medium_Toronto 5.jpg

Tháp CN Tower cao vút trên nền trời Toronto Canada.

medium_Toronto 4.jpg

Tòa Thị Chính cũ Toronto được bảo tồn như di tích lịch sử.

medium_DSC0103.jpg

Trên đường từ phi trường về thành phố Toronto.

medium_DSC0102.jpg

Sắc lá Thu vàng trong rừng cây Toronto.

medium_Toronto 2.jpg

Êm đềm khu phố cổ Toronto.


Mùa Thu là mùa gặt hái, thu hoạch nông phẩm, sửa soạn nhà cửa đón những lễ hội cuối năm như Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới đồng thời cũng chuẩn bị đón một mùa Ðông băng giá sắp kéo về. Ở Bắc bán cầu mùa Thu trở về vào Tháng Chín, ngày ngắn dần, thời tiết mát dịu và chuyển sang lạnh, những cây rụng lá về mùa Ðông bắt đầu vàng úa và đỏ rực tạo nên một phong cảnh rừng Thu rất đẹp nhất là ở vùng New England (Ðông Bắc Hoa Kỳ) chạy lên tới Canada như các tỉnh Québec và Ontario. Mùa Thu năm nay xin mời các bạn cùng chúng tôi viếng thăm thành phố Toronto thuộc tỉnh Ontario, Canada để ngắm sắc đỏ của rừng phong, nghe tiếng xào xạc lá vàng rơi:

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Ðạp lên lá vàng khô?

(Tiếng Thu - Lưu Trọng Lư)

Du khách thường viếng Toronto vào mùa Thu vì thời tiết mát dịu, Tháng Chín Toronto có nhiệt độ trung bình là 60 độ F, Tháng Mười giảm xuống 50 và Tháng Mười Một là 40 độ. Rừng phong lá bắt đầu chuyển màu vàng tươi, rồi đỏ thắm và cuối cùng là nâu sẫm trước khi rơi rụng để mùa Ðông về tuyết trắng phủ đầy trên rừng phong thân trắng không còn lá. Bắt đầu mùa Thu, trên truyền thanh, truyền hình người ta loan báo những vùng nào lá bắt đầu đổi màu, thời tiết có mưa hay không để cập nhật những tin tức cho du khách đang đến ngắm lá vàng mùa Thu ở thành phố Toronto thanh lịch và êm đềm.

Chiếc phản lực Boeing 737 của hãng United Airlines đã đưa tôi đến thành phố Toronto của Canada, sau tổng cộng hơn 5 giờ bay từ phi trường Ontario của miền Nam California cộng thêm một giờ đổi máy bay ở Chicago. Từ trên cao lúc máy bay sắp hạ cánh, vùng ngoại ô Toronto với những ngôi nhà mới mái ngói màu rượu chát nổi bật trên nền cây cỏ xanh tươi như đang độ vào Xuân mặc dù bây giờ trời đã sang Thu khác hẳn với những bãi cỏ vàng vì thiếu nước, những cây cối xanh đen vì bị ô nhiễm bởi khói xe và kỹ nghệ của miền Nam Cali mà tôi đang sống. Máy bay nghiêng và hạ thấp cao độ, khu trung tâm Toronto với những nhà cao tầng nằm kế cận bờ hồ Ontario đã hiện ra rõ nét. Ngọn tháp CN Tower vừa tượng trưng cho thành phố Toronto vừa biểu hiệu luôn cho cả nước Canada nằm soi bóng bên bờ hồ mà nhìn từ trên cao mặt hồ phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lánh như nạm bạc.

