medium_DSC0301.jpg

Khu Phố Tàu Toronto với bảng hiệu Việt Hoa

medium_DSC0302.jpg

Phố Tàu Toronto trên đường Spadina

medium_DSC0303.jpg

Rau cải, trái cây bày trên hè phố Toronto

medium_DSC0304.jpg

Chợ Do Thái Kensington bày bán quần áo

medium_DSC0305.jpg

Bên trong thương xá Pacific Mall ngoại ô phía Ðông Toronto


Giữa hai cuộc thế chiến, Toronto là một thành phố buồn, chẳng có gì để hấp dẫn du khách! Ngay thời thập niên 1950, người dân Toronto mỗi khi muốn du hí còn phải lái xe qua Detroit cách Toronto 4 giờ lái xe ở về hướng Tây Nam hay Buffalo, 90 phút xe chạy về hướng Nam qua thác Niagara. Ngày nay tình thế đã đổi chiều, Toronto là địa điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới vì tính cách đa sắc tộc, tập trung nhiều nền văn hóa màu sắc khác nhau. Toronto không phải là thủ đô của Canada nhưng là vùng đô thị quy tụ đến 5 triệu rưỡi dân mà hai phần ba là dân từ các nơi khác đổ về. Ngoài dân da trắng nói tiếng Anh, các cộng đồng thiểu số gồm có dân da đen và người Á Châu. Nhóm da đen ở đây nguồn gốc của họ không phải từ Phi Châu như ở Hoa Kỳ mà lại đến từ đảo Jamaica hiền hòa (cựu Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell cũng là người Jamaica). Cộng đồng lớn thứ ba người ta nhìn thấy là cộng đồng người Hoa đến từ Hồng Kông. Làn sóng di dân này đã một thời dâng cao trước khi Hồng Kông giao trả về Trung Hoa lục địa năm 1997. Nhóm thiểu số kế đến là người Ấn Ðộ, họ có bằng cấp nhưng không có việc làm ở xứ họ nên tìm cách di dân qua Canada.

Nét đa văn hóa ở đây thấy rõ hơn hết khi một buổi sáng tôi ra China Town Mississauga thì thấy nhiều gia đình người Ấn Ðộ đi mua thức ăn ở chợ Tàu! Ðàn bà vận quốc phục bằng tơ lụa nhiều màu sắc và đội khăn mỏng như ở miền Nam Cali ta thấy họ đi mua sắm ở Little India đường Pioneer thành phố Norwalk. Ðàn ông người Ấn ở đây ngoài hai nghề kỹ sư và bác sĩ như ở Cali, họ còn đi làm những nghề khác như lái taxi hay bán xăng.

Vật giá nói chung ở Toronto đắt đỏ hơn Cali như giá xăng cũng cao hơn và được tính bằng lít chứ không là gallon. Chợ thực phẩm Canada thì giống như chợ Mỹ nhưng mọi thứ đều đắt hơn. Sữa tươi thì không có thùng một gallon mà phải mua từng hộp nhỏ bằng giấy hay bịch nylon. Khi lấy xe đẩy trong chợ thì phải bỏ đồng 25 xu vào ổ khóa thì mới lấy xe ra được và khi trả xe thì lấy 25 xu trở lại. Mục đích là tránh người đi chợ bỏ xe bừa bãi, tiết kiệm tiền mướn người đi thu nhặt. Ðồng kim loại 25 xu Mỹ cũng xài được ở Canada. Tiền 1 đồng, 2 đồng Canada được đúc bằng kim loại, chỉ 5 đồng trở lên mới được in bằng tiền giấy và tất cả tiền đều có in hình nữ hoàng Anh vì Canada nằm trong Liên Hiệp Anh.

Chợ Tàu Toronto trở thành phố Việt

Ðến ngã tư Queen và Spadina Ave. du khách bỗng giật mình tưởng đã lạc qua Hồng Kông hay Chợ Lớn vì con đường Spadina từ Queen ở hướng Nam lên đến College St. ở hướng Bắc là trung tâm của khu phố Tàu. China Town Toronto là khu phố Tàu lớn nhất ở Bắc Mỹ vì có hơn 150 ngàn người Hoa sinh sống tại Toronto. Trên đường Spadina này có những siêu thị Tàu 4, 5 tầng lầu, những thương xá đồ sộ hơn cả Phước Lộc Thọ của Little Saigon ở California, lớn nhất là 2 thương xá Dragon City và Chinatown Centre với các cửa hàng của người Hoa, Việt Nam và Thái Lan. Trái cây vùng nhiệt đới như vải, nhãn, măng cục, sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm được bày bán khắp hè phố. Những món trang trí, đồ kỷ niệm Ðông phương, chén bát, đồ cổ, tượng thờ tràn ngập trong các cửa hàng. Giống như China Town Los Angeles, người Việt cũng xâm nhập được vào China Town Toronto, có khoảng phân nửa cửa hiệu ở đây do người Việt hay người Việt gốc Hoa làm chủ. Họ làm đủ mọi ngành nghề như nhà hàng ăn uống, video, dĩa nhạc, sách báo, cà phê, kim hoàn, thẩm mỹ, du lịch, luật sư, bác sĩ... Vùng phía Bắc Toronto như các thành phố Weston, North York là khu kỹ nghệ, người Việt Nam còn làm nghề sơn sửa xe hơi với máy móc tối tân hiện đại được các hãng bảo hiểm, các dealer xe mới công nhận và ký hợp đồng sửa chữa cho xe khách hàng của họ. Theo ước lượng Toronto và vùng phụ cận có khoảng 50,000 người Việt sinh sống, họ là những người vượt biên bằng thuyền trong khoảng năm 1978 đến 1985 phần nhiều là người Việt gốc Hoa đến từ các trại tỵ nạn Hồng Kông.

Về lịch sử khu Phố Tàu Toronto, người ta công nhận ông Sam Ching chủ nhân của tiệm giặt ủi trên đường Adelaide là thương gia đầu tiên có tên trong sổ niên giám thương mại vào năm 1878. Người Trung Hoa sau đó bị đạo luật di trú năm 1885 cấm việc di dân vào Canada vì bên miền Tây Canada có nhiều cuộc biểu tình chống người Hoa. Tuy nhiên hai thập niên sau đó dọc theo đường Bay và Elizabeth Street là khu phố với hàng trăm người Hoa sinh sống, họ đến từ vùng Vancouver ở phía Tây Canada sau khi hoàn thành việc xây dựng đường xe lửa cho hãng Canadian Pacific Railway họ bị chống đối kỳ thị nên di chuyển qua miền Ðông. Năm 1910 khi cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa lật đổ nhà Mãn Thanh, dân số người Hoa lên hơn 1,000 người, hàng trăm người mở cơ sở thương mại phần đông là nhà hàng ăn, tạp hóa và tiệm giặt. Ðến thập niên 1930 khu China Town đã thành hình dọc trên con đường Bay Street khoảng giữa DundasQueen Street. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng Great Depression cũng như trên toàn quốc, khu China Town cũng bị ảnh hưởng với hơn 116 tiệm giặt và hàng trăm cửa hàng khác phải đóng cửa. Khu Phố Tàu phục hồi nhịp sống sau Thế Chiến Thứ Hai cùng lúc với nền kinh tế Canada vững mạnh trở lại và dân số người Hoa tăng cao trong khoảng 1947 đến 1960 với các sinh viên và thợ chuyên môn đến từ Hồng Kông, Quảng Ðông và các nước Ðông Nam Á.

Ðến thập niên 1990 khu China Town lâm vào tình trạng đi xuống, thuế đóng cho thành phố giảm sút vì khó phát triển với phố xá cổ xưa chật hẹp và nhất là thiếu chỗ đậu xe. Du khách vắng đi và cư dân người Hoa còn lại ở đây là người già cả, lớp trẻ thế hệ sau đã dọn ra ngoại ô sinh sống. Trong lúc các chợ thực phẩm và các nhà hàng nhỏ vẫn hoạt động bình thường, nhiều cửa tiệm lớn về điện tử, thương xá thời trang, mỹ phẩm phải đóng cửa nhất là các hiệu vịt heo quay, BBQ ở dưới tầng hầm đóng cửa từ năm 2000. Ðó là cơ hội cho người Việt xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường với những tiệm ăn, cửa hàng nhỏ sinh hoạt với tính cách gia đình biến nơi đây thành Little Saigon. Ngày nay đến đây không thiếu một món ăn thuần túy nào của người Việt Nam, từ bò bảy món đến phở, bánh cuốn, chả cá, bún thang ngay cả bún ốc là món đặc biệt rất nổi tiếng ở đây do một bà chính gốc Hà Nội 54 từ Sài Gòn đứng nấu. Tiệm sách báo có tiệm sách “Việt Nam” tập trung rất nhiều sách tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại, vào tiệm điều khiến tôi lấy làm ngạc nhiên thích thú là có bày bán những sách du lịch của tôi nữa!

Ngày nay khu Phố Tàu, chợ Việt Toronto vẫn là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách phương xa mỗi khi viếng Toronto. Với những hàng phố cũ tường gạch đỏ, bảng hiệu màu sắc tươi vui ngôn ngữ Anh, Hoa, Việt và rau trái bày biện trên vỉa hè là hình ảnh thân quen với người Việt ly hương nhưng sắc thái lạ với người bản xứ. Dân Việt ta từ Mỹ sang chơi hãy cẩn thận với những bảng hiệu lưu thông và coi chừng cảnh sát hay mai phục ở đây. Không được quẹo trái ở ngã tư Dundas và Spadina và luật Canada không cho quẹo phải khi đèn đỏ!

Chợ trời Kensington

Ngay cạnh Phố Tàu nơi góc Tây Bắc đường Spadina và Dundas có khu chợ trời họp ngoài đường có tên là Kensington Market mà dân ta quen gọi là Chợ Do Thái giống như khu Chợ Cũ Hàm Nghi Sài Gòn nghĩa là bán thực phẩm tươi sống như rau cải, cá tôm, sò ốc, gà vịt, phó mát, gia vị của đủ mọi nước trên thế giới và những tiệm bán quần áo cũ của những hiệu danh tiếng. Khu này đông vui rất hấp dẫn du khách ngoại quốc muốn tìm cảnh lạ vì nó có đủ màu sắc, âm thanh, chủng tộc, mùi vị hỗn hợp khó tìm thấy ở những nơi khác. Du khách ba lô cũng tìm đến đây mua những quần áo “Hippy” bụi đời, vật dụng hiếm quý và món ăn, gia vị của xứ họ. Con đường Kensington không cho xe cộ lưu thông để họp chợ trời còn hai dãy nhà hai bên là khu phố cổ màu sắc “Hippy” bán quần áo bụi đời cho dân chơi tứ xứ. Trong khu này ngạc nhiên hơn hết là có một tấm phông lớn vẽ cảnh Chợ Bến Thành Sài Gòn, có lẽ chính quyền Toronto muốn nhắc khéo du khách đến đây phải cẩn thận coi chừng bị... móc túi, giật bóp như ở khu quanh Chợ Bến Thành vì nơi này tập trung nhiều thành phần phức tạp. Tuy nhiên nói chung ở Canada, an ninh tốt hơn ở Mỹ và Âu Châu vì tội ác rất thấp và ít thấy bóng dáng của cảnh sát.

East China Town

Vì khu Chợ Tàu cũ ở downtown Toronto quá chật hẹp khó đậu xe, nhà cửa cũ kỹ gần cả trăm năm, khó phát triển theo đà gia tăng dân số người gốc Hồng Kông, Trung Hoa. Thêm vào đó những người Á Châu trẻ, học thức họ thường chuộng những thành phố mới ở ngoại ô như Mississauga ở phía Tây và Markham ở hướng Ðông với những khu nhà mới rộng rãi, trường học, công viên, hạ tầng kiến trúc hiện đại nên vào năm 1997 người ta khai trương khu thương xá Á Châu mới có tên là Pacific Mall được gọi nôm na là East China Town vì ở ngoại ô phía Ðông của Toronto. Pacific Mall ở thành phố Markham cũng thuộc tỉnh bang Ontario, tọa lạc trong khu Ðông Bắc góc đường Steeles AvenueKennedy Road bên kia đường là biên giới thành phố Toronto cách trung tâm Toronto khoảng 10 miles. Trong khu đất rất rộng lớn ngày trước là những vựa chứa nông sản Cullen Country Barns và xung quanh có sẵn những thương xá cũ kể cả khu thương mại Market Village nên Pacific Mall hiện nay có tới 500 cửa hàng bán lẻ và bãi đậu xe vừa dưới hầm vừa lộ thiên rộng đến 1,500 chỗ đậu nhưng những ngày cuối tuần nhiều lúc còn thiếu nơi đậu. Thương xá Pacific Mall có hai tầng lầu và tầng hầm làm nơi đậu xe và chủ nhân là công ty Pacific Place ở Hồng Kông có nhiều cơ sở ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, thương xá Pacific Mall Toronto được xây dựng bởi 2 công ty Canada là Sam Cohen và Eli Swirsky.

Pacific Mall là thương xá Á Châu rộng lớn nhất trên lục địa Bắc Mỹ cũng là địa điểm du lịch được Sở Du Lịch Canada quảng cáo, hiện có 450 cửa hàng nhỏ bán đủ thứ mặt hàng như quần áo thời trang, đồ da, mỹ phẩm, trang sức vàng bạc, đồ điện tử, CD, DVD, điện thoại di động, kính mát, đồ chơi, bàn ghế vật dung trang bị trong nhà, bông hoa, vườn cảnh, đồ chơi và cả nhân sâm, dược thảo v.v... Ở tầng hai có bệnh xá (medical clinic), phòng nha khoa, khu ẩm thực (Food Court) với nhiều nhà hàng, quán giải khát của nhiều nước Á Châu với các món ăn Tàu, Nhật, Ðại Hàn, Ấn Ðộ, Thái Lan, Việt Nam v.v... Những lối đi trong thương xá đều lấy tên những con đường ở Hồng Kông. Tầng dưới hầm cũng có các cửa hàng, khu đậu xe và nhà vệ sinh. Thương xá mở cửa suốt năm và đông vui nhộn nhịp nhất là mùa lễ cuối năm như Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Ðán. Thương xá cũng thường làm nơi tổ chức những lễ hội của người địa phương như Trung Thu, Haloween, lễ của người da đỏ v.v...

Trịnh Hảo Tâm


0 nhận xét