Cuối tháng 8 thời tiết miền Nam Califiornia, dù cuối Hạ nhưng vẫn còn nóng bức và ngày tựu trường bắt đầu một niên học mới của thằng con trai út đã gần kề. Chúng tôi quyết định một chuyến du lịch đến một nơi mà mình chưa từng đặt chân tới. Một miền phong cảnh, khí hậu nhiệt đới của Á Châu nhưng nằm trong nước Mỹ. Một nơi muốn tới phải vượt biển Thái Bình Dương, ra khỏi lục địa Mỹ Châu nhưng lại khỏi phải mang theo sổ thông hành lỉnh kỉnh. Đó là quần đảo Hawaii mà tiếng Việt gọi là Hạ Uy Di. Hawaii thường được biết đến như là một trung tâm du lịch, một thiên đàng hạ giới, qua những bức hình với biển xanh, cát trắng, những hàng dừa lã ngọn, những cô gái nước da ngâm, đeo vòng hoa lei, nhoẻn miệng cười hé lộ hàm trắng nuột, một mái tóc óng ánh đen dài cài bông Bụp. Tôi nhất định phải đến đó một lần cho biết. Qua trang quảng cáo của một tờ báo Việt ngữ tôi đã mua tại một văn phòng du lịch ở Rosemead. Package gồm vé máy bay khứ hồi Los Angeles - Honolulu 5 đêm khách sạn và 2 chuyến ngoạn cảnh, một là Trân Châu Cảng cùng thành phố Honolulu và chuyến kia là vòng đảo Oahu. Tôi thử vào internet dọ giá của Hawaiian Airlines thấy giá vé máy bay không thôi đã gần bằng giá nguyên một package rồi. Giá thấp vì văn phòng du lịch họ mua được vé máy bay giá rẻ và khách sạn hợp đồng dài hạn cũng được hưởng giá rẻ, có lẽ chỉ bằng nửa giá bán lẻ.
Sáng Thứ năm 23-8-2001. ba người chúng tôi gồm vợ chồng tôi và thằng con trai út 18 tuổi dậy thật sớm. Năm giờ rưởi rời khỏi nhà ở Fontana, trời hãy còn tối nhưng trên xa lộ xe cộ đã đông rồi vì thiên hạ nhiều người ở xa đi làm sớm. Lấy xa lộ 105 West chạy được một giờ, gần tới exit Sepulveda vào phi trường bỗng thấy bảng đèn báo “2 lanes Sepulveda North Closed”. Tôi lo ngại sợ kẹt trên đường Sepulveda thì trễ mất chuyến bay nên kêu thằng con chuyển hướng qua 405 North. Trên 405 North không có exit vào phi trường nên không thấy bảng hiệu gì cả. Chạy qua hai exit thì tôi biết đã đi quá phi trường rồi nên kêu thằng con exit ra rồi vào lại 405 South thì thấy bảng exit LAX. Theo bảng chỉ dẫn “Long Term Parking Lot C” gần mười phút sau chúng tôi cũng tìm được chỗ đậu xe dài hạn với giá $7 một ngày, gần góc Sepulveda và đường 96. Nếu đậu xe ở Central Parking Building gần các terminals thì giá đến $22 một ngày. Bãi đậu xe đã gần đầy nhưng lại rất vắng người. Đợi vài phút, xe buýt shuttle mang bảng C chạy đến đưa chúng tôi vào các terminals. Chúng tôi xuống ở terminal 2 nơi có hãng Hawaiian Airlines vào lúc bảy giờ sáng, trong lúc quày gởi hành lý và lấy vé lên tàu chỉ mới có vài người. Thà sớm còn hơn trễ. Mỗi ngày từ Los Angeles có ba chuyến bay Hawaiian Airlines đi Honolulu và chuyến của tôi là chuyến đầu tiên cất cánh lúc 8 giờ 55 sáng.
Gởi hành lý và lấy vé lên tàu xong là cảm thấy thoải mái vì hết sợ trễ chuyến bay. Chúng tôi đi tìm cà-phê uống và ngắm nghía những món đồ kỷ niệm bày trong các cửa hàng nơi gate chờ máy bay. Mùi thơm cà-phê thoang thoảng dịu dàng và khung cảnh của phi trường gây cho tôi có cảm tưởng đã thực sự bắt đầu một chuyến nghỉ hè.
Tám giờ ba mươi hành khách đã bắt đầu lên tàu. Các cô tiếp đãi viên gốc Hawaiian màu da bánh mật, mặc y phục nhẹ nhàng với áo sơ-mi vừa quá rốn, chào đón với tiếng “Aloha”. Nam tiếp viên trẻ trung, lực lưỡng, mặc áo sơ-mi bông hoa bỏ ra ngoài trông rất thoải mái. Cách phục sức đơn giản, cung cách vui vẻ với nụ cười luôn trên môi của phi hành đoàn cũng mang cảm giác thoải mái đến hành khách. Công việc căng thẳng, nhàm chán hằng ngày được bỏ qua một bên để chúng ta cùng nhau vui hưởng một chuyến nghỉ hè. Sau chuyến đi xa trở về, bình điện “tâm sinh” như đã được xạt trở lại, chúng ta sẽ cảm thấy nhiều sinh lực để bắt tay trở lại công việc hàng ngày hay một năm học mới. Do đó du lịch là một nhu cầu tối ưu cần thiết không phải là một thứ xa xí, “du hí trên nỗi khổ đau của đồng bào” như một vài người nghĩ. Nhiều người mang bệnh kinh niên như đau nhức, mệt mỏi, khó thở, đầy hơi, sình bụng, mất ngủ, uống thuốc gì cũng không khỏi nhưng sau một chuyến du lịch đầy hứng thú; các chứng bệnh kinh niên trên bỗng tiêu tan đi lúc nào không biết? Có người quan niệm cho rằng: “Khi nào về hưu, mọi thứ ổn định rồi mới nghĩ tới chuyện du lịch.” Ngày mà “mọi thứ ổn định” có lẽ là một ngày vô định. Biết tới lúc đó có còn sức để đi hay không? Ngày nào còn cất bước nổi là ta cứ lãng du đi đó đi đây.

VÀI HÀNG ĐỊA LÝ VÀ LỊCH SỬ HAWAII
Sau năm tiếng đồng hồ bay, chiếc DC 10 của hãng Hawaiian Airlines hạ dần cao độ trên vùng biển xanh lấp lánh bạc vì phản chiếu ánh mặt trời. Xa xa phía chân trời lờ mò những dãy núi màu xanh của những hòn đảo lân cận. Quần đảo Hawaii có tất cả 8 đảo, kể theo thứ tự Bắc xuống Nam là các đảo Nihau, Kauai, Oahu, Molokai, Lanai, Maui, Kahoolawe (không có dân cư) và Hawaii là đảo lớn nhất. Hawaii nằm trên vĩ tuyến 29 độ Bắc tức phìa dưới của Los Angeles và cách Los Angeles 2,553 dặm và nằm trên Saigon và cách Saigon khoản 6,000 dặm. Diện tích toàn quần đảo là 6,423 dặm vuông. Thủ đô và cùng là thành phố lớn nhất là Honolulu nằm trên đảo Oahu. Dân số đảo Oahu theo thống kê năm 1995 là 877 ngàn người, chiếm 73% dân số toàn quần đảo (1.2 triệu).
Dân Hawaii chính gốc là người Polynesians mà người ta không rõ từ các đảo ở phía Nam Thái Bình Dương như Tahiti, Samoa đến đây vào thời gian nào? Họ đến Hawaii một cách tình cờ như bị trôi dạt khi đi đánh cá hoặc bị kẻ thù rượt đuổi. Họ dùng những thuyền độc mộc chạy bằng buồm đan bằng lá dừa mà một bên thuyền phải cặp thêm một thân cây để giữ thuyền được thăng bằng trong sóng gió. Theo những nhà nhân chủng học, đợt di dân lớn nhất của người Polynesians có lẽ diễn ra khoảng từ năm 500 đến 800 dương lịch qua những vật dụng tìm thấy trên quần đảo.
Thế giới Tây Phương chỉ biết đến Hawaii vào cuối thế kỷ 18 sau chuyến hải hành của thuyền trưởng người Anh tên là James Cook. Chuyến tàu khám phá ra Hawaii là chuyến tàu cuối cùng của nhà mạo hiểm người Anh này. Sau hai chuyến đi thất bại trong mục đích tìm đường vượt qua Bắc Mỹ, năm 1776, thuyền trưởng James Cook đưa con tàu Resolution dài 100 feet đi cùng với con tàu Discovery dài 90 feet từ Anh quốc xuôi Nam dọc theo lục địa Phi Châu, vòng qua mũi Ảo Vọng (Cape of Hope). Hai con thuyền vượt Ấn Độ Dương qua Tân Tây Lan. Ngày 18 tháng Giêng năm 1778, họ đã nhìn thấy đảo Oahu và hai ngày sau son tàu đã bỏ neo gần bờ của làng Waimea. James Cook và thủy thủ đoàn lên bờ làm quen với thổ dân và đã đổi những vật dụng bằng kim loại để lấy lương thực. Dân trên đảo lấy làm thích thú với những dụng cụ bằng kim loại, đối với họ tấm gương xem mặt cũng là một vật dụng lạ lùng, hấp dẫn. Thủy thủ của hai con tàu đã được phụ nữ trên đảo chào đón nồng nhiệt, họ đáp trả lại những mối tình ấy chỉ bằng vài cây đinh sắt! Thuyền trưởng Cook cùng là một bác sĩ, ông đã cấm túc 66 thủy thủ (trong tổng số 112 thuyền viên) mắc bịnh phong tình không cho lên bờ vì sợ lây lan cho các phụ nữ trên đảo. Nhưng cuối cùng trong chuyến trở lại vào tháng 11 năm đó sau khi tàu lên miền Alaska tìm đường trở về Anh không được, ông đã thấy những dấu hiệu bệnh trên mặt một số phụ nữ!
Thuyền trưởng James Cook gọi Hawaii là là Đảo Thân Thiện vì dân trên đảo quá tử tế nhưng sau đó vì bất đồng ngôn ngữ, họ không còn thân thiện nữa, ông và thủy thủ đoàn bị họ tấn công. Thuyền trưởng Cook bị dân đảo Thân Thiện chém chết vì không... biết bơi ra thuyền khi bị rượt đuổi! Những trang nhật ký hàng hải của ông, những bức họa của John Webber, một họa sĩ trên tàu và nhất là những ghi chép của George Vancouver (cũng là người tìm ra được thành phố Vancouver) đã giúp cho người Anh trở lại Hawaii những lần kế tiếp. Chính George Vancouver người đầu tiên đưa một thuyền người Anh trở lại Hawaii sau cái chết của thuyền trưởng James Cook để giới thiệu với họ thiên đàng của hạ giới với những rau trái nhiệt đới hương vị ngọt ngào như dừa, khóm, xoài, nhãn, mít, những thịt thà như gà, vịt, heo, bò, v.v...
Sau chuyến đi của thuyền trưởng James Cook, Tây Phương bắt đầu biết đến Hawaii, gọi đó là quần Sandwich vì nằm giữa Á và Mỹ Châu. Họ đổ xô tới để mua bán, trao đổi, khai thác khoáng sản như kim cương và tìm một nơi cho tàu dừng bến, tiếp tế lương thực sau những chuyến hải hành dài. Năm 1786, người Pháp đầu tiên là thuyền trưởng La-Perouse tới đảo. Cùng một năm hai người Mỹ là Portlock và Dixon cũng đổ bộ vào Hawaii khi trên đường từ vùng Tây Bắc Hoa Kỳ sang Trung Hoa.
Khi thuyền trưởng James Cook khám phá ra Hawaii thì vùng đảo này đã có tranh chấp giữa ba lãnh chúa và những trận chiến ác liệt cũng đã thường xảy ra để giành quyền cai trị các bộ lạc trên các đảo. Nhưng nổi bật hơn hết là lãnh chúa Kamehameha vì sau đó ông ta đã thống nhất giang sơn về một mối và trở thành vua của quần đảo Hawaii. Triều đại Kamehamela truyền ngôi được gần 100 năm, kết thúc năm 1872 sau khi vua Kamehamela V băng hà không con nối ngôi, dân phải mở cuộc phổ thông đầu phiếu và chọn Willaim Lunanilo lên làm vua. Ông này chỉ ở ngôi vị được một năm cũng lại chết và người nối ngôi là David Kalakaua. Ông vua này thích nền văn minh của Tây Phương nhất là Hoa Kỳ. Ông ta làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới và trở về xây lâu đài Ionali Palace ở Honolulu như ta thấy ngày nay. Năm 1891, ông ta qua đời ở San Francisco và người em gái là Liliuokalani lên nối ngôi. Bà này lại thân người Anh nên thấy Hiệp Ước 1887 do người cố hoàng đế ký có nhiều điều lợi cho Mỹ và tạo cơ hội cho Mỹ ảnh huởng trên đất nước Hawaii nên bà muốn sửa đổi lại hiệp ước. Những thương gia Mỹ ở Honolulu thấy bất lợi cho công cuộc làm ăn của mình nên lên tiếng chống đối Nữ hoàng Liliuokalani và đòi bà phải thoái vị. Lúc đó dân số chính gốc Hawaiians chỉ còn 40 ngàn người, trở thành thiểu số so với người ngoại quốc nên không đủ sức hậu thuẩn cho bà. Ngày 17-1-1893 dưới thời Tổng thống Benjamin Harrison, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từ tàu Boston đổ bộ lên Honolulu với sứ mạng “bảo vệ người Mỹ”, chiếm quần đảo và chấm dứt chế độ vương triều của đất nước Hawaii. Thống đốc người Mỹ đầu tiên được bổ nhiệm cai trị Hawaii là Stanford Dole. Sau đó, Hawaii trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ. Tháng Giêng 1895, Queen Liliuokalani tổ chức một cuộc cách mạng để giành lại chủ quyền nhưng thất bại và bị an trí trong lâu đài Ionlani Palace cho đến khi bà qua đời năm 1917.
Thế chiến thứ hai bùng nổ năm 1939, Nhật chủ trương “Châu Á của người Á Châu”, nên sự hiện diện của người Mỹ trong Thái Bình Dương làm Nhật cảm thấy khó chịu. Lúc ấy Mỹ chưa tham chiến nhưng khi Nhật đổ bộ lên Triều Tiên và Trung Hoa khiến Mỹ tập trung một lực lượng tàu chiến đông đảo tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Sáng ngày 7-12-1941 hàng trăm phi cơ cảm tử Nhật xuất phát từ hàng không mẫu hạm đậu cách đó vài trăm dặm, tấn công Trân Châu Cảng. Mặc dù đã thấy đốm sáng trên ra-đa nhưng Mỹ ngỡ rằng đó là tàu Mỹ từ đất liền chạy ra.
Lửa khói ngụt trời và vì bị tấn công bất ngờ nên Mỹ đã thiệt mất 2,325 quân nhân, 188 chiến đấu cơ và 18 chiếc tàu chiến hạng nặng vừa chìm, vừa hư hại. Trận tấn công khiến Mỹ tuyên chiến với Nhật và nhập cuộc vào thế chiến thứ hai, kết thúc bằng hai quả bom nguyên tử khiến Nhật phải đầu hàng.
Ngày 21-8-1959, Tổng thống Eisenhower tuyên bố Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Hawaii có một vị trí chiến lược để khống chế vùng Đông Nam Á nên Mỹ ngày nay vẫn duy trì những căn cứ cũng là nơi dưỡng quân của Hoa Kỳ và Honolulu đã từng là nơi họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và VNCH, ảnh hưởng tới số phận của đất nước chúng ta.
Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét