medium_DSC0901.jpg

Nhà thờ Notre Dame Montréal hoàn tất 1830 trên nền nhà thờ cũ.

medium_DSC0902.jpg

Cung thánh chính bên trong nhà thờ Notre Dame.

medium_DSC0903.jpg

Công trường Place d'Armes với tượng ông Maisonneuve người sáng lập Montréal.

medium_DSC0904.jpg

Xe ngựa trong phố cổ Montréal.

medium_DSC0905.jpg

Công viên dọc theo bến tàu Montréal

medium_DSC0906.jpg

Bến cảng Montréal trên sông St. Lawrence.


Ðến thành phố Montréal của xứ Canada, tuy nằm trên lục địa Mỹ Châu nhưng du khách có cảm giác như lạc vào một thành phố nào đó trên đất Pháp. Những con đường lát đá tảng vuông quanh co, nhỏ hẹp, những ngôi giáo đường tường vàng, ngói đỏ phủ rêu xanh và những góc phố nhà cửa liền nhau, bảng hiệu viết bằng tiếng Pháp và nhất là những quán cà phê vỉa hè có những phụ nữ, điếu thuốc lá hờ hững trên tay ngồi nhìn dòng đời trôi lặng lẽ...

Phố cổ Ville Marie

Cậu cháu chúng tôi từ trên đồi Mont Royal thả bộ xuống bằng con đường Avenue Du Parc đi về hướng Ðông để vào khu phố Montréal ngày xưa thời kỳ còn thuộc Pháp được gọi là Ville Marie. Ville Marie là khu phố cổ ngày nay còn lưu lại rất nhiều kiến trúc Pháp thuộc thế kỷ 18, 19 như nhà thờ, ngân hàng, chợ búa, khách sạn... Càng đi về hướng bờ sông các kiến trúc càng mang đậm nét cổ xưa và chen lẫn trong đó có những tòa nhà cao tầng mới xây trong những năm sau này. Khi một tòa nhà cũ hư hại vì thời gian, hội đồng thành phố bao giờ cũng muốn sửa chữa giữ lại hình dáng nguyên thủy và nếu bắt buộc phải xây lại cũng chọn kiểu dáng cổ hợp với các kiến trúc xung quanh. Nhưng khó khăn là vấn đề “mặt bằng” làm sao có nhiều diện tích cho các văn phòng, cho các bãi đậu xe vì ngày xưa di chuyển bằng xe ngựa chưa thấy được nhu cầu bãi đậu. Vì vậy khi phá đi một kiến trúc cổ hư hại, trước đây người ta thường xây cao ốc và bãi hoặc nhà đậu xe.

Ville Marie hay dân địa phương gọi là “Vieux Montréal” (Montréal cổ) ngày xưa chỉ nằm dọc theo bờ sông St. Lawrence, ngày nay là một quận nằm giữa Mont Royal và giang cảng cũ của sông St. Lawrence được tuyên dương công nhận là khu di tích lịch sử vào năm 1964 bởi Bộ Văn Hóa Tỉnh Bang Québec. Ngược dòng thời gian vào năm 1605 nơi đây thương gia người Pháp Samuel de Champlain lập kho hàng chứa da thú đổi với thổ dân để đem về Pháp làm áo lông. Ðến năm 1641 sĩ quan Pháp Paul Chomedey de Maisonneuve theo phái bộ truyền giáo dòng Jesuit đến Montréal sau một chuyến vượt biển gian nan vất vả. Năm 1643 ông ta xây đồn lũy và được bình an sau trận lụt lớn, để tạ ơn ông là người dựng cây thánh giá đầu tiên trên núi Mont Royal. Ðến vùng đất mới, các nhà truyền giáo ngoài việc truyền đạo còn giúp thổ dân biết cách chăn nuôi, trồng trọt để có đời sống khá hơn và có thể chung sống hòa bình với họ. Nhưng giấc mộng kia bất thành, năm 1644 ông Maisonneuve bị thổ dân bộ lạc Iroquois tấn công suýt mất mạng trong một lần nhóm ông 30 người bị hơn 200 thổ dân vây khốn, nhờ kinh nghiệm quân sự ông ta rút lui an toàn vào đồn lũy. Sau đó ông Maisonneuve củng cố đồn lũy vững chắc hơn, xây nhà nguyện, bịnh viện và làng người da trắng đầu tiên tại Montréal. Lúc này làng có tên là Ville Marie nằm trong vùng New France (Tân Pháp) tức vùng đất Bắc Mỹ Châu do người Pháp khám phá và tuyên bố chủ quyền. Ðến năm 1651 làng Ville Marie bị người Iroquois liên tục tấn công, ông Maisonnauve cùng những người da trắng phải ở miết trong thành, có lúc tưởng rằng làng Ville Marie tới thời kỳ chấm dứt. Năm 1652 ông buộc phải trở về Pháp để huy động chừng 100 quân tình nguyện sang bảo vệ Ville Marie. Nếu kế hoạch huy động quân tình nguyện này thất bại, không ai chịu sang thì Ville Marie phải bỏ trống và những người sống sót di tản về Québec City ở hạ lưu sông về phía Bắc. Khi ông Maisonnauve trở lại cùng 100 tình nguyện quân lúc này làng chỉ còn 50 người da trắng. May thay sau khi được tăng cường quân viện, số người trở về Ville Marie tăng dần đủ để chống lại các cuộc tấn công của người Iroquois. Năm 1663 triều đình Pháp nhận trách nhiệm bảo vệ Ville Marie từ dòng truyền giáo và cử ông Maisonnauve lên làm thống đốc New France tức các lãnh thổ của Pháp ở Bắc Mỹ nhưng ông từ chối và trở về Pháp năm 1665 sau 24 năm gắn bó với thành phố Montréal và ông mất vào năm 1676. Paul Chomedey de Maisonneuve được xem là người khai sáng, thành lập thành phố Montréal đầu tiên, ngày nay tượng đài của ông được dựng ở quảng trường Place d'Armes và nhiều nơi trong thành phố.

Ðầu thế kỷ 18 tên Montréal dần dần thay thế Ville Marie và dãy tường thành dọc theo phía Tây Montréal được dựng nên năm 1717 lần này không phải để chống thổ dân da đỏ Iroquois mà là sợ quân Anh xâm lăng. Từ khi Montréal có tường thành kiên cố bảo vệ khỏi lo giặc giã tấn công, thành phố lại gặp một vấn nạn lớn khác là hỏa hoạn. Một thành phố với nhiều nhà bằng gỗ xây khít vách nhau và nhà nào cũng có lò sưởi đã xảy ra nhiều trận cháy kinh hồn trong thời gian này. Năm 1721 Montréal nhận lịnh từ triều đình Pháp cấm xây nhà bằng gỗ, các kiến trúc chỉ được dùng đá và gạch nhưng lịnh cấm này không bao giờ được chấp hành.

Năm 1763 Pháp thua trận với Anh Quốc trong cuộc chiến giành thuộc địa và toàn thể thuộc địa Pháp ở Bắc Mỹ như Louisiana, Caribbean trở thành thuộc địa Anh Quốc và Tây Ban Nha cũng mất Florida vào tay người Anh. Montréal thất thủ trước quân Anh sớm hơn từ năm 1760, mặc dù Anh Quốc cai trị nhưng bộ mặt thành phố không thay đổi mấy, kiểu nhà vẫn xây theo lối Pháp. Thành phố thay đổi nhiều không phải vì đổi chủ quyền mà là vì hỏa hoạn, những trận cháy lớn vào các năm 1765, 1768, 1803, 1821 thiêu rụi hơn phân nửa nhà cửa ở khu phố cổ Montréal kể cả các nhà thờ, khách sạn, bịnh viện. Từ đầu thế kỷ 20 thành phố phát triển việc xây dựng, những kiến trúc tân thời trám vào những bãi đất trống và từ đó thành phố có nhiều cao ốc chọc trời, kiến trúc tân thời nằm cạnh những tòa nhà cổ kiểu Pháp, kiểu Victorian của Anh. Bộ mặt sống động, đa dạng, giao thoa giữa nét cũ và mới, phố xá thay đổi kiểu cách khiến du khách không nhàm chán, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, phải chăng đó là nét hấp dẫn của phố cổ Montréal khiến nơi đây không bao giờ vắng bóng du khách.

Từ trên đồi xuống con đường một chiều Avenue Du Parc sau khi gặp Rue Shebrooke đổi thành Rue De Bleury. Sau khi đi phía dưới xa lộ 720 Autoroute Ville Marie, chúng tôi rẽ trái vào đường Rue Notre Dame là tới vương cung thánh đường Notre Dame Basilica tức nhà thờ Ðức Bà tọa lạc trong một khu phố rất gần bến cảng Montréal.

Notre Dame Basilica

Tiếng Pháp gọi vương cung thánh đường Ðức Bà là “La Bisilique Notre Dame”, nhà thờ kiểu Gothic có hai tháp chuông đối xứng nhau tọa lạc tại số 110 Notre Dame Street West phía trước là công trường Place d'Armes có tượng đài của người khai sáng thành phố là Maisonnauve. Là một trong những nhà thờ nổi tiếng vì tính cách lịch sử cũng như kiến trúc đồ sộ nhưng cân xứng hài hòa. Bên trong nhà thờ rộng lớn, trần cao có màu xanh lục đậm với những ngôi sao mạ vàng lấp lánh, phần còn lại trong nhà thờ với nhiều màu sắc khác nhau so với những nhà thờ cổ khác toàn màu xám hay trắng của đá. Nhà thờ còn có hàng trăm bức tượng, phù điêu bằng gỗ điêu khắc công phu cũng như các kính màu (stained glass) thông thường vẽ những cảnh trong thánh kinh, ở đây ghi lại những biến cố tôn giáo gắn liền với lịch sử của thành phố Montréal. Một vật quý báu khác là dàn phong cầm của các sư huynh dòng Casavant rất đồ sộ gồm 4 bàn phím (keyboards) với 9,000 ống kim khí (pipes) thanh âm. Âm thanh của dàn phong cầm không dùng máy khuếch âm vẫn dìu dặt thánh thoát vang rền, khắp nhà thờ đều nghe rõ.

Lịch sử của vương cung thánh đường Ðức Bà gắn liền với lịch sử Montréal: năm 1657 phái bộ truyền giáo Thánh Sulpice đến Ville Marie và ở lại đến năm 1840. Phái bộ truyền đạo cho thổ dân, đem ánh sáng văn minh để cải tiến đời sống của họ và thành lập họ đạo. Một nhà thờ lấy tên thánh là Mary và được xây trên mảnh đất này vào năm 1672, nhà thờ là nơi đặt văn phòng chánh tòa của Giáo Phận Montréal từ năm 1821. Năm 1824 giáo xứ quá đông phải xây nhà thờ mới rộng lớn mới có đủ chỗ cho việc hành đạo nên giao cho ông James O'Donnell người theo giáo phái Protestant đến từ New York. Ông ta trước khi chết cải đạo sang Công Giáo La Mã để được chôn dưới hầm nhà thờ và là người duy nhất xác được chôn ngay trong nhà thờ. Tòa nhà chính nhà thờ hoàn tất năm 1830 nhưng hai tháp chuông mãi đến 1843 mới xong và là nhà thờ lớn nhất trên lục địa Bắc Mỹ. Trang trí bên trong nhà thờ là một công trình chi tiết mất nhiều thời gian do Victor Bourgeau đảm trách từ 1872 đến 1879 và toàn thể nhà thờ hoàn tất năm 1888. Nhà thờ được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Ðường (Basilica) bởi Ðức Giáo Hoàng John Paul II vào ngày 21 Tháng Tư 1982 nhân dịp Ðức Giáo Hoàng viếng thăm Canada. Nhà thờ hàng năm vào dịp Lễ Giáng Sinh có truyền thống tổ chức một buổi thánh ca hát với dàn phong cầm vĩ đại. Vào viếng nhà thờ phải chịu lệ phí là 5 đồng Canada chỉ trừ khi tham dự thánh lễ.

Trên con đường Rue Notre Dame trước nhà thờ thỉnh thoảng trông thấy một chiếc xe ngựa chở du khách chạy ngang khua những tiếng lọc cọc trên đường phố. Thường là ngựa bạch rất to lớn vạm vỡ và người nài ngựa là một thanh niên áo sơ mi trắng, quần đen lịch sự. Bến xe ngựa ở trước tòa án thành phố (Palais de la Justice), từ nhà thờ Notre Dame đi về hướng Ðông Bắc đến góc đường Saint Laurent sẽ gặp bến xe ngựa. Du khách có thể lên xe ngựa dạo quanh khu phố cổ, chuyến dạo chơi cũng rất thích thú nhưng giá không rẻ chút nào: 40 tiền Canada cho nửa giờ, còn một giờ là 65 đô la. Ðường Saint Laurent nếu đi ngược trở lên về hướng Tây Bắc sau khi qua khỏi xa lộ 720 sẽ gặp khu phố Tàu nhưng chúng tôi sẽ đến đó sau để ăn phở, bây giờ đi bộ về hướng Ðông thăm bến cảng Montréal, một bến sông nhưng ngày xưa tàu thuyền tấp nập không thua gì một hải cảng.

Bến cảng Montréal

Cảng Montréal nằm trên bờ sông St. Lawrence (tiếng Pháp là St. Laurent) là thủy trình quan trọng nhất của xứ Canada nối Ðại Ngũ Hồ trên đất Mỹ với 3 thành phố lớn Canada và biển Ðại Tây Dương. Vào thế kỷ 18, 19 bến cảng tấp nập những thuyền buồm chuyên chở hàng hóa giữa Canada và Âu Châu. Ngày nay những bãi chứa, kho hàng, quán rượu, những căn nhà của gia đình thủy thủ dọc theo bờ sông không còn thấy thay vào đó là những công viên cây cối, bãi cỏ xanh và những con đường dạo mát quanh co uốn khúc, là nơi thư giãn vui chơi của người dân đô thị Montréal. Những cầu tàu lớn đúc bằng bê tông vẫn còn nhưng vắng đi những thương thuyền mà thay vào đó là những du thuyền tư nhân kiểu nhỏ và thỉnh thoảng một du thuyền (cruise) vĩ đại ghé vào đưa hàng ngàn du khách lên bến ngao du tham quan thành phố. Sở dĩ bến tàu không còn nhộn nhịp nữa là vì ngày xưa thế kỷ 18, 19 Montréal là vùng đất mới chưa có nhà máy sản xuất nên phải nhập hàng hóa từ Âu Châu và xuất bến da và lông thú, thời kỳ đó người Âu rất ưa chuộng dùng làm y phục (ngày nay da và lông thú bị cấm). Trông bến tàu có vẻ vắng vẻ nhưng theo thống kê hàng năm xuất nhập 26 triệu tấn hàng phần lớn là ngũ cốc, đường, sản phẩm dầu lửa, máy móc và hàng tiêu dùng.

Ði dọc theo những công viên cạnh bờ sông, nhìn những bến tàu vắng vẻ đìu hiu một thời rất hưng thịnh, người hoài cổ mơ hồ đâu đây cảnh nhộn nhịp của bến nước năm xưa mà ngậm ngùi cho thời cuộc đổi thay:

“Bến xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương”

(Thăng Long Hoài Cổ - Bà Huyện Thanh Quan)

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét