Bến cảng Toronto với Tháp CN nhìn từ trên phà.
Những chiếc phà đậu ở bến cảng Toronto.
Thuyền thiên nga ở công viên giải trí trên đảo.
Cận ảnh tầng ngoạn cảnh trên tháp CN.
Từ tháp CN nhìn xuống bến tàu và phi trường trên đảo Toronto.
|
| Nằm bên bờ Bắc của hồ Ontario là một trong 5 hồ lớn của Ngũ Ðại Hồ, Toronto là thành phố lớn nhất của Canada cũng là nơi hàng năm thu hút khách du lịch rất đông. Sau khi dạo phố mua sắm trong những thương xá, viếng các viện bảo tàng, du khách thường ra bờ hồ lên các du thuyền ra khơi để ngắm cảnh các cao ốc thành phố soi mình trên mặt hồ bao la nhưng phẳng lặng. Nhiều du khách lên phà đi sang đảo Toronto chỉ cách bờ khoảng 2 km, nơi đây có công viên, vườn hoa, những quán ăn thanh lịch và đặc biệt hơn hết là không có xe cộ lưu thông, không tiếng động cơ ồn ào và khói xe ô nhiễm, người ta chỉ đi bộ, xe đạp hay chèo thuyền trên những con kinh nước xanh với những đàn vịt thảnh thơi bơi lội. Ði hết con đường Yonge đông vui náo nhiệt về hướng Nam là chúng ta đụng tới bờ hồ hay là hải cảng Toronto với nhiều cầu tàu là bến đậu của những tàu hàng, tàu đò, du thuyền dạo chơi trong vịnh và những chiếc phà đưa khách sang chơi đảo Toronto. Thương cảng với những tàu hàng tập trung ở phía Ðông hải cảng trong khi phía Tây người ta thường gọi là Harbourfront (Mặt Tiền Cảng) hay dịch nôm na là “Bến Tàu” là khu vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hóa với nhiều công viên, khách sạn, nhà hàng, rạp hát, hội trường, cầu trường, tháp CN ngắm cảnh và nhiều cơ sở giải trí khác. Ở khu bến tàu cuối đường Yonge có những chiếc phà đưa du khách sang đảo Toronto Islands. Vì bên đảo cấm xe cộ lưu thông nên những chiếc phà ở đây thường ngày chỉ chở hành khách nên phà không lớn lắm, có 2 tầng chở được lối 400 người. Tuy nhiên phà cũng chuyên chở xe cứu thương hay xe sửa chữa các công trình công cộng. Có 3 tuyến phà sẽ cập bến bên đảo ở 3 cầu tàu khác nhau: tuyến đi Ward's Island, tuyến Centre Island và tuyến Hanlan's Point. Ward Island nằm về hướng Ðông của đảo Toronto, nơi đây có một xóm nhà với 262 nóc gia, họ định cư tại đây đã từ lâu nên chính quyền không dời họ đi được. Cộng đồng này có 2 trường học và một nhà thờ. Centre Island là tuyến phà đông du khách nhất vì cầu tàu nằm ngay một công viên giải trí với nhiều trò chơi. Tuyến phà đi Hanlan's Point lấy tên gia đình Hanlan là những người định cư tại đảo từ năm 1862. Hanlan's Point ở về hướng Tây đảo nơi đây có phi trường nhỏ hoạt động từ 1939 và hiện nay vẫn cho máy bay tư nhân lên xuống. Toronto Islands Toronto Islands là một quần đảo hình chữ V dài khoảng 6 km với nhiều đảo nhỏ và bãi tắm ở hướng Nam, nơi đây có con đường đi bộ hoặc xe đạp có thể đi suốt chiều dài quần đảo. Nguyên thủy ngày xưa đảo là một dãy cát dài khoảng 9 km nằm ngay cửa sông Don River tạo bởi phù sa sông Don chảy ra. Trước đây đảo là bán đảo dính với đất liền ở phía Ðông nhưng do trận bão lụt 1858 nước sông Don chảy xiết cửa sông phía Tây thoát nước không kịp nên sức nước tràn ngược về hướng Ðông tạo thành cửa sông thứ hai và từ đó bán đảo biệt lập với đất liền trở thành đảo Toronto như ngày nay. Sau này người ta vét cửa sông lấy đất đấp thành phi trường cũng như đấp đất lấn biển hồ làm gia tăng diện tích đảo khiến ngày nay đảo có diện tích khoảng 230 héc ta (570 acres). Ngày trước có nhiều cư dân sống trên đảo như gia đình Hanlan xây khách sạn Hanlan Hotel rất đồ sộ có kiến trúc kiểu Victorian vào năm 1878 tại mũi Gibraltar nay đã bị phá bỏ. Ðến năm 1894 một dự án lớn nhằm lấp đất xây công viên giải trí của hãng phà Toronto Ferry Company ở mũi Hanlan's Point và một cầu trường cũng được xây tại đây. Thập niên 1950 đảo Toronto có dân cư rất đông với hơn 630 ngôi nhà và nhiều tiệm buôn, nhà hàng, khách sạn, rạp hát, vũ trường v.v... Năm 1953 khi xây hệ thống xa lộ Gardiner Expressway chạy ngang bến tàu Toronto nhiều công viên, cầu trường thể thao, giải trí phải dời đi hay phá hủy nên chính quyền có ý định dùng đất trên đảo để xây lại những công trình công cộng này. Thế là một trận chiến giữa cư dân đảo và chính quyền xảy ra khi cơ quan Metro Parks Department muốn dời tất cả nhà dân chúng vào đất liền để trên đảo chỉ toàn là công viên vui chơi giải trí. Sau nhiều năm tranh chấp kiện tụng năm 1993 hai bên đi đến thỏa thuận tạm là duy trì 262 ngôi nhà, họ có thể gia hạn hợp đồng thuê đất thêm 99 năm nữa nhưng mua bán với nhau rất khó khăn. Chúng tôi mua vé phà sang Centre Island với giá là 6 đồng Canada một chuyến. Ðược biết mùa Hè cứ nửa giờ là có một chuyến nhưng mùa Ðông thì ít chuyến hơn. Từ bờ sang đến Centre Island phà chạy mất 15 phút. Ðứng trên phà gió thổi phần phật, cảm thấy sảng khoái yêu đời khi hít thở làn gió trong lành của biển hồ, dịu dàng không mùi biển mặn của muối và có cảm giác như trên phà sang sông Hậu Giang ở Cần Thơ hay bắc Mỹ Thuận ngày trước vì thoang thoảng mùi dầu Diesel chạy động cơ của phà. Nước hồ là nước ngọt nhưng vẫn có màu xanh ngọc thạch, phía đuôi phà nước bị chân vịt quay, cuồn cuộn nổi sóng tung lên những bọt trắng xóa. Từ phà giữa hồ nhìn vào thành phố Toronto với những cao ốc tua tủa vươn lên và ngọn tháp CN cao vút trên bầu trời xanh là một bức tranh rất đẹp làm đề tài cho du khách bấm máy chụp hình hay thu những phút phim ngoạn mục. Ở Centre Island là khu vui chơi giải trí không có nhà cửa dân cư mà toàn là công viên trồng hoa sắc màu tươi thắm với những cây cầu gỗ bắc ngang kinh rạch êm đềm. Trên kinh nước người ta nhởn nhơ chèo thuyền bên cạnh những đàn vịt tung tăng bơi lội. Phía Nam là bãi tắm cũng nước xanh, cát trắng nhưng vì là hồ nên sóng chỉ gợn nhẹ lăn tăn chứ không ồ ạt sóng xô từng đợt vào bờ như ở biển. Giữa Centre Island có khu vui chơi cho trẻ con tên Centreville Amusement Park được xây dựng vào năm 1967 có xe lửa cỡ nhỏ chạy quanh đảo và trại chăn nuôi Far Enough Farm với những thú vật nhà như heo, gà, bò, ngựa, dê, thỏ v.v... cho trẻ con vuốt ve sờ mó và mua ngũ cốc cho chúng ăn. Ngoài ra còn có trò chơi lái xe hơi xưa, ngồi thuyền thiên nga, đu bay trên không với những giàn Sky Ride hồi hộp. Trong công viên có những quán ăn, cách trang trí như thời xa xưa ở vào thế kỷ trước nhưng bán thức ăn ngày nay như pizza, hamburger, hot dog v.v... Từ Centre Island chúng tôi dạo chơi sang những đảo lân cận bằng con đường dọc theo bờ hồ ở phía Nam. Trên con đường này người ta trồng hoa trong những bồn bông rất đẹp cùng với những cây thông, tùng bách, liễu rũ được cắt tỉa nghệ thuật. Du khách mướn xe đạp có thể chở được nguyên cả gia đình hay chèo thuyền dọc theo bờ đảo. Có rất nhiều hội du thuyền Yacht Club đặt trụ sở và bến đậu tại đây cũng như khán đài để hàng năm tổ chức cuộc đua thuyền rồng Dragon Boat Race Festival. Khắp trên đảo có nhiều bãi tắm để người ta phơi nắng hoặc bơi lội mặc dù nước hồ quanh năm rất lạnh như các bãi Centre Island Beach, Gibraltar Point Beach, Hanlan's Point Beach và Ward's Island Beach. Ở Hanlan's Point Beach có một khu bãi tắm nắng người ta có thể trở về thời hoang sơ, không cần quần áo được chính quyền công nhận với tên gọi một cách văn vẻ là “clothing optional section” (khu y phục tùy tiện). Nhiều người ở xa tới viếng Toronto thường trêu cợt cho rằng Toronto có 3 cái Top như con đường Yonge dài nhất thế giới là “Top Street”, ngọn tháp CN một thời cao nhất thế giới là “Top Tower” và cái Top thứ ba là... “Topless”! Tháp CN Tower Chúng tôi trở lại bến phà để về lại Toronto và dùng con đường dọc theo bờ hồ Queens Quay đi về hướng Tây để đến tháp CN Tower cách bến phà hơn 1 km. Trong khu trung tâm Toronto đi đâu nếu đừng che khuất bởi những buyn đinh đều thấy tháp CN cao sừng sững giữa trời nên không sợ lạc mất phương hướng. Tháp CN như một cây kim nhọn nằm trong một khu công viên cạnh cầu trường Rogers Centre to lớn hình vỏ sò màu trắng toát. Tháp cao 553.33 mét (1,815.4 ft.) xây mất 3 năm và khánh thành năm 1976 do hãng kiến trúc John Andrews Architects và WZMH thiết kế và xây dựng. Tháp từng chiếm kỷ lục cao nhất thế giới suốt 31 năm cho đến ngày 12 Tháng Chín, 2007, bị ngôi nhà chọc trời Burj Dubai ở xứ United Arab Emirates cao 818 mét (2,684 ft.) qua mặt. Nhà chọc trời này còn đang xây dựng và dự trù cuối năm 2009 mới hoàn tất ở xứ Á Rập nhiều dầu hỏa lắm tiền nhưng khô cằn đá sỏi, không có gì chơi! Tin mới nhất cho hay tòa cao ốc xứ Á Rập sẽ khánh thành vào ngày 4 Tháng Giêng, 2010, sắp tới đây. Chủ nhân của ngọn tháp CN là hãng xe điện Canadian National Railway có ý định xây tháp cao từ năm 1968 để dùng làm nơi phát sóng cho các đài TV và radio đồng thời cũng biểu dương sức mạnh kinh tế và kỹ nghệ của Canada vì vào thời kỳ đó Toronto đang phát triển vượt bực với hàng chục cao ốc chọc trời đang xây ở khu trung tâm thành phố. Muốn phát sóng hữu hiệu cần phải xây ngọn tháp cao hơn những buyn đinh kia, thành thử ngọn tháp rất cao ở xa như bờ phía Nam hồ Ontario trong tiểu bang New York cách 30 miles còn nhìn thấy. Với chiều cao như vậy mà vào ngày 26 Tháng Sáu, 1986, nhân kỷ niệm 10 năm xây tháp, anh chàng nhân viên cứu hỏa tên Dan Goodwin dùng tay và chân trần, không dây cáp leo lên bên ngoài ngọn tháp lên tới đỉnh. Anh chàng biểu diễn trước công chúng và truyền hình hai lần như vậy trong cùng một ngày nhưng khi leo xuống cả hai lần phải dùng dây để xuống đất. Tháp quá cao nên cũng gây ra những điều nguy hiểm cho dân chúng phía dưới, trong trận bão tuyết vào ngày 2 Tháng Ba, 2007, một lớp băng đá dầy vài centimeters đóng bên ngoài ngọn tháp. Chính quyền thành phố sợ những tảng băng sẽ trốc ra rơi xuống vì gió ở hồ Ontario thổi mạnh đến 90 km/giờ nên buổi sáng ngày 5 Tháng Ba, phải đóng nhiều con đường phía dưới, cô lập dân chúng không cho xe cộ lưu thông kể cả xa lộ Gardiner Expressway cách ngọn tháp 310 mét. Hôm sau gió giảm cường độ lưu thông mới tái lập bình thường. Trên tháp có 2 khu vực để du khách lên ngắm cảnh: tầng chính nằm trên cao độ 346 mét (1,135 ft) cách mặt đất, tòa ngoạn cảnh này có hình ống chỉ gồm có 7 tầng lầu bên trong. Tầng ngắm cảnh thứ hai trên cao cách mặt đất 446.5 mét (1,465 ft) ngay phía dưới trụ của cây ăng ten bằng kim loại. Tầng chót vót này gọi là “SkyPod” chỉ có một tầng hình dáng như chiếc bánh Donut, diện tích rất nhỏ nhìn kỹ mới thấy nó ở trên cao. Muốn lên cả hai tầng dùng thang máy và có cả thang bộ xoắn ốc lên hai nơi nhưng thang bộ chỉ dùng để bảo trì mà thôi. Trên tầng ngắm cảnh chính tuy có 7 tầng lầu bên trong nhưng chỉ một vài tầng mở cửa cho du khách thăm viếng là tầng ngoạn cảnh có sàn nhà bằng kính trong suốt để nhìn xuống phía dưới cũng như khu ngoài trời ở cao độ 342 mét (1,122 ft). Sàn kính này không rộng chỉ 24 mét vuông (258 sq ft), nhiều người khi nhìn xuống có cảm giác chóng mặt vì độ cao. Tầng ngắm cảnh ngay bên trên có quán Horizons Café cao 346 mét và tầng kế đến 351 mét có nhà hàng 360 Restaurant. Nguyên sàn nhà hàng có thể xoay vòng quanh ngọn tháp, mỗi vòng mất 72 phút để du khách ngồi ăn uống có thể ngắm cảnh thành phố phía dưới luôn thay đổi. Tôi không có lên nhà hàng này nên không biết thế nào nhưng ở Trung Quốc cũng lên nhà hàng Buffet xoay vòng kiểu này, phía ngoài các bàn ăn thì xoay nhưng quầy bày các món ăn ở phía trong gần trụ tháp thì cố định không xoay nên mỗi lần đi lấy thức ăn là không biết bàn ăn của mình ở đâu để trở về. Lúc nãy nhớ là bàn ăn mình gần các nồi súp, một lúc sau bàn mình ngồi lại gần các món ngọt tráng miệng! Không nhìn kỹ ngồi lầm chỗ sẽ bị người ta cự nự (nhất là người đẹp), bê món ăn đi tới đi lui rất ư là mất mặt... bầu cua! Tháp CN Tower mở cửa mỗi ngày (trừ Lễ Giáng Sinh, 25 Tháng Mười Hai) từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Giá vé có nhiều hạng, nếu đi tất cả các nơi là 32.99 CAN$ gồm Look Out, Glass Floor, SkyPod, Movie và Motion Simulator Ride (2 cái sau ở tầng dưới đất). Nếu chỉ lên Look Out và Glass Floor vé trẻ con là 14.99 và người lớn 21.99 CAN$ (dưới 3 tuổi miễn phí). Sắp hàng mua vé rất đông người chờ đợi nhiều khi khá lâu, nếu có trẻ con nên đem theo xe đẩy dùng được hầu hết mọi nơi trên tháp. Giá vé lên chơi tháp CN khá mắc, để tiết kiệm cách tốt nhất là mua nguyên Package (trọn gói) Toronto City Pass có thể đi thăm 5, 6 nơi danh thắng của Toronto kể cả sở thú, trung tâm khoa học, lâu đài Casa Loma, viện bảo tàng và cả CN Tower. Trịnh Hảo Tâm |
0 nhận xét
Đăng nhận xét