Phi cơ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Pearson nằm về phía Tây Bắc và cách trung tâm Toronto 17 miles (27 km). Phi trường lấy tên thủ tướng thứ 14 của Canada là Lester B. Pearson, ông này cũng từng được giải Nobel Hòa Bình. Quan thuế Canada cũng rất dễ dàng, nếu không có gì cần khai báo thì đi qua ngã “No Claim”. Người quốc tịch Mỹ vào Canada ở dưới 3 tháng không cần phải xin Visa và để chứng minh có quốc tịch Mỹ phải mang theo Pass Port. Ngày nay nhân viên di trú Canada ở phi trường hỏi rất kỹ như lý do vào Canada và ở lại bao lâu (nếu ở trên 3 tháng phải có Visa và Visa có thể xin ngay tại phi trường). Nhưng đến lượt về, trở lại Mỹ thì nhân viên Sở Di Trú Mỹ ngồi tại phi trường Pearson (còn trên đất Canada) đòi coi Pass Port và cập nhật vào mạng vi tính. Những năm trước du khách quốc tịch Mỹ khi trở lại Mỹ từ Canada hay Mexico chỉ cần trình bằng quốc tịch hay khai sinh nếu sinh đẻ tại Mỹ nhưng từ năm 2009 luật bắt buộc phải mang theo Pass Port để đề phòng khủng bố xâm nhập. Lượt về cũng không nên mang trái cây, hoa kiểng vào Mỹ. Khu Chợ Tàu Toronto trái cây nhiệt đới như vải, nhãn, măng cụt, sầu riêng rất nhiều, còn tươi không đông lạnh, giá lại rẻ hơn bên Mỹ. Dân ta hay mang các thứ này về nên quan thuế ở đây hay hỏi trước khi cho vào phòng đợi máy bay. Nếu có những món này phải... trở ra ăn hết hay quăng vào thùng rác!

Ra đón chúng tôi là vợ chồng em trai tôi cư ngụ tại Toronto và hai đứa cháu gọi tôi bằng cậu từ New Haven tiểu bang Connecticut qua chơi Toronto. Hai cháu trai này trên 40 tuổi con của chị tôi (còn ở Việt Nam), ngày xưa cùng vượt biên với chúng tôi. Sau một tuần ở Toronto hai cháu sẽ lái xe đưa chúng tôi về New Haven, thăm lại nơi xưa chốn cũ, những tháng đầu tiên chúng tôi định cư trên đất Mỹ. Vợ chồng em trai tôi vượt biên trước, hiện có tiệm bán hoa ở Mississauga kế cận phía Tây của Toronto. Trên xa lộ từ phi trường về nhà, nhìn địa thế xung quanh thì Toronto là một vùng đất bằng phẳng, không thấy một ngọn núi nào dù ở phía chân trời xa. Toronto cũng không bị động đất như California nhưng trái lại bị tuyết phủ vào mùa Ðông. Bầu trời trong xanh với mây trắng từng cụm, nhiệt độ khoảng 60 độ F, gió nhẹ se se lạnh. Vì gần Bắc Cực nên ở đây tuy mới mùa Thu, nhưng ánh nắng mặt trời tắt rất sớm, 5 giờ chiều trời đã hoàng hôn. Trái lại ngày Hè cũng thật dài, 9 giờ tối trẻ con vẫn còn chơi đùa trong công viên, các cụ già còn ngồi đọc báo vì nắng vẫn còn. Mưa và ẩm ướt vào mùa Hè và bắt đầu gia tăng mưa nhiều vào mùa Thu, mùa Ðông lạnh có tuyết rơi vài lần. Bên đường trời đã sang Thu lá cây bắt đầu vàng rực nhiều cây đỏ thắm in trên nền trời xanh biếc trông rất đẹp. Dọc theo xa lộ thích nhất là những con suối quanh co uốn lượn với hai bên bờ là những hàng cây um tùm như những khu rừng nhỏ. Cỏ ở đây lúc nào cũng xanh mượt mà người ta cũng không cần gắn hệ thống tưới tự động.

Hệ thống xa lộ Canada hiện giờ thì không bằng California, lề xa lộ dành cho xe đậu khi gặp trường hợp bất trắc (emergency) hãy còn trải đá sạn chứ chưa được tráng nhựa. Những bảng chỉ dẫn trên xa lộ cũng khác hơn ở Mỹ và dùng cả hai thứ tiếng Anh và tiếng Pháp. Ðơn vị đo lường của Canada dùng cả hai hệ thống đo lường vừa Mỹ Anh (standard) vừa thập phân (metric) như chiều dài trên đường thì dùng cây số (kilometer) nhưng đo nhà đất thì lại dùng feet. Ðơn vị đo dung tích như xăng thì bán theo lít, với trọng lượng như cân trái cây hay thịt cá thì lại dùng pound. Ðó là sự phối hơp hai hệ thống cân đo của Anh và Pháp là hai sắc dân khám phá ra vùng đất Canada từ thế kỷ 15. Ngôn ngữ cũng vậy, Canada dùng cả hai thứ tiếng: miền Toronto và thủ đô Ottawa, hai thành phố đều nằm trong tỉnh Ontario thì nói tiếng Anh nhưng thành phố Québec thuộc tỉnh Québec thì lại nói tiếng Pháp. Về tiền tệ Canada xài đồng đô la Canada (viết tắt là CAD), tiền giấy Canada có mệnh giá 5, 10, 20, 50 và 100 CAD, tiền cắc (coin) có 2 CAD, 1 CAD, 25, 10, 5 và 1 xu (100 xu = 1 CAD). Hiện nay (Tháng Mười 2009) hối suất 1 USD = 1.08 CAD tức tiền Canada và tiền Mỹ cùng gần bằng giá như nhau. Mua sắm nhiều nơi ở Toronto nhận cả hai thứ tiền.

Hai mươi phút sau trung tâm thương mại Toronto với những tòa nhà cao tầng ngạo nghễ và ngọn tháp CN Tower cao vút hiện ra phía trước nổi bật trên nền trời xanh. Toronto là một thành phố to lớn và đẹp đẽ, là trung tâm thương mại, kinh tế, tài chánh chẳng những của Canada mà cả toàn vùng Bắc Mỹ, Thị Trường Chứng Khoán Toronto được xếp vào hạng 7 trên thế giới. Toronto dẫn đầu nền kinh tế Canada với các dịch vụ thương mại, tài chánh, truyền thông, kỹ nghệ không gian, giao thông chuyển vận, phim ảnh, truyền hình, xuất bản, nghệ thuật, phần mềm vi tính, nghiên cứu y khoa, giáo dục, du lịch và thể thao là những ngành nghề chính của thành phố. Toronto nằm soi bóng bên bờ Bắc của hồ Ontario, là một trong Ngũ Ðại Hồ trên lục địa Bắc Mỹ gồm các hồ có tên tạo thành chữ HOMES (Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior). Những hồ này to lớn như biển cả, đứng bên bờ này không thấy bờ bên kia, nhưng là biển nước ngọt do tuyết tan từ vùng núi Bắc Canada và chảy ra biển Ðại Tây Dương bằng sông St. Lawrence gần biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ. Toronto còn là thành phố đa chủng với nhiều sắc dân khác nhau, số người sinh từ nước khác chiếm đến 49% trong dân số Toronto và Phụ Cận là 5 triệu 556 ngàn người (thống kê 2006 Census).

Toronto ngày xưa

Ngược dòng lịch sử khi người Âu Châu đầu tiên đến vùng Toronto thì vùng này đã có người da đỏ Huron sinh sống thay thế những bộ lạc Iroquois đã ở đây hàng nhiều thế kỷ trước. Tên Toronto có lẽ từ chữ “tkaronto” của người Iroquois có nghĩa là “vùng đất nơi có những cây mọc dưới nước” vì phía Bắc của Toronto bây giờ là hồ Simcoe người Huron thời ấy đã trồng cây dưới nước để quy tụ cá về ở (người Việt gọi là “đặt chà”). Những năm 1750 những tay buôn người Pháp lập nên thành lũy Fort Rouillé (nay là khu đất Exhibition) nhưng cũng bỏ hoang phế vào năm 1759. Trong chiến tranh 13 tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ giành độc lập từ vương quốc Anh (1775-1783), nhiều người Anh đã đến định cư bên bờ Bắc của hồ Ontario và năm 1787 họ đã mua lại từ người Pháp một vùng đất rộng lớn đến 1,000 km vuông bao gồm vùng Toronto ngày nay.

Năm 1793 thống đốc người Anh tên John Graves Simcoe thành lập khu phố Town of York và chọn nơi này là thủ phủ của vùng Upper Canada thay thế thành phố Newark vì ông cho rằng nơi đây dễ phòng thủ hơn trước các cuộc tấn công của người Mỹ và đồn lũy Fort York được xây dựng ngay bến tàu từ hồ Ontario đi vào thành phố. Phố xá đầu tiên được xây cất ở vùng đất cuối phía Ðông thương cảng phía sau dãy đất bán đảo nơi hiện nay là ngã tư Parliament St. và Front St.

Năm 1813 trong cuộc chiến một lần nữa giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc với trận đánh Battle of York (27 Tháng Tư, 1813) quân Mỹ đổ bộ lên bắt 300 quân Anh làm tù binh sau khi giết 62 lính Anh và làm bị thương 94 người, phía Mỹ thiệt hại 70 người và 220 bị thương. Quân Mỹ tàn phá hầu hết thành lũy York và châm lửa đốt tòa nhà lập hiến trong 5 ngày chiếm đóng. Năm sau vào ngày 24 Tháng Tám, 1814 quân Anh chiếm đóng thủ đô Washington D.C. và trả thù bằng cách đốt phá các tòa nhà ở thủ đô Hoa Kỳ!

Thành phố York được thành lập và lấy tên cũ là City of Toronto vào ngày 6 Tháng Ba, 1834 với dân số chỉ có 9,000 người kể cả một số nô lệ người Mỹ gốc Phi Châu trốn khỏi từ Hoa Kỳ. Cũng trong năm này chế độ nô lệ bị bãi bỏ trên đất Upper Canada. Năm 1837 chính trị gia cấp tiến William Lyon Mackenzie trở thành thị trưởng đầu tiên của Toronto, ông ta cầm đầu cuộc cách mạng chống lại nhà cầm quyền Anh đang cai trị thuộc địa Upper Canada nhưng thất bại. Thành phố phát triển trong những năm còn lại của thế kỷ 19 với nhiều đợt di dân đến Canada. Ðợt lớn nhất là di dân Công Giáo đến từ đảo Ireland trong nạn đói vào năm 1845 đến 1852 đã làm thiệt mạng hơn một triệu người vì mùa khoai tây hư hại. Sau đó cũng từ đảo Ireland, giáo dân Protestant cũng theo chân người Công Giáo tiếp tục vượt biển đến Canada và được người Anh và Scottland định cư từ trước tiếp đón. Trong thế kỷ 19, thành phố xây dựng hệ thống cống rãnh, đường phố được thắp sáng bằng đèn hơi ga, đường sắt được xây dựng vào năm 1854 nối Toronto với các thành phố phía Bắc Canada. Xe được ngựa kéo trên đường sắt được thay thế bằng xe điện vào năm 1891 bởi công ty Toronto Railway Company.

Năm 1904 trận hỏa hoạn lớn xảy ra ngay tại trung tâm kỹ nghệ thành phố thiêu rụi 104 tòa nhà, hãng xưởng thiệt hại hơn 10 triệu đồng thời đó làm 5 ngàn người thất nghiệp trong tổng số cư dân 200 ngàn lúc đó. Nửa thế kỷ sau vào năm 1954 trận bão Hurricane Hazel từ biển Caribbean thổi lên gây hư hại nhà cửa và lụt lội khiến 81 người chết, 1,900 gia đình mất nhà và thiệt hại hơn 25 triệu đồng USD. Ðầu thế kỷ 20 di dân từ các nước Ðức, Pháp, Ý, Do Thái cũng như một số nước Ðông Âu, theo sau là người Trung Hoa, Nga, Ba Lan ồ ạt đến Toronto chen chúc nhau ở khu “the Ward” đường Bay Street, ngày nay là trung tâm tài chánh lớn nhất nước. Sau Thế Chiến Thứ Hai, nạn nhân chiến tranh cũng như người Trung Hoa tìm việc làm, đến Toronto gia nhập vào lực lượng lao động trong ngành xây cất và gần đây nhất di dân từ Hong Kong trước khi nhượng địa này trả về Trung Quốc năm 1997 khiến khu thương mại China Town ở Toronto trở thành China Town lớn nhất Bắc Mỹ.

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét