Montréal là thành phố lớn thứ nhì
Giã từ Toronto chúng tôi theo hai đứa cháu gọi bằng cậu ngày xưa cùng chung ghe vượt biển với tôi đi Montréal cách Toronto 337 miles về hướng Ðông Bắc. Ở Montréal tôi cũng có vài người bà con như gia đình người chị cô cậu có hai thằng con cùng đi với tôi trong chuyến vượt biển Tháng Mười Hai, năm 1978. Sau khi thuyền chúng tôi đến bến bờ tự do ở Thái Lan, hai cháu này đi Canada định cư sau đó bảo lãnh cha mẹ sang. Hơn 30 năm bận công ăn việc làm chúng tôi chưa hề gặp nhau. Từ Toronto chúng tôi dùng xa lộ 401 lúc đầu cập theo hồ
Sáu giờ chiều vẫn cập theo sông Lawrence khi đi hết phần đất tỉnh Ontario vừa sang tỉnh Québec xa lộ 401 đổi thành 20 đụng phải con sông Ottawa từ bên trong Ottawa chảy ra để nhập dòng vào sông Lawrence. Vùng này toàn sông hồ đầm ao, cây cối rất đẹp nhưng không thấy nhà cửa, chắc là sợ lũ lụt. Vừa qua cầu bắc ngang sông
Tiếng Pháp vùng Québec
Rẽ ra xa lộ vào thành phố Montréal, đường sá nho nhỏ nhiều bảng hiệu lưu thông viết toàn tiếng Pháp mà ngoài xa lộ không thấy. Có bảng màu đỏ đề “Arrêt”, thằng cháu lái xe hoang mang hỏi: “Cậu ba, bảng này nói cái gì vậy?” Tôi cũng không biết, thấy giống chữ “Arrest” trong tiếng Anh có nghĩa là bị bắt giữ mà lại màu đỏ, tôi kêu nó thắng lại. Thấy bên đường đối diện cũng bảng này xe dừng lại 10 giây rồi lại chạy tiếp. Tôi mới biết là bảng “Stop”! Lạ thật tôi từng qua bên Pháp, họ vẫn đề chữ “Stop” giống như bên Mỹ, còn ở
Ngày xưa tìm ra vùng Montréal là người Pháp dưới thời vua Francis I vào khoảng năm 1500, sau đó người Pháp di dân sang, đến năm 1760 họ đầu hàng người Anh và nước Anh chiếm làm thuộc địa. Do đó đa số dân chúng ở đây có tổ tiên là người Pháp nên họ nói tiếng Pháp. Montréal là thành phố lớn duy nhất trên lục địa Bắc Mỹ nói tiếng Pháp, so với cả thế giới là thành phố đông dân nói tiếng Pháp chỉ sau Paris mà thôi. Có đến 6.7 triệu người Canada nói tiếng Pháp phần đông sống trong tỉnh Québec với hai thành phố lớn là Québec và Montréal. Ngoài tỉnh Québec còn khoảng 1 triệu người nói tiếng Pháp ở các tỉnh bang Manitoba, New Brunswick, Alberta, Nova Scotia và Saskatchewan. Tiếng Pháp người dân Québec nói có chút ít khác với tiếng Pháp hiện nay ở Paris vì tiếng Québec là tiếng Pháp vào thế kỷ 17, 18 trong khi tiếng Paris du nhập nhiều tiếng Anh thông dụng trở thành tiếng quốc tế. Thí dụ như chữ “cuối tuần”, người Paris nói là “week-end” thì người Québec vẫn dùng “fin de semaine”, Paris dùng chữ “e-mail” thì Québec dùng chữ “courriel”, chữ “thức uống” người Paris nói là “boisson” trong khi người Québec là “breuvage”, “ăn tối” Paris nói là “diner” ở Québec là “souper”.
Thành phố Montréal
Thành phố Montréal nằm trên một đảo hình trái lê chiều dài khoảng 31 miles (50 km) và ngang khoảng 10 miles (16 km), khu trung tâm tức phố cổ nằm cạnh bờ sông Lawrence về hướng Ðông. Nơi đây có bến cảng, tòa thị chính, nhà thờ Ðức Bà, khu phố Tàu. Qua bên kia sông để đi về hướng Ðông có 4 cầu xe hơi, 2 cầu xe điện, 1 đường xe điện ngầm Métro và một đường hầm xe hơi dưới lòng sông. Ở hướng Tây là sông Prairies nhỏ hơn sông Lawrence cũng có 6 chiếc cầu bắc ngang để đi qua khu ngoại ô là Laval. Phía bên trong giữa đảo là dãy đồi Mont Royal hiện là công viên thành phố, dưới chân đồi hướng Ðông là khu tài chính, ngân hàng với vài chục cao ốc chọc trời giống như ở Toronto. Phi trường quốc tế Montréal là Pierre Elliot Trudeau Airport ở về hướng Nam cuối đảo rất gần thành phố. Ðường sá trong thành phố nhỏ hẹp hơn các thành phố bên Mỹ, xe cộ cũng ít hơn, phố xá nhà cửa có nét giống Âu Châu nhất là những dãy phố lầu liên tục sát vách nhau. Nhà cửa dân ở thường là các chung cư nhiều tầng lầu và rất ít nhà riêng với sân trước, vườn sau như ở Mỹ. Ít bãi đậu xe nên thường xe hơi đậu dọc theo hai bên đường, lưu thông trên phố có xe đạp, xe gắn máy như ở Âu Châu. Montréal không cho rẽ phải khi đèn đỏ, lại ít cho quẹo trái ở các ngã tư, đến ngã tư nào cho rẽ phải hay trái đều có bảng vẽ màu xanh.
Về lưu thông công cộng khá tiện dụng cho người dân, Montréal có hệ thống xe buýt, xe điện ngầm, cả 2 hệ thống của hãng Société de transport de Montréal (STM). Hệ thống xe buýt STM có 165 tuyến đường ban ngày và 20 tuyến đường ban đêm. Hệ thống xe điện ngầm (Métro) khánh thành năm 1966 hiện nay có 4 tuyến đường với 68 nhà ga, mỗi nhà ga cách thiết kế, nghệ thuật trang trí khác nhau và xe chạy bằng bánh cao su rất êm ái không gây ồn ào. Người sáng kiến dự án này là thị trưởng Jean Drapeau sau đó đã có công vận động để Montréal được tổ chức Thế Vận Mùa Hè 1976. Hệ thống xe điện ngầm chạy đến tận bờ phía Nam ở Longueuil, phía Bắc đến thành phố ngoại ô là Laval với 3 nhà ga mới thành lập. Ngoài ra trong thành phố còn có hệ thống xe điện chạy trên mặt đất là Commuter Rail nối khắp các vùng ngoại ô với hơn 15.7 triệu hành khách sử dụng trong năm 2007 chỉ đứng thứ 6 ở Bắc Mỹ sau các thành phố New York, Chicago, Boston, Philadelphia và Toronto mà thôi.
Lịch sử Montréal
Nhiều vật dụng các nhà khảo cổ đào lên được cho thấy nhiều bộ lạc du mục đã sống trên đảo ít nhất 2,000 năm trước khi người Âu Châu đến. Người Iroquoians đã tạo dựng làng Hochelaga dưới chân núi Royal. Ngày 2 Tháng Mười, 1535, nhà thám hiểm người Pháp tên Jacques Cartier đến viếng làng Hochelaga và tuyên bố vùng thung lũng St. Lawrence này thuộc về nước Pháp. Ông ta ước lượng dân số ở đây hơn 1 ngàn người. Bảy mươi năm sau nhà thám hiểm người Pháp khác tên Samuel de Champlain báo cáo rằng thổ dân trước kia sống ở đây nay không thấy nữa có lẽ vì chiến tranh giữa các bộ lạc hay vì bịnh dịch di chuyển sinh sống nơi khác. Champlain lập trạm trao đổi da thú với thổ dân trên đảo Montréal vào năm 1611 gọi nơi đây là La Palace Royale, địa điểm ngày nay là Pointe-à-Callière. Năm 1639 Jérôme Le Royer de La Dauversière nhận chức Ðức Ông đến đảo Montréal để thành lập một nhà truyền giáo cho dân bản xứ đồng thời Paul Chomedey de Maisonneuve được bổ nhiệm làm thống đốc thuộc địa này. Ville-Marie trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa lấy da thú cũng là trạm căn cứ để người Pháp khám phá thêm vùng Bắc Mỹ và là thuộc địa của nước Pháp cho đến năm 1760, Hầu Tước Pierre Francois de Rigaud đầu hàng và giao Ville-Marie cho người Anh.
Montréal được thành lập thành phố vào năm 1832. Người ta đào kinh Lachine Canal để tàu thuyền lưu thông tạm thời trong lúc ngăn khúc sông St. Lawrence lại để xây cầu Victoria trong kế hoạch biến Montréal thành một mạng lưới đường sắt cho xe hỏa. Ðến năm 1860 Montréal là thành phố lớn nhất trong thuộc địa Anh vùng Bắc Mỹ và là thủ đô của tỉnh Canada từ năm 1844 đến năm 1849. Sau Ðệ Nhất Thế Chiến với luật cấm buôn bán rượu ở Hoa Kỳ khiến Montréal trở thành thiên đàng của dân Mỹ nghiện rượu. Tới thời kỳ kinh tế khủng hoảng năm 1929 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề với số người thất nghiệp lên cao. Trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai, Thị Trưởng Camillien Houde chống lại luật thi hành quân dịch, ông hô hào dân chúng không đăng ký quân dịch theo luật chính quyền liên bang và ông bị bắt đi tù cho đến năm 1944 mới được thả ra và được bầu chức thị trưởng trở lại lần nữa. Năm 1951 dân số thành phố vượt quá 1 triệu người, thủy trình Saint Lawrence Seaway mở cửa năm 1959 cho phép các tàu biển lớn lưu thông ngang qua Montréal để ra biển đi các nước khác. Trong thập niên 1960 thành phố tổ chức hội chợ quốc tế Expo 1967 cũng như xây các cao ốc chọc trời, xa lộ mới và hệ thống xe điện ngầm. 1976 Montréal tổ chức thành công Thế Vận Hội Mùa Hè. Thập niên 1980 và đầu 1990 kinh tế Montréal tăng trưởng chậm hơn các thành phố khác của Canada nhưng những năm sau đó tình hình kinh tế cải thiện, các hãng xưởng, công ty tập trung về. Năm 2002 với câu “Một đảo, một thành phố” Montréal mở rộng việc thống nhất trở thành 27 quận (boroughs) và bao trùm hết đảo nhưng sau đó dân chúng một số quận không chịu sáp nhập (13% dân số) nhất là dân nói tiếng Anh. Ðến ngày 1 Tháng Giêng 2006, thành phố Montréal chỉ còn 19 quận còn 14 quận kia trả lại tự trị như cũ không thuộc vào Montréal nữa.
Chúng tôi đi tìm nhà người chị cô cậu cũng khá vất vả vì trời lất phất tuyết rơi mặc dù chỉ mới giữa Tháng Mười. Loanh quanh một lúc cũng tìm được trong một khu Condo nhà dính liền vách với nhau. Hai vợ chồng chị cô cậu ở một căn, gia đình hai đứa con trai ở hai căn cũng trong khu đó. Từ 1979 đến nay đã hơn 30 năm chúng tôi mới gặp nhau, người chị bà con đã 75 và bị bệnh lãng trí Alzheimer nên cũng không nhớ tôi là ai? Ông chồng và hai thằng con cùng cậu cháu chúng tôi ngồi hàn huyên ôn lại chuyện xưa rất vui vẻ. Sau khi dùng cơm tối với nhau chúng tôi tạm chia tay để về khách sạn trong khu phố cổ Montréal và hẹn gặp lại ngày hôm sau. Theo hai cháu ở Montréal cho biết trước 1975, người Việt ở Montréal chỉ độ 100 người đa số là sinh viên du học. Sau đó nhất là trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1985 Montréal tiếp nhận thuyền nhân tỵ nạn từ các trại Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông v.v... Hiện nay cộng đồng Canada gốc Việt tại Montréal ước tính khoảng 20,000 người hội nhập thành công với người bản xứ và cũng thành lập nhiều hội đoàn văn hóa, tôn giáo sinh hoạt rất đều đặn. Montréal cũng có khu phố Hoa Việt nằm trên đường Boulevard Saint Laurent, mặc dù nhỏ không so sánh được với Toronto nhưng cũng có nhiều tiệm phở, bánh mì, cà phê tạm sưởi ấm lòng người ly hương.
0 nhận xét
Đăng nhận xét