men theo bờ Nam biển hồ qua các làng mạc ruộng đồng trồng ngô bắp, khoai tây, lúa mì vào mùa Hè, còn khi Ðông sang tiết trời giá lạnh thì nông dân Canada nghỉ ngơi đón Giáng Sinh và Tết Dương Lịch. Ðến thành phố nhỏ St. Catharines gặp xa lộ 405 con đường dẫn sang tiểu bang New York của xứ Hoa Kỳ chúng tôi rẽ phải xuống Nam để tới thác Niagara Falls. Ðể vào thác xe phải dùng xa lộ 420 chạy về hướng Ðông chừng 2 miles thì tới cây cầu biên giới Rainbow Bridge bắc ngang con sông Niagara River. Nếu qua cầu sẽ sang đất Mỹ bên kia có một trạm kiểm soát biên giới vừa xem giấy tờ vừa kiểm soát luôn trái cây và những món cấm khác. Chúng tôi chưa về Mỹ mà chỉ đi ngắm cảnh thác nước hùng vĩ nên rẽ phải cập theo bờ sông để đến thắng cảnh Niagara Falls.

Thác nước Niagara

Con đường chạy dọc theo bờ sông có tên là Niagara River Parkway du khách tấp nập đi bộ dọc theo bờ vực sâu nhưng có tường đá chắn bảo vệ. Phía tay phải là dãy đồi thấp Clifton Hill trên đó có công viên cây lá xanh tươi, bãi cỏ êm đềm và những luống hoa rực rỡ. Sau công viên là những khách sạn cao tầng xinh đẹp, những sòng bài Casino đèn màu chớp tắt không thua gì Las Vegas. Những cao ốc trông thấy ở đây từ đầu cầu Rainbow Bridge dọc xuống hướng Nam là Skyline Inn, Casino Niagara, Crowne Plaza Hotel, Hard Rock Café, Sheraton On The Falls Hotel, Comfort Inn Clifton Hill. Ðó là những khách sạn trông thấy bên ngoài dọc theo bờ sông, còn bên trong thành phố phía sau dãy đồi rất nhiều không nhìn thấy bảng hiệu.

Trong chốc lát thác Niagara sừng sững hiện ra phía trước, đổ nước trắng xóa như một bức tường nước vĩ đại vì ở xa nên không nghe âm thanh tiếng thác đổ. Cuộc đời ngao du sơn thủy đã từng viếng nhiều thác ghềnh nhưng tôi chưa thấy một thác nào cao và hùng vĩ như ở đây (167 ft hay 52 mét). Phía trên thác là con sông rộng từ đất Mỹ chảy qua trên một vùng đất đá bằng phẳng, bỗng dưng mặt đất hụt sâu xuống gần hai trăm thước và dòng nước cuồn cuộn tuôn trào cứ theo nhau mà đổ xuống liên tục không khi nào ngưng nghỉ. Trước mặt là thác nước, bên trái là dòng sông phía vực sâu, nước cuồn cuộn chảy qua những đá ghềnh ngổn ngang tứ phía.

Trong Ngũ Ðại Hồ chỉ có hồ Michigan là hoàn toàn nằm trong nước Mỹ, còn những hồ khác đều nằm trên đường biên giới giữa hai nước Mỹ và Canada và mỗi nước chiếm nửa hồ. Con sông Niagara đưa nước từ hồ Erie sang hồ Ontario cũng là đường biên giới giữa hai nước: phía Tây ngạn nơi chúng tôi đến thuộc Canada còn phía bên kia sông thuộc về nước Mỹ. Niagara Falls được viết với số nhiều có nghĩa là không phải chỉ có một thác mà nơi đây có đến 3 thác: Thác Móng Ngựa (Horseshoe Falls) hay còn được gọi là thác Canada vì nằm trên phần đất Canada là thác đẹp và hùng vĩ nhất, kế đến là thác Mỹ (American Falls) nhỏ hơn và một thác nhỏ khác nằm cạnh bên là thác Khăn Che Mặt Cô Dâu (Bridal Veil) Falls đều bên phần đất Hoa Kỳ.

Con đường cập theo dòng thác Niagara River Parkway khi đến trước thác Móng Ngựa bên phải có đường vào bãi đậu xe rất dài dọc theo công viên cạnh đồi thấp. Nơi đây du khách rất đông là vì địa điểm đẹp và gần nhất để ngắm thác Móng Ngựa cũng có những bồn hoa, bãi cỏ xanh và du khách tập trung để chụp hình, nói cười inh ỏi. Nhìn thác nước đổ xuống ầm ầm vì thác quá cao nên khối nước rơi xuống bắn tung tóe gặp gió do sức nước tạo ra bay tung lên thành những màn sương hơi nước màu trắng như khói tỏa. Có những chiếc du thuyền đưa khách đến gần thác nước, từ bên trên đường nhìn như những chiếc lá tre trôi nổi giữa dòng nước xanh. Tại địa điểm trước thác Móng Ngựa có một tháp ngắm cảnh cao tên Skylon Tower có nhà hàng, quán nước trên đó và những khách sạn chung quanh phía sau công viên như Hilton Niagara Fallsview, Niagara Fallsview Casino Resort, Oakes Hotel, Renaissance Hotel, Embassy Suites Fallsview Hotel và Marriott Hotel & Spa. Khách sạn, casino nhiều là phải vì nơi đây là địa điểm du lịch mùa Hè kể cả mùa Ðông nghỉ Tết với du khách từ khắp các nơi đổ về, gần có thành phố New York, Toronto, Montreal, xa hơn có Los Angeles, Phoenix khí hậu khô nóng tìm về đây để thay đổi không khí, nhìn hoa tuyết rơi của xứ lạnh miền Ðông và xa nữa là mọi miền trên thế giới, khi đi du lịch nước Mỹ người ta thường thích tới New York và khi tới New York thường được đưa đi thăm thác Niagara Falls. Ngoài là thắng cảnh du lịch, Niagara Falls còn là địa điểm tổ chức lễ cưới của những cặp vợ chồng trẻ cũng như... già, đám cưới trước quan viên hai họ xong là hưởng tuần trăng mật cũng ngay tại nơi đây. Thành phố Niagara Falls City cũng còn là địa điểm lý tưởng của những cặp vợ chồng lâu năm con đường hôn nhân của họ có phần phai nhạt, cần về đây để thổi cháy lại đống tro tàn, thường được gọi là “hấp hôn” (chứ không phải “hấp hối”). Sau một tuần nghỉ ngơi, tình tứ riêng biệt một góc trời chỉ có hai người, họ tìm lại được nét lãng mạn trong tình yêu ngày xưa và “gương kia sắp vỡ lại lành liền ngay”!

Thác Niagara vừa là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ hàng năm thu hút đông đảo du khách nhất là về mùa Hè. Ban ngày du khách dạo chơi, ngắm cảnh, xuống thuyền đến dưới chân thác. Ban đêm, từ phía bên đất Canada, ánh đèn màu rọi sáng rực rỡ cả hai thác Canada cũng như thác Mỹ cho đến nửa đêm. Trong năm 2008 có đến 20 triệu người viếng thăm và trong năm 2009 người ta dự trù sẽ có tới 28 triệu du khách đến chơi. Thú vui ở đây nổi tiếng nhất cũng như xưa nhất là xuống du thuyền Maid of the Mist để ra giữa dòng sông và tiếp cận sát chân nước đổ của thác Canada. Maid of the Mist (Trinh nữ trong màn sương) là tên gọi của nữ thần người da đỏ tên là Ongiara. Chúng tôi cũng có đi du thuyền để tới gần thác, sau khi mua vé ở trên bờ sông với giá là 14.50 đồng Canada cho người lớn và 8.90 cho trẻ con từ 6 đến 12 tuổi, mỗi người được phát một cái áo mưa màu xanh biển. Tàu chạy ra tận dưới chân thác Móng Ngựa, nước rơi xuống bị gió thổi bắn vào ướt du khách. Vì bị nước văng nên ở đây rất khó chụp hình, nếu không ướt máy ảnh thì cũng bị hơi nước làm mờ ảnh vì làn nước làm khoảng cách (focus) không đúng.

Bên thác Mỹ cũng có thuyền đưa khách đến tận dưới thác và họ mặc áo mưa màu vàng. Ðặc biệt là du khách được đi lên những cầu thang cạnh thác để ngắm dòng nước ầm ầm đổ và bắn tung lên trắng xóa ướt cả áo mưa. Bên thác Mỹ du khách có thể đi thuyền vượt sóng “Whirlpool Jet” qua các thác ghềnh trên sông Niagara hay ngồi trên trực thăng ngắm dòng thác từ trên cao cũng như tham dự trên tàu thăm viếng những kinh đào, các thủy khẩu (canal locks) giúp tàu thuyền qua được con sông Niagara chảy xiết và những công trình thủy điện.

Lịch sử thác Niagara

Có nhiều giả thuyết về tên gọi Niagara nhưng được chấp nhận nhiều nhất là tên đó nguồn gốc từ bộ lạc “Niagagarega” sống ở đây vào cuối thế kỷ 17. Người Âu đầu tiên đến thác là Samuel de Champlain là một nhà thám hiểm người Pháp, ông ta đã mô tả thác Niagara rất hùng vĩ trong nhật ký hành trình chuyến thám hiểm vùng đất Canada vào năm 1604. Kế đến vào năm 1677 linh mục người Bỉ tên Louis Hennepin cùng một số người khác quảng bá để Âu Châu chú ý về vẻ đẹp và tiềm năng của thác nước. Sau đó là nhà nghiên cứu thiên nhiên người Phần Lan-Thụy Ðiển tên Pehr Kalm viết về kinh nghiệm và nhận xét của ông về thác Niagara. Giữa thế kỷ 18 khi vùng này trở thành một khu kỹ nghệ, du khách bắt đầu đến thăm viếng thắng cảnh rất đông trong đó có người em trai của vua Napoléon là Jérôme đến với vợ mới cưới. Bắt đầu từ năm 1848 người ta nhận thấy phải xây đường giao thông qua sông ở thác Niagara nên ông Charles Ellet xây cầu treo đầu tiên, kế đến là cầu bằng gỗ và đá của người Ðức tên John Augustus Roebling xây năm 1855. Ngành đường sắt cho xe lửa phát triển nên đến năm 1886 ông Leffert Buck xây cầu sắt để thay thế cầu gỗ cũ và cây cầu này vẫn còn sử dụng được tới ngày nay. Cây cầu thứ nhì bằng sắt có nhịp cong cho xe hơi và xe lửa xây ở hạ lưu thác nước vào năm 1897 nối liền hai nước Mỹ và Canada với trạm quan thuế và ngày nay gọi là cầu Whirlpool Rapids Bridge. Cầu thứ ba ngay tại thác là cầu Rainbow cho xe hơi và bộ hành được xây năm 1941. Sau Thế Chiến Thứ Hai kỹ nghệ xe hơi của Mỹ phát triển nên ngành du lịch bùng nổ, thác Niagara trở thành địa điểm du lịch được ưa chuộng, hai bên bờ sông Niagara trở thành hai thành phố du lịch cùng tên City of Niagara Falls, một bên thuộc nước Mỹ và bên kia thuộc Canada, gọi là 2 thành phố song sinh (Twin Cities).

Ngoài kỹ nghệ du lịch, thác Niagara vốn từ xưa người ta đã nhìn thấy tiềm năng về điện lực vì khối lượng nước chảy ngang qua đây rất lớn (168,000 m3 mỗi phút trong mùa mưa) nên từ năm 1881 nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng nơi khúc thác có chiều cao 86 ft (26 mét). Sau đó nhiều nhà máy khác được xây dọc theo con sông Niagara và đập nước lớn nhất hiện nay được xây ở hạ lưu Thác Móng Ngựa và thác Mỹ về hướng Bắc. Ðể giữ vẻ thiên nhiên hùng vĩ người ta không đụng chạm đến thác Niagara mà xây 4 đường ống vĩ đại lấy nước từ thượng nguồn thác dẫn ngang thành phố phía bên Mỹ, rồi dẫn vào hồ chứa và từ đây do độ cao nước được cho qua đập xi măng và đổ xuống lại sông Niagara. Sức đổ xuống làm chạy những turbines ở nhà máy thủy điện Lewinston and Robert Moses bên cạnh đập nước. Hai ông được lấy tên đặt cho trạm thủy điện là hai nhà quy hoạch đô thị (urban planner) ở New York sống vào thế kỷ 20. Ðiện sản xuất được cung cấp cho cả hai bên Mỹ và Canada. Tàu bè muốn lưu thông trên sông và qua thác Niagara Falls thì phải làm sao? Người ta đã đào con kinh song song với sông Niagara về phía Tây bên đất Canada nối liền hồ Erie với hồ Ontario.

Ở Âu Mỹ thường có những người muốn nổi danh hay muốn lập kỷ lục “giỡn mặt với tử thần”, vào Tháng Mười 1829 Sam Patch thường tự xưng là “the Yankee Leapster” nhảy từ trên tháp cao xuống mặt nước phía dưới thác và anh ta sống sót. Từ đó một phong trào nhảy xuống thác được nhiều người bắt chước. Ngày 24 Tháng Mười, 1901 một bà giáo già 63 tuổi ở Michigan tên Annie Edson Taylor nằm trong thùng gỗ cho nước cuốn xuống thác trước một số đông khán giả chứng kiến. Bà ta sống sót chỉ bị trầy trụa chảy máu chút đỉnh, khi ra khỏi thùng gỗ bà tuyên bố, “Ðừng có ai làm như vậy lần nữa!” Trước đó vài ngày để thí nghiệm người ta đã ném một con mèo trong thùng gỗ xuống thác và con mèo không hề hấn gì. Sau chuyến rơi xuống thác của bà giáo Taylor có tới 14 người khác cũng thử nhảy xuống thác bằng các dụng cụ khác nhau, một số ít an toàn, còn lại phần đông là chết chìm hoặc bị thương nặng! Những người còn sống đều bị ra tòa hoặc lãnh giấy phạt vì trò chơi ngông. Năm 1918 suýt chút nữa tai nạn xảy ra khi một chiếc sà lan đang làm việc trên sông bị đứt dây nối với chiếc tàu kéo. Sà lan trôi về phía thác nước, may mắn vướng vào đá khi còn một khoảng ngắn nữa là rơi xuống thác. Năm 1859 có ông “Blondin” Gravelet cõng ông quản lý của mình trên lưng đi lơ lửng trên sợi dây cáp căng ngang dòng thác với nhiều người xem gần cầu Rainbow. Năm 1883 thuyền trưởng người Anh tên Matthew Webb là người đầu tiên từng bơi qua English Channel là eo biển giữa Anh và Pháp bị chết chìm ở thác Niagara sau khi lội qua thác. Một phép lạ xảy ra ở thác Niagara khi Roger Woodward bé trai 7 tuổi người Mỹ bị dòng nước cuốn trôi xuống thác ngày 9 Tháng Bảy 1960 chỉ mặc cái áo phao trong khi đó 2 du khách kéo lên được người chị cậu ta 17 tuổi bị cuốn trôi khi chỉ còn cách 20 ft nữa là tới mí thác Móng Ngựa. Vài phút sau thủy thủ trên du thuyền Maid of the Mist quăng phao cứu được cậu bé phía dưới thác.

Ði thuyền “Trinh nữ trong màn sương” xong, mặc dù có áo mưa, mặt mày tóc tai ai nấy đều ướt như chuột lột nhưng vui, nói cười inh ỏi. Chúng tôi lại xe lấy thức ăn có heo quay, bánh hỏi, thịt BBQ mua hồi sáng ở khu Chợ Việt Hoa Mississauga mang vào công viên cạnh đó có những bàn xi măng ăn uống ngon lành thoải mái. Sau đó những ai buồn ngủ thì nằm dưới bãi cỏ chợp mắt, vài người chúng tôi mang máy ảnh đi tìm cà phê uống, Dọc theo dòng sông nước chảy cuồn cuộn, bên kia sông thác Mỹ thẳng một đường chứ không cong chữ U như thác Móng Ngựa nhưng cũng rất hùng vĩ, nước đổ xuống ầm ầm. Chúng tôi đi dọc theo bờ sông về phía cây cầu Rainbow, cây cầu nhịp cong bề thế bắc ngang dòng sông nước chảy xiết nằm dưới vực sâu. Ðứng trên cây cầu biên giới nối liền hai bờ Mỹ và Canada, nhìn dòng nước cuồn cuộn trôi, mơ về quá khứ xa xôi chừng như nghe âm vang tiếng hát theo điệu nhạc Tango:

“Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ

Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu

Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời

Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa

......

Bên cầu biên giới

Tôi lặng nghe dòng đời... từ từ trôi

Sông nước xa xôi,

Mây núi khắp nơi

Không tỏ một đôi lời...”

(Bên Cầu Biên Giới - Phạm Duy)

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét